Tên Gọi 12 Con Giáp: Từ Tiếng Mường Cổ, Tiếng Việt Cổ ?

Tên Gọi 12 Con Giáp:
Từ Tiếng Mường Cổ, Tiếng Việt Cổ ?

Matthew NChuong

Đầu năm đầu tháng, ghi chú lai rai, thủng thẳng...
TÊN GỌI 12 CON GIÁP: TỪ TIẾNG MƯỜNG CỔ, TIẾNG VIỆT CỔ?
/A/ Trước hết, mời quí bạn đọc tên 12 con vật, theo quốc âm (Nam âm) của tiếng Việt [kèm với chữ Nôm dùng ghi quốc âm]: 1. Chuột (𤝞), 2. Trâu (𤛠), 3. Cọp (𧲫), 4. Mèo (貓), 5. Rồng (𧏵), 6. Rắn (𧋻), 7. Ngựa (馭 ), 8. Dê (𫅕), 9. Khỉ (𤠳), 10. Gà (𪃴), 11. Chó (𤠚), 12. Heo / Lợn (㺧 / 𤞼).
Nam âm của chúng ta đọc hoàn toàn KHÁC với âm Hán-Việt trong chữ Hán, gọi tên 12 con vật như sau:
1. Thử (鼠), 2. Ngưu (牛), 3. Hổ (虎 ), 4. Miêu (貓), 5. Long (龍), 6. Xà (蛇),
7. Mã (馬), 8. Dương (羊), 9. Hầu (猴), 10. Kê (雞), 11. Cẩu (狗), 12. Trư (豬).
Thấy gì? Người Việt quen thuộc với cách đọc tên các con vật bằng quốc âm (Nam âm): chuột, trâu,..., chó, heo (lợn). Con vật thứ ba (chi thứ 3, trong "12 địa chi") được đọc đúng theo quốc âm là "CỌP", nhưng có một bộ phân dân chúng và... báo đài lại đọc "Hổ" theo âm Hán-Việt, tức không nhứt quán trong cách đọc (11 con vật kia đều đọc theo Nam âm ráo trọi).

/B/ Còn tên gọi của 12 chi (12 con giáp): Tý, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi - từ đâu ra?
"Tý" KHÔNG phải là con chuột, nói cho đúng, cần gọi cầm tinh cho "Tý" là chuột (âm Hán-Việt: "thử"). Dễ tỏ tường hơn, chẳng hạn tên gọi của chi thứ tư là "Mão" (Mẹo), cầm tinh cho "Mão" ở VN là con mèo (âm Hán-Việt: miêu), trong khi bên Tàu cầm tinh cho "Mão" là con thỏ (âm Hán-Việt: thố).
(1) Tên gọi của 12 chi, được viết bằng chữ Hán: Tý 子, Sửu 丑, Dần 寅, Mão (Mẹo) 卯, Thìn 辰, Tỵ 巳, Ngọ 午, Mùi - còn đọc là "Vị" 未, Thân 申, Dậu 酉, Tuất 戌, Hợi 亥.
(2) Do ghi bằng chữ Hán, nên dễ lầm tưởng tên gọi của 12 chi ("thập nhị địa chi") là gốc Hán ngữ. Kỳ thực, đây là từ vựng vay mượn: người Hán vay mượn từ ngôn ngữ của tộc người khác, rồi họ ghi lại bằng chữ Hán mà thôi.
2a) Trong tiếng Hán, họ viết tên gọi 12 con vật bằng các ký tự hoàn toàn KHÁC, chẳng dính dáng gì đến những ký tự dùng để ghi tên gọi của 12 chi (Tý, Sửu,..., Tuất, Hợi).
2b) Chẳng hạn, ký tự 子 ("tử") có cả chục nghĩa khác nhau: Con trai; Thế hệ sau, con cháu; Mầm giống các loài động vật, thực vật; Dùng chỉ những nam nhân có học vấn, đáng trọng (đều gọi là “tử”, như Khổng Tử 孔子, Mạnh Tử 孟子); Phần lời (lãi), như “tử kim" 子金 nghĩa là tiền lời (lãi).v.v...
NHƯNG cũng mượn ký tự 子 (nêu trên), mà đọc ... thành "Tý" thì cái âm đọc này chỉ dùng để gọi chi đầu trong 12 “địa chi", gọi thời gian như "giờ Tý" mà thôi. Từ đâu, đọc thành âm "Tý"?
2c) Rồi, ký tự 辰 ("thần") với những nghĩa như: Rung động, chấn động; Chỉ hướng đông nam; Tiếng gọi chung cả mặt trời, mặt trăng và sao.v.v...
NHƯNG cũng dùng ký tự 辰, thay vì "thần" lại đọc thành ... "Thìn" thì cái âm đọc này dùng để gọi chi thứ 5 (trong 12 chi), gọi "giờ Thìn". Từ đâu, lại có âm đọc thành "Thìn"?
2d) Ký tự 亥 ("giai") với nghĩa: chợ họp một phiên trong một ngày, gọi là "giai thị" 亥市...
NHƯNG, cũng lấy ký tự 亥, không đọc "giai" mà đọc thành ... "Hợi" để gọi chi cuối cùng (trong 12 chi), gọi thời gian như "giờ Hợi". Sao đọc thành âm "Hợi"?
2e) Ký tự 寅 "dần" mang nghĩa là "cung kính, kính cần", nhưng rồi ký tự này được mượn ... trở thành tên gọi cho chi thứ 3 là "Dần";
ký tự 卯 "mão" mang nghĩa là "lỗ mộng, ngàm", nhưng còn được dùng để gọi tên cho chi thứ tư là "Mão";
ký tự 申 "thân" mang nghĩa “trình bày, bày tỏ”, nhưng... được mượn để ghi tên gọi cho chi thứ 9 là "Thân".v.v...
Thấy gì? Cách gọi tên các chi như "Dần", "Mão", "Thân"... - không tương thích với nghĩa của ký tự "dần", "mão", "thân" - cho thấy đây thuần túy là người Hán ký âm "tên gọi 12 chi" từ tiếng tộc người khác.

/C/ Theo George Coèdes (1935), tên gọi của 12 con giáp có nguồn gốc tiếng Mường cổ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Úc) tìm hiểu các tương quan ngữ âm, và rút ra nhận định: các tên gọi Tý, Sửu, Dần, Mão… chính là hệ thống ký âm của người Hán ghi lại tên gốc từ tiếng Việt cổ.
Mường cổ hay Việt cổ? Diễn biến ra sao? Mời quí bạn đọc bài theo đường dẫn ghi: (*), cuối stt này.
Điều hệ trọng, theo Jerry Norman (1985), tên 12 con giáp có nguồn gốc từ NGỮ HỆ NAM Á (Austro-asiatic) (*).

/D/ THAY LỜI KẾT LUẬN
* Hệ thống tên gọi 'Tý, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi (Vị), Thân, Dậu, Tuất, Hợi", tuy ghi bằng chữ Hán, nhưng là do người Hán đi vay mượn từ ngôn ngữ khác,
Bất luận ngôn ngữ của tộc người nào cũng đều có: những lớp từ vựng nền tảng + những lớp từ vựng vay mượn. Đây là điều bình thường.
Nhưng ... sẽ bất thường nếu tự cho rằng "chữ thánh hiền" hoàn chỉnh ngay từ đầu, cấm cãi. Vay mượn, rồi nghiễm nhiên cho là của mình, có khác nào "chiếm đóng, chiếm đoạt ngôn ngữ"! Quí bạn nghĩ sao về chiêu trò nhằm hợp lý hóa việc chiếm đóng?
* Đọc tên 12 con vật "cầm tinh", bằng quốc âm (Nam âm), như sau: Chuột, Trâu, Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Heo (lợn).

--------------------------------------------------
(*) NGUỒN GỐC VIỆT CỦA TÊN 12 CON GIÁP http://dongtac.hncity.org/spip.php?article2554...

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180