Sau 2 năm xung đột, Mỹ hy vọng giúp Ukraine 'đàm phán' với Nga
Sau 2 năm xung đột,
Mỹ hy vọng giúp Ukraine 'đàm phán' với Nga
Mỹ hy vọng giúp Ukraine 'đàm phán' với Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp gỡ các quân nhân trong chuyến thăm khu vực Donetsk vào ngày 6/12/2019. (Ảnh: EVGENIYA MAKSYMOVA/AFP/Getty Images) |
Huyền Anh biên dịch
Hai năm sau khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, chính quyền ông Biden đang xem xét lại khả năng chiến tranh có thể kết thúc bằng một giải pháp thương lượng hay không.
Lãnh đạo Ukraine tuyên bố rằng họ đang tìm cách khôi phục toàn bộ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở phía đông. Phía Nga lập luận rằng họ đang tìm cách phi quân sự hóa hoàn toàn Ukraine và thành lập một nhà nước trung lập để bảo vệ Nga khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhiều nhà phân tích cho rằng, không có bên nào có thể đạt được mục tiêu của mình và giành chiến thắng, cũng như chiến tranh có khả năng kéo dài.
Về phần mình, các quan chức Mỹ vẫn lạc quan khi cho rằng cuộc chiến đã khiến Nga tổn thất nặng nề đến mức một giải pháp thương lượng vẫn có thể bảo vệ được chính phủ dân chủ và chủ quyền của Ukraine.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland, bằng chứng nằm ở những tổn thất của Nga.
Trong một cuộc thảo luận ngày 22/2 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, bà Nuland cho biết: 'Ukraine đã loại khỏi chiến trường 21 tàu hải quân, 102 máy bay chiến đấu và 2.700 xe tăng của Nga”.
"Nếu người Mỹ vẫn đang tự hỏi liệu tất cả những điều này có xứng đáng với chúng ta hay không, thì hãy nhớ rằng: việc chúng ta không cần gửi một binh sĩ Mỹ nào tham chiến và chỉ đầu tư chưa đến 1/10 ngân sách quốc phòng một năm đã giúp Ukraine tiêu diệt 50% sức mạnh chiến đấu trên bộ của Nga”.
Bất chấp thương vong nặng nề, ngay cả các quan chức cấp cao như bà Nuland cũng buộc phải thừa nhận rằng nguồn viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine gần như cạn kiệt, và khiến Ukraine rơi vào thế bế tắc luẩn quẩn, giống như những nỗi kinh hoàng của chiến tranh đầu thế kỷ 20 hơn là thế kỷ 21.
Mô tả đường kiểm soát ở miền đông Ukraine như một “máy xay thịt”, bà Nuland nói rằng Nga tỏ ra hài lòng khi chỉ đơn giản chờ đợi sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine cạn kiệt hoàn toàn.
Bà nói: “Pháo thủ [Ukraine] hiện chỉ có từ 10 đến 20 quả đạn pháo 155mm mỗi ngày để tự vệ”.
“[Nhà lãnh đạo Nga] Vladimir Putin… nghĩ rằng ông ấy có thể chờ đợi Ukraine, ông ấy nghĩ rằng ông ấy có thể chờ đợi tất cả chúng ta. Chúng ta cần chứng minh rằng ông ta đã sai”.
Với ý nghĩ đó, bà Nuland cho rằng bất kỳ sự tạm dừng nào trong cuộc giao tranh, thậm chí là vĩnh viễn, sẽ cần phải được đàm phán để đảm bảo rằng ông Putin sẽ không chỉ đơn giản sử dụng thời gian để “nghỉ ngơi và tái trang bị” cho một cuộc xâm lược khác.
Bà Nuland nói: “Ông Putin đã thất bại trong mục tiêu chính của mình. Ông ấy nghĩ đó sẽ là một chuyện dễ dàng. Ông ta tưởng [quân đội của ông] sẽ hiện diện ở Kyiv trong một tuần. Ông ta nghĩ người dân ở phía đông [Ukraine], ở các thành phố như Kharkiv sẽ nói, 'Vâng, chúng tôi muốn gia nhập Nga'. Tuy nhiên, không có điều gì xảy ra”.
"Bây giờ, ông ấy đang ở trong một cuộc chiến tranh tiêu hao khốc liệt”.
Mỹ đặt mục tiêu nâng cao vị thế của Ukraine trước Thỏa thuận Hòa bình
Chính quyền Tổng thống Biden từ lâu đã tuyên bố sẽ ủng hộ Ukraine cho đến khi quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này giành được chiến thắng. Nhưng giờ đây, ngay cả chính quyền cũng thừa nhận rằng cuộc chiến sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình được thương lượng, và điều tốt nhất họ có thể làm có lẽ là giúp Ukraine có vị thế tốt hơn khi các cuộc đàm phán bắt đầu.
Các cuộc chiến thường kết thúc bằng một hình thức đàm phán nào đó, nhưng chúng tôi sẽ không quyết định thay cho Ukraine về thời điểm thích hợp để họ tiến hành đàm phán hòa bình, bà Nuland lập luận.
“Ukraine sẽ tự đưa ra những quyết định đó. Nước này cần phải ở một vị thế vững chắc và ông Putin cần phải thấy rằng mọi thứ sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn đối với ông ta trước khi ông ta có động thái gì trên bàn đàm phán”.
Bà Nuland cho biết, cho đến nay, các đề xuất ngoại giao của Nga đều tập trung vào Mỹ và hoàn toàn phớt lờ Ukraine, trong đó, hầu hết các đề nghị đều cho rằng Nga nên giữ lại tất cả các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm được từ Ukraine.
“Đề nghị hiện tại của [ông Putin] là ‘Tôi giữ lại tất cả các vùng lãnh thổ mà tôi có và chỉ đàm phán về phần lãnh thổ còn lại của Ukraine’. Và cách tiếp cận này không thể duy trì lâu dài”, bà nói.
“Đó luôn là cách của người Nga: Đưa ra các quyết định liên quan đến Ukraine mà không có sự hiện diện của Ukraine”.
Bà nói thêm, những cuộc thảo luận đó bắt đầu từ năm 2014, với việc Nga sáp nhập Crimea và tiến hành một cuộc xâm lược hạn chế vào miền đông Ukraine.
Mặc dù nhắc lại rằng việc bắt đầu các cuộc đàm phán sẽ tùy thuộc vào Ukraine, bà Nuland nói rõ rằng Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ ngoại giao cho Ukraine nếu và khi nước này chọn theo đuổi một giải pháp thương lượng để kết thúc chiến tranh.
Bà nói: “Chắc chắn sẽ có một cuộc đàm phán khi Ukraine ở vị thế mạnh hơn và chúng tôi đã nói rõ rằng nếu cần sự giúp đỡ thì chúng tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ”.
“Nhưng tôi lo ngại rằng chừng nào ông Putin còn nắm quyền, ông ta sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu cơ bản là khuất phục Ukraine”.
Không thể phủ nhận, Ukraine hiện đang ở thế mạnh hơn nhiều so với hai năm trước. Họ đã giành lại hơn 50% lãnh thổ bị Nga chiếm đóng trong những tháng đầu cuộc chiến. Như bà Nuland nhấn mạnh, Nga đã phải chịu những tổn thất nặng nề mà sẽ cần nhiều năm mới phục hồi được.
Tuy nhiên, phần lớn tiến triển này đã đạt được từ cuối năm ngoái. Cuộc phản công rầm rộ của Ukraine đã chững lại kể từ đó, và họ dần rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn cung cấp vũ khí từ phương Tây trong nỗ lực giữ vững thành quả.
Theo bà Nuland, để đảm bảo Ukraine không mất thêm lãnh thổ, họ cần sự hỗ trợ tài chính liên tục từ Hoa Kỳ. "Chúng ta không thể cho phép Putin thành công trong kế hoạch xóa sổ Ukraine khỏi bản đồ các quốc gia tự do... các nền dân chủ trên toàn thế giới sẽ gặp nguy hiểm”.
Huyền Anh biên dịch
Theo The Epoch Times
----------
Nhận xét
Đăng nhận xét