Âm mưu thâu tóm các cảng chiến lược của Trung Quốc

Âm mưu thâu tóm các cảng chiến lược của Trung Quốc

Chinese Vice President Han Zheng attends and addresses the opening ceremony of the 16th China-Latin America and the Caribbean LAC Business Summit in Beijing, capital of China, Nov. 2, 2023. (Photo by Li Tao/Xinhua via Getty Images)


Lê Tây Sơn
 

Các khoản đầu tư của Bắc Kinh dọc theo một số tuyến đường thủy quan trọng của thế giới đều mang ý đồ quân sự khi quốc gia này âm thầm đặt nền móng cho trật tự thế giới mới. Kết quả là Trung Quốc (TQ) đã có được một mạng lưới toàn cầu gồm các cảng chiến lược quan trọng trên khắp thế giới.

Tận dụng cơ hội khi các quốc gia khác mất cảnh giác

Cách nay một thập niên, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã phát động “Con đường tơ lụa trên biển” (Maritime Silk Road), một phần trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (Belt and Road Initiative) mà ông xem là ưu tiên nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thị trường thế giới của TQ bằng cách đầu tư vào các cơ sở hạ tầng giao thông trên đất liền và biển cả. Tập thường xuyên nói về tham vọng biến TQ thành một “siêu cường hàng hải”.

Vài năm trở lại đây, các khoản đầu tư vào sáng kiến này đã giảm dần, một phần vì tăng trưởng kinh tế của TQ chững lại, một phần vì Hoa Kỳ có động thái ngăn chặn và các quốc gia “được hưởng lợi” đặt câu hỏi về lợi ích thực sự của sáng kiến khi khoản chi phí họ phải gánh cho các dự án đã trở thành chiếc “bẫy nợ TQ”. Dù mục tiêu bề nổi của sáng kiến là giao thương thương mại (tăng cường và hợp lý hóa việc giao thương giữa TQ với các thị trường trên toàn thế giới), nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh nhận thức được những tác động quân sự tiềm ẩn của nó.

Nhưng trước khi phương Tây “tỉnh thức”, TQ đã kịp giành được “miếng bánh” đáng kể trong mạng lưới cảng toàn cầu (được xem là trung tâm của thương mại thế giới và tự do hàng hải). Thử nhìn vào mạng lưới cảng biển toàn cầu TQ đang quản lý để có cái nhìn thoáng qua về quá trình đạt được những tham vọng của ông Tập. “Con đường tơ lụa trên biển” chạy về phía Nam từ bờ biển TQ qua tuyến đường vận chuyển chính ở Ấn Độ Dương và các điểm giao thông hàng hải đông đúc nhất ở Trung Đông rồi kết thúc ở châu Âu.

Tàu container SOLAR của Trung Quốc tại cảng Khalifa, Abu Dhabi (United Arab Emirates) – ảnh: Xinhua/Su Xiaopo/Getty Images

Khi ông Tập công bố kế hoạch của mình, TQ đã có cổ phần tại 44 cảng trên toàn cầu, đủ để có bước xuất phát thuận lợi thực thi kế hoạch. Chỉ một thập niên sau, TQ đã sở hữu hoặc vận hành các cảng và bến bãi tại gần 100 địa điểm ở hơn 50 quốc gia, trải rộng khắp các đại dương và lục địa. Nhiều địa điểm án ngữ các tuyến đường thủy chiến lược quan trọng nhất thế giới.

Phần lớn các khoản đầu tư vào “Con đường tơ lụa trên biển” được thực hiện bởi các công ty thuộc sở hữu của chính phủ TQ, khiến Bắc Kinh và đảng Cộng sản TQ trở thành nhà điều hành lớn nhất các cảng nằm ở trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo các nhà phân tích, việc mở rộng mạng lưới cảng biển là rất quan trọng đối với sức mạnh kinh tế của TQ và cũng có ý nghĩa quân sự quan trọng.

Carol Evans, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược (Strategic Studies Institute) thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ (US Army War College) nhận xét: “Đây không phải là ngẫu nhiên mà tôi tin chắc TQ đã nghiên cứu kỹ về mặt chiến lược các cảng họ chọn đầu tư vào”.

Năm 2018, TQ đã mở rộng phạm vi hoạt động hàng hải tại cảng Khalifa ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), điểm kết nối quan trọng giữa châu Á, châu Phi, châu Âu và Trung Đông. Tập đoàn Cosco Shipping thuộc sở hữu nhà nước TQ xây dựng một bến container thương mại vẫn đang hoạt động ở đây. Nhưng các khoản đầu tư vượt xa mục tiêu thương mại khi mạng lưới cảng biển đã mang lại cho Bắc Kinh cơ hội nhìn vào các giao dịch kinh doanh của những đối thủ cạnh tranh và có thể được sử dụng để giúp TQ vừa bảo vệ các tuyến đường cung cấp hàng hoá của mình vừa theo dõi các hoạt động quân sự, vận chuyển hàng hoá của đối thủ Mỹ.

Các cảng hoặc bến tàu do TQ sở hữu cũng trở thành nơi dừng chân của các tàu chiến TQ giống như đội tàu hải quân vào cảng Lagos của Nigeria vào Tháng Bảy qua. Cuối năm 2015, TQ chính thức thừa nhận xây dựng căn cứ quân sự gần cảng Djibouti ở châu Phi do TQ điều hành. Căn cứ này được chính thức khai trương năm 2017, chỉ cách căn cứ quân sự Mỹ (cũng tại Djibouti) 6 dặm.

Án ngữ ngay lối vào hẹp của Biển Đỏ, Djibouti nằm trên một trong những tuyến đường vận chuyển đông đúc nhất thế giới, nơi khoảng 10% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu và 20% hàng hóa thương mại đến và đi từ Kênh đào Suez. Bắc Kinh còn phải mất nhiều thập niên mới có thể bắt kịp sự hiện diện quân sự của Mỹ trên toàn thế giới, nhưng TQ đã có lực lượng hải quân lớn và phát triển nhanh nhất thế giới, và ngày càng mạo hiểm vượt ra ngoài bờ biển Đông Á. Ví dụ, từ việc không hiện diện hải quân ở Ấn Độ Dương cách nay hai thập niên, nay TQ có từ sáu đến tám tàu chiến trong khu vực vào bất kỳ thời điểm nào.

Là tuyến đường huyết mạch vận chuyển có các cảng chính, Ấn Độ Dương trước đây là ưu tiên hàng đầu của TQ. Khoảng 80% thương mại của TQ đi qua Ấn Độ Dương (hầu như toàn bộ lượng dầu mỏ đều qua đây). Vì vậy, các khoản đầu tư vào các cảng biển của TQ được thiết kế để bảo vệ tuyến đường này. Ví dụ, Bắc Kinh đã giành được hợp đồng thuê cảng Hambantota ở Sri Lanka trong 99 năm, biến nó thành “tiền đồn” quan trọng trên tuyến đường vận chuyển sầm uất giữa châu Á và phương Tây.

Quay sang Vịnh Ba Tư, các quan chức Mỹ cho biết, mối quan tâm của TQ đối với các cảng ở đây rõ ràng không chỉ là thương mại mà là các điểm huyết mạch chiến lược với lưu lượng vận chuyển cao nhưng hẹp và tàu thuyền dễ bị tổn thương. Các tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ đầu năm nay cho thấy TQ đã nỗ lực thiết lập các cơ sở quân sự tại cảng Khalifa của UAE ở Vịnh Ba Tư, cạnh eo biển Hormuz quan trọng và chỉ cách căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ 50 dặm.

Bắc Kinh cũng đang gia tăng ảnh hưởng tại các cảng trên kênh đào Suez của Ai Cập, tuyến đường thủy quan trọng do con người xây dựng, cung cấp lối tắt từ châu Á đến châu Âu. Đầu năm nay, các công ty vận tải biển TQ đã công bố đầu tư vào các bến cảng tại các cảng Ain Sokhna và Alexandria.

Cảng Doraleh, Djibouti – “sân nhà” của Trung Quốc ở châu Phi (ảnh: Felix Wong/South China Morning Post via Getty Images)

Lấn vào sân nhà của Hoa Kỳ

Tại Châu Âu, TQ đã kiểm soát hoặc có các khoản đầu tư lớn vào hơn 20 cảng để có thể ảnh hưởng đáng kể đến các tuyến đường cung cấp của lục địa già. Nhiều nơi đóng vai trò là điểm trung chuyển và hậu cần quan trọng cho NATO và Hải quân Hoa Kỳ. Michael Wessel thuộc Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung (US-China Economic and Security Review Commission) cảnh báo: “Đây là mối lo ngại đáng kể về an ninh kinh tế và quốc gia không thể xem thường”.

Một cách khác để TQ đảm bảo vị trí thống trị là thông qua hệ thống phần mềm ít được biết đến có tên “Logink”, một nền tảng hậu cần kỹ thuật số thuộc sở hữu của chính phủ TQ. Cho đến nay, ít nhất 24 cảng trên toàn thế giới, kể cả cảng Rotterdam và Hamburg, đã áp dụng hệ thống Logink. Logink cung cấp cho TQ quyền tiếp cận vào số lượng lớn thông tin độc quyền về hoạt động di chuyển, quản lý và giá cả hàng hóa di chuyển trên khắp thế giới.

Tháng Tám qua, Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ đã cảnh báo các công ty và cơ quan Mỹ tránh tương tác với hệ thống này vì nguy cơ bị gián điệp và tấn công mạng. Tại Châu Mỹ, Con đường tơ lụa trên biển của TQ thoạt đầu chỉ tập trung vào ba tuyến đường chính trong kế hoạch mở rộng sang Đại Tây Dương. Nay Mỹ Latin được xem là một trong những điểm đến phát triển nhanh nhất cho các khoản đầu tư vào cảng của TQ.

TQ hiện quản lý các cảng ở hai đầu kênh đào Panama và đang xây dựng một siêu cảng $3 tỷ tại Chancay ở Peru nhằm tăng cường thương mại giữa TQ và Mỹ Latin. Các container vận chuyển lớn nhất thế giới có thể cập bến ở đây.

“Nhưng Mỹ vẫn là cường quốc quân sự lớn nhất thế giới với khoảng 750 căn cứ ở nước ngoài – Stephen Watts thuộc công ty Rand Corp nhấn mạnh –  TQ chỉ mới có một căn cứ nên còn lâu mới có thể bắt kịp sức mạnh hải quân của Mỹ – Ý nghĩa của những căn cứ xa xôi này đã bị thổi phồng quá mức. TQ sẽ dễ dàng bị khuất phục ở những tiền đồn nhỏ này nếu xảy ra xung đột”.

Isaac Kardon thuộc Tổ chức Carnegie Endowment for International Peace lại có ý kiến khác: “Mạng lưới cảng của TQ đã đặt ra một loại thách thức mới đối với lợi ích an ninh của Mỹ, ngoài nguy cơ chiến tranh. TQ hiện là cường quốc hàng hải thương mại hàng đầu thế giới, và việc nắm giữ các tuyến đường cung cấp huyết mạch trên thế giới của nước này có thể được sử dụng để ngăn chặn hoặc hạn chế hoạt động thương mại, di chuyển quân đội và tự do hàng hải của Mỹ theo nhiều cách khác nhau. Đây thực sự là mối đe dọa không thể xem thường” – dẫn lại từ The Washington Post.

Lê Tây Sơn

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209