Hà Nội đẩy dân Việt vào ô nhiễm, đổi lấy tiền Trung Quốc

Hà Nội đẩy dân Việt vào ô nhiễm,
đổi lấy tiền Trung Quốc

Mai Trần

Bất chấp cam kết xanh tại COP26, Việt Nam vẫn đang “lún sâu” vào vòng xoáy phụ thuộc vào nhiệt điện than, với sự tham gia ngày càng rõ nét của các công ty Trung Quốc.

Số liệu cho thấy, nguồn vốn Trung Quốc chiếm một tỷ trọng lớn trong các dự án nhiệt điện than tại Việt Nam. Điển hình là dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 2 (Quảng Bình) với nhà thầu liên danh Geleximco – HUI (Công ty TNHH Hồng Kông United Investors Holding, công ty con của Tập đoàn năng lượng mới KAIDI Dương Quang, Trung Quốc).

Theo tính toán của Trung Tâm Phát Triển Và Đổi Mới Xanh GreenID, đến đầu năm 2017, 50% trong số gần $40 tỷ vốn đầu tư vào nhiệt điện than ở Việt Nam đến từ Trung Quốc tương đương $8 tỷ. Nhật Bản đứng thứ hai với 23% và Hàn Quốc đứng ngay sau với tỷ lệ 18%.

KAIDI Dương Quang không chỉ là nhà thầu, mà còn trực tiếp tham gia vào nhiều dự án nhiệt điện khác tại Việt Nam như: Nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh), Mạo Khê, Nông Sơn, Hải Dương…

Bên cạnh đó, các công ty kỹ thuật, mua sắm và xây dựng (EPC) của Trung Quốc, đã thông qua các khoản vay ngân hàng này, xây dựng 15 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động – An Khánh 1, Cao Ngạn, Cẩm Phả 1 và 2, Duyên Hải 1 và 3, Hải Phòng 1 và 2, Mạo Khê, Quảng Ninh 1 và 2, Sơn Đông, Uông Bí mở rộng, Vĩnh Tân 2 và Vũng Áng 1. Cũng như đã tham gia xây dựng 6 nhà máy khác là Hải Dương, Duyên Hải 2 và 3, Thái Bình 2, Thăng Long và Vĩnh Tân 1. Họ cũng đang có kế hoạch tham gia xây dựng Vĩnh Tân 3 và Vũng Áng 3.

Nhà máy nhiệt điện Hải Dương công suất 1,200 megawatt, tọa lạc tại tỉnh Hải Dương, phía bắc Trung Quốc, đang được Viện Thiết Kế Điện Lực Tây Nam của Trung Quốc và Công ty TNHH Kỹ thuật Quốc tế Tập Đoàn Tư Vấn Xây Dựng Điện Lực Trung Quốc xây dựng. Dự án xây dựng-vận hành-chuyển giao là khoản đầu tư tư nhân lớn nhất của Trung Quốc thuộc loại hình này tại Việt Nam.

Ông Trần Văn Quang, chuyên gia năng lượng cấp cao của một trong những tập đoàn quản lý quỹ nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chia sẻ với báo Đầu Tư Việt Nam VIR rằng các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, IFC, Ngân hàng Đầu tư Châu âu và KfW từ chối cung cấp tài chính cho dự án điện than tại Việt Nam do lo ngại về ô nhiễm môi trường.

Việc Trung Quốc rót vốn ồ ạt vào các dự án nhiệt điện than tại Việt Nam đang đặt ra nhiều câu hỏi về tính bền vững và cam kết của Việt Nam trong việc chuyển đổi năng lượng xanh. Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi phế liệu” cho các công nghệ và thiết bị cũ kỹ của nhà máy nhiệt than Trung Quốc.

“Trung Quốc thường cung cấp các khoản vay cho Việt Nam để phát triển các nhà máy điện than thông qua các thỏa thuận song phương và thông qua việc cung cấp các khoản vay cho các nhà đầu tư Trung Quốc để thực hiện các dự án này tại Việt Nam,” ông Quang cho biết. “Tôi cho rằng các khoản vay của Trung Quốc có nhiều mục đích, bao gồm đầu tư tài chính, mở rộng thị trường nước ngoài cho các công ty nhà nước Trung Quốc và xuất khẩu các công nghệ và thiết bị đã qua sử dụng sang các thị trường đó.”

Kaidi, Công ty TNHH Quản lý Tài sản Huarong của Trung Quốc và một công ty Việt Nam đã thành lập một quỹ đầu tư quốc tế với số vốn $15 tỷ dành riêng cho các dự án xây dựng tại Việt Nam.

Bóng đen nhiệt điện than: Việt Nam “bán rẻ” môi trường, bịt miệng người lên tiếng?

Trong khi sẵn sàng “trải thảm đỏ” dòng vốn đầu tư từ những dự án nhiệt điện than của Trung Quốc làm ô nhiễm môi trường trong nước bất chấp đã nhận tài trợ $15 tỷ để chuyển đổi năng lượng xanh từ các nước Phương Tây, chính phủ Việt Nam lại thẳng tay đàn áp những tiếng nói đấu tranh cho môi trường trong sạch.

Một trong những nạn nhân điển hình của sự đàn áp ấy là bà Ngụy Thị Khanh, người phụ nữ được vinh danh là “Anh hùng khí hậu,” người Việt Nam đầu tiên đã giành Giải Thưởng Môi Trường Goldman danh giá vào năm 2018 cho những đóng góp không biết mệt mỏi của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cắt giảm carbon.

Thế nhưng, cũng chính bà, người công dân chỉ vì lên tiếng về lo ngại ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, lại bị chính chính phủ cai trị đất nước mình kết án 24 tháng tù giam với tội danh “trốn thuế thu nhập cá nhân” – một cáo buộc vô lý khi tội này thông thường chỉ xét ở án dân sự chứ không phải hình sự và bị lên án bởi cộng đồng quốc tế. Bà đã được trả tự do sau 16 tháng tù giam, được cho là một phần của thỏa thuận chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, càng cho thấy rõ động cơ chính trị đằng sau vụ án.

Và đâu đó, trong bóng tối của nhà tù, những nhà hoạt động môi trường khác như ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Minh Hồng, bà Ngô Thị Tố Nhiên… vẫn đang phải chịu cảnh giam cầm chỉ vì dám lên tiếng bảo vệ môi trường, bảo vệ chính lá phổi của đất nước.

Ông Đặng Đình Bách, cũng là một nhà hoạt động môi trường bảo vệ cộng đồng yếu thế, người sáng lập Trung Tâm Luật Pháp Và Phát Triển Bền Vững (LPSD), đã dành hơn một thập kỷ để đồng hành cùng người dân trong các vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường. Bằng kiến thức chuyên môn và lòng nhiệt thành, ông đã hỗ trợ nhiều cộng đồng yếu thế bảo vệ môi trường sống của họ. Tuy nhiên, vào Tháng Sáu 2021, ông bị bắt giữ với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và “trốn thuế” – một bản án bị nhiều tổ chức quốc tế lên án là phi lý và có động cơ chính trị.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng cũng là một gương mặt quen thuộc trong lĩnh vực hoạt động môi trường tại Việt Nam. Bà là người sáng lập và điều hành CHANGE, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Bà Hồng được biết đến rộng rãi với các hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động chính sách về môi trường. Bà từng nhận được nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước cho những đóng góp tích cực của mình, có thể kể đến như danh hiệu “Forbes 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam” năm 2019, “Anh hùng khí hậu” do Climate Heroes bình chọn năm 2015 và đặc biệt là lời khen ngợi từ cựu Tổng Thống Mỹ Barack Obama trên Twitter cá nhân.

Vào Tháng Sáu 2023, bà Hồng bị cơ quan chức năng bắt giữ với cáo buộc trốn thuế. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà hoạt động môi trường khác tại Việt Nam cũng bị bắt giữ với cáo buộc tương tự, gây ra nhiều quan ngại trong dư luận về không gian hoạt động ngày càng bị thu hẹp của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

Gần đây nhất, bà Ngô Thị Tố Nhiên, là một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và là người đứng đầu tổ chức Sáng Kiến Về Chuyển Dịch Năng Lượng Việt Nam (VIETSE). Bà Nhiên từng có thời gian làm việc cho chính quyền Việt Nam trước khi tham gia vào lĩnh vực phi chính phủ. Trong vai trò lãnh đạo VIETSE, bà đã có nhiều hoạt động tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo tại Việt Nam, hợp tác chặt chẽ với cả chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, vào ngày 15 Tháng Chín 2023, bà Nhiên bất ngờ bị bắt giữ. Sau năm ngày tạm giam, cơ quan chức năng cáo buộc bà tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” và buộc VIETSE phải đóng cửa.

Hà Nội miệng thì cam kết, tay thì bắt bớ và ngăn chận

Sự thật phũ phàng đằng sau những cam kết “xanh” của Việt Nam chính là việc chính phủ phớt lờ vai trò của các tổ chức phi chính phủ (NGO) – những lực quan trọng trong việc tham vấn và giám sát độc lập trong cuộc chiến bảo vệ môi trường. Bản Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP dài hơn 200 trang cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, lại chỉ nhắc đến từ khóa “tổ chức phi chính phủ – NGO” đúng một lần duy nhất. Cam kết về cơ chế “tham vấn” trong thỏa thuận JETP trở thành lời hứa sáo rỗng khi mà tiếng nói của các NGO bị phớt lờ một cách trắng trợn.

Việt Nam đang đi vào “vết xe đổ” của Trung Quốc khi ưu tiên tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, dù phải đánh đổi bằng môi trường và sức khỏe của chính người dân. Hậu quả của mô hình phát triển thiếu bền vững này đang ngày càng hiện rõ với môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, tỷ lệ ung thư gia tăng và nhiều hệ lụy khác cho thế hệ tương lai. Việc chính quyền “bịt miệng” các nhà hoạt động môi trường chỉ càng cho thấy sự thiếu minh bạch và thái độ coi thường tiếng nói phản biện của họ.

Liệu Việt Nam có thể trở thành một xã hội công bằng, văn minh khi tiếng nói của người dân bị ngó lơ, quyền được sống trong môi trường trong lành bị tước đoạt? Đã đến lúc chính quyền cần hành động thiết thực để bảo vệ môi trường, lắng nghe tiếng nói của người dân và tạo điều kiện cho các NGO hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam bền vững và thịnh vượng thực sự.

Mai Trần

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 215