Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo: Tập Đoàn Âm Mưu Và Tội Ác - Phần 1

Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo:
Tập Đoàn Âm Mưu Và Tội Ác - Phần 1

Tác giả: Lm. Chân Tín
Lời giới thiệu của Lm. Đặng Hữu Nam


Ảnh: Các linh mục Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Vương Đình Bích - Những kẻ đã hô hào trục xuất Đức Khâm sứ Tòa thánh Henri Lemaitre.
Thông tin về cái gọi là Ủy Ban Đoàn kết Công giáo:
Nhiều bài viết, tư liệu và chứng cứ đã vạch rõ Ủy ban này ra đời, được nuôi nấng với nhiệm vụ tiêu diệt bằng được Giáo hội Công giáo qua hình thức tinh vi là thiết lập một Giáo hội Công giáo tự trị – tam tự – kiểu Trung Quốc.
Nhiều tác giả, nhân chứng đã nói lên bản chất của cái gọi là Ủy ban này, hoàn toàn nhằm chống lại Công giáo, như lời Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã xác nhận:
- “Đó là công giáo nhãn hiệu”.
Tiếc thay, đến hiện nay nhiều Giáo phận, nhiều nơi vẫn còn dung túng cho các linh mục, giáo sĩ, giáo dân tham gia tổ chức này.
Đây là loạt bài của Linh mục Chân Tín, một linh mục đã trọng tuổi, một con người đứng vững, hiên ngang trước mọi thế lực đe dọa, sẵn sàng lấy cả mạng sống mình chứng minh cho sự thật.
Qua loạt bài này, chúng ta sẽ thấy hiện rõ nét bộ mặt của cái Ủy ban mang tên mỹ miều “Đoàn kết Công giáo” hiện nay.
*
UỶ BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO:
TẬP ĐOÀN ÂM MƯU VÀ TỘI ÁC - PHẦN 1
Lm. Chân Tín
PHẦN 1: CÁC LÃNH TỤ TƯƠNG LAI ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO (UBĐK) HÔ HÀO TRỤC XUẤT ĐỨC KHÂM SỨ TOÀ THÁNH VÀ ĐỨC CHA THUẬN.
Ít ngày sau 30/4/1975, các lãnh tụ tương lai của Ủy ban Đoàn kết, gồm có linh mục Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ đã hô hào trục xuất Đức Khâm sứ Tòa thánh Henri Lemaitre và phản đối việc Tòa thánh bổ nhiệm Đức cha Nguyễn Văn Thuận làm Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Sài Gòn.
Nguyễn Antôn (Công giáo Miền nam sau 1975) đã viết về các vị ấy: “Nhảy qua tường, đột nhập vào Tòa Khâm sứ, dùng búa đập phá ổ khóa ngoài cổng, trèo lên mái nhà căng biểu ngữ và hạ lá cờ Tòa thánh. Bọn chúng hò hét: Đả đảo! Đả đảo! Henri Lemaitre về nước, cút, cút đi, cút đi. Họ xô đẩy đức Khâm sứ, linh mục phụ tá người Balan và linh mục Bí thư người Việt từ trong khuôn viên Tòa Khâm sứ ra đường Hai Bà Trưng, rồi đóng sập cửa lại” (trang 219). Các vị ấy tấn công Tòa Khâm sứ Tòa thánh vào ngày 14/5/1975 – tức là chỉ hai tuần sau khi cộng sản cướp chính quyền.
Cũng chính các vị lãnh tụ tương lai của Ủy ban Đoàn kết này đã hô hào loại trừ Đức cha Fx. Nguyễn Văn Thuận, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn. Ngày 25/4/1975, 5 ngày trước khi tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Đức cha Fx. Nguyễn Văn Thuận – Giám mục Nha Trang, được Đức Giáo hoàng Phaolo VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị. Ngày 12/5/1975, Đức Tổng giám mục Phaolo Nguyễn Văn Bình cho phổ biến thông cáo về việc bổ nhiệm trên. Nhóm các linh mục lãnh tụ tương lai của Ủy ban Đoàn kết đã bao vây Đức Tổng Giám mục Phaolo Nguyễn Văn Bình và Đức cha Fx. Nguyễn Văn Thuận. Họ yêu cầu Đức cha Thuận rút lui khỏi chức vụ.
Trong vấn đề này, Đức cha Phaolo Nguyễn Văn Bình đã tỏ ra khá cứng rắn. Ngày 7/6/1975, Đức cha Nguyễn Văn Bình đã viết một lá thơ xác nhận: “Việc Tòa thánh bổ nhiệm Đức cha Fx. Nguyễn Văn Thuận làm Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị là một việc hợp với nhu cầu mục vụ của địa phận Sài Gòn. Đây không phải là một việc áp đặt như một số người đã hiểu lầm. Nhiều Giám mục đã được tham khảo ý kiến, dĩ nhiên trong đó có tôi. Chính tôi đã đồng ý hoàn toàn việc bổ nhiệm này. Kêu gọi quý cha, quý tu sĩ nam nữ và giáo dân sẵn sàng tuân phục hoàn toàn quyết định của Tòa thánh La mã“.
Qua ngày 8/6/1975, đức cha Nguyễn Văn Bình còn gửi cho chính quyền Cộng sản một kháng thư: “Mấy tổ chức mệnh danh Công giáo chỉ là một thiểu số không đáng kể trong hàng ngũ Công giáo, không thể nào đại diện cho đông đảo giáo dân Công giáo. Những tội danh gán buộc cho Đức Khâm sứ Henri Lemaitre và Đức tổng Giám mục Fx. Nguyễn Văn Thuận hoàn toàn thất thiệt”.
Tiếp đó, Đức Tổng Phaolo Nguyễn Văn Bình, “khẩn thiết yêu cầu” chính phủ cách mạng cho nghiêm lệnh:
1. Triệt để thi hành Sắc lệnh Tự do Tín ngưỡng mà Chủ tịch HCM đã ban bố tại Hà Nội ngày 14/5/1955 cũng như chính sách 10 điểm mà Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam đã tuyên bố ngày 1/4/1974, hầu gây tin tưởng và phấn khởi của toàn dân đối với Chính phủ.
2. Chấm dứt các chiến dịch tuyên truyền, bôi nhọ các chức sắc Giáo hội Công giáo Việt Nam.
3. Chặn đứng ngay chiến dịch vận động phi pháp, đòi trục xuất Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận, vì việc trục xuất phi pháp này vi phạm trầm trọng Sắc lệnh Tự do Tín ngưỡng và chính sách 10 điểm của Chính phủ, sẽ gây nguy hại cực kỳ lớn lao không lường được về đối nội cũng như đối ngoại cho quốc gia và dân tộc.
Ta thấy Đức Tổng giám mục Phaolo Nguyễn Văn Bình lúc này rất cứng cáp và can đảm, nhưng kể từ khi có 4 ông cố vấn của Ủy ban Đoàn kết, ngài đã yếu đi, không cứng rắn và can đảm như trước. Vào cuối đời, Đức cha Nguyễn Văn Bình đã tâm sự: “Ngài sợ” và khi gần chết vẫn còn sợ cộng sản.
Hai tháng sau, ngày 15/8/1975, bất chấp kháng thư của Đức cha Bình, cộng sản đã bắt Đức cha Nguyễn Văn Thuận, câu lưu ngài tại Cây Vông, thuộc tỉnh Khánh Hòa và sau cùng đày ngài ra Bắc cầm tù 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam.
Các linh mục kia đã lập công, nên đã được chọn làm lãnh tụ cho Ủy ban Đoàn kết, tay sai của Đảng cộng sản Việt Nam.
Ủy ban Đoàn kết xuyên tạc Thư chung 1980 của HĐGM Việt Nam
Ngày 1/5/1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam có gửi một Thư chung cho toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam.
Đây là Đại hội đầu tiên của toàn thể các Giám mục Việt Nam thống nhất. Sau khi Hội đồng Giám mục Việt Nam cho dân Chúa biết về một tuần làm việc của Hội đồng Giám mục tại Hà Nội, ý nghĩa của việc viếng mộ hai thánh Tông đồ ở Roma và việc tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra một đường hướng mục vụ với chủ đề: “Giáo hội đồng hành với Dân tộc”, và kêu gọi người Công giáo: “Sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc”.Dân tộc mà Hội đồng Giám mục và toàn thể nhân dân Việt Nam đang bị đảng Cộng sản đầy đọa, áp bức, bóc lột, mất hết tự do. Người Công giáo phải đồng hành với nhân dân Việt Nam, chia sẻ nỗi đau khổ, mất mát về tinh thần cũng như vật chất, quyết đấu tranh cho con người, chống lại một chế độ vô nhân đạo, chống lại thiểu số đảng viên cộng sản phè phỡn sống trên xương máu của người dân.
Về giá trị của Thư chung năm 1980, cha Nguyễn Ngọc Tỉnh, OFM, viết: “Chỉ cần nhìn các trích dẫn, chúng ta dễ dàng nhận ra nền tảng của Văn kiện, đó là Lời Chúa, là Giáo huấn của Công đồng Vaticano II, Giáo huấn của hai vị Giáo hoàng Phaolo VI và Gioan Phaolo II. Điều cần lưu ý là Văn kiện đã được sự đóng góp của nhiều chuyên viên trong các lãnh vực: Thần học, Kinh thánh, Xã hội, … Nhưng điều hiển nhiên hơn cả, là khi đọc thư mục vụ 1980, ta có cảm tưởng đang hít thở không khí trong lành, lạc quan như của Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” của Công đồng Vatican II. Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam chính là cẩm nang, là văn kiện định hướng cho các tín hữu Công giáo Việt Nam đầu thập niêm 80 của thế kỷ trước. Và như đã nói trên, chính vì Văn kiện dựa trên Lời Chúa cũng như Giáo huấn của Công đồng Vaticano II và các Giáo hoàng, nên không có lý do gì để hoài nghi về nội dung. Và cũng chính vì vậy, mà ta cũng có thể nói: Thư chung 1980 không chỉ có giá trị vào thời điểm được viết ra và công bố, nhưng còn có giá trị cho bất cứ giai đoạn nào, bất cứ hoàn cảnh nào” (Nguyễn Ngọc Tỉnh, Thắp một Ngọn nến cho Thái Hà, 2010, trg. 146-147).
Thế nhưng, Ủy ban Đoàn kết đã xuyên tạc ý nghĩa tốt đẹp của Thư chung 1980 của hàng Giáo phẩm Việt Nam. Linh mục Võ Thành Trinh, chủ tịch Ủy ban Đoàn kết và các linh mục khác của Ủy ban, mà dân chúng gọi là “quốc doanh” đã lợi dụng lời kêu gọi đó để vận động, tuyên truyền cho nhà nước cộng sản.
Linh mục Võ Thành Trinh nói: “Yêu nước phải gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội” Ông còn kêu gọi Ủy ban Đoàn kết phải cấp bách hoạt động cho Chủ nghĩa Xã hội, Chủ nghĩa cộng sản: “Chúng ta càng ngày càng làm cho đông đảo đồng bào Công giáo thấy rõ: yêu nước là vinh quang, yêu nước bây giờ là xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, không còn con đường nào khác”.
Kể từ đó, Thư chung 1980 bị Ủy ban Đoàn kết khai thác theo hướng tuyên truyền có lợi cho cộng sản.
Trong bài Báo cáo Tổng kết của Ủy ban Đoàn kết tại Đại hội “những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc yêu đồng bào” năm 2003, linh mục Phan Khắc Từ đã nói: “Đường hướng sống phúc âm giữa lòng dân tộc được Hội đồng Giám mục Việt Nam đề ra từ năm 1980, đã tác động thức đẩy phong trào yêu nước trong đồng bào công giáo phát triển mạnh mẽ. Lời dạy của các vị chủ chăn Công giáo Việt Nam cũng chính là sự nhìn nhận những hoạt động thường xuyên của phong trào và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam”.
Cùng với Ủy ban Đoàn kết, đảng cộng sản cũng khai thác Thư chung 1980. Ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam, trong bài phát biểu tại đại hội nói trên, sau khi ca ngợi hàng loạt “thánh tích” của Ủy ban Đoàn kết, đã nói: “Thành tích đó khẳng định tính đúng đắn của đường hướng mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã lựa chọn, thể hiện trong Thư chung 1980 là sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”.
Thành tích của Ủy ban Đoàn kết trong việc xuyên tạc ý nghĩa của Thư chung 1980 đã có những kết quả bi đát. Cha Nguyễn Ngọc Tỉnh đã từng đặt vấn đề về câu khẩu hiệu này và ngài cũng đã trả lời: “Trong suốt năm 2007, khi phong trào dân oan đi đòi công lý rộ lên từ Bắc chí Nam, từ nông thôn tới thành thị, Giáo hội Công giáo làm thinh. Khi nổi lên vụ khai thác boxit, các nhà trí thức công khai bày tỏ ý kiến, yêu cầu nhà nước ngưng triển khai dự án, Giáo hội Công giáo làm thinh. Khi những người mạnh dạn tố cáo tham nhũng, khi các nhà đấu tranh cho tự do dân chủ lần lượt theo nhau vào tù, Giáo hội Công giáo làm thinh. Khi người dân bày tỏ lòng yêu nước cùng xuống đường tuần hành biểu tình chống Trung quốc chiếm hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều học sinh, sinh viên và dân thường bị bắt, bị bỏ tù, Giáo hội Công giáo làm thinh. Thế thì câu hỏi đặt ra là, trong những hoàn cảnh bức thiết đến như vậy, trong khi những cá nhân bất chấp bao phiền toái cho bản thân, bất chấp hiểm nguy cho tính mạng, dám can đảm đi đòi công lý, dám hiên ngang tỏ bày lập trường, mạnh mẽ nói lên lòng yêu nước, một niềm gắn bó với tiền đồ dân tộc, thì những người Công giáo, bắt đầu từ những vị lãnh đạo xem như chẳng có chi liên quan tới mình, để mình phải bận tâm. Trong hoàn cảnh đó, làm sao có thể chứng minh cho mọi người rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam chúng ta đang sống Phúc âm giữa lòng dân tộc, đang đồng hành với dân tộc hôm nay? “(Id trg. 152-153)
Tình trạng bi đát này là thành tích của Ủy ban Đoàn kết đáng được đảng ca ngợi.
Linh mục Chân Tín.
38 Kỳ Đồng, P 9, Q 3 Sài Gòn.
Copy từ FB Lm Đặng Hữu Nam

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025