TBT Nguyễn Phú Trọng yếu đến mức nào mà CTN Tô Lâm phải điều hành Đảng?
TBT Nguyễn Phú Trọng yếu đến mức nào
mà CTN Tô Lâm phải điều hành Đảng?
mà CTN Tô Lâm phải điều hành Đảng?
Theo thông báo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không còn điều hành các hoạt động của Đảng, thay vào đó là Chủ tịch nước Tô Lâm.
Một số nguồn tin giấu tên từ Hà Nội tiết lộ với BBC rằng, ông Trọng "đã rơi vào hôn mê sâu từ chiều hôm qua 17/7".
Cần lưu ý thêm rằng ông Trọng đã vắng mặt gần một tháng nay. Lần cuối ông xuất hiện trước công chúng là vào 20/6 khi tiếp Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội. Nhưng bất chấp những đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông Trọng, báo chí Việt Nam vẫn im lặng trong khoảng thời gian qua.
Báo Nikkei nhận xét sau khi Bộ Chính trị có thông báo về sức khỏe ông Trọng: "Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6, những hình ảnh ông Trọng do hãng thông tấn Nga chụp trông ốm yếu hơn trước, có thể do tác dụng phụ của thuốc."
Thông báo chính thức của Đảng về tình hình sức khỏe của tổng bí thư là một hành động hiếm hoi. Vì vậy, có thể thấy sức khỏe của ông Trọng đang trong tình trạng nguy kịch và thời gian qua ông đã phải "vừa điều hành công việc, vừa điều trị, chăm sóc sức khỏe".
Vì sao Chủ tịch nước Tô Lâm?
Việc ông Tô Lâm, chứ không phải Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, tạm thời thay thế vai trò của ông Trọng gợi ý rằng khả năng ông Tô Lâm sẽ làm tổng bí thư, một nhà quan sát đánh giá với BBC với điều kiện ẩn danh
Theo thông báo, Bộ Chính trị đã thống nhất chọn Chủ tịch nước Tô Lâm "chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư". Việc chủ trì các công việc của Đảng vốn là quyền hạn của tổng bí thư.
Trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam thì tổng bí thư là người đứng đầu đảng và thường trực Ban bí thư có vị trí và nhiệm vụ tương đương với một phó tổng bí thư. Nghĩa là khi tổng bí thư không thể điều hành Đảng thì thường trực ban bí thư sẽ tạm thay và làm quyền tổng bí thư.
Thế nhưng, Chủ tịch nước Tô Lâm - nguyên thủ quốc gia - lại là người được giao trọng trách "điều hành" Đảng khi sức khỏe của ông Trọng tạm thời không thể đảm đương trọng trách.
Về điểm này, một nguồn thạo tin nói với BBC News Tiếng Việt: "Trước khi hôn mê sâu vào chiều ngày 17/7 thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chọn ông Tô Lâm là người điều hành, sau đó Bộ Chính trị đã thống nhất."
"Cần lưu ý thông báo của Đảng dùng chữ 'điều hành', chứ không dùng từ 'quyền tổng bí thư' nên thường trực Ban Bí thư bị gạt ra ngoài và vì thế, Chủ tịch nước Tô Lâm đảm nhiệm là điều không có gì sai."
Nguồn tin cũng cho BBC biết rằng, trong số các thành viên trong Bộ Chính trị hiện tại thì có Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính là hai người đã làm trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị và đang trong nhiệm kỳ thứ hai.
Do đó, theo Quy định 214 của Bộ Chính trị, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính là đủ tiêu chuẩn để đảm đương trọng trách.
Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện tại, Thủ tướng Chính tiếp tục điều hành chính phủ để ổn định sẽ là điều hợp lý hơn. Nhưng quan trọng nhất, theo nguồn tin này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng Chủ tịch nước Tô Lâm vì ông Tô Lâm đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đốt lò chống tham nhũng của mình.
Cuộc chiến đốt lò của ông Trọng được giới chuyên gia, quan sát chính trị nhận định sẽ là di sản của ông.
Tiếp tới sẽ ra sao?
Lần xuất hiện gần đây nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước công chúng là trong buổi tiếp đón Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội vào 20/6, đến nay đã hơn ba tuần
Ngoài thông báo hiếm hoi của Đảng về sức khỏe của vị tổng bí thư 80 tuổi, một động thái khác khiến giới quan sát càng tin chắc rằng tổng bí thư đang trong tình trạng nguy kịch.
Cụ thể, ngay trước khi có thông tin về sức khỏe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông đã được tặng Huân chương Sao vàng.
Theo thông báo chính thức, Bộ Chính trị đã có Quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 18/7.
Chủ tịch nước Tô Lâm là người đã ký quyết định tặng thưởng.
Huân chương Sao Vàng là huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng cho các cá nhân có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Một nhà quan sát từ Hà Nội nói với BBC rằng, huân chương này là quan trọng nhất trong các huân chương và theo thông lệ, thường là để thưởng cho những cá nhân đã hoàn thành nhiệm vụ, hoặc đã qua đời. Ít nhất là từ năm 2009 tới nay, những cá nhân nhận Huân chương Sao Vàng đều là sau khi họ đã qua đời.
Việc đột nhiên Bộ Chính trị trao tặng huân chương này cho ông Trọng cùng với thông báo về việc ông Tô Lâm thay ông Trọng điều hành các công việc của Đảng cho thấy tình hình sức khỏe của ông Trọng thực sự rất yếu.
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là ai sẽ thay thế ông Trọng làm tổng bí thư cho đến khi Đại hội Đảng 14 diễn ra vào tháng 1/2026?
“Nhìn vào tình hình hiện tại, ông Lâm có cơ hội cao nhất để trở thành quyền bí thư đảng cho đến năm 2026,” theo ông Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia về chính trị Việt Nam từ Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, trả lời Reuters.
Theo Quy định 214 của Bộ Chính trị, tổng bí thư phải là người đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Một nhà quan sát từ Hà Nội giấu tên nói với BBC rằng, nếu ông Trọng qua đời, khả năng cao Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ lên thay.
"Sau hàng loạt sự rời ghế của các ủy viên Bộ Chính trị được đánh giá là có khả năng đua vào vị trí tổng bí thư gồm ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ, bà Trương Thị Mai (những người đều đã ở trong Bộ Chính trị một nhiệm kỳ trở lên), thì giờ chỉ còn ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính.
"Như đã phân tích, sẽ ổn định hơn nếu ông Chính tiếp tục điều hành chính phủ, còn ông Tô Lâm có thể kiêm nhiệm tổng bí thư và chủ tịch nước cùng lúc, như cách ông Trọng làm vào năm 2018 sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời," người này nói.
Tuy nhiên, theo nhà quan sát này, đây chỉ là sự sắp xếp tạm thời cho đến khi Đại hội 14 diễn ra, việc ông Tô Lâm có trở thành tổng bí thư vào khóa 14 hay không thì còn sớm để dự báo.
Với phương án tạm thời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ phải có hội nghị và bầu chọn, theo Điều lệ Đảng.
Chủ tịch nước Tô Lâm sinh ngày 10/7/1957, ông sẽ 68 tuổi vào thời điểm Đại hội 14 diễn ra. Nếu không tái ứng cử và đắc cử vào một năm vị trí gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng, thường trực Ban Bí thư - thì ông sẽ phải về hưu.
Bởi lẽ, chỉ có năm vị trí này mới được xét trường hợp đặc biệt.
Nhận xét
Đăng nhận xét