Đài Loan nói cảnh sát biển Trung Quốc lên tàu du lịch Đài Bắc gây ‘hoảng loạn’
Đài Loan nói
cảnh sát biển Trung Quốc lên tàu du lịch Đài Bắc gây ‘hoảng loạn’
cảnh sát biển Trung Quốc lên tàu du lịch Đài Bắc gây ‘hoảng loạn’
Bà Quản Bích Linh, Chủ tịch Ủy ban Hải dương Đài Loan, phát biểu về hành động của cảnh sát biển Trung Quốc |
Việc cảnh sát biển Trung Quốc lên một tàu du lịch của Đài Loan gần các đảo tiền tuyến "nhạy cảm" đã gây “hoảng loạn” cho người dân, theo một bộ trưởng chính phủ Đài Loan hôm 20/2, Reuters đưa tin.
Tuy nhiên quân đội Đài Loan cho biết họ không có kế hoạch can thiệp.
Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình dù Đài Bắc luôn phủ nhận, vẫn luôn cảnh giác trước những nỗ lực gây áp lực của Bắc Kinh sau khi ông Lại Thanh Đức, người mà Bắc Kinh coi là một nhân vật ly khai nguy hiểm, đắc cử tổng thống tháng trước.
Ông Lại Thanh Đức của Đảng Dân tiến là người có lập trường khiến Bắc Kinh lo ngại
Vào Chủ nhật (18/2), Trung Quốc tuyên bố cảnh sát biển của họ sẽ bắt đầu các cuộc tuần tra thường xuyên và thiết lập hoạt động thực thi pháp luật xung quanh quần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát.
Động thái này được tiến hành sau vụ hai công dân Trung Quốc thiệt mạng trong khi chạy trốn cảnh sát biển Đài Loan, sau khi tàu của họ đi vào vùng cấm gần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát.
Vào thứ Ba (20/2), sáu sĩ quan cảnh sát biển Trung Quốc đã lên một tàu du lịch của Đài Loan chở 11 thuyền viên cùng 23 hành khách để kiểm tra kế hoạch hành trình, giấy chứng nhận và giấy phép của thủy thủ đoàn và rời đi sau khoảng nửa giờ, theo Cảnh sát biển Đài Loan.
Bà Quản Bích Linh, Chủ tịch Ủy ban Hải dương Đài Loan, phát biểu với các phóng viên bên lề Lập pháp viện ở Đài Bắc vào thứ Ba (20/2): “Chúng tôi thấy rằng hành động này đã gây tổn thương tâm lý và khiến người dân hoảng loạn. Nó cũng không phù hợp với lợi ích của người dân hai bên eo biển."
Cảnh sát biển Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận.
Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cũng không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Bà Quản cho biết việc tàu du lịch Trung Quốc và Đài Loan vô tình đi vào vùng biển của nhau là chuyện thường xảy ra.
"Những chiếc thuyền như thế này hoàn toàn không vi phạm pháp luật," bà nói.
Quần đảo Kim Môn nằm cách các thành phố Hạ Môn và Tuyền Châu của Trung Quốc một quãng đi thuyền ngắn.
Đài Bắc kiểm soát quần đảo này từ năm 1949 khi chính phủ Trung Hoa Dân quốc lưu vong chạy trốn sang Đài Loan khi thua cuộc chiến tranh với quân cộng sản của Mao Trạch Đông.
Kim Môn là nơi đóng quân của một đơn vị đồn trú quân sự lớn của Đài Loan, nhưng cảnh sát biển mới là lực lượng tuần tra vùng biển của hòn đảo này.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính nói với các phóng viên tại tòa nhà Lập pháp viện rằng quân đội sẽ không "tích cực can thiệp " vào việc này để tránh leo thang căng thẳng.
"Hãy giải quyết vấn đề một cách hòa bình," ông nói. "Phản ứng của chúng tôi là tránh leo thang căng thẳng."
Từng là nơi xảy ra nhiều cuộc giao tranh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quần đảo Kim Môn hiện là một điểm du lịch nổi tiếng, dù nhiều đảo nhỏ trong nhóm đảo được quân đội Đài Loan canh giữ nghiêm ngặt và cấm dân thường tiếp cận.
Trung Quốc nói nước này không công nhận bất kỳ vùng hạn chế hay cấm đánh bắt cá nào đối với ngư dân của họ xung quanh quần đảo Kim Môn.
Vật cản chống phương tiện đổ bộ từ thời chiến trên bãi biển ở Kim Môn. Phía xa là thành phố Hạ Môn của Trung Quốc đại lục.
Trong bốn năm qua, đặc biệt sau cuộc bầu cử tháng trước tại Đài Loan, quân đội Trung Quốc thường xuyên điều máy bay chiến đấu cùng tàu chiến đến không phận và hải phận xung quanh Đài Loan nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, một quan chức an ninh cấp cao của Đài Loan, người giấu tên do không được phép phát ngôn với truyền thông, nói với Reuters rằng họ [Đài Loan] tin Trung Quốc không muốn biến những gì đang xảy ra xung quanh Kim Môn thành một "sự cố tầm quốc tế".
Vị quan chức này nói rằng Bắc Kinh lợi dụng sự cố gần đảo Kim Môn và cái chết của hai công dân Trung Quốc làm "cái cớ" để tiếp tục gây áp lực lên ông Lại.
Áp lực cũng đến từ việc Đài Loan mất một trong số ít đồng minh ngoại giao còn lại là Nauru về tay Trung Quốc, cũng như những thay đổi về đường bay trên eo biển Đài Loan.
Nhưng Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên Đài Loan trước lễ nhậm chức của ông Lại vào tháng 5/2024, vị quan chức này nói thêm.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết các quan chức Hội Chữ thập Đỏ Tuyền Châu, cùng với các thành viên gia đình, đã đến quần đảo Kim Môn vào thứ Ba (20/2) để đưa hai người còn sống sót từ chiếc thuyền bị lật khi cố chạy trốn cảnh sát biển Đài Loan tuần trước về nhà.
Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ khả năng sẽ sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo Đài Loan dân chủ.
Tổng thống đắc cử Lại Thanh Đức và chính quyền Đài Loan bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh và nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có quyền quyết định tương lai của họ.
Nguồn BBC
----------
Nhận xét
Đăng nhận xét