Văn Hóa Quần Què

Văn Hóa Quần Què


STTD - Tưởng Năng Tiến
Tôi ít đọc (và lười học) nên mãi đến cuối đời, qua lời kể của FB Tạ Quang Hiệp,
mới được biết câu chuyện khá lạ này:
“Năm 1905, khi đang hoạt động ở Nhật Bản thì Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ rủ nhau lên Tokyo để tìm bạn là người Trung Hoa có tên Ân Thừa Hiến. Xuống tàu hỏa, Phan Bội Châu liền gọi một người phu xe Nhật Bản và đưa cho anh ta tấm danh thiếp của Ân Thừa Hiến để nhờ tìm địa chỉ. Người phu xe này không biết chữ Hán, nên đã đề nghị Phan Bội Châu đợi để mình tìm một người phu xe khác biết chữ Hán để có thể giúp đỡ.
Cuối cùng, người phu xe biết chữ Hán cũng xuất hiện và đã đưa Phan Bội Châu - Tăng Bạt Hổ đến địa chỉ của Ân Thừa Hiến. Tuy nhiên, khi xe đến Chấn Võ Học Hiệu - nơi tá túc của Ân Thừa Hiến thì mới vỡ lẽ, người bạn Trung Hoa này đã chuyển đi nơi khác, và không ai biết “nơi khác’ cụ thể ở đâu.
Nghĩ ngợi một lúc, người phu xe liền nói với hai vị khách Việt Nam: ‘Xin các ngài cứ chờ tôi một chút, tôi sẽ đi tìm địa chỉ mới của Ân Thừa Hiến rồi quay lại đón 2 ngài.’ Hai vị khách Việt Nam đứng chờ từ 2 giờ chiều, đến 3 giờ, rồi 4 giờ chiều vẫn không thấy người phu xe quay lại, liền nghĩ: Tokyo rộng thế này, biết tìm Ân Thừa Hiến ở đâu. Nhưng đến 5 giờ chiều thì người phu xe bất ngờ quay lại và cho biết đã tìm được nơi cần tìm.
Thế là người phu xe đưa hai vị khách Việt đi thêm 1 tiếng nữa và đến một lữ quán có treo biển ‘Thanh quốc Vân nam lưu học sinh Ân Thừa Hiến.’ Tất cả cho thấy người phu xe Nhật Bản đã tận tuỵ với công việc của mình như thế nào. Nhưng chưa hết, khi Phan Bội Châu hỏi tiền công thì người phu xe nói một con số khiến cụ Phan giật mình: ‘2 hào 5 xu.’
Thấy số tiền quá rẻ, Phan Bội Châu rút ra một đồng bạc để trả ơn nhưng người phu xe kiên quyết từ chối với lý do: ‘Theo quy định thì từ nhà ga Tokyo đến lữ quán này, giá chỉ là 2 hào 5 xu thôi. Thêm nữa, hai ông vì văn minh nước Nhật mà đến đây, chúng tôi hoan nghênh các ông, chứ không hoan nghênh tiền bạc của các ông. Nếu các ông cho tôi tiền xe vượt quá quy định thì không khác gì coi thường, khinh bạc người Nhật Bản chúng tôi.”
Đây là một câu chuyện có thật, được viết lại trong tác phẩm ‘Tự Phán’ nổi tiếng của Phan Bội Châu. Khi kể lại câu chuyện này, đặc biệt là tâm trạng của mình khi hỏi giá tiền người phu xe Nhật Bản, Phan Bội Châu cho biết: ‘Sợ nó cũng một nết như phu xe nước mình thì e cũng khốn nạn với vấn đề đòi tiền.”



Ủa? Chớ cái “nết” của “phu xe nước mình” ra sao mà cụ Phan “e cũng khốn nạn” với họ, về chuyện tiền nong – vậy cà?
Ngày 5 tháng 8 năm 2019, báo Dân Trí ái ngại cho hay:
“Một du khách Nhật Bản là cụ Oki Toshiyuki (83 tuổi) đến TP. Hồ Chí Minh du lịch bị người lái xích lô chặt chém 2,9 triệu đồng cho quãng đường di chuyển khoảng 5 phút gây bức xúc lớn trong cộng đồng… Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Khánh, PCT Hiệp hội Du ịch TPHCM cho biết, đã nắm được sự việc qua báo chí. Theo bà Khánh đây là sự việc xấu xí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh điểm đến Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.”
Cũng vì ít học (và lười đọc) nên tầm nhìn của tôi khá hẹp và cũng rất gần. Tôi chả mấy khi quan tâm đến “hình ảnh Việt Nam trong mắt của bạn bè quốc tế” mà thường chỉ bận lòng đến những cú “chặt chém” lặt vặt giữa người mình với nhau thôi.
Cách đây chưa lâu, báo chí nước nhà bỗng (đồng loạt) loan tin:
- Hà Nội: Hỏi đường phải trả 10 nghìn
- Tấm biển kì lạ “Hỏi đường 10k/lượt” ở Hà Nội
- Biển 'hỏi đường, trả 10.000 đồng' ở Hà Nội gây xôn xao
- Lại thêm tấm biển “Hỏi đường 10K” ở Hà Nội
- Hà Nội: Ngán ngẩm với tấm biển “Hỏi đường 10k/lượt”
- Tấm biển “Hỏi đường 10K” giữa Hà Nội và nỗi ái ngại về lòng tốt con người
Trời! Chuyện nhỏ (cỡ con thỏ thôi) chớ có gì đâu mà phải “xôn xao, ngán ngẩm, và ái ngại” ? Hơn nữa, vấn đề – rõ ràng – đã được dự kiến và có “phương án” giải quyết rồi.
Báo Công Lý (số ra ngày 10 tháng ̣9 năm 2023) mới hớn hở đi tin đây nè:
“Cần 350.000 tỷ đồng để chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam… Đây là nội dung mà dư luận rất quan tâm được nêu trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa trình lãnh đạo Chính phủ xem xét, quyết định”.

Với số tiền này (quy ra Mỹ Kim là đâu cỡ 15 tỷ USA dollar chớ không phải ít đâu nha) thì có chuyện gì mà giải quyết không được. Chậm lắm là đến cuối năm 2035 thì tấm biển đòi tiền 10 K cuối cùng cũng sẽ biến mất khỏi đường phố VN. Còn lỡ vẫn chưa thì chắc chắn là giá cả cũng sẽ giảm bớt ít nhiều (có thể chỉ còn 5 K cho mỗi chỉ đường lượt thôi) tôi dám bảo đảm như vậy đó.

Sự lạc quan, cũng như niềm tin tưởng của tôi – tiếc thay – không được chia sẻ bởi rất nhiều người. Bị quá nhiều nên xin phép chỉ ghi lại dăm ba, theo thứ tự alpha:
- Nguyễn Vũ Bình: “Chấn hưng văn hóa là việc vô cùng cần thiết đối với xã hội Việt Nam hiện nay. Nhưng chấn hưng văn hóa cần phải đúng lĩnh vực cần chấn hưng. Đồng thời phải xác định đúng hiện trang và nguyên nhân để thực hiện việc chấn hưng văn hóa. Ngoài ra, nhưng việc khác chỉ là duy trì sự độc quyền lãnh đạo của đảng và sự kiếm chác của quan chức mà thôi.”
- Đoàn Bảo Châu: “Quan tham các tỉnh sẽ thi nhau xin ngân sách để ‘chấn hưng’ văn hoá của tỉnh. Tượng đài sẽ mọc lên như nấm, rồi sẽ nứt nát hoang phế. Khi ngắm tượng đài, cái đói, cái đau buồn của dân sẽ không hề được giảm đi mà chỉ tăng lên. Bao nhiêu phần trăm của số tiền ấy sẽ biến thành biệt phủ và siêu xe cho các cậu ấm, cô chiêu?”
- Nguyễn Đình Cống: “Ở Việt Nam, bây giờ ngoài những tai họa về vật chất và tinh thần do con người gây ra, gần đây người ta còn chuẩn bị gây một tai họa động trời bằng cách đề xuất dự án chi 350 ngàn tỷ đồng để chấn hưng, phát triển văn hoá.”
- Lâm Công Tử: “Cái văn hóa khốn kiếp của quan lại thời nay thật khó tưởng tượng nổi! Làm sao, tiền của nào cho đủ để tẩy xóa tư duy quan chức đã và đang trực tiếp gây chấn thương cho một nền văn hóa vốn đã lụi tàn?”
- Nguyễn Tiến Tường: “Chấn hưng chấn heo, 350k tỷ rồi các anh lại tuyên truyền, lại gắn bảng tùm lum tà la chạy theo hình thức. Có mà ‘chấn hoa văn hứng’ chớ văn hoá quần què!”.

Vi nhân nan. Làm người khó thiệt, nhất là người Việt. Đưa tay nhận mấy ngàn bạc lẻ sau mỗi lượt chỉ đường là hành vi rất kém văn hóa nên bị chúng mắng, đã đành; đề xuất tiền tỷ để chấn hưng văn hóa cũng bị chửi luôn: “văn hoá quần què!”.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn FB

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025