Cuộc đàn áp dân ở Cồn Xanh ở Nam Định: Một Formosa thứ hai

Cuộc đàn áp dân ở Cồn Xanh ở Nam Định:
Một Formosa thứ hai

Cồn Xanh, vùng nuôi trồng hải sản lừng danh ở Nam Định đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ (Hình: báo Đại Đoàn Kết)


Viết Dũng

Người dân đang bị đàn áp, lấy đất, bị bắt bớ và giam cầm để bảo đảm cho dự án thép mới đang dần được hình thành. Đó là những gì đang xảy ra tại mảnh đất Cồn Xanh thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Vụ việc đang bị che giấu, nhưng dần được dư luận quan tâm bởi nguy cơ đầu độc môi trường đang lộ rõ tại vùng quê ven biển này.

Nỗi oan Cồn Xanh

Cồn Xanh có diện tích khoảng 800 ha, nhiều năm trước chính quyền địa phương cho khoảng 400 hộ dân đấu thầu, thuê khoảng 425 ha đầm canh tác nuôi thủy sản. Đến năm 2014, sau nhiều năm nuôi trồng thủy sản, hàng trăm hộ đã được cấp “giấy chứng nhận kinh tế trang trại.” Vùng đất này nghiễm nhiên là nơi sản xuất, sinh sống của người dân.

Đến Tháng Mười Một năm 2021, UBND tỉnh Nam Định được mời gọi biến nơi này thành dự án công nghiệp cán thép cho Tập đoàn Xuân Thiện – một “đại gia đỏ” với nhiều nhánh làm ăn lớn ở Ninh Bình, Nam Định. Món lợi do tập đoàn này đưa ra, quá hời so với việc sản xuất thủy sản của dân chúng sống trong vùng, nên tỉnh đột ngột ban hành hàng loạt các quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại khu vực Cồn Xanh, có nghĩa ngừng việc làm ăn sinh sống của hàng ngàn dân cư ở đây.

UBND tỉnh Nam Định đơn phương ra thông báo thu hồi giải phóng mặt bằng để phục vụ việc đầu tư dự án xây dựng nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng của Công ty cổ phần Xuân Thiện Nghĩa Hưng, bất chấp trước đó đã ra tuyên bố quy hoạch nuôi trồng thủy sản có “tầm nhìn đến 2030.” Thậm chí giấy phép đầu tư sản xuất, cấp cho người dân trước đó vẫn còn hiệu lực. Ủy ban Nam Định tuyên bố sẽ đơn phương chấm dứt tất cả các hợp đồng thuê đất vào năm 2022. Sau thời điểm đó, họ sẽ thu hồi đất và không đền bù.

Lập tức quyết định này vấp phải sự phản đối quyết liệt của những người dân đang canh tác tại khu vực đầm Cồn Xanh. Bởi vì khi dựng lên các dự án phát triển thủy hải sản, người dân đã đầu tư rất nhiều như sự nghiệp lâu dài, kể cả bỏ tiền xây dựng cầu, cống, đường bờ.

Bên cạnh đó, những vấn đề ô nhiễm cũng bị tỉnh phớt lờ. Trước đây vào năm 2016, người dân Việt Nam đã từng có kinh nghiệm đau thương với Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải độc ra biển, khiến đến nay hàng ngàn người mất việc, tha hương, biển vẫn chưa phục hồi.

Mức đầu tư của mỗi hộ từ vài ba tỷ, cho đến trăm tỷ, nay phải chịu mức vài chục triệu đồng/ha (Hình: Dân Việt)

‘Đối thoại’ với người dân bằng bạo lực

Dĩ nhiên, người dân bắt đầu tụ tập để đòi quyền lợi của mình. Thấy khó cho qua, nhà cầm quyền tỉnh Nam Định đã phải tổ chức đối thoại một số lần với dân chúng, kèm theo cam kết đền bù 30 triệu đồng/ha từ tập đoàn Xuân Thiện. Nhưng công an Nam Định cũng không quên trấn áp từng nhà, lên danh sách các thành phần “kích động” và chuẩn bị cho một cuộc đàn áp thẳng tay.

30 triệu đồng/ha là con số không thấm vào đâu so với sức đầu tư, nay đã thành của cải của dân chúng, nên họ lại phản đối. Để trừng phạt những người dân kiên cường đấu tranh, chính quyền Nam Định còn chơi trò bẩn là chỉ đạo cơ quan điện lực quyết định cắt, không cung cấp điện cho khu vực này nữa từ ngày 05 Tháng Ba năm 2024. Cực chẳng đã, người dân phải tự mua máy nổ phát điện và tích xăng để đổ vào máy phát.

Lúc nào ông chủ tịch tỉnh Nam Định, là Phạm Đình Nghị, cũng leo lẻo: “sẽ đối thoại đến cùng nếu người dân còn chưa thấy thỏa đáng.” Vậy mà vào 2 giờ sáng ngày 29 Tháng Bảy 2024, nhà cầm quyền huy động một lực lượng hàng trăm quân bao gồm cả Cơ Động, Giao Thông, Hình Sự và An Ninh để ập vào Cồn Xanh cưỡng chế.

Theo một video đăng tải trên trang FB cá nhân của nhà hoạt động Huệ Như, trước khi đàn áp, nhà cầm quyền luôn bật loa tuyên truyền: “Đề nghị các bà con hợp tác bàn giao đất cho Tập đoàn Xuân Thiện…,” “nếu công dân nào cản trở, chống đối, gây mất an ninh trật tự sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật…” Trước một lực lượng lớn công an được triển khai như vậy, những người dân tay không tấc sắt chỉ biết kêu lên hô lên vô vọng “về đi, về đi!”

Ủy ban Nam Định tuyên bố đã ra mức đền bù thỏa đáng, dĩ nhiên là thỏa đáng với số tiền mà tập đoàn tư bản đỏ Xuân Thiện thấy “thỏa đáng,” còn người dân thì chưa đúng. Nhưng bạo lực của chính quyền địa phương sau khi đã cấu kết món lợi từ phía đầu tư, đã đền bù “thỏa đáng” với người dân bằng bạo lực cưỡng chế.

Tiếng kêu cứu của người dân Cồn Xanh vang lên khắp trên TikTok, YouTube, Facebook… “Chính quyền Nam Định đang cấu kết với đại gia Xuân Thiện băm nát một vùng đất ven biển rất đẹp và bình yên. Tiếng kêu than ai oán cả một vùng quê.”

Hình ảnh cho thấy công an và cảnh sát cơ động đã khóa tay, áp chế người dân bất kể độ tuổi, thậm chí có những người dân còn bị nhà cầm quyền đưa lên xe thùng bằng cách xách hai tay hai chân như súc vật…

Sau cuộc đàn áp khốc liệt, những có vẻ không xong, nên Tập đoàn Xuân Thiện và UBND Nam Định quyết định “thỏa đáng” thêm, ở mức 70 triệu /ha. Nhưng người dân Cồn Xanh không phải đấu tranh cho tiền của riêng mình, mà còn đòi hỏi minh bạch cam kết về môi trường biển không bị bị hủy hoại.

Như một kịch bản quá quen thuộc ở Việt Nam, đưa tiền, cưỡng chế, rồi mặc nhiên hoành hành hủy hoại thiên nhiên, một hình ảnh của Formosa thứ hai đang chực chờ ở Cồn Xanh!

Viết Dũng

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209