‘Chị Dậu’ ngày nay: Quá túng quẫn, mẹ tự tử để lại cho các con… 400 ngàn đồng

‘Chị Dậu’ ngày nay: Quá túng quẫn, mẹ tự tử
để lại cho các con… 400 ngàn đồng
Chị Bích ra đi, để lại 4 đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Đại diện chị Trang Võ (ở Mỹ) trao chút tiền giúp đỡ các cháu – Ảnh: VietnamNet

Lê Thiệt

Trong bộ môn văn học cấp trung học từ nhiều năm nay, học sinh được dạy tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Tác phẩm này được xem như đại diện cho nền văn học hiện thực phê phán với nội dung nói về cuộc sống khốn khổ của tầng lớp nông dân Việt Nam đầu thế kỷ XX dưới thời thực dân Pháp.

Đương nhiên, lồng vào đó, giáo viên sẽ ca ngợi cuộc sống hiện nay, “ấm no, hạnh phúc nhờ tài lãnh đạo của Đảng CSVN”.

“Tắt đèn” là một tác phẩm hư cấu, nói lên thân phận của người phụ nữ bị dồn đến đường cùng. Tuy vậy, cái “tiền đồ” của chị Dậu vẫn còn sáng hơn câu chuyện về chị Nguyễn Thị Bích và bốn đứa con của chị ngày nay, một người mẹ cùng quẫn đến nỗi phải tìm đến cái chết trong một chế độ tồi tệ hơn chế độ phong kiến gấp trăm lần.

Câu chuyện về gia đình chị Nguyễn Thị Bích (trú thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) không chỉ làm cho người ta rơi nước mắt, mà còn khơi dậy lòng căm phẫn…

Người ta kể, chồng chị Bích mất hồi năm trước, một mình chị, không nhà cửa mà còn tay xách, nách mang bốn đứa con gái. Đứa lớn nhất năm nay 18 tuổi, nhỏ nhất chưa đầy 2 tuổi. Thương xót mấy mẹ con, vợ chồng chị họ đã cho mượn căn nhà tạm bên vệ đường làm nơi tá túc, cũng là để chị Bích có chỗ buôn bán lặt vặt, kiếm tiền nuôi các con.

Mẹ mất, Oanh phải nghỉ học để ở nhà chăm cho ba đứa em thơ – Ảnh: VietnamNet

Cách đây gần 3 tháng, người dân thôn Diên Đại bàng hoàng hay tin chị Bích trong phút giây quẫn trí, đã dại dột quyết định tự tử. Gia tài duy nhất chị để lại cho bốn đứa con là 400 ngàn đồng trong túi chiếc áo bạc màu, chẳng đủ mua cái quan tài cho chị nằm. Hàng xóm xúm vào người góp công, người góp tiền lo ma chay cho chị.

Từ những đứa trẻ không cha, nay bốn đứa con mất luôn người mẹ, vốn là chỗ dựa duy nhất của cuộc đời. Trong tang lễ mẹ, Kiều Oanh, đứa con gái lớn của chị Bích, đã khóc đến lả người, thất thần nhìn các em, ngậm ngùi cho số phận bất hạnh của gia đình.

Chị Nguyễn Thị Hiền (em gái chị Bích) chia sẻ:

“Thương nhất vẫn là các cháu, đêm nào tôi cũng nghe tiếng khóc rấm rứt. Bọn nhỏ chưa hiểu chuyện thì hỏi ‘mẹ con mô rồi’, nghe mà buốt lòng”.

Dù thay chị gái gánh vác nuôi các cháu song với hoàn cảnh khó khăn hiện tại, chị Hiền chỉ có thể lo được bữa rau bữa cháo, khó mà cho bọn trẻ được đi học đầy đủ. Cháu Kiều Oanh đã lớn, có thể đi làm nhưng còn Linh, Như, Na vẫn cần đến trường, không biết tương lai các con sẽ ra sao.

Căn nhà nhỏ của bốn chị em Kiều Oanh được người thân cho mượn ở tạm – Ảnh: VietnamNet

Hỏi chính quyền xem có cách nào lo cho bốn đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ này không, thì một ông lãnh đạo UBND xã Phú Xuân (không dám nêu tên) nói, hoàn cảnh các cháu thật đặc biệt éo le, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, chứ còn chính quyền thì cũng chỉ dành sự quan tâm, chia sẻ với các cháu về… tinh thần thôi.

Mà chưa thấy hội phụ nữ, hội bảo vệ trẻ em nào lên tiếng giúp đỡ.

Viết đến đây, chợt nhớ câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay” mà thấy đau lòng.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025