Diễn Đàn Trái Chiều - Câu Chuyện Email

Diễn Đàn Trái Chiều
Chủ Trương Vũ Linh

Câu Chuyện Email 


    Khi kẻ này đặt chân đến nước Mỹ cách đây gần nửa thế kỷ, khi chưa ai nghe nói hay biết gì về email, danh từ này cũng chưa có trong bất cứ tự điển nào. Thế nhưng bây giờ, không ai không biết email là gì, thậm chí, tìm ra một người chưa từng đọc hay viết email ở xứ Mỹ này, bây giờ khó hơn đi tìm... ma trong nghĩa địa. Không phải không có nhưng không dễ!

    Email bây giờ đã trở thành một cách liên lạc mới, cần thiết đến độ không ai hiểu nổi trước đây, khi chưa có email, làm sao thiên hạ có thể sống được. Khoa học ngày nay hết sức lạ lùng, sáng chế ra thật nhiều thứ mà trước đây không có không sao, chẳng chết con ma nào, nhưng bây giờ bất thình lình không ai có thể sống được nếu không có. Như email, như điện thoại cầm tay, như computer, ...

    Những người có chút sinh hoạt cộng đồng như kẻ này chẳng hạn, mỗi ngày phải xóa cả bốn năm trăm emails trong hộp thư vì chẳng những không đọc hết nổi, mà nản hơn cả, hầu hết email là rác rưởi, không kể những quảng cáo thương mại linh tinh.

    Hiện tượng email phải nói cho chính xác, đã thành một thứ biểu tượng lớn nhất, tràn lan nhất trong thời đại computer hiện này. Không có email, 90% dân Mỹ ngày mai sẽ lăn ra chết hết.

    Nhu cầu email cũng tương tự như nhu cầu điện thoại cầm tay bây giờ. Khi kẻ này đặt chân đến nước Mỹ, cũng chẳng biết điện thoại cầm tay là gì. Khi đó, chỉ có mấy ông lính truyền tin biết điện thoại di động, gọi là máy truyền tin mang theo khi đi hành quân, to hơn cái va-li mà mấy ông lính phải khiêng trên lưng, với giây ăng-ten đài cả 2-3 thước, mà lại còn phải dùng mật mã vì cả thế giới, nhất là địch, cũng nghe được hết. Bây giờ, ở Mỹ, đứa con nít tiểu học cũng phải có điện thoại cầm tay để có thể gọi bố mẹ ngay khi cần thiết. Các ông, các bà, nhất là các cô, các cậu trẻ, ra khỏi nhà, cả chục phút sau sực nhớ quên iPhone cũng phải bằng mọi giá, hấp tấp chạy vội về nhà lại để lấy iPhone theo. Trong lịch sử 10.000 năm của nhân loại, chưa có một người nào chết vì không có điện thoại di động, nhưng bây giờ, ra khỏi nhà mà không có điện thoại di động sẽ chắc chắn chết bất đắc kỳ tử ngay. Điện thoại có chuông reo là đang hấp hối trên giường bệnh cũng phải cố thoi thóp chụp lấy nghe cho bằng được, nếu không thì chết không yên, không được đi gặp Steven Jobs. 

    Cái đáng nói nhất là điện thoại cầm tay đã trở thành vật tùy thân quan trọng nhất, không có không được. Lạ lùng nhất là cái vật dụng tối cần thiết để giúp liên lạc, phát triển quan hệ giữa người và người, lại trở thành một thứ kẻ thù phá vỡ quan hệ đó, Mỹ gọi là 'anti social'. Cứ nhìn vào một tiệm ăn: sẽ không có gì lạ nếu thấy bốn người ngồi ăn với nhau, chẳng ai nói chuyện với ai vì tất cả đều chú tâm quẹt quẹt điện thoại cầm tay của mỗi người. Thậm chí, một cặp tình nhân đang âu yếm tỏ tình, mà điện thoại cầm tay bất thình lình reo thì tỏ tình hay tỏ hận gì thì cũng phải tạm gác lại để nghe điện thoại.

    Trở lại câu chuyện email. 

    Không biết với những người khác thì sao, chứ kẻ này, mỗi ngày, ngày nào cũng vậy, bất kể đầu tuần hay cuối tuần, nghĩ lễ hay không, ngày nào cũng nhận trên dưới 4-500 email, trở thành chuyện... khá bực mình. Muốn xóa một lúc hết cho tiện lại không được vì lẫn lộn trong đó, dĩ nhiên cũng có không ít email quan trọng thật, cần đọc, cần biết thật.

    Đại khái, tính trung bình có ít ra khoảng một phần ba là email quảng cáo đủ loại, đủ kiểu, hai phần ba còn lại hầu hết là email vớ vẩn của những người thích tra tấn người khác bằng cách bắt thiên hạ đọc những ý kiến của mình, bất cần biết thiên hạ có muốn hay không. Trong 4-500 email đó, may ra có một hai chục cái thật sự cần đọc hay đáng đọc.

    Trước hết nói về email quảng cáo.

   Trong xứ Mỹ văn minh tiến bộ ngày nay, không còn cái gì gọi là bí mật, riêng tư cá nhân hết. Bạn mở computer, vào một trang mạng nào đó, bất kể trang mạng tin tức thời sự, hay trang mạng mua sắm online, hay trang mạng sex hay phim bộ Hàn Quốc,... trong vòng ba giây đồng hồ sau, đã có ngay cả ngàn công ty chuyên nghiên cứu khách hàng biết ngay bạn đang đọc cái gì. Trong vòng vài phút sau đó, cả ngàn máy computer đã phân tích ngay bạn là người như thế nào, bảo thủ, cấp tiến, da màu gì, già hay trẻ, thích mặc quần áo như thế nào, có xe gì, thích ăn món gì, đồng tính hay lưỡng giới, ở nhà lớn hay nhỏ, dùng điện thoại Samsung hay iPhone, thích nghe nhạc gì, đọc sách gì, đang ở đâu, tiểu bang nào, thành phố nào, bị bệnh gì, đang uống thuốc gì, đang muốn tìm hiểu về cái gì, muốn tìm mua cái gì, muốn đi du lịch đâu, vân vân và vân vân. Và trong vòng vài phút tiếp theo, những phân tích này của những công ty chuyên nghiệp, sẽ được chuyển gửi tới cả vạn, cả triệu công ty kinh doanh mua những tin này để họ tùy nghi sử dụng. Chẳng bao lâu sau, bạn sẽ nhận được ngay cả trăm, cả ngàn quảng cáo thích hợp nhất cho bạn, do computer phân tích ra và các công ty kinh doanh gửi tới hộp thư email của bạn, dụ dỗ bạn mua những gì bạn chưa bao giờ nghĩ tới, nhưng bất thình lình thấy thật cần, không mua không được. Cho dù bạn đã cài đặt computer của bạn để tự động chặn quảng cáo hay những cái gọi là spam, vẫn không ăn thua gì. Đó là cái giá phải trả để nhận được email của người thân hay bạn bè. Ráng chịu thôi.

    Ngoài những email quảng cáo ra, còn phần lớn là những email khác, khó chịu còn hơn xa email quảng cáo. Đó là những email của những người có cái tôi hơi lớn, nhất quyết muốn nhồi vào đầu thiên hạ những ý kiến của mình về một chuyện giời ơi đất hỡi nào đó, mà họ cho là ý kiến siêu hay, tuyệt đúng. Không cần hỏi ý kiến ai hết, không cần biết bạn có muốn đọc hay không, họ viết vài chữ vài câu, rồi tự mãn, gửi vào cả chục diễn đàn công cộng miễn phí, hay gửi tới danh sách cả trăm người nhận mà họ đã chịu khó thu thập, để rồi kết quả là bạn sẽ nhận được một ý kiến nào đó của một người nào đó, cả chục lần trong một ngày. Tất  cả mọi người, bất kể ai về bất cứ chuyện gì, đều bất thình thình trở thành phóng viên, nhà báo, dư luận viên, thầy cãi, nhà sư, linh mục,... tự cho mình quyền làm thông tin, phê bình, diễn giải, giảng đạo,... cho ta bà thế giới. Đi 'party' bị ka-ra-ô-kê tra tấn lỗ tai. Ở nhà, bị email tra tấn con mắt.

    Cái phiền toái nữa là có không ít người, trí tưởng tượng giới hạn, nhưng bị ám ảnh gì đó, nhất định viết đi viết lại cả trăm lần, cách này kiểu nọ, ngày này qua tháng nọ, cũng vẫn là vài ý kiến đường mòn cũ rích, nhai đi nhai lại, một vài điểm lập luận, viết một trăm bài, lập lại đủ một trăm lần những lập luận đó, thậm chí có nhiều người đi lục đống email cũ, viết từ cả mấy năm trước, phổ biến lại vì không có khả năng hay thời giờ viết cái gì mới, cập nhật hơn. Làm như thể thiên hạ rất kém thông minh hay tuyệt đối không có trí nhớ, nên một lập luận phải lập đi lập lại cả trăm lần, cả ngàn lần để họ may ra mới hiểu hay may ra khỏi quên, bất cần biết thiên hạ hết sức bực mình bị quăng rác vào nhà không ngừng. Cái này, xin lỗi quý độc giả, kẻ này gọi là ... cà lăm chữ nghĩa. Người nào lỡ dại nêu thắc mắc với những người này thì bảo đảm đúng là ... gãi đúng chỗ ngứa, cho họ cơ hội... lại viết lại những lập luận đường mòn nữa để nhồi tiếp vào đầu thiên hạ.

   Cái đáng nói là trong cái tự tôn của họ, họ tưởng tượng sẽ có tới 90 triệu dân Việt trong và ngoài nước sẽ tranh dành nhau thưởng thức ý kiến siêu việt của họ trong khi thật sự, may ra có được 9 người đọc. (Ghi chú: trước khi có vị nào sỉ vả Vũ Linh này cũng thích tung ý kiến cá nhân của mình ra cho thiên hạ biết, xin ghi nhận VL KHÔNG bao giờ gửi bài vở, ý kiến của mình qua email gửi trực tiếp cho từng người, hay gián tiếp qua vô số diễn đàn công cộng miễn phí, bắt họ phải đọc, mà VL chỉ viết trên diễn đàn này, ai muốn đọc thì vào diễn đàn chứ không 'bị' nhận và 'bị' bắt đọc qua email riêng).

    Đặc biệt đáng nói trong nhóm này, có vài con vẹt cuồng chống Trump, tháng này qua năm nọ, có vài chuyện chửi Trump lãng xẹc, gửi đi gửi lại, cho dù cả thế giới biết là tin phịa, kiểu như tố Trump trốn thuế, Trump hãm hiếp phụ nữ, Trump để COVID giết nửa triệu người, Trump xúi thiên hạ uống thuốc rửa cầu tiêu,... Đám này không phải là đám có cái tôi quá lớn như đám trên, nhưng là những đệ tử của Goebbels: cứ nhồi miết một ý kiến nào đó vào đầu người ta, mãi thì hy vọng cũng có người tin, bất kể phịa hay ngu tới đâu. Mà thật ra, với cái đám cuồng chống Trump này, đòi hỏi họ chống Trump bằng lập luận đa dạng, mới lạ, có ý nghĩa, nghiêm chỉnh và thuyết phục hơn, thì quá khó cho họ, quá cao so với hiểu biết và khả năng nhận định, lý luận của họ, họ với tay không tới.

   Dù sao, đó cũng là những email mang tính tích cực, đáp ứng nhu cầu của nhiều người, tuy bất cần biết thiên hạ có muốn đọc hay không. Tệ hại hơn nhiều, hệ thống email đã được nhiều người sử dụng như công cụ cá nhân đánh lộn, đấm đá nhau, thanh toán hận thù cá nhân, chửi bới nhau, tố cáo nhau đủ thứ tội kinh thiên động địa nhất, nhưng lại muốn cho cả nước biết. Thậm chí nhiều người vặn óc để tìm ra cho bằng được những câu chửi bới bẩn thỉu, thô tục nhất, 'phụ đề' bởi những hình photoshop dơ bẩn nhất. Chẳng những họ không thấy họ đang làm bẩn computer của thiên hạ, mà trái lại, còn hãnh diện, tự phục sao mình giàu trí tưởng tượng, nghĩ ra được những câu chửi bẩn đến vậy được, ghép được những bức hình nhớp nhúa như vậy, wá tài giỏi! Rồi hể hả tự thuyết phục chắc đối thủ đang tức hộc máu, sắp chết như Chu Du hết rồi. Cái lạ là không bao giờ họ nghĩ lại thiên hạ sẽ đánh giá tư cách của chính họ như thế nào. Cái may lớn nhất là người Mỹ không vào đọc cái rừng email của cộng đồng tị nạn chúng ta, chứ nếu họ vào đọc được thì... ê mặt cả đám.

    Mà cái quái lạ là những thanh toán hận thù cá nhân kiểu này đã lan qua chuyện... đấm đá vì khác biệt quan điểm chính trị. Bênh hay ghét Trump, bênh hay ghét Biden, ngay cả bênh hay ghét những chính khách hạng thấp hơn như bà Pelosi, hay ông McCarthy, thậm chí bênh hay ghét các chính khách Mỹ gốc Việt như Tạ Đức Trí hay Janet Nguyễn,... tất cả những ý kiến về những chuyện này cũng đều biến thành xung đột cá nhân, được tung lên mạng qua những email chửi rủa phần lớn rất ấu trĩ, trẻ con, phản ảnh một trình độ hiểu biết và lý luận cao chưa bằng ngọn cỏ dại sau vườn nhà, trong khi phần còn lại thì là những chửi rủa bậy bạ, thô bạo và thô tục nhất, đọc phát gớm. Nhẹ nhàng, lịch sự nhất thì cũng phải miệt thị người khác ý là ngu đần, là cuồng, dám khác ý với những người thông minh, sáng suốt như họ.

    Ngoài những email thật bực mình này, còn có một loại email khác tuy ít bực mình hơn, nhưng cũng thật phiền toái. Không biết tại sao hay từ đâu, tên kẻ này đã lọt vào nhiều diễn đàn hay nhóm hội riêng tư, nên thường xuyên nhận được email riêng tư của những nhóm đó, cho dù kẻ này chẳng liên quan xa gần gì đến những nhóm đó, chẳng quen chẳng biết ai trong đó. Và vì là nhóm riêng, nên họ thường trao đổi những email có tính riêng tư. Nhiều khi đọc 'cọp' thấy cũng vui vui, thỉnh thoảng đọc được chuyện lạ. Nhưng hầu hết cảm thấy thật nản, mất thời giờ, nhất là những email cáo phó, chia buồn, chia vui, tán tỉnh nhau, hay những email khoe nhà to cửa rộng mới tậu được, khoe con, khoe cháu, đứa thì mới biết đi, đứa thì kháu khỉnh giống bố như đúc, đứa thì mới đậu thủ khoa, đứa thì mới lập gia đình, lấy chồng bác sĩ, lấy vợ siêu giàu,... Toàn là những chuyện chẳng có hậu quả xa gần gì tới tôi mà tôi cũng chẳng muốn biết hay cần biết. Mới thấy nhiều người vẫn có cái tôi thật lớn, rất mê đấm ngực khoe lung tung, để rồi ngồi tưởng tượng chắc cả ngàn người đang phục lăn sao mình đáng phục wá dzậy. Và hiểu được sự thành công của tỷ phú Zuckerberg. Ông này hiểu được và đánh đúng tâm lý của cả trăm triệu người, luôn tìm cách đưa cái tôi lên cho thiên hạ biết, kiểu như khoe tôi là ai, đang làm gì, đang đi du lịch những đâu, có con cháu đẹp đẽ, thành công cỡ nào,... Zuckerberg tặng cho họ cái công cụ tự khoe là mở ra trang mạng xã hội facebook, có ngay cả tỷ người sử dụng, biến Zuckerberg thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới trong thời gian ngắn nhất. Kẻ này thú nhận khác Zuckerberg, không thích biết chuyện thiên hạ. Bởi vậy mới nghèo mạt rệp chứ không thành tỷ phú.

    Còn một loại email nữa, ngán ngẩm không thua gì. Đó là loại email dạy đời, dạy khôn, dạy cách xử thế, hay nôm na ra, giảng đạo về cách sống cho phải đạo. Xin các cụ, làm ơn tự giảng dạy mình trước, hay đóng cửa nhà, giảng dạy vợ, dạy chồng, dạy con cái trước khi tung email lên giảng dạy thiên hạ. Rất đa tạ.

    Có nhiều người còn ma mãnh hơn nữa. Lựa một email nào đó, nhìn vào đề tài -subject- có vẻ hấp dẩn, nhìn vào danh sách người nhận dài lê thê, thế là họ nhẩy vào, bấm nút 'Reply all', nhét email của mình vào dù chẳng liên quan xa gần gì đến đề tài chính của email, rồi bấm 'Send'. Thế là ép cả trăm người đọc chuyện vớ vẩn của mình. Kẻ này không nói oan đâu: đây là 'chiến thuật' sở trường của vài ông muốn khai thác để rao giảng chuyện tôn giáo mà họ biết trước chẳng mấy ai để ý trong thời buổi lo chạy cơm gạo ngày nay. Rao giảng chuyện tôn giáo kiểu này chỉ là cho Đức Phật, Đức Chúa và cả các bà Thánh Mẫu nào đó buồn năm phút.

    Điểm đáng nói là các diễn đàn chung của cộng đồng. Các ông chủ diễn đàn này, vì lờ mờ chẳng hiểu 'tự do ngôn luận' là gì nên cứ nhận được  email nào là hấp tấp tung lên diễn đàn ngay, tuyệt đối không kiểm duyệt gì, đăng hết ráo, bất kể thô tục bẩn thỉu đến đâu, thậm chí đăng luôn nhưng tuyên truyền của dư lợn viên VC, nhân danh 'tôn trọng quyền tự do ngôn luận', trong khi trên thực tế chỉ là biểu diễn tinh thần vô trách nhiệm của chính mình.    

    Đúng ra, trong cái xứ Mỹ, thành đồng của tự do ngôn luận này, quý vị muốn viết gì là quyền tự do của quý vị. Quý vị tha hồ viết chuyện nghiêm chỉnh, chuyện tào lao, chuyện thanh, chuyện tục,... chẳng ai có quyền cấm cản gì. Thế nhưng cái quyền tự do của quý vị, dù sao cũng có giới hạn. Cái giới hạn đó là quý vị không có quyền tự do 'thoải mái' liệng rác vào nhà tôi. Nghĩa là quý vị không có quyền tự do gửi email loạn xạ vào hộp thư của tôi. Tôi không dám gây gỗ gì với ai, chỉ dám xin quý vị không quen biết gì với tôi, làm ơn bỏ tên tôi ra khỏi danh sách những người nhận, nhất là những email thanh toán ân oán riêng tư, chửi bới nhau của quý vị, hay những email chia sẻ hỷ nộ ái ố riêng tư của quý vị, khoe con, khoe cháu, và đặc biệt nhất là những email thô tục bẩn thỉu. Chỉ có thế thôi. Trước sau gì, tôi cũng chẳng đọc, kể cả những email chụp mũ người này Việt cộng, kẻ kia Việt gian, vì chụp mũ là môn thể thao chính trị sở trường của cộng đồng Việt tị nạn. Quý vị bỏ tên tôi ra chỉ giúp tôi đỡ mệt phải xóa cả trăm email mỗi ngày.

    Phải nói ngay tôi cũng đủ thực tế để hiểu lời xin của tôi cũng như tiếng dế kêu trong sa mạc, và những người mắc bệnh gửi email tứ tung, sẽ tiếp tục gửi, chẳng một ai suy nghĩ lại nửa giây đồng hồ, rồi đi tìm tên tôi để xóa khỏi danh sách người nhận. Nhưng chuyện phải nói lên vẫn phải nói, nói giùm cho cả ngàn, cả vạn người như tôi bị email tra tấn mỗi ngày. Biết đâu trời thương, sẽ có MỘT người bỏ tên tôi ra, không gửi email vớ vẩn cho tôi nữa.

    Công bằng mà nói, trong cả rừng email đó, cũng có không ít email hữu ích mà kẻ này học hỏi thêm được nhiều chuyện, đáng tiếc nhiều khi bị thất lạc trong cái rừng email rừng rú. Nếu những người sử dụng email biết tự chế hơn, giảm thiểu số ý kiến muốn nhét vào đầu thiên hạ, hay ngưng dùng email để thanh toán tư thù cá nhân, hay biết tự trọng, không dùng ngôn ngữ khiếm nhã quá đáng thì cũng hay hơn, giúp ích cho cộng đồng tị nạn chúng ta nhiều hơn. Nhất là nếu các chủ diễn đàn công cộng có tinh thần trách nhiệm cao hơn.

DĐTC Vũ Linh


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025