Việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa thời VNCH

Việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa thời VNCH

Quyên Di
Có một so sánh chưa hẳn đã hoàn toàn chính xác nhưng cũng không đến nỗi khập khễnh, đó là, nếu nhà nông ra đồng làm việc cần con trâu, cái cày thì thầy/cô vào lớp dạy học cần phải có sách giáo khoa.
Đương nhiên, có những giáo sư văn chương “tay vo” vào lớp, nói thao thao bất tuyệt và học sinh/sinh viên ngồi nghe mê mẩn, nhưng để cho sinh viên/học sinh ghi nhớ lâu dài, cần phải có sách giáo khoa. Trước tình trạng biên soạn sách giáo khoa ngày càng nhếch nhác từ nhiều năm nay ở Việt Nam, thử nhìn lại vấn đề này vào giai đoạn trước 1975…
Bộ Giáo dục không hề can thiệp việc biên soạn sách giáo khoa
Nền giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa có một triết lý, dựa vào ba nguyên tắc: Dân Tộc, Nhân, Bản và Khai Phóng. Dựa trên triết lý đó, Bộ Quốc Gia Giáo Dục đưa ra những chỉ thị chung, quy định về chương trình cho từng lớp học, môn học. Rồi dựa vào những chỉ thị chung và chương trình đó, các soạn giả soạn sách giáo khoa. Như vậy, điều xác minh đầu tiên là, không chỉ có một bộ sách giáo khoa dùng cho tất cả mọi trường trên toàn quốc. Có nghĩa là về sách giáo khoa, chính phủ và Bộ Quốc Gia Giáo Dục không áp đặt. Như thế cũng có nghĩa là không có vấn đề “chạy chọt” để bộ sách của mình thành sách giáo khoa chính thức trên toàn quốc.
Dù vậy, vào những năm đầu nền Đệ nhất Cộng hòa (1955-1965,) Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã phát hành Tiểu học Nguyệt San. Nguyệt san này phát hành hằng tháng, “cung cấp tài liệu giảng dạy cho giáo viên, gồm đủ các môn học thuộc chương trình bậc Tiểu học…
Bộ biên tập ghi: Chủ bút: Ông Giám đốc Nha Tiểu học (không ghi rõ họ tên); Phụ tá Chủ bút: Ông Đặng Duy Chiểu, Thanh tra Tiểu học Trung ương, Nha Tiểu học; Tổng thư ký: Ông Đinh Gia Dzu, Phòng Học chế Nha Tiểu học; Thư ký: Bà Trần Thị Mẹo, Phòng Thanh tra Nha Tiểu học… Ở mỗi số Tiểu học nguyệt san, trước khi vào phần giáo khoa dạy các bài học theo chương trình của bộ, đều có các phần Luận thuyết, Tạp trở (đăng thông tin…), Văn uyển (đăng thơ, văn dịch), Nghị định (đăng các nghị định, công văn liên quan ngành giáo dục). Phần giáo khoa được sự cộng tác thường xuyên của đông đảo giáo viên, trong đó có một số người được nhiều người biết như Hà Mai Anh, Thềm Văn Đắt, Nguyễn An Khương, Nguyễn Tất Lâm, Văn Công Lầu, Vương Pển Liêm…”[1]
Ai có thể viết sách giáo khoa?
Các nhà xuất bản tìm các soạn giả, thường là các giáo chức có uy tín, xin họ soạn sách giáo khoa bậc tiểu học và trung học rồi xuất bản và phát hành. Cũng có những soạn giả tự soạn sách giáo khoa, rồi sau đó tìm các nhà xuất bản xin họ xuất bản và phát hành, có thể bán đứt bản quyền. Sách in xong, nhà xuất bản tìm cách biếu các trường học. Nhà trường có ban tu thư, hoặc ít ra là một vị phụ trách về sách giáo khoa, xem xét tất cả các sách được gửi tặng hoặc tìm được, cân nhắc để chọn lấy một bộ sách cho học sinh trong trường. Giáo viên dùng bộ sách ấy mà giảng dạy.
Ba môn quan trọng ở bậc Tiểu học cần có sách giáo khoa mà các nhà xuất bản lưu tâm là Quốc Văn/Việt Văn, Công Dân Giáo Dục và Sử Địa. Cũng có một số sách giáo khoa về môn Toán. Một số tác giả uy tín đã soạn nhiều quyển sách giáo khoa rất hay, là những nhà giáo Đặng Duy Chiểu, Hà Mai Anh, Hoàng Thế Mỹ, Bảo Vân (Bùi Văn Bảo)… Các soạn giả và các nhà xuất bản hầu hết đều ở Sài Gòn.
Ở bậc Trung học, việc sử dụng sách giáo khoa thường lại do quyết định của từng giáo sư[2]. Có vị tự soạn sách giáo khoa và dùng sách ấy để dạy học sinh. “Sách giáo khoa” này không in thành sách theo lối in “typo” hay sau này theo lối “offset” mà in bằng phương pháp “quay roneo” trên một khổ giấy dài như khổ 8.5×14 bây giờ. Giáo sư tự phân phối cho học sinh trong lớp mình dạy hay gửi trong thư quán nhà trường để học sinh mua với một giá nhẹ nhàng hơn sách giáo khoa được các nhà xuất bản ấn loát và phát hành. Cũng có những giáo sư có sách do nhà xuất bản phát hành và dùng sách ấy giảng dạy học sinh. Nhiều vị khác không có sách giáo khoa “quay roneo” hay do nhà xuất bản ấn loát, các vị này chọn lấy một cuốn sách của nhà xuất bản nào đó mà ông/bà ưng ý nhất để theo đó giảng dạy và dặn học sinh mua sách ấy mà học.
Riêng môn Toán, nhiều giáo sư còn dùng bộ sách Toán của Bossuet (Abbé Bossuet – Court de Mathématiques.) Bộ sách ấy có nhiều bài toán khó, nhưng giải được thì rất lấy làm thú vị.
Nhiều giáo sư môn Anh văn dùng cuốn “L‘Anglais Vivant” là sách dành cho học sinh Pháp học tiếng Anh. Nghĩ cũng vui vì thời tôi học lớp đệ Thất (1960) chưa có mấy soạn giả soạn sách giáo khoa Anh văn, trừ sách và từ điển của hai ông Lê Bá Kông, Lê Bá Khanh.
Sách nhiều, kiến thức nhiều, sự học càng đa dạng và phong phú
Sách Việt văn/Quốc Văn thì rất nhiều. Ở Sài Gòn thời ấy có những giáo sư Quốc Văn rất nổi tiếng, thí dụ bộ ba Tế-Khoan-Đáng (Nguyễn Sỹ Tế, Vũ Khắc Khoan, Tô Đáng). Bộ ba này “trấn ngự” trường trung học Trường Sơn tọa lạc trên đường Lê Văn Duyệt. Học sinh vào học trường này phần lớn vì muốn được nghe ba vị này giảng dạy. Giáo sư Lữ Hồ cũng là một giáo sư Việt Văn nổi tiếng. Tôi không nhớ rõ nhưng chắc những vị này đều có soạn sách giáo khoa Việt văn. Nhà giáo, học giả Phạm Thế Ngũ soạn bộ sách “Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên” là cuốn sách tham khảo gối đầu giường cho cả giáo sư lẫn học sinh… Trường Công giáo rất chuộng và kính trọng các giáo sư Nguyễn Duy Diễn, Trần Bằng Phong, Đồng Tuy.
Năm 1974, Bộ Quốc Gia Giáo Dục quyết định đưa môn Quốc văn lên dạy cả trên lớp Mười Hai. Trước đó, lớp Mười Hai chỉ học Triết chứ không còn học Quốc văn nữa. Các soạn giả và nhà xuất bản đua nhau soạn, in, xuất bản, phát hành sách giáo khoa Quốc văn lớp Mười Hai. Tôi không nhớ rõ tên của từng bộ sách, nhưng nói chung là “Quốc Văn Lớp Mười Hai”. Tôi cũng tham gia việc soạn sách này. Thầy tôi là giáo sư Trần Bằng Phong quy tụ một nhóm giáo sư Quốc Văn để soạn bộ sách Quốc Văn Lớp Mười Hai do nhà sách Khai Trí xuất bản. Sách in xong, thầy tôi chọn một bản quý, trịnh trọng đề “Bản của đồng nghiệp Quyên Di Bùi Văn Chúc.” Tôi vừa cảm động vừa cảm phục thầy tôi. Nhóm soạn giả ấy, ngoài thầy tôi còn có giáo sư Phạm Biển Thước cũng đã quá vãng. Những vị khác, tôi không nhớ tên.
Một số trường trung học lớn thành lập ban tu thư và các giáo sư của từng môn hợp tác soạn thảo tài liệu giáo khoa để cả trường dùng chung. Tôi nhớ vào khoảng năm 1973-1974, trung học Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn (bây giờ là Trường cấp ba Bùi Thị Xuân) thành lập ban tu thư để soạn sách giáo khoa cho bốn môn: Quốc Văn, Công Dân Giáo Dục, Sinh Hoạt Học Đường (và hình như Sử Địa.) Tôi hân hạnh được linh mục Giám học Vũ Viết Hà mời làm điều hợp viên của ban tu thư này. Sách giáo khoa bậc Trung học đa dạng hơn sách giáo khoa bậc Tiểu học rất nhiều.
Những vị thầy đáng kính viết sách giáo khoa
Triết học có những sách của hai linh mục Trần Văn Hiến Minh và Trần Đức Huynh do nhà Đường Sáng xuất bản và phát hành, một bộ ba cuốn: Luận lý học, Đạo đức học và Tâm lý học. Linh mục Trần Đức Huynh là giáo sư Triết nổi tiếng trong giới Công giáo. Linh mục Trần Văn Hiến Minh cũng thế. Ông còn là giáo sư Triết uy tín của trường trung học Chu Văn An.
Giáo sư Trần Bích Lan (nhà thơ Nguyên Sa) “trấn ngự” trường trung học Văn Học tọa lạc trên đường Phan Thanh Giản. Học sinh theo học rất đông. Ông soạn những sách giáo khoa Triết học nào tôi không nhớ tên nhưng chắc chắn là có. Vĩnh Để cũng là một giáo sư Triết nổi tiếng và có sách giáo khoa riêng.
Các môn Toán (Đại số, Hình học, Hình học không gian, Lượng giác, Tân toán học…). Lý Hóa, Vạn Vật, và sau này, Anh văn, Pháp văn đều có vô số sách giáo khoa.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, các trường Đại học có tính cách độc lập, chính quyền không xen vào việc điều hành nhà trường, việc giảng dạy và việc dùng sách giáo khoa. Đại học Y khoa, Dược khoa còn dùng một số sách giáo khoa của Pháp. Ở các đại học khác, các giáo sư thường thường có “course” riêng, cũng với hình thức “quay roneo”. Có những anh sinh viên chăm học, khi đi học thì ghi chú rất cặn kẽ, chi tiết. Qua năm học, anh ấy đánh máy lại tập ghi chú của mình, “quay roneo,” bán cho các sinh viên học cũng môn ấy, giáo sư ấy vào những năm sau, cũng thu được kha khá.
Ở Đại học Văn khoa, giáo sư Nguyễn Văn Trung dạy môn Triết học Tây phương. Ông soạn cuốn “Ca Tụng Thân Xác” và dùng làm tài liệu giáo khoa để giảng dạy. Giáo sư Linh mục Thanh Lãng, trưởng ban Việt Văn, soạn bộ sách “Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam” khá đồ sộ. Đó là bộ sách sách khoa căn bản cho những sinh viên học ngành Văn Chương Quốc Âm. Giáo sư Bửu Lịch, trưởng ban Xã Hội, soạn bộ sách “Thân Tộc Học” đồ sộ, rất khó hiểu; khi đọc phải cầm trí. Khi giáo sư giảng cho sinh viên mà tài liệu là bộ sách giáo khoa này, sinh viên lại càng phải cầm trí mới hiểu được.
Giáo sư Linh mục triết gia Kim Định là một trường hợp đặc biệt. Ông bênh vực triết học Việt Nam hết mình. Nho giáo, ông cũng gọi là Việt Nho. Ông bắt đầu giáo trình giảng dạy sinh viên môn Triết học Đông phương với cuốn sách giáo khoa Triết Lý Cái Đình. Sau đó là Cửa Khổng, Chữ Thời, Việt Lý Tố Nguyên… Cho đến nay, bộ sách giáo khoa của ông vẫn là bộ sách giá trị và uy tín bậc nhất về Triết Việt. Các giáo sư Đại học Luật khoa, Khoa học… đều có sách giáo khoa của riêng mình…
Bài viết này không có tính cách khảo cứu và hàn lâm. Đây chỉ là sự ghi lại theo trí nhớ của một người từng là học sinh tiểu học, học sinh trung học và sinh viên đại học của nguyên cả giai đoạn có một quốc gia mang tên Việt Nam Cộng Hòa.



Quyên Di, 13-10-2020
Nguồn FB
CHÚ THÍCH:
[1] Chương trình giáo dục và sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa – tác giả Trần Văn Chánh
[2] Thời Việt Nam Cộng Hòa, giáo chức dạy Trung học đều được gọi là “Giáo sư”. Nếu muốn gọi cho rõ, người ta gọi là “Giáo sư Trung học” để phân biệt với “Giáo sư Đại học”.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025