Khóc Tố Như, hay Tố Như khóc

Khóc Tố Như, hay Tố Như khóc
JB Nguyễn Hữu Vinh
Chủ tịch dự ra mắt sách?
Mấy hôm trước, thấy trên mạng ồn ào về vụ Võ Văn Thưởng đến dự phát hành cuốn sách "Còn có ai người khóc Tố Như" của một người gọi là "Nhà văn Võ Bá Cường". Nhà văn này mời được Chủ tịch nước đến dự giới thiệu cuốn sách có vẻ được vinh dự lắm, ồn ào báo chí và làm nổi sóng mạng xã hội. Nổi sóng không phải vì tác phẩm, hay vì điều gì có giá trị, mà chỉ vì được Võ Văn Thưởng ghé đến tham dự.
Nhưng thực chất thì nếu ai tỉnh táo, sẽ thấy đó là một sự kệch cỡm, mà nói theo cách nói của nông dân thì: “Cái thằng mời đã ngu, cái thằng dự còn ngu hơn”.
Vì sao nói vậy?
Chỉ vì sách vở là lĩnh vực thuộc về tri thức. Người sáng tác tác phẩm, nghĩa là tạo nên một sản phẩm tri thức, thì người đến dự, người được mời phải là người có khả năng cảm nhận, thẩm thấu được tác phẩm, sản phẩm tri thức đó. Nói theo cách nói dân gian, thì: “Không thể mời Bụt ăn món thịt chó mắm tôm” cũng như không thể “đưa lược để mời sư đi gội đầu”.
Bởi thế cho nên, việc Võ Văn Thưởng đến dự ra mắt sách là chuyện ruồi bu.
Võ Văn Thưởng là tay cán bộ đoàn lẻo mép, chỉ phát triển hệ thống nhai lại chứ biết gì mà sách với vở? May ra anh ta nhớ được vài câu thuộc lòng theo kiểu: "Đảng ta chỉ có lợi ích duy nhất là lợi ích của giai cấp công nhân", hoặc là "Dân là gốc, là trọng tâm của mọi quyết sách" hay là "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, có hại đến dân phải hết sức tránh..." tức là nhai lại cái mà đảng cho là của Hồ Chí Minh nhai từ thế kỷ trước và đã nhả bã ra từ lâu thối rình.
Chỉ nghe đã tởm chứ làm gì có được câu nào ra hồn, cho có vẻ trí tuệ đâu.
Người lãnh đạo phải là người có trí tuệ.
Người có trí tuệ, không chỉ là người nhai lại là đủ mà phải có những sáng tạo của mình, làm chủ được nó, kể cả là một câu nói. Chứ cứ học được vài câu mà đám trẻ con lớp 3 cũng thuộc, rồi cứ nhai đi nhai lại cái thứ mà chỉ nghe đã lợm giọng.
Bởi nội dung của nó là lừa bịp, là lừa đảo, là mị dân, là nói ngược… điều mà chỉ nghe là người ta biết rõ.
Thế nên, đưa sách cho Võ Văn Thưởng thì lại khác gì đống sách trong bụng bò, là chuyện đem đàn mà gãy tai trâu.
Nhà văn?
Nhiều người ý kiến nọ kia về cuốn sách, về đề tài... nhưng mình bận không quan tâm mấy cái thể loại nhà nọ nhà kia... đầy rẫy trên mạng mà đa số là to còi chứ thực chất chẳng có mấy.
Hôm nay mới xem lại tấm ảnh treo đỏ bầm trước cửa giới thiệu tác phẩm "Còn có ai người khóc Tố Như" và ghi rõ là Tác giả: Nhà văn Võ Bá Cường.
Trời đất ơi!
Nhà văn ơi!
Tố Như ơi!
Từ Hải ơi!
Thúy Kiều ơi!... về mà xem.
Cái gọi là nhà văn, trích có hai câu thơ của Truyện Kiều thì sai cả bốn câu, mà còn để chình ình trước cửa đón khách mới kinh chứ.
Đây:
- Câu Kiều số 321-322 của Nguyễn Du như sau:
Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời .
Đã bị Nhà văn Võ Bá Cường đổi thành:
GIỜI còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa ĐƯỜNG.
- Câu Kiều số 3113-3114 như sau:
Chàng rằng: Khéo nói nên lời,
Mà trong lẽ phải có người có ta!
Đã bị Nhà văn Võ Bá Cường đổi thành:
Chàng rằng khéo nói LÊN NHỜI
Mà trong lẽ phải có người có ta
Lời bàn:
Được giới thiệu là Nhà văn, được ca ngợi hết lời là nhà văn này thế lọ, nhà văn này thế chai... Nhưng, tôi chưa đọc tác phẩm nào của nhà văn này, duy chỉ nhìn hai câu Kiều được trích dẫn đã thấy có lẽ mình không đọc là sáng suốt chăng?
Thứ nhất, ở hai câu đầu, Võ Bá Cường tự ý đổi "Trời" thành "Giời"
và "giữa trời" thành "giữa đường".
Khi trích dẫn tác phẩm của một tác giả nào đó, phải giữ nguyên văn, nguyên tác, không tự ý sửa chữa, xuyên tạc. Ở Truyện Kiều không bao giờ có chữ "GIỜI" để thay chữ Trời. Dù có thể hiểu rằng một số nơi miền Bắc dùng chữ Giời để thay chữ Trời, nhưng không vì vậy mà tùy tiện thay tác phẩm của người khác như Võ Bá Cường đã làm.
Chẳng hạn Võ Bá Cường không thể thay "Bà Má Hậu Giang" thành "Bà bu Hậu giang" hay “Bà Bầm Hậu Giang” hoặc “Bà Mợ Hậu Giang” được, dù một số nơi vẫn gọi “mẹ” là “Bu” hoặc là “Bầm” hay là “Mợ”.
Thế nên, không thể vì Võ Bá Cường quê Thái Bình thì cứ vác nguyên thổ ngữ Thái Bình áp vào cho Nguyễn Du từ khi sinh ra, sáng tác rồi chết đi đều ở Hà Tĩnh.
Cũng câu thơ đó, Võ Bá Cường tự ý thay đổi câu thơ của Nguyễn Du từ “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa TRỜI” thành “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa ĐƯỜNG”. Nghĩa là ở đây, Trời đã biến thành Đường.
Câu thơ bị thay đổi vốn đã không nguyên về câu chữ, càng tối nghĩa so với nguyên tác trong tác phẩm Truyện Kiều. Bởi đã là mây, thì hoặc là “giữa trởi” hoặc “Cuối trời” chứ làm gì có mây nào giữa đường mà đòi “vén”. Càng không thể biện bạch việc thay chữ Trời bằng chữ Đường vì “Quê tao gọi thế” được. Nếu quê Võ Bá Cường thay chữ Trời bằng chữ Đường thì phải là “ĐƯỜNG còn để có hôm nay” chứ không thể lại là “GIỜI còn để có hôm nay” được.
Tóm lại, sự thay thế này, hoặc là tùy tiện, hoặc là dốt, nghĩa là không hiểu.
Ở hai câu thơ tiếp theo bên phía phải, cũng lại là một sự tùy tiện không kém;
Nguyên tác của hai câu thơ đó là hai câu Kiều số 3113-3114 như sau:
Chàng rằng: Khéo nói nên lời,
Mà trong lẽ phải có người có ta!
Nay nhà văn Võ Bá Cường đổi lại thành:
Chàng rằng khéo nói LÊN NHỜI 
Mà trong lẽ phải có người có ta
Ở đây, cũng là sự ẩu tả của nhà văn này. Hẳn không ai không biết rằng cái “LÊN NHỜI” để thay thế “nên lời” của Nguyễn Du là điều không ai chấp nhận được. Bởi nó vừa sai ngữ pháp, vừa phá hoại Truyện Kiều.
Cụm từ “nói nên lời” của Nguyễn Du được thay bằng “nói lên nhời” rõ ràng không chỉ là sự ẩu tả, tùy tiện mà thể hiện thái độ không nghiêm túc của nhà văn này đối với Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều vốn đã tồn tại hàng trăm năm, đã đi vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội của người dân Việt Nam.
Việc thay thế ấy, chẳng theo một quy luật nào trong ngôn ngữ, bởi nếu là do ông ta đưa thổ ngữ Thái Bình quê ông ta đưa vào tự do, hay do nói ngọng “n” thành “l” như ở nhiều vùng quê Bắc bộ, thì hẳn sẽ đổi thành “LÓI LÊN NHỜI” chứ cũng chẳng còn là “nói lên nhời” như ở đây.
Ở đây, việc thay thế này chỉ thể hiện một điều là cái ý thức bạ đâu thì viết đấy, thích sao thì làm vậy mà không cần chú ý điều mình làm. Bởi nếu là vấn đề chính tả, ngữ pháp hoặc “do đứa đánh máy”, “do bọn nhà in”… thì chắc chắc là không để đến khi ông ta trịnh trọng, sung sướng đón tiếp nhiều khách khứa, trong đó có đám văn thơ, rồi cả chủ tịch nước mà vẫn không biết sai để sửa.
Như đã nói ở trên, điều mà ông Võ Bá Cường này không hiểu khi đi phân tích hoặc bàn về Nguyễn Du, đó là xuất xứ, quê quán của Nguyễn Du là ở Hà Tĩnh. Mà người Hà Tĩnh thì không và chẳng bao giờ sử dụng “GIỜI” hoặc “LÊN NHỜI”.
Không hiểu mà đem ra bàn, đem ra viết thì càng nguy hại.
Mới đây, Hà Tĩnh có cái bảng của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông Thôn Hà Tĩnh có cái biển viết sai chính tả chữ Khuyến Nông thành: “Khuến Nông”, “nuôi ong nội” lại thành “Nuôi Ông nội” đã được cư dân mạng đưa lên trở thành đề tài gây cười nghiêng ngả. Và cuối cùng, thì lại tội ở thằng đánh máy, ở đứa nhà in.
Còn ở đây, thậm chí, cho đến khi dư luận trên mạng ồn ào về cái câu bị đổi là “vén mây giữa trời” thành “giữa đường” thì tác giả, nhà văn vẫn cứ che tai bịt mắt không hề có phản hồi.
Khóc Tố Như, hay Tố Như khóc?
Việc bàn đến Nguyễn Du, đến Truyện Kiều vốn đã có nhiều người bàn, có nhiều tác giả và tác phẩm. Nhưng họ bàn đến dù để vui như Đố Kiều, Bói Kiều hoặc nghiêm túc như những nhà khảo cứu… họ đều rất cẩn thận và có một trình độ nhất định.
Nhiều người thậm chí là có những sáng kiến (hoặc tối kiến) về Truyện Kiều gây tranh cãi, như việc ông Nguyễn Viện ngồi viết lại Truyện Kiều theo ý ông ta. Rồi nhà ngôn ngữ học Bùi Hiền lại muốn dùng thứ ngôn ngữ cải tiến của mình để biên dịch lại Truyện Kiều theo kiểu ngôn ngữ của ông ấy. Thậm chí, ông Phạm Thiên Thư bỏ công ra để dịch ngược Truyện Kiều thành văn xuôi… cả Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã có một tác phẩm Truyện Kiều bằng văn xuôi có thể đọc được ở trên mạng.
Tất cả những điều đó đều đã tạo ra những đợt sóng khen, chê, đồng ý và phản đối nhiều khi đến mức dữ dội trong dư luận và nó vẫn theo quy luật: Nhưng cái hợp lý, tốt đẹp thì sẽ tồn tại, và những cái vô lý thì sẽ bị đào thải.
Thế nhưng, người ta thấy việc ông nhà văn Võ Bá Cường với sự kiện ra mắt cuốn sách "Còn có ai người khóc Tố Như" với những bàn luận khen chê lại ở một khía cạnh khác. Ở đây, là câu chuyện lẫn lộn giữa văn chương và chính trị, giữa cái tri thức và mẹo vặt, giữa cái sự nghiêm chỉnh của việc nghiên cứu và cái ẩu tả, cái tùy tiện của sự coi thường của một người luộm thuộm.
Tờ báo Nhân Dân viết về sự kiện này như sau: “Các đại biểu đã thể hiện tình cảm trân trọng đối với tác phẩm “Còn có ai người khóc Tố Như” được viết bởi một nhà văn đã hơn 80 tuổi - Võ Bá Cường. Nhà văn là một người có tinh thần trách nhiệm trong từng câu chữ, từng vấn đề của xã hội được phản ánh trên những trang viết của mình. Ông luôn thể hiện sự bền bỉ, nghiêm túc trong quá trình sáng tác trong nhiều năm qua và qua nhiều tác phẩm khác nhau. Tác phẩm “Còn có ai người khóc Tố Như” có hành văn hào sảng, ngôn ngữ được lựa chọn kỹ càng…”.
Nghe những lời tâng bốc này, tôi chợt nghĩ rằng có lẽ tay nhà báo này cũng chưa đọc tác phẩm của Võ Bá Cường, và hẳn nhiên là các đại biểu thì chưa đọc mà chỉ phát biểu lấy lòng vậy mà thôi. Bởi đơn giản là nhìn qua bốn câu thơ trong Kiều được trích dẫn ở trên, thì người ta đã thấy không hề có chuyện “. Nhà văn là một người có tinh thần trách nhiệm trong từng câu chữ… luôn thể hiện sự bền bỉ, nghiêm túc trong quá trình sáng tác” Và cũng chẳng thể tin được rằng: Tác phẩm “Còn có ai người khóc Tố Như” có hành văn hào sảng, ngôn ngữ được lựa chọn kỹ càng…”.
Còn Võ Văn Thưởng? Các bản tin không hề nói đến ý kiến của Võ Văn Thưởng về tác phẩm này, nó hay, nó dở ra làm sao. Đến đó, Võ Văn Thưởng chỉ tặng hoa chúc mừng mà thôi. Nghĩa là Thưởng chỉ đến đó để làm vì, để làm cái nhãn vinh dự cho nhà văn chứ chẳng có tác dụng gì. Có lẽ đó cũng là một thái độ biết điều trong trường hợp này. Bởi nếu Thưởng lại phát biểu vài câu ngáo đá thì nguy. Bởi nếu chê thì không được, mà khen thì biết cái gì mà khen.
Bởi nếu sa đà vào chuyện bàn luận về Nguyễn Du, về Truyện Kiều, nhỡ có ai đó đọc lại bài thơ Gặp Nguyễn Du trong mộng của Lê Khả Sỹ, thì cái mặt Võ Văn Thưởng biết giấu vào đâu:
… Những Hồ Tôn Hiến thời nay
Càng mê chức tước, càng dầy mưu gian
Giỏi tranh ghế, giỏi tranh bàn
Tham tiền, tham gái, tham ăn, tham nhà
Mưu đồ khi đã nghĩ ra
Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều
Cóc kia ngắn cổ cứ kêu
Đài gương soi đến phận bèo cho đâu
(Lê Khả Sỹ - Gặp Nguyễn Du trong mộng)
Chưa rõ nội dung tác phẩm của Võ Bá Cường ra sao, nên ở đây không bàn đến nội dung cuốn sách đó. Tuy nhiên, chỉ nhìn vào cách tổ chức nhằm lấy chút vinh dự, cách bài trí và nhất là khả năng của tác giả khi liên quan đến Truyện Kiều, thì có thể nói rằng Nguyễn Du xa xưa đã rất lo lắng chuyện hậu thế là có lý.
Mấy trăm năm trước, Nguyễn Du lo ngại đến ba trăm năm sau còn có ai biết, ai khóc Tố Như nữa hay không, hay người ta đã quên hẳn một Tố Như – Nguyễn Du trong lịch sử văn học dân tộc. Nhưng, điều đó đã không xảy ra. Đất nước này, dân tộc này không quên Tố Như – Nguyễn Du khi mà tác phẩm của ông vẫn còn tồn tại như một áng văn trong nền văn học nước nhà, ông được long trọng tặng nhiều danh dự khác nhau từ trong nước đến quốc tế.
Thế nhưng, nếu Nguyễn Du còn lại đến hôm nay, thì không có chuyện “thiên hạ… khóc Tố Như” mà ngược lại, Nguyễn Du lại phải khóc trước những nhà văn hậu thế bàn về ông, nói về ông, dùng ông làm đề tài… mà chẳng hiểu về ông, thậm chí xuyên tạc thơ của ông một cách hết sức tùy tiện.
Quả là “Yêu nhau như thế, bằng mười… hại nhau”.
Ngày 18.10.2023

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025