Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Lào và Campuchia, điều gì đáng chú ý?

Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Lào và Campuchia,
điều gì đáng chú ý?

BBC
Chủ tịch nước Tô Lâm có chuyến công du Lào và Campuchia từ ngày 11 đến ngày 11 đến 13/7. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị chủ tịch nước.
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng xuống Lào và Campuchia, cũng như có nhiều bất đồng giữa Việt Nam và Campuchia liên quan đến kênh đào Phù Nam Techo.
Tháp tùng Chủ tịch nước Tô Lâm trong chuyến thăm có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; Bí thư Tỉnh ủy Quảng trị Lê Quang Tùng; Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng; Trợ lý Chủ tịch nước Tô Ân Xô.
Truyền thống
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào được xác định là mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa những người đồng chí, anh em.
Kể từ sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chọn Singapore và Malaysia cho các chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình vào năm 2011, các đời chủ tịch nước tiếp theo gồm Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng đều chọn Lào làm điểm đến đầu tiên.
Giờ đây, ông Tô Lâm giờ cũng không đi chệch ra khỏi truyền thống ấy.
Điều này khẳng định sự coi trọng của Hà Nội đối với đất nước láng giềng phía tây.
Mối quan hệ gần gũi giữa Lào và Việt Nam trước hết là quan hệ chính trị, xuất phát từ thời Pháp thuộc và với việc các đảng theo đường lối cộng sản đều lên nắm quyền tại mỗi quốc gia, mối quan hệ gần gũi ấy duy trì tới ngày nay.
Nhằm thắt chặt quan hệ, hai đảng và hai nước thường xuyên có những hoạt động giao lưu, trao đổi, đào tạo và nghiên cứu chung về chính trị và công tác quản lý.
Về kinh tế, theo Bộ Công Thương Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào năm 2023 đạt quy mô 1,65 tỷ USD. Con số này chỉ bằng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và bằng 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Phía Việt Nam đánh giá điều này là chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Để so sánh, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Lào đạt 7,09 tỷ USD trong năm 2023.
Còn thương mại hai chiều Thái Lan và Lào đạt 6,31 tỷ USD vào năm 2022.
Về đầu tư, tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào vào tháng 1/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết doanh nghiệp Việt Nam đến nay đã đầu tư vào Lào 245 dự án, có tổng vốn đăng ký khoảng 5,5 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 2,75 tỷ USD. Trong năm 2023, vốn đăng ký đầu tư sang Lào là 116,6 triệu USD, tăng 65,3% so với năm 2022.
Trong khi đó, theo thông tin do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy của Lào công bố hồi tháng 11/2023, các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia hơn 900 dự án khắp nước Lào, với tổng vốn hơn 13 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, sau khi Trung Quốc triển khai mạnh mẽ sáng kiến Vành đai và Con đường thì Lào trở thành một trong những mắt xích quan trọng của Trung Quốc tại Đông Nam Á.
Một trong những công trình mang tính biểu tượng cho mối quan hệ Lào – Trung Quốc là tuyến đường sắt tốc độ cao Boten-Viêng Chăn do Trung Quốc xây dựng từ biên giới Trung Quốc xuống thủ đô của Lào. Tuyến đường này kết nối đường sắt Lào với hệ thống đường sắt của Trung Quốc, giúp tăng cường giao thương giữa hai nước lên đáng kể.
Quan hệ kinh tế được tăng cường kéo theo quan hệ chính trị và cả an ninh, quốc phòng.
Trong thời điểm Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm ở thăm Lào, quân đội Trung Quốc và Lào đang tổ chức một cuộc tập trận chung gần Viêng Chăn.
Trong bối cảnh Việt Nam có nhiều mâu thuẫn với Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề ở Biển Đông, thì việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Lào hẳn khiến Việt Nam không được thoải mái.
Xung đột ngầm
Dù Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng xuống Lào, mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào cơ bản vẫn tốt đẹp, kể cả hình thức lẫn nội dung.
Trong khi đó, Việt Nam dường như không có được một mối quan hệ êm đẹp như vậy với Campuchia.
Bất chấp Việt Nam luôn nhấn mạnh tình hữu nghị giữa hai nước, cũng như nhắc lại cuộc chiến đánh đổ Khmer Đỏ, quan hệ Campuchia và Việt Nam vẫn có nhiều xung đột ngầm.
Và trong mối xung đột ấy, vai trò của Trung Quốc cũng hiện lên rõ rệt.
Ông Tô Lâm tới thăm Campuchia trong bối cảnh chỉ còn hơn ba tuần nữa là Campuchia khởi công xây kênh đào Phù Nam Techo.
Con kênh đào chiến lược này do nhà thầu Trung Quốc xây dựng và sẽ được khởi công vào ngày 5/8.
Trong thời gian qua, con kênh Phù Nam Techo là chủ đề của nhiều tranh cãi căng thẳng giữa Việt Nam và Campuchia.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tục lên tiếng đề nghị Campuchia công khai đầy đủ thông tin để có thể đánh giá các tác động môi trường trước khi khởi công.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Hun Sen và con trai của ông là Thủ tướng Hun Manet liên tục khẳng định đây là chuyện nội bộ của Campuchia, do đó nước này không có nghĩa vụ công bố với bên nào cả.
Về mặt chính thức, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ bày tỏ quan ngại về môi trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, con kênh này sẽ có nhiều tác động khác làm giảm ảnh hưởng của Việt Nam đối với Campuchia. Bởi lẽ, một khi có con kênh này, Campuchia sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào tuyến đường thủy xuôi theo sông Mekong, quá cảnh tại các cảng Việt Nam trước khi đi tới các thị trường quốc tế.
Một mối quan ngại khác cũng được các nhà nghiên cứu Việt Nam nêu ra, đó là kênh Phù Nam Techo có thể được sử dụng vào mục đích quân sự.
Bất chấp tất cả các quan ngại ấy từ Việt Nam, Campuchia vẫn quyết tâm với kế hoạch của mình.
Họ sẽ chính thức động thổ kênh đào Phù Nam Techo vào ngày 5/8 tới đây.
Một mối quan ngại khác về vai trò của Trung Quốc tại Campuchia là căn cứ quân sự tại cảng Ream, địa điểm chỉ cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chừng 30km.
Vai trò của Trung Quốc tại căn cứ này như thế nào vốn không được công khai, nhưng nhiều quan chức Mỹ và các nhà quan sát quốc tế, bao gồm cả Việt Nam, đánh giá rằng nếu Trung Quốc có quyền sử dụng quân cảng này thì sẽ rất bất lợi cho Việt Nam.
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt gần đây về vấn đề liên quan đến căn cứ Ream, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel Daniel K. Inouye (Mỹ) nói:
"Trung Quốc từ đó sẽ tạo sức ép cho Việt Nam, thêm hai mặt trận là biên giới phía bắc, và biên giới phía tây, đặc biệt với Campuchia, không kể thêm Lào nữa."
Nhà nghiên cứu Gregory B Poling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), khi nói về căn cứ Ream, cũng cho rằng:
"Tôi nghĩ cả Việt Nam và Thái Lan đều ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc tiến hành do thám từ căn cứ này. Điều này mang tính chất nghiêm trọng hơn đối với Việt Nam, vì Việt Nam đã phải đối mặt với các mối đe dọa của Trung Quốc từ hai mặt trận, từ biên giới trên bộ và từ Biển Đông như tại quần đảo Hoàng Sa."
"Có một mặt trận thứ ba, bị Trung Quốc do thám từ phía nam, là một vấn đề cho Việt Nam khi lực lượng quân sự Việt Nam cảm thấy bị bao vây."
Trong thời gian qua, Việt Nam luôn ra sức gìn giữ mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" với Campuchia.
Cựu Thủ tướng Hun Sen và con trai mình, Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet, luôn gọi Việt Nam là "láng giềng tốt".
Rõ ràng, lợi ích của cả hai quốc gia là duy trì hòa bình, hợp tác cùng phát triển.
Tuy nhiên, Việt Nam và Campuchia vẫn trầm tích nhiều mâu thuẫn ngầm, từ lịch sử xa xưa cho tới thời kỳ Việt Nam đóng quân tại Campuchia trong cuộc chiến với Khmer Đỏ, và giờ đây là các mâu thuẫn mới phát sinh.
Giáo sư Alexander L Vuving cũng nhắc đến làn sóng dân tộc chủ nghĩa, bài Việt Nam ở Campuchia góp phần kéo quốc gia này ngày càng xa rời tầm ảnh hưởng của Việt Nam và đã được giới chính trị gia tận dụng để lôi kéo sự ủng hộ của người dân.
Ngay cả Đảng Nhân dân Campuchia của ông Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet vốn được coi là thân thiết với Việt Nam vì những nguyên nhân lịch sử, thì giờ đây, trước áp lực dân tộc chủ nghĩa ở trong nước, ông Hun Sen và Hun Manet luôn tỏ ra giữ khoảng cách với Việt Nam. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo Campuchia chọn ngả về phía Trung Quốc, vì điều này cơ bản ít nhạy cảm hơn so với việc bị dán nhãn là thân Việt Nam.
Giáo sư Alexander L Vuving phân tích:
"Những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa thì họ sẽ có mối thù, là Việt Nam và Thái Lan chiếm đất của họ, rồi biến nước họ từ nước lớn thành nước nhỏ."
"Với các nhà lãnh đạo của Campuchia cưỡi lên được làn sóng của chủ nghĩa dân túy, rồi chủ nghĩa dân tộc, thì rất có lợi cho họ trong vấn đề bầu cử."
"Họ thường xuyên đưa vấn đề người Việt Nam ra làm con dê tế thần, tất cả các cuộc bầu cử của Campuchia, kể cả phe đối lập, phe cầm quyền của ông Hun Sen, đều muốn chứng tỏ cho dân chúng Campuchia rằng họ là người bảo vệ quyền lợi của Campuchia trước sự chèn ép, bắt nạt, bành trướng của Việt Nam và Thái Lan."
"Tôi sợ là vì việc các phe đấu nhau thế nào đó, mà họ mang Việt Nam ra làm con dê tế thần và dẫn đến gây ra xung đột này kia với Việt Nam.”
Việc chính quyền do Đảng Nhân dân Campuchia của ông Hun Sen lãnh đạo giữ khoảng cách với Việt Nam trong khi nghiêng dần về phía Trung Quốc cũng khiến nhiều người Việt Nam nổi giận.
Điều này cũng góp thêm lửa vào các cuộc tranh cãi. Mới đây, ông Hun Sen đã bày tỏ sự phẫn nộ, yêu cầu mở cuộc điều tra. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng nói rằng họ không ủng hộ các phát ngôn chỉ trích Campuchia trên mạng và rằng mối quan hệ hữu nghị hai nước là ưu tiên của Hà Nội.
Rõ ràng là mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia đã trở nên phức tạp hơn trong thời gian gần đây.
Việt Nam đang cố duy trì một mối quan hệ gần gũi cũng như cố gắng duy trì ảnh hưởng với quốc gia láng giềng.
Chuyến thăm của ông Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh ấy là một nỗ lực giúp Việt Nam níu giữ các ảnh hưởng ấy.
Tuy nhiên, có thể thấy tầm ảnh hưởng của Việt Nam đang dần trở nên yếu đi trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc.
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 215