Nói lại cho rõ chuyện Quách Đàm xây chợ Chợ Lớn Mới và "tặng" cho ai?

Nói lại cho rõ chuyện
Quách Đàm xây chợ Chợ Lớn Mới và "tặng" cho ai?
Nguyễn Gia Việt

Thấy anh Cù Mai Công biên bài nói rõ một bài báo của Dân Trí về chuyện báo này viết nói Quách Đàm "xây chợ Bình Tây tặng cho Tp HCM".


Sai cái đương nhiên, với ý chí và thói quen người Miền Bắc thì chữ Tp HCM là sai, vì thời đó Tp chưa bị "giải phóng".
Nhưng người phản biện cũng sai khi khẳng định là "ÔNG QUÁCH ĐÀM XÂY CHỢ BÌNH TÂY TẶNG CHỢ LỚN CHỚ KHÔNG PHẢI TẶNG SÀI GÒN, CÀNG KHÔNG TẶNG TP.HCM" (??).
Sài Gòn hay Chợ Lớn là danh từ hành chánh vô tri vô giác thì "nhận" sao được. Nhận là người dân hoặc chánh quyền.
Ngày nay ghi kiểu " Cần Thơ chào mừng quí khách", "Long Xuyên kính chúc quí khách thượng lộ bình an " là không đúng. Phải ghi là người dân chào mừng, kính chúc.
1. Đâu ra Quách Đàm xây chợ Bình Tây?
Ông này xây chợ Quách Đàm mà người Pháp kêu là Chợ Lớn Mới (Cholon Noveau marché) chứ không phải chợ Bình Tây.
Chợ Lớn Mới (Cholon Noveau marché) được khánh thành 1928 trên khu đất sình lầu 25.000m2 của làng Bình Tây tỉnh Chợ Lớn.
Khi Chợ Lớn Mới khánh thành thì khu Chợ Lớn đang có hai cái chợ đang hoạt động có tên là chợ Bình Tây và chợ Chợ Lớn.
Chợ Bình Tây nằm trên đường Quai de Mytho, trước 1975 là Bến Lê Quang Liêm, nay là đường Võ Văn Kiệt, ở vị trí trường mầm non Rạng Đông, quận 6 hiện nay, là chổ xưa có cầu sắt Bình Tây nối từ quận 6 băng qua kinh để nối vô đường Nguyễn Chế Nghĩa, quận 8.
Bên kia kinh Tàu Hủ là đất làng Bình Đông mé quận 8 cũng có cái chợ Bình Đông vị trí ở bên kia kinh ngang số 2, vị trí ngang với nhà máy rượu Bình Tây.
Còn chợ Chợ Lớn là chợ tỉnh rất lớn nằm ở cái Bưu Điện Chợ Lớn ngày nay.
Trước 1975 người Sài Gòn và Lục Tỉnh kêu chợ Chợ Lớn Mới. Sau 1975 người ta xóa cái tên Chợ Lớn Mới bằng cách dán lên mặt tiền chợ chữ Chợ Bình Tây.
Nói Quách Đàm xây chợ Bình Tây là không đúng với lịch sử.
2. Nói rõ lại những câu viết trên truyền thông: Quách Đàm xây Chợ Lớn Mới và "tặng" cho ai?
Nhiều bài viết Quách Đàm xây chợ và "tặng" cho "nhân dân" Chợ Lớn, có bài viết "tặng cho nhân dân Tp HCM".
Sai hết, người dân không có trong cái vế của Quách Đàm.
Chính xác là Quách Đàm xây Chợ Lớn Mới và "tặng" cho cho chánh quyền Pháp lúc bấy giờ. Đây là chánh quyền của thành phố Chợ Lớn.
Chuyện xây dựng các công trình chợ búa, đường xá, bịnh viện, trường học là của chánh quyền. Tại họ thâu thuế của dân. Các xì thẩu Tàu không vô duyên vô cớ xây công tình "tặng"cho chánh quyền, đó là dạng đầu cơ và "tay trong", lấy lòng, và quan hệ tốt đẹp với chánh quyền đặng làm ăn.
Quách Đàm khai thác hai dãy phố bạc muôn ở hai bên chợ Chợ Lớn Mới. Nhưng lúc đầu khi cất xong tới chục năm sau Chợ Lớn Mới hoàn toàn vắng khách vì hai chợ Bình Tây và Chợ Lớn nó vẫn hoạt động.
Chỉ khi người Pháp dẹp, đóng cửa hai chợ Bình Tây và Chợ Lớn và ép tiểu thương, người dân về Chợ Lớn Mới thì chợ này mới đông lên từ từ.
Ngày nay chúng ta chạy xe sẽ thấy Chợ Bình Tây ở vị trí hẻo nếu so với khúc trung tâm Chợ Lớn ở khu Triệu Quang Phục, Đồng Khánh, Khổng Tử và Tổng Đốc Phương.
Đó là sự tính toán chứ không ai "tặng cho" ai hết. Chưa kể Quách Đàm còn tự đúc tượng mình đặt vô giữa chợ như là một đặc quyền của ông này.
Những người Hoa giàu có bang hội toàn dựa vô người Pháp làm giàu, làm độc quyền trong kinh doanh. Thành ra đừng xét về chữ "xây tặng".
Thí dụ một ông nữa, Chú Hỏa, nói luôn ra.
Chú Hỏa (1845-1901) Huang Wen Hua, tên nhập tịch Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa là một xì thẩu bất động sản của Sài Gòn lúc đó. Các công trình lớn nhỏ, nhà cao tầng ở Sài Gòn, Chợ Lớn gần như của gia tộc ông này độc quyền xây dựng.
Làm ăn với Pháp và phải tạo quan hệ để làm giàu với chánh quyền, chuyện "bánh ít đi bánh qui lại" là đương nhiên. Chú Hỏa xây nhà thương Sài Gòn, nhà thương thí mà sau 1955 đặt là BV Từ Dũ hỗ trợ chánh quyền lúc bấy giờ.
Rồi cái danh của xì thẩu Chú Hỏa khi còn sống cũng được tô đậm bằng cách Pháp cho đặt tên một con lộ trải đá dăm vắt ngang khu vườn Chú Hỏa từ Ngã Bảy về Ngã Sáu tên là lộ Hui Bon Hoa, dân gọi là lộ Chú Hỏa. Về sau TT Ngô Đình Diệm đặt là Lý Thái Tổ tới ngày nay.
Kết luận: Sử phải chánh xác, chánh xác từng chữ, từng sử liệu, từng cái tên.
Các bạn sau này khi có chép chuyện Quách Đàm hay Chú Hỏa "tặng" gì đó làm ơn hãy ghi rõ là "xây tặng cho chánh quyền Pháp" của Chợ Lớn hay Sài Gòn.
Còn cái bạn pv người Miền Bắc quen lý luận, quen tư duy ghi tặng cho "Tp HCM" thì cũng bình thường thôi là vì "ăn cơm chúa" thì phải múa quay cuồng thôi à!

Nhận xét

Bài được quan tâm