Tiếng Việt Trong Sáng: “Đói ăn rau, đau uống thuốc" và “Mũi vạy, lái chịu đòn”

Tiếng Việt Trong Sáng
“Đói ăn rau, đau uống thuốc" và “Mũi vạy, lái chịu đòn”


HỚN CHIÊU – TUYẾT MAI

Việc bảo tồn, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, ngoài việc viết đúng còn phải hiểu đúng. Có nhiều trường hợp hiểu chưa đúng tiếng Việt, chúng tôi xin đơn cử hai trường hợp như sau:

1- Về câu tục ngữ “Đói ăn rau, đau uống thuốc”

Rất nhiều người hiểu ý nghĩa câu này là đói thì ăn rau, còn đau thì phải uống thuốc, mới hết bệnh. (VD: Trang web https://vi.hinative.com/questions/22777432 nêu câu hỏi và câu trả lời như sau: “Đói ăn rau, đau uống thuốc” có nghĩa là gì?” – “Đói thì nên ăn rau cho đỡ đau bao tử. Đau (bệnh) thì nên uống thuốc để mau khỏi bệnh.” Một trang web khác- https://tudienso.com/thanh-ngu/doi-an-rau-dau-uong-thuoc-la-gi -cũng giải như trên: “đói ăn rau, đau uống thuốc có nghĩa là: đói thì rau gì ăn được cũng ăn, cần no bụng. Bệnh thì thuốc gì uống đuợc cũng uống, cần khỏi bệnh.”). Giải thích như vậy thì chỉ hiểu một chút xíu nghĩa của câu tục ngữ, giống như một học sinh tiểu học. Cũng phải, nghĩa trong sáng, rõ ràng vậy mà. Nhưng tại sao lại “đói ăn rau” mà không ăn thứ gì khác (khoai, cơm, bánh,…), nếu nói cần gieo vần với từ “đau” thì lý do không chính đáng. Người nông dân sáng tác văn học bình dân rất siêu phàm, dùng từ, gieo vần thật tự nhiên, phong phú, thần tình. (VD: Má ơi, con vịt chết chìm; con thò tay vớt nó, con cá lìm kìm cắn tay con. VD khác: Thò tay ngắt một cọng ngò; thương em muốn chết giả đò làm ngơ, …)

Còn “đau uống thuốc” là chuyện đương nhiên, thường tình, cần gì phải nói. Câu tục ngữ “Đói ăn rau, đau uống thuốc” có ý nghĩa hay hơn, tế nhị hơn, có tính giáo dục, nhắc nhở, khuyên răn. (chứ không chỉ nói chuyện đương nhiên là đói thì phải ăn rau, đau thì phải uống thuốc)

Thành ngữ, tục ngữ, ca dao thường hình thành, xuất phát từ người bình dân, người dân quê chân lấm tay bùn, người lao động sản xuất ở thôn quê, từ những sinh hoạt đời thường ở nông thôn (90% người dân Việt Nam làm nghề nông), tồn tại và lưu truyền bằng miệng (truyền khẩu). Nhưng khi có chữ viết, người ghi lại thường ở nơi thành thị, phố phường, kinh đô. Sau này nhà văn, nhà báo viết lại, hiểu và giải thích cũng sống nơi phồn hoa, đô hội. Họ không có thực tiễn sinh động về hoàn cảnh, môi trường sống ở ruộng vườn, nông thôn.

Nếu ta sống cùng chung với người dân ở nông thôn, được nghe người bình dân dùng câu tục ngữ này thì ta mới biết ý nghĩa thực sự của nó. Ở thôn quê từ bắc, trung đến nam, người nông dân có một mái nhà lá đơn sơ, xung quanh nhà có chút ít đất vườn, đất ruộng. Người dân đã trồng rau cải (có khi thêm một vài cây ăn trái), để làm thực phẩm ăn kèm với thịt, cá, gà vịt… bổ sung vào bữa ăn. Chính các loại rau phong phú này lại có tác dụng chữa trị một số bệnh thông thường, như tía tô, bạc hà, kinh giới,… trị cảm, rau cần dày lá trị ho, lá mơ trị dứt bệnh kiết lỵ,… (Nếu không biết dùng thì có người nói dân Việt Nam đôi khi phải chết trên đống thuốc là vậy).

Những người phụ nữ đảm đang ở quê tìm đủ các loại rau củ quả trồng xung quanh nhà, ngoài việc dùng làm thức ăn, thực phẩm hàng ngày, còn có lúc trị một số bệnh thông thường. Các bà, các chị thường khuyên con cháu trồng các loại rau củ quanh nhà để “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Hoặc có khi giới thiệu “công trình” vườn rau sau nhà với bà con, lối xóm, với khách khứa từ miền xa đến, thì quý bà hãnh diện kết thúc bằng câu tục ngữ sâu sắc, đầy ý nghĩa này “Đói ăn rau, đau uống thuốc” mà.



2- Về câu tục ngữ “Mũi vạy, lái chịu đòn”

Khi mới nghe qua câu tục ngữ này, nhiều người đã viết là “Mũi dại, lái chịu đòn” và hiểu cũng chưa đúng là người đứng phía trước ghe mà dại (không được khôn, ngoan) thì người đứng phía sau ghe (lái) phải chịu đòn (bị ăn đòn). Và cắt nghĩa bóng là người đứng đầu cơ quan, đoàn thể, tổ chức mà kém, ngu, dại, thì những người trong tổ chức ấy phải chịu nghèo khổ, thiệt thòi.

Đây cũng là một trường hợp thiếu thực tiễn trong cuộc sống ở thôn quê, vì một số người không từng chứng kiến cảnh hai người chèo chống một chiếc ghe trên sông rạch. Câu tục ngữ viết đúng phải là “Mũi vạy, lái chịu đòn”. Vạy là cong queo, cong vẹo, không thẳng hàng. Người cầm chèo đứng phía trước (mũi ghe) mà điều khiển nó bị “vạy” (tức là để mũi ghe quẹo qua trái quẹo qua phải, mũi ghe cong vẹo), thì người đứng sau lái cầm chèo, cầm đòn phải vất vả sửa lại cho ghe đi ngay thẳng.

Nghĩa bóng của câu tục ngữ là người cầm đầu (lãnh đạo) nhỏ thì gia đình, cơ quan, đoàn thể, lớn là chính phủ, đất nước mà ngu tối, đi theo đường cong vẹo, lạc lối,… thì những người trong tổ chức, trong nước phải chịu vất vả, khổ sở để chống đỡ cái việc đi lệch đường của người đứng đầu.

Hiện nay, nước CHXHCNVN ta đang ở trong tình trạng “Mũi vạy, lái chịu đòn” đấy!

HỚN CHIÊU – TUYẾT MAI

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180