Người đã ra đi, lời còn vọng lại

Người đã ra đi, lời còn vọng lại

Nguyễn Gia Việt
Đọc lại những lời trong thơ gởi tuổi trẻ Huế năm 2003 của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thiệt cảm động và thích thú, đọc tới đâu hiểu tới ý muốn nói và cái tâm của ngài.
"Các con hãy tự hào, với niềm tự hào trong trắng và vô tư của tuổi trẻ, từ thời điểm cột mốc này, đã một lần và mãi mãi đứng thẳng trên đôi chân của chính mình, bằng đôi mắt trí tuệ và hùng lực mà nhìn thẳng không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự xác định hướng đi cho bản thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người.
Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình."
Một nhà sư nặng lòng với non nước Việt Nam, với con người Việt Nam, với đạo Phật chân chánh ở xứ Việt.
Chúng ta hay bàn Phật giáo nhập thế hay xuất thế? Trước 1975 ở Miền Nam chưa có trong từ điển chữ "Đạo Phật nhập thế" dù biến cố 1963 lật đổ nền đệ nhứt VNCH có sự tham gia say mê của những nhà sư tự cho mình "dấn thân".
Chữ "nhập thế" chỉ được nói tới sau 1975.
Đạo Phật khởi thủy từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã có mặt trên thế gian này hơn hai ngàn năm. Sở dĩ nó tồn tại là nhờ tinh thần khoan dung, tự do, tôn trọng và vỗ về an ủi chúng sanh trong mọi sự dù nguy nan tới an lạc.
Đức Phật rất tự do, tự tại, không trói buộc ai hết, và đạo Phật cũng tự do, không trói buộc ai hết
Thời Đức Phật chỉ có Tỳ Kheo và Sa Môn. Thành ra những vị sư chân chánh như ngài Tuệ Sỹ viết thơ, làm văn đều xưng mình là Ty Kheo. Còn ngài Thích Quảng Độ xưng mình là Sa Môn.
Đức Phật tạo ra cái mới của Phật, tư tưởng bình đẳng, xiển dương bình đẳng và trung đạo thoát khỏi xã hội Hindu là tự do tư tưởng.
Đức Phật từng dạy: “Này các Tỳ kheo, bây giờ chư vị và ta tự do, giải thoát khỏi những sự trói buộc của chư thiên và loài người”.
Đức Phật luôn muốn chúng sanh phải soi rọi bản thân mình, nhận ra cái chân thật của chính mình thì mới là ngộ đạo.
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: "Tin tưởng Như Lai mà không hiểu Như Lai, tức là phỉ báng Như Lai vậy".
Đức Phật từng dạy chúng đệ tử rằng:
“Này các Tỳ Kheo, Ta sẽ giảng pháp cho các ông, ví như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy… Cũng vậy, này chư Tỳ Kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỳ Kheo, các ông cần hiểu ví dụ cái bè. Chaa1nh pháp còn bỏ đi, huống nữa là phi pháp".
Đó là sự chú ý tới đời sống xã hội của kẻ tu hành vì suy cho cùng cũng là con người như nhau.
Chúng ta nghĩ tới chữ nhập thế.
Sau khi Phật nhậo Niết Bàn, ở thánh địa Phật, các trưởng lão Theravāda chiếm ưu thế, các tăng sinh trẻ phải bỏ xứ mà đi tìm đường truyền giáo.
Hai phái Phật trẻ qua Tàu phải kết hợp với Lão, Khổng bổn địa, được lòng vua thì mới tồn tại được, triều đình bảo vệ. Khi xưa cũng vua A Dục xiển dương và bảo vệ. Vua hiền, vua sáng thì đạo Phật an lành.
Phật Bắc Tông khác với Nam Tông ở quan niệm tu. Nam Tông giác ngộ và tự giải thoát mình, còn Bắc Tông giải thoát mình trước để từ đó phổ độ, giải thoát chúng sanh.
Tàu là xứ đông dân, nghèo đói chiến tranh loạn lạc thường xuyên.
Thành ra tư tưởng cứu độ chúng sanh được tiếp nhận mà hình thành ra Bắc Tông. Dầu ai cũng biết qua Tàu truyền giáo cũng từ cái nhánh bên đất Phật, tức cùng nguồn với Nam Tông.
Tàu, Việt Nam, Hàn, Nhựt Bổn thích Bắc Tông hơn Nam Tông là vì vậy.
Thiền Tông có sơ tổ Bodhidharma Bồ Đề Đạt Ma rất cổ quái, nhưng nhuốm mùi Lão giáo trong đó ít nhiều.
Theravāda ở các quốc gia như Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Cam Bốt, Lào có địa vị rất cao trọng. Tăng thống gọi là vua sư, trong khi hoàng đế xưng là Phật vương, thần quyền và thế quyền là như nhau rồi.
Phật giáo Bắc Tông có tư tưởng nhập thế.
Đức Phật không chủ trương tăng đoàn dính chánh trị, Phật luôn tách tăng đoàn ra khỏi xã hội chánh trị.
Nhưng Phật giáo đôi lúc phải tỏ thái độ để vun bồi cho chúng sanh và xã hội. Như vậy là đạo lý của một bậc trí thức. Suy cho cùng sư tăng và chúng sanh sống cùng một cảnh giới, một xã hội, một bầu không khí hít ra thở vào.
        "Bồng hồ trong chốn thiên thai nhà
        Cảnh cảnh, tình tình dễ nói ra
        Hồn cũ giấc hương quan khi đã
        Mình nay cơn thế sự đương là.."
        (Lý Đông A)
Trong thiền có chữ "chánh niệm". Chánh niệm là nghỉ, là tưởng, là nhớ điều chơn chánh. Là tâm an, tâm sáng, là tâm của chính mình, là nghĩ về điều hay lẽ phải, trút hết tạp niệm, tư lợi, âm mưu, sống thiên về lợi ích của xã hội, đi theo sự tiến bộ và tự do theo tinh thần chánh pháp của Đức Phật.
Chánh niệm là khả năng nhận thức đầy đủ khoảnh khắc hiện tại, thay vì linh đinh mơ màng trong quá khứ hoặc dự đoán về tương lai.
Xin người Việt Nam hãy sống trong chánh niệm.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209