Từ xung đột Israel-Hamas 2023 nhìn lại cú sốc xăng dầu 1973 và số phận VNCH

Từ xung đột Israel-Hamas 2023
nhìn lại cú sốc xăng dầu 1973 và số phận VNCH
Một cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza hôm 9/10/2023
Tiến Sỹ Nguyễn Tiến Hưng
Mùa thu là mùa êm đềm, lãng mạn, gợi cảm hứng cho thơ ca nhưng mùa Thu năm nay, 2023 thì lòng người mọi nơi lo lắng vì cuộc tấn công của Hamas vào Israel đẩy giá dầu thô lên tới 95 USD một thùng và nguy cơ chiến tranh lan rộng đang tăng.
Ngày 9/10/2023 BBC Tiếng Việt thông báo: giá dầu tăng 4% (2,5 USD) vào ngày đầu tuần sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel.
Với tôi, biến cố mùa Thu 2023 ghi dấu kỷ niệm 50 năm biến cố mùa Thu 1973.
Cả hai cùng xảy ra vào mùa lễ nghỉ Yom Kippur của đạo Do Thái, cùng vào ngày thứ Bảy trong tuần, cả hai lần Israel đều bị tấn công bất ngờ vì hệ thống tình báo có lỗ hổng.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel đang ở trong tình trạng chiến tranh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani đã ca ngợi Hamas còn Mỹ đã đưa hàng không mẫu hạm USS Gerald D. Ford vào Địa Trung Hải.
Giá dầu lửa tăng vọt hiện nay và viễn tượng đen tối về ảnh hưởng của xung đột mùa Thu 2023 ở miền Trung Đông gợi lại cho chúng tôi cuộc chiến Yum Kippur mùa Thu 1973 và ảnh hưởng tàn phá của nó mà chúng tôi đã chứng kiến ở Sài Gòn.
***
Khói đen bốc lên sau khi Israel nã bom vào gần Damascus hôm 12/10/1973, trong cuộc chiến Ả-Rập - Israel 1973
Cuối hè vào thu năm 1973, tình hình kinh tế, quân sự tại miền Nam Việt Nam có bề tiến bộ. Tình hình tương đối lắng dịu. Ảnh hưởng cuộc tấn công ‘mùa hè đỏ lửa’ coi như đã được khắc phục, công việc tái định cư đoàn người di tản từ vĩ tuyến đang tiến hành khả quan, sản xuất thóc gạo lên gần bảy triệu tấn (cao hơn mức 1966 là 63%). Xuất cảng bắt đầu vươn lên, và ngân sách bắt đầu tăng nguồn thu nội địa.
Bước sang Thu, Miền Nam thấy có chút ánh sáng cuối đường hầm.
Bất chợt, chiến tranh Israel - Ả Rập bùng nổ. Chẳng khác gì một trận động đất lớn tới '8 độ Richter', sức rung chuyển của nó dữ dội.
Nhưng Israel - Ả Rập ở xa Việt Nam tới bao nhiêu ngàn dặm, đâu có vấn đề gì?
Ấy thế mà độ rung của nó lại thành ra cú sốc làm xiêu nhà đổ cửa, báo hiệu một khủng hoảng lớn đang hiện ra dưới chân trời.
Trận chiến Trung Đông
Ngày 6/10/1973, có tin giao tranh tại Trung Đông.
Thoạt đầu nhiều người cho là chuyện không quá quan trọng. Từ bao nhiêu thế kỷ rồi, mấy anh em cùng một Tổ Phụ Abraham nhưng họ có thương yêu gì nhau đâu. Ngược lại còn xung khắc hết đời này sang đời khác.
Sáu năm trước đó, vào tháng 6/1967 cũng đã có trận lớn: Israel lấn chiếm vùng đất Sinai và Cao nguyên Golan (Golan Heights) để ‘dạy cho Ai Cập một bài học.’ Nhưng trong trận này, ngoài khối Ả Rập, ít nước khác bị ảnh hưởng kinh tế vì cuộc chiến.
Kể từ năm đó, quân đội Israel được tân trang, ngày một lớn mạnh, lại có Mỹ đứng sau. Israel bắt đầu coi thường khối Ả Rập.
Thế nhưng, sự việc bất ngờ đã xảy ra.
Vào ngày Yom Kippur năm 1973, khối Ả Rập bất chợt tấn công. Yum Kippur là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Israel, ngày Lễ Hối lỗi "Atonement," một ngày để ăn chay, suy ngẫm. Ngày đó, giống như Lễ Tro của đạo Công Giáo, là ngày nhắc nhở cho con người rằng mình chỉ là cát bụi và cũng sẽ trở về với cát bụi.
Đúng giờ dân Israel đang cầu kinh thì quân đội Ai Cập và Syria đồng loạt khai hỏa.
Từ phía Tây, quân đội Ai cập qua nhiều ngả, tràn sang kênh Suez, theo dọc từ Port Said ven bờ Địa Trung Hải xuống tới vùng Vịnh, đánh vào miền Sinai (đất Israel chiếm năm 1967).
Ai Cập tấn công từ phía Tây, đánh vào vùng Sinai
Về phía Tây Bắc, quân đội Syria đánh bọc qua vùng phi quân sự, tiến vào Cao nguyên Golan (cũng là đất chiếm 1967).
Sirya tấn công từ phía Tây Bắc tiến vào Cao nguyên Golan
Dù đã có tình báo từ hè 1973 là khối Ả Rập chuyển quân về biên giới, nhưng Israel cứ tưởng là họ chỉ thao diễn tập dượt.
Yếu tố bất ngờ làm Israel lúng túng ngay ngày đầu khi Ai Cập lập được một phòng tuyến vào sâu trên năm dặm và Syria vào tới vùng Cao nguyên Golan.
Từ ngày thứ hai thì Israel bắt đầu phản công. Nhưng lần này khác với trận 1967: Ai Cập có hoả tiễn phòng không SAM do Liên Xô viện trợ.
Trận chiến vừa bắt đầu thì có ngay cầu không vận Liên Xô tiếp tế cho Ai Cập và Syria. Chỉ trong một ngày, Israel thiệt 35 máy bay oanh tạc cỡ nặng và sau ba ngày, số tử thương đã lên tới 1.000 trong khi cả cuộc chiến 1967 chỉ mất 700 mạng. Lực lượng thiết giáp tiêu hao mất gần một phần ba.
Israel cầu cứu Hoa Kỳ
Để so sánh với trường hợp VNCH cầu cứu đồng minh Hoa Kỳ khi bị tổng tấn công năm 1975, ta thử nhìn lại lịch sử xem Mỹ đã hành động như thế nào khi Israel lâm trận.
Trước những thất bại bất ngờ, Thủ tướng Israel Golda Meir vội vàng cầu cứu Hoa Kỳ. TT Richard Nixon liền ra lệnh thay thế toàn bộ tổn thất cho Israel.
Vào lúc đó, ông Nixon đang mất ăn mất ngủ vì vụ Watergate, thế mà tại sao Washington lại hăng hái can thiệp? Đó là vì tuy bản thân ông Nixon đang bối rối nhưng đằng sau ông đã có Bộ Trưởng Ngoại Giao kiêm Cố Vấn An Ninh Henry Kissinger rất tỉnh táo và vững mạnh.
Hoa Kỳ tiếp cứu Israel
Thế là vào lúc ba giờ chiều ngày 13/10/1973, cầu không vận Mỹ-Israel gọi là “Chiến dịch Nickel Grass” bắt đầu: đủ loại phi cơ chuyên chở được sử dụng, C5-A, C-130, C-141. Mỗi ngày có tới 20 chuyến bay chở 1.000 tấn đạn dược, quân cụ. Trong vòng mấy tuần, có tới 550 chuyến bay, một cuộc tiếp liệu còn lớn hơn cả cầu không vận Berlin trong thời gian 1948-1969.
Với phương tiện ồ ạt, mau lẹ, Israel lên tinh thần, chớp nhoáng chuyển sang thế công.
Chỉ hơn ba tuần sau, khối Ả Rập đã phải ký một Hiệp định ngưng chiến.
Cú 'sốc' nặng nhất rơi ngay vào Nam Việt Nam
Tuy cuộc chiến kết thúc, hậu quả của nó cứ kéo dài lê thê vì khối Ả Rập dùng dầu lửa làm khí giới để trả đũa.
Ngày 17/10/1973, OPEC họp tại Kuwait quyết định tăng giá dầu thô lên gấp bốn lần: Một thùng dầu thô đang từ 4 USD nhảy vọt lên 12 USD. Rồi trong bảy năm tiếp theo, giá dầu tăng lên tới 50 USD; lãi suất từ 6,5% lên 18%; và vàng từ $42 lên $87.
Tại Mỹ, xăng khan hiếm, lạm phát tăng cao và các nước hậu tiến phải gánh chịu hậu quả lớn lao. Bao nhiêu 'Kế hoạch ngũ niên' đều bị vô hiệu hóa. Vật giá leo thang thật nhanh, lạm phát phi mã lan tràn khắp nơi.
VNDCCH không bị ảnh hưởng vì Liên Xô vẫn cung cấp lượng dầu viện trợ như đã được ấn định hằng năm. Còn đối với Việt Nam Cộng Hòa thì ngược lại: phải gánh chịu cú 'sốc' nặng nề.
Vì sao lại như vậy?
Tại Bộ Kế Hoạch năm ấy, chúng tôi đã phân tích tình huống này hết sức rõ ràng cho chính phủ.
Có ba lý do chính được tóm tắt vắn gọn như sau:
Thứ nhất, nền kinh tế Miền Nam lệ thuộc quá nhiều vào việc nhập cảng một số sản phẩm thuộc vào loại bị ảnh hưởng tăng giá nhiều nhất như xăng, nhớt, dầu khí, dầu diesel, gạo, phân bón, đường, xi măng, sắt thép, máy móc, thiết bị. Mấy mặt hàng này trung bình tăng giá 80%. Chúng lại là những hàng chiếm tới gần 40% tổng số nhập cảng của Việt Nam;
Thứ hai, các nước khác tuy phải nhập xăng nhớt đắt đỏ, nhưng còn có thể gỡ lại được phần nào khi hàng xuất cảng của họ cũng tăng giá lên theo. Còn ở Miền Nam thì lại khác. Khả năng của Đồng Bằng Cửu Long là vựa lúa của cả Đông Nam Á trong thời bình đã biến đi mất. Năm 1963 là năm cuối cùng xuất cảng được ít gạo (63.000 tấn), từ đó chỉ còn xuất lai rai chút ít như cao su, trà, tôm cá, lông vịt, gỗ quý.
Thứ ba, nhập cảng chiếm tới một phần ba tổng sản phẩm quốc nội. Có nghĩa là khi có cú 'sốc' làm tăng giá nguyên liệu nhập cảng thì ảnh hưởng của nó sẽ lan tràn ra mọi lãnh vực sản xuất. Khi giá phân bón, thuốc trừ sâu nhập vào tăng lên, giá gạo phải lên theo; giá bông gòn nhập vào tăng lên, sẽ kéo theo giá vải vóc, rồi giá quần áo. Và cứ như thế mà theo nhau. Cuối năm 1973, trung bình, giá nhập cảng đã tăng lên gần 50%.
Giá tiêu thụ nhảy vọt lên 66%, phản ảnh mức lạm phát phi mã chưa từng có dù giữa một cuộc chiến. Nguyên việc giá gạo tăng mạnh cũng đã ảnh hưởng sâu đậm tới tinh thần người dân, đặc biệt là quân đội. Một người lính trung bình được lĩnh 20.000 dồng Việt Nam một tháng, sau khi mua gạo cho gia đình thì chẳng còn bao nhiêu để mua thực phẩm, thuốc men, chi tiêu; chưa nói tới nhà cửa, giáo dục, giải trí.
Tinh thần quân, dân bắt đầu lung lay trước đại họa đến từ Trung Đông “Cơn đằng Đông vùa trông vừa chạy…” - đối với người nông dân Việt Nam thì khi thấy có những đám mây đen ùn ùn kéo tới từ phía Đông thì đó là dấu hiệu mưa lớn sắp ập tới.
Trong các năm 1970, 1971, Tây Ninh đã là nơi các trận giao tranh ác liệt giữa lực lượng cộng sản với quân đội Hoa Kỳ và quân lực VNCH - ảnh tư liệu từ giai đoạn trước 1973
Chạy gạo sống qua ngày
Từ mùa Thu 1973, về mặt kinh tế, công tác nặng nề nhất của Chính phủ là phải lo giải quyết thóc gạo, một vấn đề phải đối mặt với ba cái khó khăn: sản xuất, phân phối, và điều hòa giá cả.
Sản xuất: ngoài sự bất ổn là thời tiết như lũ lụt, hạn hán là yếu tố chung cho nông nghiệp, còn vấn đề giá phân bón, thuốc sát trùng, xăng nhớt để bơm nước vào và rút nước ra. Khi giá xăng nhớt tăng thì giá mấy loại ‘đầu vào’ này vùn vụt tăng theo, ảnh hưởng đến sản xuất. Ở Miền Nam (và những nước nhận viện trợ thực phẩm của Mỹ) thì lại còn một vấn đề nhức đầu nữa: sự chênh lêch về giá gạo. Mỹ viện trợ hàng năm một lượng gạo lớn trong chương trình "Thực phẩm phụng sự hoà bình" (Food for Peace).
Nhưng gạo Mỹ chất lượng tốt vì kỹ thuật chế biến cao so với gạo nội địa. Chính phủ muốn đặc biệt nâng đỡ quân, công, cán, chính, nên khi bán gạo thì giá gạo Mỹ có lúc lại rẻ hơn giá gạo nội địa. Như vậy thì làm sao nông dân cạnh tranh được? Ảnh hưởng này tác động ngay tới sản xuất. Mà chính sách của chính phủ là khuyến khích tăng gia sản xuất, tự túc tự cường.
Phân phối: khó khăn về việc vận chuyển gạo thóc từ Đồng bằng sông Cửu Long lên Sàigòn vì chi phí vận chuyển cao. Ngoài giá xăng nhớt, xe chở gạo lại phải đi qua phà nên thường bị ách tắc. Chiều ngang con sông Cửu Long rộng mênh mông, có chỗ lên tới nửa cây số. Nhưng với bất cứ giá nào thì cũng phải bảo đảm cho mỗi quân nhân có được 21 ký gạo một tháng. Riêng đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn, phải cung cấp cho đủ 25.000 tấn một tháng.
Điều hoà giá cả: thị trường ở các nước hậu tiến đâu có thông thoáng "tự do" như các nước tiền tiến, nhất là ở trong hoàn cảnh chiến tranh? Khi giá dầu lửa tăng nhanh thì lạm phát theo sát nút.
Muốn yểm trợ người có đồng lương cố định như công chức, quân nhân thì chính phủ phải kềm giá lại, tức là phải " kiểm soát giá cả." Kiểm soát tức là định ra giá. Mà làm sao định được giá? Nếu giá chính thức thấp hơn giá thị trường (giá thực) thì chợ đen hoành hành không giới hạn. Vậy phải mò theo thị trường mà định giá.
Nhưng thị trường thay đổi hằng ngày. Giá chính phủ ngày hôm nay có thể là đúng nhưng ngày mai là trật rồi. Ngoài ra, giá trên thị trường rối ren ví tắc nghẽn về chuyển vận, đầu cơ, tích trữ, làm giá, cho nên có nhiều giá gạo khác nhau cùng một lúc. Thí dụ như cuối 1973 đầu 1974, giá gạo Mỹ là 14.000 đồng một tạ, gạo nội địa Đồng bằng sông Cửu Long: 18.000 đồng; ở các địa phương khác: 25.000 đồng.
Tình trạng này đòi phải điều chỉnh để cân bằng cung cầu. Nhưng mỗi lần điều chỉnh là có vấn đề: nâng giá lên thì gây bất ổn cho đời sống quân, công; hạ giá xuống thì thiệt cho nông dân. Chưa xong, nếu điều chỉnh giá gạo thì phải điều chỉnh cả giá phân bón. Nguyên vấn đề "phân" cũng đã được báo chí ở Sàigòn bình luận không ít: nhập phân, chia phân, thiếu phân, giá phân, đầu cơ phân, tham nhũng…
Một người phụ nữ ngồi bán lẻ xăng gần sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày gần cuối năm 1973
Khủng hoảng dầu lửa mùa Thu năm 1973 đã làm yếu hẳn đi những tiềm năng còn lại của nền kinh tế Miền Nam sau một cuộc chiến khốc liệt kéo dài.
Cú sốc dầu lửa còn ảnh hưởng tới quân sự: nó làm mất đi phần lớn những kết quả của chương trình "Việt Nam Hóa."
Trong kế hoạch giải kết vai trò chiến đấu của Hoa Kỳ (De- Americanization of the war) tại chiến trường Miền Nam, một chương trình gọi là "Việt Nam Hóa" bắt đầu được thực hiện vào giữa năm 1969.
Chương trình này giúp canh tân quân lực Việt Nam Cộng Hòa để có được khả năng tự bảo vệ. Tuy nhiên nó có nhược điểm là việc canh tân lại được phỏng theo mô hình quân đội Hoa Kỳ. Đó là ‘đánh giặc kiểu nhà giàu.’
Theo mô hình này, quân đội Miền Nam tiếp tục dựa vào hai yếu tố chính: hoả lực và di động tính (fire power and mobility). Hoả lực thì luôn cần bom đạn; và về di động tính: luôn cần xăng nhớt cho trực thăng. Đó là chưa kể những vật liệu bảo trì cho quân cụ.
Hai năm sau, vào mùa Thu 1975, VNCH đã không còn tồn tại... Lịch sử miền Nam đã xảy ra như chúng ta đều đã biết.
Mùa thu năm 1973 đã đến với nhân dân Miền Nam như một cơn ác mộng. Bên ngoài thì cứ cho là hậu chiến, nhưng bên trong thì rõ ràng là tiền chiến: sửa soạn cho một cuộc khủng hoảng đã bắt đầu hiện ra ở cuối chân trời. Tưởng chẳng dính líu gì tới Israel, Ả Rập, thế mà khi các con cháu cùng một tổ phụ Abraham đánh nhau thì con cháu Lạc Long Quân lại bị xây xẩm mặt mày.
Ngày nay nhìn lại, có những điều trên chính trường thế giới đã thay đổi nhiều nhưng có những thứ không hề đổi. Ví dụ “Dầu lửa là khí giới của chính trị” (oil is weapon of politics).
Câu hỏi đặt ra là liệu cuộc chiến Israel và Hamas có kéo dài, liệu sự dính líu của Iran với Hamas có lan tỏa sang các nước khác như Ả Rập Saudi, Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Iraq làm cho cú sốc xăng dầu đã nát càng thêm nát?
Các nước ở xa hơn có thể vẫn chịu tác động của xung đột Trung Đông, chứ không thể nói là không liên quan trực tiếp thì không sao.
Tiến Sỹ Nguyễn Tiến Hưng 
Nguồn BBC
Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng. Sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, tác giả từng giữ chức Tổng trưởng (Bộ trưởng) Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả cuốn 'Khi Đồng minh Tháo chạy' và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Hiện ông định cư tại Hoa Kỳ.
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025