Có cáo buộc Việt Nam chuyển nhiên liệu tới quân đội Myanmar bất chấp lệnh cấm
tới quân đội Myanmar bất chấp lệnh cấm
Hình ảnh do Amnesty International thu thập cho thấy tàu bơm nhiên liệu ở kho của công ty Hải Linh ở KCN Cái Mép, Bà Rịa - Vũng Tàu. Photo Amnesty International. Photo Amnesty International. |
Một nghiên cứu của tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy các cơ sở lưu trữ nhiên liệu của Việt Nam có dính líu vào việc vận chuyển nhiên liệu cho quân đội Myanmar bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Trong một báo cáo gần đây, Ân xá Quốc tế (Amnestey International – AI) sử dụng các kỹ thuận phân tích dữ liệu hàng hải, vệ tinh, thương mại và hải quan phát hiện ra những thay đổi đáng kể về cách nhiên liệu hàng không được đưa vào Myanmar trong năm qua, với việc quân đội dường như sử dụng các tuyến đường mới và dựa vào các đơn vị lưu trữ, trong đó có một doanh nghiệp tại Việt Nam, để cố tình che giấu nguồn gốc của nhiên liệu.
“Không rõ liệu các công ty thương mại có biết số nhiên liệu họ bán cho các công ty Việt Nam sau đó sẽ sớm được vận chuuyển đến Myanmar hay không, hay liệu các hành động của họ có thể vi phạm các lệnh trừng phạt hiện hành hay không”, báo cáo của AI đặt nghi vấn.
“Những thương nhân này đã bán nhiên liệu cho một công ty Việt Nam, sau đó công ty này dường như đã bán nhiên liệu máy bay cho một bên mua của Myanmar. Dữ liệu hải quan cho thấy một trong những doanh nghiệp là Công ty Trách nhiện Hữu hạn Hải Linh, công ty sở hữu và vận hành kho bãi Cái Mép”, báo cáo viết.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York, Mỹ, phát hiện trong năm 2023 có đến 7 chuyến hàng nạp nhiên liệu hàng không tại một kho chứa nhỏ có tên là Cảng xăng dầu Cái Mép gần thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, do Công ty TNHH Hải Linh trong nước điều hành.
Công ty Việt Nam này tiếp nhận xăng tại kho chứa ở Cái Mép cũng do họ quản lý. Sau khi lưu trữ nhiên liệu từ vài giờ đến vài ngày, nhiên liệu đó được bán sang Myanmar và vận chuyển bằng tàu thủy.
Trong các chuyến hàng trên, AI phát hiện có ít nhất một chuyến xuất từ kho cảng của Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ở Huệ Châu, Trung Quốc.
“Vai trò của Việt Nam ở đây đặc biệt có vấn đề. Cảng Cái Mép đóng vai trò thiết yếu để chuỗi cung ứng mới này hoạt động – và vì vậy chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ phải đảm bảo các cảng của mình không bị sử dụng cho các hoạt động liên quan đến vi phạm nhân quyền”, bà Montse Ferrer, Phó Giám đốc Khu vực Nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra ý kiến.
Bà Ferrer nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ đảm bảo các cảng của mình không được sử dụng cho các hoạt động liên quan đến vi phạm nhân quyền”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Công ty TNHH Hải Linh, và đề nghị họ cho ý kiến về phát hiện và tuyên bố của Ân xá Quốc tế, nhưng chưa được phản hồi.
Truyền thông Việt Nam mô tả Công ty TNHH Hải Linh là “ông trùm” xăng dầu đang nắm giữ nhiều dự án quan trọng trong ngành công nghiệp khí với các dự án hạ tầng xăng dầu, kho chứa LNG từ Bắc vào Nam và đội tàu chở nhiên liệu hùng hậu.
Bà nói thêm rằng cuộc không kích ở Myanmar năm ngoái - là vụ đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính tiếm quyền - đã giết chết rất nhiều trẻ em, phụ nữ và đàn ông vô tội, đồng thời kêu gọi Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thành viên ASEAN và thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiêp Quốc, phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ nhân quyền, chấm dứt đồng lõa với các tội ác quốc tế của chính quyền và chấm dứt gây ra cuộc khủng hoảng ở Myanmar.
Chuỗi cung ứng nhiên liệu hàng không cung cấp cho Myanmar dường như đã thay đổi đáng kể tính từ khi các lệnh trừng phạt được Anh, Mỹ, EU và các nước khác thông qua vào năm ngoái. Vào tháng 8/2023, Hoa Kỳ đã thông qua vòng trừng phạt mới nhất đối với nhiên liệu máy bay.
Vào năm ngoái, như VOA đã đưa tin, một nhóm các tổ chức phi chính phủ ở Myanmar nói rằng tập đoàn dầu khí PetroVietnam của Việt Nam nằm trong số các công ty dịch vụ mỏ dầu lớn nhất thế giới đã tiếp tay cho chính quyền quân quản Mynamar mang lại nguồn thu bất hợp pháp, giúp chế độ này tấn công tàn bạo vào chính người dân của mình.
Các tài liệu và hồ sơ thuế của doanh nghiệp mới bị rò rỉ tiết lộ rằng 22 công ty dịch vụ mỏ dầu lớn nhất thế giới, trong đó có PetroVietnam, “đã tiếp tục làm việc tại Myanmar sau cuộc đảo chính của quân đội, giúp cung cấp khí đốt và mang lại doanh thu quan trọng cho chính quyền”.
Kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021, đất nước Myanmar đã trải qua tình trạng vi phạm nhân quyền leo thang nghiêm trọng.
Hồi tháng 1/2024, các cuộc không kích của quân đội Myanmar xảy ra gần Nhà thờ Saint Peter Baptist ở làng Kanan thuộc vùng Sagaing, gần biên giới phía tây của đất nước với Ấn Độ, khiến 17 thường dân thiệt mạng, hơn 20 người bị thương. Hành động này khiến các tổ chức nhân quyền, trong đó có AI, kêu gọi quốc tế phải điều tra hành vi “tội ác chiến tranh” của chính quyền quân quản.
Nhận xét
Đăng nhận xét