Tiếng Việt Trong Sáng: “vinh thân phì da” hay “vinh thân phì gia” ?

Tiếng Việt Trong Sáng
“vinh thân phì da” hay “vinh thân phì gia” ?

Hớn Chiêu - Tuyết Mai

Khi tôi gõ tìm kiếm trên Google: “vinh thân phì da?” thì trong một giây, có 568 kết quả. Vài dẫn chứng:

1- “Đây là lời tuyên thệ đầu tiên của hơn 5 triệu đảng viên trong buổi lễ kết nạp vào tổ chức ưu tú, tiên tiến của giai cấp công nhân, phấn đấu suốt đời cho lý tưởng của Đảng. Lời tuyên thệ là vậy, song, việc thực hành sự tuyên thệ ấy mới là điều cần bàn. Thật trớ trêu sự bội ước để "vinh thân, phì da” trên nỗi đau mất mát của đồng bào là vấn đề nhức nhối.” (VTC News và Yên Bái online)

2- “Nhà văn Đào Tuấn nhấn mạnh rằng hiện đã tới lúc luật Đất đai sửa đổi phẩi chấm dứt nạn “vinh thân phì da của một nhóm lợi ích” qua những dự án mỹ miều “phát triển kinh tế xã hội” (RFA Đài Á Châu Tự do)

3- “Không thiếu những Kitô hữu đã đầu hàng, đã thoả hiệp để được yên ổn, để được vinh thân phì da, để được chức tước, địa vị xã hội. “ (Facebook Công Giáo: Đạo vào Đời)

4- “Trong khi ở chốn nhân gian đầy bụi bặm này biết bao kẻ bon chen, giẫm đạp nhau, kiếm tiền, kiếm chức, kiếm lợi quyền để được vinh thân phì da. Bởi, trong suy nghĩ của Năm Tính- nhân vật trong truyện “Đâu phải làm việc gì cũng để kiếm tiền?” (toquoc.vn)

5- “Thật ra, bất cứ ai có tấm lòng yêu mến đạo pháp thì đều cảm thấy đau lòng khi thấy Phật pháp bị mang tai tiếng. Chỉ có những người không phải là người tu, chỉ mượn đạo tạo đời để vinh thân phì da thì mới có thể bàng quan vô cảm với nỗi đau chung của những người con Phật chân chính.” (giacngo.vn)

6- “Thậm chí, dám “hy sinh đời bố củng cố đời con”, dám làm tất cả để có tiền và nhiều tiền sống vinh thân phì da; vô hồn, vô cảm trước nỗi đau của người nghèo.” (thanhtra.com.vn)

(…)

VIẾT ĐÚNG THÀNH NGỮ (HAY TỤC NGỮ?) NÀY là “vinh thân phì gia”, có nguồn gốc từ tiếng Hán Việt: 榮身肥家, tạm hiểu là làm giàu cho thân mình, làm đầy đủ thừa thải cho nhà mình. Không thể viết và hiểu “vinh thân phì da” được, vì từ “da” là từ thuần Việt, không thể đứng chung trong nhóm từ Hán Việt; hơn nữa phì (hiểu nôm na là mập) cũng không thể chỉ “mập da”.

Ngay cả những người viết sách, báo ở ngoài nước cũng viết nhầm “vinh thân phì da”, đơn cử vài ví dụ:

1- Sách “Trong bóng tối lịch sử” (Khảo luận về Ngô Đình Diệm) của Mai Thạch Lê Nguyên Phu (ấn bản ISBN 978-2-9810906-0-7 Dépôt legal), trang 249: “Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày đêm chăm lo nhiều việc, xả thân vì đất nước, nhưng bị một đám thuộc hạ chỉ biết có vinh thân phì da, tìm cach hưởng thụ tối đa, làm mật thì giờ, quấy rầy vì những chuyện không đâu, thật là đáng hận và đáng tiếc!”

2- “Đứng trước ngã ba đường, tôi không thể nào rẽ vào con đường đầu hàng Pháp để vinh thân phì da như nhiều người khác.” (Chương 18, “Đời một phóng viên” của Văn Bia, https://baovecovang2012.wordpress.com/)

3- “Điển hình nhất là ông Đốc Huệ và ông Đốc Thỉnh của tỉnh Bến Tre. Một học giả uyên thâm có bằng cử nhân Văn chương Pháp thời Pháp thuộc có được mấy người. Nếu ở lại với Pháp thì ông đã vinh thân phì da vào hạng nhất Nam kỳ, nhưng ông đã đem cả gia đình đi kháng chiến. Ra Bắc về Nam hai lần. Khi hiệp ước Hòa Bình 54 được ký kết ông Thỉnh bị bỏ quên…" (Tưởng Năng Tiến, https://sangtao.org/2021/03/26/sttd-tnt-hoa-cut-lon/)

4- “Lao động một cách sáng tạo và thẳng thắn vì sự nghiệp chung chứ không phải để vinh thân phì da. Vì thế, những người lười biếng chỉ muốn hưởng thụ thì không thể nào có được sự tự tin và tìm thấy được ý nghĩa đích thực cho cuộc sống của mình.” (https://daminhbuichu.net/ai-khong-muon-slamf-viec-thi-dung-an/)

5- “Thôi thì đơn giản là, mỗi công dân hàng ngày đều lao động, đổ mồ hôi sôi nước mắt để đóng thuế nuôi cả bộ máy cồng kềnh của các người đã là đóng góp, không cho đất nước cũng là cho các người vinh thân phì da.” (Chu Mộng Long, baotiengdan.com)

6- “Cơ cấu xã hội truyền thống Việt Nam trước đó chủ yếu thuộc dạng văn minh làng xã lấy gia đình, dòng tộc làm tế bào, đặt cơ sở trên nền sản xuất nông nghiệp lúa nước bị tấn công dữ dội, liên tục chao đảo trước việc du nhập của những làn sóng văn hóa xa lạ, một cơ cấu xã hội mới, lấy tự do cá nhân làm trọng, lấy sự phụng sự ngoại bang làm cơ hội vinh thân phì da.” (Trần Dũng, “Diện mạo xã hội nam bộ đầu thế kỷ XX qua truyện thơ Sáu Trọng”, vanchuongviet.org)

Hớn Chiêu - Tuyết Mai

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180