John Steinbeck và Lê Văn Khoa với Trẻ Em Bụi Đời Việt Nam

John Steinbeck và Lê Văn Khoa
với Trẻ Em Bụi Đời Việt Nam


Trịnh Bình An

        “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
        Tuổi ấu thơ đà mang nhiều âu lo
        Ngày nó sống kiếp lang thang
        Ngẩn ngơ như chim xa đàn
        Nghĩ mình tủi thân muôn vàn…”
“Thằng bé” trong ca khúc “Nó” của nhạc sĩ Anh Bằng là những trẻ em bụi đời lang thang không nơi nương tựa. Cuộc chiến xâm lược của Miền Bắc Cộng Sản suốt 20 năm đã khiến cho Miền Nam không đủ khả năng quan tâm chu đáo tới các trẻ em mồ côi. Câu hát “Miền Bắc điêu tàn nên đời Nó khổ” giờ đây trở thành cái gai nhọn đối với chế độ độc tài. Nhiều ca sĩ khi hát bài Nó, để tránh không bị làm khó dễ, đã phải sửa câu này thành “Cuộc chiến điêu tàn nên đời Nó khổ”.
Nhà văn Duyên Anh được biết tới qua những tác phẩm viết về trẻ bụi đời trong xã hội Miền Nam trước năm 1975. Một số tác phẩm tiêu biểu là Điệu Ru Nước Mắt, Luật Hè Phố, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang…
Số phận của các thanh thiếu niên bụi đời thường rất đau khổ. Như trong truyện dài Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang:
Nhân vật chính trong tác phẩm này tên Hoàng. Hoàng chơi đàn guitare rất giỏi nên có biệt danh là Hoàng Guitare. Hoàng là đại ca của một băng du đãng. Nhưng sau đó Anh hoàn lương, về mở lớp dạy đàn. Đồng bọn cũ lại không muốn vậy, họ vẫn muốn lôi kéo Hoàng vào những việc bất chính. Và rồi một hôm, để kiếm tiền trang trải cuộc sống còn khó khăn, Hoàng đã nhận lời làm một vụ cuối cùng. Nhưng sự việc bại lộ, những phát đạn oan nghiệt cắm sâu vào lưng Hoàng như những vết thù đời không bao giờ xoá được và cũng chấm dứt kiếp ngựa hoang.
Bài viết này xin được giới thiệu hai tác giả khác cũng từng rất quan tâm tới các trẻ em bụi đời Việt Nam. Người thứ nhất, đó là một nhà văn Hoa Kỳ: John Steinbeck; và người thứ hai, một nhạc sĩ Việt Nam: Lê Văn Khoa.


John Steinbeck là một khuôn mặt lớn trong văn học hiện đại Hoa Kỳ. Ông là tác giả nhiều tác phẩm văn chương bất hủ, trong đó có Of Mice and Men (Xin tạm dịch: Của Chuột và Người) năm 1937, The Grapes of Wrath (Chùm Nho Uất Hận) năm 1939. Nhưng chính vì hai tác phẩm này mà ông bị liệt vào danh sách “những kẻ nguy hiểm” và không được gia nhập quân đội dù nhiều lần đăng lính. Trở ngại không làm nản lòng, Steinbeck cuối cùng được nhận làm việc cho Văn Phòng Chiến Lược OSS (tiền thân của CIA) nhưng không được ăn lương.
Năm 1942, Steinbeck cho ra đời tác phẩm The Moon is Down. Tác phẩm này đả kích chế độ phát xít nhưng đồng thời cũng áp dụng cho chế độ cộng sản. Nhà văn đã dùng hai hình ảnh đối chọi giữa “con người-tự-do” và “con người-thuần-phục”.
Trong tác phẩm East of Eden năm 1952 Steinbeck đã có câu viết: “And this I must fight against: any idea of government that limits or destroys the individual“. Tạm dịch “Tôi sẽ chống đối bất kỳ ý tưởng nào cho phép nhà nước được quyền giới hạn hay hủy hoại quyền cá nhân”.
Một người như thế có thể là cộng sản hay sao?
Steinbeck đoạt Giải Nobel Văn Chương năm 1962. Đó cũng là thời gian cộng sản Bắc Việt gia tăng đánh phá, đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam. Năm 1966, John Steinbeck đến Việt Nam với tư cách một phóng viên chiến trường độc lập. Ông tháp tùng quân đội Hoa Kỳ trong những cuộc hành quân suốt ba tháng để nhìn tận mắt cuộc chiến tranh mà nước Mỹ đang can dự ngày một sâu rộng. Đây là thời gian ông viết những lá thư “Dear Alicia” để tường trình tại chỗ những gì ông chứng kiến và cảm nhận.
Với quan điểm ủng hộ việc tham chiến của quân đội Mỹ tại Việt Nam nhằm ngăn chặn làn sóng đỏ tràn xuống Đông-Nam-Á, John Steinbeck đã bị phe phản chiến tại Mỹ, trong đó có cả người con trai ông, đả kích dữ dội, Thế nhưng, điều này không hề làm ông nao núng hay thay đổi lập trường.
Những lá thư “Dear Alicia” gần đây đã được công bố trong tác phẩm Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the War (Tạm dịch: “Steinbeck tại Việt Nam: Những Lá Thư Gởi Từ Chiến Trường”).
Những lá thư “Dear Alicia” được chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu gồm 28 lá thư, Lá thư cuối cùng ghi ngày 26/5/1966.
- Giai đoạn hai (những lá thư này được đưa vào sách). Lá thư đầu tiên ghi ngày 3/12/1966 và lá thư cuối cùng ghi ngày 20/5/1967.
Lá thư ghi ngày 21/1/1967 có tựa đề vỏn vẹn một chữ: Terrorism – Khủng Bố. Xin tạm dịch như sau:
“Khoảng 10 giờ tối có hai thanh niên, sau một lúc đi vòng vòng, họ chợt dừng lại trước cửa nhà hàng đang đông thực khách, Rồi bất ngờ ném hai trái lựu đạn xuyên qua khung cửa mở. Một trái lép. Trái còn lại nổ tung. Miểng lựu đạn xé nát thân thể người lớn và trẻ con. Lúc đó, không có bất cứ người lính nào trong nhà hàng dù Mỹ hay Việt. […] Những đứa bé đang chơi đùa trong nhà hàng bị nặng nhất. Những bác sĩ, y tá của đế quốc Mỹ bị gán cho là hung hăng, tàn bạo đang làm việc suốt đêm để mong cứu chữa những sản phẩm do những con người cao quý mệnh danh là bảo vệ tổ quốc đã gây ra. Hai tên ném lựu đạn vừa bị bắt và chúng thú nhận hành động đã làm với vẻ tự hào, khoái trá.
“Tôi thật không biết bọn khủng bố này nghĩ gì? Tại sao chúng muốn giết đồng bào, những con người khốn khổ mà chúng thường rêu rao là phải ra tay giải phóng? Bịnh viện tràn ngập nỗi bi thương. Có ai tin rằng Việt Cộng, những kẻ đã nhẫn tâm làm như thế với chính đồng bào mình, lại có thể vì dân, vì nước nếu như họ chiếm được chính quyền. Tôi không tin!
“Khi hành quân, chúng ta và những người bạn đồng minh đôi khi cũng làm thương vong những người dân vô tội. Còn Việt Cộng thì chắc chắn không quan tâm đến lương dân rồi. Chúng đặt súng máy ngay trước cửa nhà dân và buộc trẻ con phải chơi quanh quẩn đâu đó vì chúng biết chắc rằng chúng ta sẽ ngần ngại khi bắn trả lại vì sợ sẽ bắn nhầm dân lành. Việt Cộng còn xây những căn hầm trú ẩn ngay trong khu dân cư đông đúc cũng nhằm mục đích này“.
Mãi về sau, hẳn nhiều người chúng ta vẫn nhớ tới những thủ đoạn hèn hạ và xảo trá của Việt Cộng trong chiến tranh. Việt Cộng, núp trong rừng, dưới địa đạo, ban đêm xuất hiện như bóng ma. Ban ngày, Việt Cộng tản mác vào các làng quê và vào đám dân chúng vô tội. Việt Cộng có thể bắn ra từ lùm cây, hoặc từ đầu này đưa tay giật sợi dây điện nối liền một trái mìn Claymore ở đầu bên kia. Việt Cộng cũng có thể là bà già giặt đồ, hay đứa trẻ cất giấu một trái lựu đạn hoặc ngay cả một cô gái mại dâm lẻn vào các khách sạn dành riêng cho các người lính G.I… Vô số những điều Việt Cộng giết hại thường dân mà rất nhiều người đã biết, kể cả người ngoại quốc. Thế nhưng, John Steinbeck lại là một trong rất ít người dám nói lên sự thật này.
Vốn xuất thân trong một gia đình nông dân, lớn lên lăn lóc với giới lao động, Steinbeck thấu hiểu nỗi khó nhọc của những người nghèo, Tuy nhiên, ông không thích gợi lòng thương hại, ngược lại, ông tìm cách đưa những con người bất hạnh trở về phẩm giá đích thực – ông quan niệm những người bị xã hội ruồng bỏ vẫn cần phải sống và cần phải chiến đấu trong danh dự.
Trong Lá Thư Gởi Alicia ghi ngày 14/2/1967, ông “đề nghị” Tướng Nguyễn Cao Kỳ chú ý tới đám trẻ bụi đời – mà ông gọi là “Saigon Cowboys“, Đó là những đứa trẻ mồ côi độ tuổi từ 10 đến 14. Ông đề nghị nên tập hợp bọn trẻ lại, nuôi nấng và huấn luyện chúng trở thành một lực lượng đặc biệt, có khả năng trà trộn vào các vùng xôi đậu để thu thập tin tức. Lá thư có đoạn viết, xin tạm dịch như sau:
“Tôi đề nghị một ý kiến về những đứa trẻ này, đó là nguồn trữ lượng của tài năng, chúng không hề khác biệt với bất kỳ ai. Chúng muốn được khen thưởng thay vì bị trừng phạt. Chúng muốn được thấy mình có ích thay vì bị coi là vô dụng. Tôi biết, thưa Ngài, là đất nước này đang điên đầu vì không biết sẽ phải tìm ở đâu ra những nhà lãnh đạo cho tương lai. Có lẽ sẽ tìm được một vài người ngay trên đường phố đấy […]
“Việt Nam Cộng Hòa chẳng mất mát gì với một cuộc thử nghiệm như vậy nhưng có thể sẽ được lợi rất nhiều. Những người lớn thì mệt mỏi, rối trí và cay đắng qua nhiều biến chuyển thời cuộc. Rất nhiều người trong số họ đã mất đi nhựa sống và co rúm lại thành những kẻ chỉ biết khoanh tay, dương mắt ngó nhìn. Ngài sẽ phải cần đến các em cho tương lai của đất nước, sẽ phải cần đến sức sống và nhiệt tình của các em. Những kẻ già nua và chua chát thì chẳng có gì để mà cống hiến nữa.
“Tôi hy vọng, thưa Tướng Kỳ, rằng Ngài sẽ suy nghĩ kỹ về đề nghị của tôi“.
John Steinbeck qua đời năm 1968, thọ 66 tuổi. Ông không phải chứng kiến lời tiên đoán của mình trở thành sự thật – Việt Cộng, kẻ đã nhẫn tâm bắn giết đồng bào ruột thịt, chẳng bao giờ vì dân, vì nước khi chiếm được chính quyền. Và Steinbeck cũng không còn dịp chứng kiến số phận sau này của những trẻ em bụi đời trong xã hội cộng sản.
***
John Steinbeck là một người ngoại quốc, vậy mà ông lại quan tâm tới số phận của các trẻ em bụi đời Việt Nam. Thế thì, chính người Việt Nam chúng ta thì sao?



Lê Văn Khoa mồ côi mẹ từ nhỏ, điều này khiến cậu bé Khoa cảm thấy một khoảng trống lớn lao. Đã có lúc cậu bé Khoa cảm thấy hận đời và xa lánh tất cả. Thế nhưng, khi trưởng thành, chứng kiến hoàn cảnh thuơng tâm của những trẻ em mồ côi, tìm hiểu những trẻ bụi đời lang thang trên đường phố Sài Gòn, Lê Văn Khoa bắt đầu quan tâm đến những thiếu nhi không may là nạn nhân của chiến tranh. Lê Văn Khoa tiếp xúc với đủ loại trẻ em, từ đó ông trở thành người bạn của thiếu nhi trên đường phố, tại các viện mồ côi hay trong trại giáo huấn thiếu nhi.
Từ tháng 10 năm 1967, Lê Văn Khoa thành lập chương trình “Thế Giới Của Trẻ Em” trên băng tần số 9 của đài Truyền Hình Việt Nam. Trong chương trình, Lê Văn Khoa hướng dẫn các em khám phá thế giới khoa học qua các trò chơi, và các cuộc thực nghiệm khoa học.
Báo “Thế Giới Tự Do” tập XIX số 3 năm 1970 đã có bài viết “Lê Văn Khoa và Thế Giới Của Trẻ Em“. Một đoạn viết như sau:
“Lúc đó, trên đài đã có chương trình “Đố Vui Để Học” của Trung Tâm Học Liệu nên họ vẫn còn e ngại. Ông Lê Văn Khoa tiếp tục thuyết phục: “Chương trình Đố Vui Để Học rất hay nhưng dành cho số ít những học sinh xuất sắc, còn những em không xuất sắc, những em không có cơ hội đi học thì sao? Thành phần này không phải là ít trong xã hội đang oằn oại trong cuộc chiến kéo dài“. Họ im lặng một lúc rồi nói: “Hiện tại Đài không có tiền nên không thể trả thù lao cho ông. Chúng tôi sẽ tìm nguồn tiền và khi có được, sẽ gửi thù lao như các ban khác”. Ông đồng ý và may là chỉ sau vài tuần lễ, việc đó đã được giải quyết.
“Buổi ban đầu, ông dùng cái tên Thế Giới Của Em vì muốn các em được sống trong thế giới riêng của mình. Sau vài tuần lễ, Đài đề nghị đổi tên thành chương trình Thế Giới Của Trẻ Em để tránh hiểu lầm sang ý khác. Với tên mới, trẻ em trở thành người ngoài nhìn vào thế giới khác chứ không được sống trong thế giới của riêng. Tuy nhiên, ông vẫn cố tạo một thế giới riêng cho các em. Vì chương trình không phải là những màn trình diễn nên Lê Văn Khoa muốn để các em tham gia trong chương trình thật tự nhiên, nhờ đó các em ở nhà xem chương trình qua truyền hình có thể cảm thấy mình cũng là người trong cuộc, cũng có những vấp váp, sơ hở y như các em trên màn ảnh nhỏ.
“Điều thôi thúc khiến Lê Văn Khoa muốn thực hiện chương trình này, là vì ông thấy quanh mình có khoảng trống rất lớn khi thời chiến, những người đàn ông vắng bóng gia đình và cả trong học đường. Ông cảm được điều này và biết sự thiếu vắng đó không dễ khỏa lấp. Vốn là đứa con mồ côi mẹ từ năm 11 tuổi, ông hiểu được sự thiếu vắng người thân, dù là cha hay mẹ, có ảnh hưởng đến trẻ thơ thế nào.
Ông nói:
“Tôi chỉ tạm đóng vai một người anh “hờ” để giúp các em. Tôi không dám dạy ai cả, chỉ chia sẻ vài ý nghĩ, vài hiểu biết và giúp các em có thể thành người dù đang ở trong hoàn cảnh khó khăn và bất toàn của xã hội. Tôi chỉ là một gạch nối giữa gia đình và học đường. Những đề tài và phương thức dẫn giải đều do tôi nghĩ ra, không do sự chỉ dẫn hay gợi ý của ai cả. Nhờ không nhận tiền từ bất cứ cơ quan nào nên tôi được tự do làm theo ý mình. Tiền thù lao cho chương trình như là tiền “mua” chương trình chứ không phải tiền đặt làm chương trình theo sự chỉ đạo của đài. Một lý do khác để tôi thực hiện chương trình Thế Giới Của Trẻ Em là muốn sự giáo dục hay đào tạo tài năng cho dân tộc được liên tục, không bị chiến tranh làm gián đoạn. Đóng góp cho quốc gia là bổn phận của mỗi người dân chứ không dành riêng cho người được lãnh lương để làm“.
Lê Văn Khoa còn là trưởng ban biên tập của nhà xuất bản Thời Triệu, chuyên xuất bản sách về giáo dục, tôn giáo và thiếu nhi. Tác phẩm “Giáo Dục Nhi Đồng” xuất bản năm 1970 của Lê Văn Khoa phân tích những điều các bậc cha mẹ nên biết trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ.
Một đoạn viết như sau:
“Nên tập cho trẻ sống đơn sơ trong mọi sự, vì đơn sơ là một đức tính đáng yêu và tương đối hiếm thấy ngày nay. Cả sự tiết độ cũng cần tập cho trẻ từ sớm. Tiết độ trong sự ăn uống, nô đùa, ngủ nghỉ cũng như học hành. Giúp cho trẻ ý thức được làm việc nhà là nhiệm vụ của mọi người trong gia đình, không phân biệt gái hay trai, lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, vì sau này các em khi lớn lên sẽ phải tự lo săn sóc ngôi nhà riêng . Hơn nữa việc làm giúp con trẻ ý thức được vài trò của các em trong xã hội thu gọn, để chuẩn bị đảm đương chức vụ quan trọng hơn trong xã hội rộng lớn hơn“.
Những điều Lê Văn Khoa viết ra gần 40 năm trước, ngày nay vẫn còn giá trị. Ngày nay, nhiều trẻ em không được tập sự tiết độ trong ăn uống, kết quả là số trẻ em mắc bệnh béo phì ngày càng tăng cao. Nhiều em cũng không được tập tiết độ trong việc xử dụng iPhone, iPad nên mắc bệnh vẹo xương sống dù không hề phải lao động khiêng vác hay gánh gồng. Đó là chưa kể việc thúc ép các em học hành quá mức, dẫn đến các chứng trầm cảm hay tự tử. Nhiều gia đình nuông chiều con cái quá mức, không phân chia việc nhà cho các em, nên nhiều em sinh tính làm biếng, ỷ lại.
Hoạt động Giáo Dục Thiếu Nhi của Lê Văn Khoa đã được trình bày đầy đủ và sống động trong Phim Tài Liệu có tên “Lê Văn Khoa – Một Đời Cho Nghệ Thuật – A Lifetime of Arts” , DVD song ngữ Anh Việt năm 2018 của Vietnam Film Club.
***
        “Miền Bắc điêu tàn nên đời nó khổ
        Một chén cơm chiều nên lòng chưa no
        Nhiều lúc nó khóc trong mơ: Mẹ ơi!
        Con yêu mong chờ. Bao giờ cho đến bao giờ?”
Cho tới những dòng chữ này được viết ra – 2018 – Việt Nam ngày nay dưới chế độ cộng sản là một nhà tù lớn. Những người trẻ Việt Nam dù ở bất cứ vị thế nào, dù con nhà đàng hoàng hay bụi đời lang thang thì cũng chịu chung một sự kềm hãm, đe dọa như nhau, khác chăng chỉ là ít hay nhiều mà thôi.
Nhắc tới John Steinbeck, nhắc tới Lê Văn Khoa, để thấy thế hệ trẻ Việt Nam còn rất cần tới những người bạn, người anh, người chị có quan tâm, có tấm lòng và dám ra tay hành động.
(Tháng 9-2018)

“NÓ” - những đứa trẻ thời chiến.
Nhưng những đứa trẻ VN THỜI CHIẾN và HOÀ BÌNH có khác nhau nhiều không?

Miền Bắc điêu tàn nên đời NÓ khổ..



Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025