Lá thư gởi bạn - Vẫn nhân việc bà Ngô Thị Mận
Bên bạn là ngày, nhưng nơi tôi đang sống đã bước sang giấc rạng sáng của một ngày mới. Khi đó, nó đã là lý do giúp chúng ta tạm kết thúc buổi nói chuyện cả hơn 2 tiếng trước đó mà vẫn chưa ngã ngũ. Tôi đành viết thêm ít dòng này để tiếp tục buổi nói chuyện dang dở của chúng ta.
Tôi vẫn thừa nhận với bạn về thiện cảm mà tôi dành cho bà ấy, không chỉ về dung mạo, mà nhất là về cử chỉ nghiêng mình chắp tay khi tiếp quốc khách. Chúng không chỉ thể hiện sự khiêm nhường mà còn là nét duyên dáng rất riêng của người phụ nữ. Với tư cách đàn ông, tôi thích điều đó.
Nhưng bày tỏ gì về bà ấy trong bối cảnh chồng vừa mất, thì cần có sự cân nhắc khi chúng ta vẫn là người thường xuyên lên tiếng về những vấn đề xã hội.
Thưa bạn, chúng ta đang sống trong một xã hội, mà nguyên tắc của một xã hội có pháp luật là ai làm nấy chịu. Chồng làm, chồng chịu (trách nhiệm), vợ không làm, không chịu (trách nhiệm).
Cộng sản giành chính quyền, quản lý, điều hành đất nước hiểu biết điều này không? Đương nhiên, chúng biết và biết rất rõ. Thế nhưng, chúng không hề tôn trọng.
Thực tế, có những việc chồng làm, chúng bắt giam hành hạ chồng đã đành, mà chúng còn hành hạ vợ, con cái cả gia đình người ta, không chỉ quấy nhiễu, chúng tìm cách triệt cả đường sống, gây sức ép đuổi ra khỏi nhà thuê, dọa nạt cha mẹ ngoài quê (riêng phần tôi biết, lên đến cả hàng trăm trường hợp)... Không chỉ thân nhân của họ, mà chúng đàn áp cả những người biểu lộ sự đồng tình với nạn nhân hoặc giúp đỡ họ (trường hợp cô Thúy Hạnh, người điều hành quỹ 50k). Có lần, tôi đã từng viết cảnh báo cộng đồng, có những bài viết nội dung vô thưởng, vô phạt, thế nhưng, tác giả vẫn gặp rầy rà với lực lượng an ninh chỉ vì những lời bình luận của người khác vào bài viết đó. Rồi những Đồng Tâm, Văn Giang, Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng... vẫn chưa khô máu và nước mắt. Có vụ, con trai bị bắt, họ bắt cả mẹ già và em trai rồi hành hung ngay trong cơ quan an ninh, đạp thẳng chân vào lưng bà cụ đến hộc máu, chết giấc (trường hợp admin trang Nhật Ký Yêu Nước)...
Không hung ác, tàn nhẫn như thế, không phải là Cộng sản! Tất cả những điều ấy, đều từ chủ trương, chính sách của chính chồng bà ấy, và nay, là di sản tội đồ.
Những người phụ nữ là vợ, là mẹ và các cháu nhỏ là nạn nhân bị chế độ đàn áp bất công vì chồng, con trai, cha của họ là người đấu tranh có đáng thương cảm không? Và có đáng thương cảm hơn không khi so sánh với bà Ngô Thị Mận?
Cộng sản, tuy chúng vô pháp, thế nhưng, không vì thế mà chúng ta phải vô pháp như chúng, từ bỏ cách hành xử văn minh để buộc "Quýt làm, cam chịu", hoặc để buộc bà Ngô Thị Mận phải chịu trách nhiệm về những tội lỗi tày trời của chồng bà ấy?
Dĩ nhiên, ngàn lần không, cho dù bà Ngô Thị Mận có thể không có tội, nhưng không phải hoàn toàn vô can khi "hồn nhiên" hưởng những lợi ích, bổng lộc, ưu đãi do tội ác của chồng mang lại.
Thương cảm bà ấy có thể là điều tự nhiên của tình cảm, nhưng khi thốt ra công khai trong bối cảnh chồng bà ấy, người vừa quá vãng, lại là một tên tội đồ dân tộc thì nó không còn thể hiện tình cảm thông thường nữa, mà nó thể hiện thái độ chính trị của bạn về thời cuộc. Hoặc ít ra, cũng là sự hời hợt, kém mẫn cảm về thời cuộc. Vì khi ấy, chẳng khác nào bạn bỡn cợt với chính những điều nghiêm túc mà bạn đã từng lên tiếng về xã hội. Không chỉ thế, bạn đang chà xát lên nỗi uất ức của hàng vạn đồng bào, là nạn nhân của chồng bà ấy.
Bạn lại có thể nại về quyền tự do ngôn luận, nhưng bạn quên rằng, chê trách bạn cũng lại là quyền tự do ngôn luận của công chúng, nhất là khi bạn khiến cho công chúng hiểu rằng bạn đang công khai ca tụng những gì thuộc về quỷ dữ.
Và đó mới là điều đáng nói. Cho nên, bạn có bị chê trách, tưởng cũng không hề oan uổng.
Chỉ là chọn thời điểm không đúng, mà chọn cho đúng, có khó lắm đâu nếu đủ lòng trắc ẩn đặt đúng nơi?
Thư bất tận ngôn và gởi bạn lời cầu chúc cũ: Bình an nơi xứ không bình an nhé.
Thân
DC, ngày 27/07/2024
Đặng Đình Mạnh
Nhận xét
Đăng nhận xét