Tiếng Việt Trong Sáng : Bàn về "Tiếng Việt của người Việt"

Tiếng Việt Trong Sáng
Bàn về "Tiếng Việt của người Việt" *
Xe thổ mộ đi trên đường Bến Chương Dương, phía sau là Cầu Mống, Sài Gòn
Lý Hồng Bảo

Trong ngôn ngữ của người miền Trung và đặc biệt là miền Nam xài rất nhiều âm thuần Việt (Nam âm), nó là phiên âm chữ Nôm (chữ của nước Nam). Trong khi đó ở miền Bắc, với sự bảo thủ của các nhà Nho học nên vẫn xài âm Hán Việt (phiên âm của chữ Trung Quốc).
Chữ Nôm là chữ của người Việt, sáng tạo ra dựa trên sự vay mượn chữ Hán đã có. Bằng nhiều cấu trúc như ghép 2 chữ Hán để thành 1 chữ Nôm, thêm- bớt nét chữ Hán để thành chữ Nôm, mượn nguyên chữ nhưng đọc khác (dị âm đồng nghĩa)....
Ví dụ: Cùng 1 chữ nhưng chữ Hán phiên âm là "Nhất", nhưng khi nó là chữ Nôm thì đọc là "Nhứt"; Hán đọc Nhị, Nôm đọc Nhì; Hán đọc Hoa, Nôm đọc Bông; Hán đọc kỉ, Nôm đọc Ghế; Hán đọc Vụ, Nôm đọc Mùa...
Như vậy những chữ "Nhứt", "Nhì", "Bông", "Ghế", "Mùa"...là Nam âm, phiên âm từ chữ Nôm, ngược lại cũng nghĩa đó nhưng "Nhất", "Nhị", "Hoa", "Kỉ", "Vụ"...lại là phiên âm Hán Việt.
Chữ Hán là chữ của nước phương Bắc, của Trung Quốc, của người Hoa, chưa bao giờ được coi là Quốc tự, Quốc âm, Quốc ngữ của nước ta.
Nhưng chữ Nôm (chữ của nước phương Nam, chữ của người Việt), rất nhiều thời kỳ luật định là Quốc âm, Quốc ngữ. Nguyễn Trãi có tác phẩm "Quốc âm thi tập" (tập thơ viết bằng chữ Nôm), nghĩa là chữ Nôm là Quốc âm. Đời nhà Hồ, thời Tây Sơn dùng chữ Nôm trong tất cả văn bản hành chánh.
Trong 'Truyện Kiều" có 2 câu:
        "Dưới trăng quyên đã gọi hè
        Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông"
Sao không dịch là đơm hoa mà lại là đơm bông? Vì Nguyễn Du viết "Truyện Kiều" bằng chữ Nôm, chữ Nôm đọc là bông, chữ Hán Việt mới đọc là Hoa.
(Có người nói chữ "Hoa" cũng như nhiều chữ khác bị kị húy nên đọc thành Bông, nhà Nguyễn thống nhứt từ Nam ra Bắc sao miền Nam kị mà Bắc không kị? Rồi nói dân Nam trung thành nhà Nguyễn nên chịu kị, vậy sao người Trung Quốc tại Saigon, Chợ Lớn bao đời nay người miền Nam vẫn kêu người Hoa chớ không kêu người Bông?).
Như vậy ngôn ngữ miền Trung, miền Nam rõ ràng là thuần Việt hơn, giữ gìn tôn vinh bản sắc dân tộc hơn, có tánh pháp lý hẳn hòi hơn ngôn ngữ miền Bắc. (Vì chữ Nôm nhiều thời, nhiều giai đoạn là Quốc âm, Quốc ngữ; còn chữ Hán Việt luôn coi là chữ của nước phương Bắc).
Thứ nữa, chữ viết hiện nay đang dùng mà ta hay gọi là "Chữ Quốc ngữ" là chữ viết dùng ký âm tiếng Việt dựa trên ngữ hệ Latin. Nó được phát triển, hoàn thiện và sử dụng rộng rãi tại Đàng trong gần 100 năm, rồi sau đó mới phổ biến ra miền Bắc.
Ở Đàng trong từ 1838 đã có từ điển được in ấn hoàn chỉnh: "Nam Việt–Dương Hiệp Tự vị" (Dictionarium Anamitico-Latinum) là cuốn từ điển song ngữ Việt–Latinh, trong đó tiếng Việt được viết bằng cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, xuất bản năm 1838 tại Serampore, Ấn Độ. Cuốn sách này được giám mục Jean-Louis Taberd biên tập dựa trên toàn bộ thủ bản soạn thảo năm 1773 của giám mục Pierre Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc). Kèm theo cuốn từ điển còn có 1 tấm bản đồ vẽ Việt Nam "An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ" viết bằng 3 thứ tiếng: Hán- Latin- tiếng Việt.
Từ 1865, tờ "Gia Định Báo" của Trương Vĩnh Ký là tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ. năm 1869 Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định "bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán" trong các công văn ở Nam Kỳ. Đến 1878 Thống Đốc Nam Kỳ ký quyết định: Kể từ mồng một Tháng Giêng năm 1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị... sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ quốc ngữ.
Ngày 25/5/2008 bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức "Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Truyền Bá Quốc ngữ (25/5/1938)" được Thống sứ Bắc kỳ công nhận. Như vậy dù 1919 nhà Nguyễn đã bỏ khoa cử, chữ Quốc ngữ bắt đầu được khuyến khích, truyền bá, nhưng miền Bắc được coi là chánh thức truyền bá rộng rãi là từ 1938, sau miền Nam (1838) cả 100 năm.
- Vậy thì xét về ngôn ngữ thì miền Nam sử dụng thuần Việt hơn, bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ dân tộc hơn, tánh pháp lý chặt chẽ, rõ ràng hơn miền Bắc.
- Xét về chữ viết hiện hành (Chữ Quốc ngữ dùng ký tự Latin) miền Nam cũng xài trước miền Bắc cả 100 năm.
Vậy hà cớ gì, mắc mớ gì lấy phương ngữ của miền Bắc áp đặt, cưỡng bức, đồng hoá trên bình diện toàn quốc, bắt người miền Nam phải xài ngôn ngữ, địa danh, tên vùng miền, tên đường theo miền Bắc????
Mặt khác, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, chương I điều 5 mục 3 ghi là "Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt" khẳng định tiếng Việt là Quốc ngữ. Mà khổ thay, tiếng Khmer là của người Khmer, tiếng H'Mong là của dân tộc H'Mong, tiếng Tày của dân tộc Tày, tiếng Hoa của dân tộc Hoa (TQ), nhưng tiếng Việt của ai? Trên văn bản hành chánh ta không có dân tộc Việt, chỉ có dân tộc Kinh. Mà tiếng Kinh thì chưa nghe, chắc kinh bỏ mịa!
Cũng theo Hiến pháp 2013 chương I điều 5 mục 3 ghi "Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình".
Như vậy là các bất kì dân tộc nào cũng có quyền dùng tiếng nói, ngôn ngữ, chữ viết của họ để giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình, được Hiến pháp qui định và bảo vệ.
Cho nên nếu có bộ luật hay quy định nào đó được đặt ra nhằm xoá bỏ, hạn chế, áp đặt quyền sử dụng ngôn ngữ của một vùng miền, đã có truyền thống, tập quán văn hoá lâu đời thì đó đều là hành vi vi hiến.

(*) Tựa bài viết đặt bởi TUDO

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180