Di Sản Thế Giới Hay Ao Làng

Di Sản Thế Giới Hay Ao Làng
Ảnh: Khu vực bị xâm phạm tại vùng biển thuộc phường Quang hanh, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. (Phải chú thích rõ là vùng biển của vùng đệm bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới, chứ không thể lập lờ “thuộc phường Quang Hanh”, cứ như trên đất liền). Nguồn ảnh: Internet

Nguyễn Thông
Những ồn ào về việc lấp biển ở tỉnh Quảng Ninh những ngày qua cần được minh định cho rõ ràng, tránh những mắng mỏ sai lệch hoặc ỡm ờ bao che. Cách nào, kiểu nào cũng không tốt.
Trước hết, cần thừa nhận nơi bị lấp không nằm hẳn trong vịnh Hạ Long – di sản thiên nhiên thế giới, thậm chí được công nhận, “cấp bằng” những hai lần. Cũng cần nói thêm, thứ danh hiệu do UNESCO cấp này cũng không đến mức hãnh diện lắm đâu. “” ban phát tràn lan, dĩ nhiên phải nộp tiền kẹp vào hồ sơ, cũng như Đại học Đông Đô bán bằng vậy. Liên Hợp quốc xôi thịt còn chả ăn ai, huống hồ đám trực thuộc như U nét, WHO, ủy ban nhân quyền… Họp xài tiền đóng góp là chính, chứ nên cơm cháo gì.
Di sản hay không là do mình, chứ chẳng phụ thuộc vào u nét u niếc. Sản là tài sản (vật chất hoặc tinh thần), di là truyền lại, để lại. Di sản là thứ do cha ông, tiền nhân để lại cho con cháu. Vịnh Hạ Long cũng như cả cõi đất Việt này là di sản truyền đời, ai cũng có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ. Nghiêm cấm việc dâng hiến cho ngoại bang, bán, cắt bỏ, tàn phá. Vua Lê Thánh Tông thế kỷ 15 dạy rằng “một thước núi, một tấc sông của nước ta lẽ nào tự tiện bỏ đi được”.
Vịnh Hạ Long là thứ di sản đặc biệt do thiên nhiên ban tặng cho đất nước, nó chỉ có ở Quảng Ninh nhưng bất cứ người Việt nào, từ ông to bà nhớn triều đình trung ương, tới đứa dân thường đều có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ. Không phải chỉ Hạ Long, cả Bái Tử Long và vịnh Cát Bà đều cần được đối xử như thế, bởi đều là di sản cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Vậy nên rất lạ, sự xâm phạm vào di sản diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, kéo dài năm này qua năm khác nhưng trung ương không biết, quan chức sở tại không biết, hệ thống chính trị con ruồi khó bay lọt cũng không biết. Nói trắng ra là biết, nhưng “cứ để thế xem sao”. Mắt của trung ương, của chính quyền tỉnh nào có mù, nó chỉ bị bịt bởi thứ gì đó thôi.
Chính quyền Quảng Ninh và Bộ Văn hóa đang vòng vo diễn giải vùng biển bị xâm phạm không phải là vịnh Hạ Long, không phải di sản thiên nhiên thế giới. Điều đó đúng với thực tế lúc này. Ý của chính quyền là, do nó “không phải” như thế nên sự xâm phạm, phá hoại, làm cho nham nhở cũng không nghiêm trọng lắm, có thể du di được, áp dụng kiểu “phạt cho tồn tại” như nhiều nơi, nhiều vụ.
Nhưng cũng chính nhà cầm quyền đã công nhận chỗ bị xâm hại là vùng đệm, khu vực 2 của vịnh Hạ Long, là vùng bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới. Đã là “vùng bảo vệ” thì cũng cần được bảo vệ, nhưng phớt tất, cứ xâm hại. Lỗi đâu phải của đứa san lấp, đổ đất, đổ đá lấp vịnh (nếu nó có lỗi thì liên quan tới tiền), mà của chính đám đã duyệt, cấp phép cho nó làm, nhắm mắt làm ngơ cho nó.
Có tiền mua tiên cũng được, huống hồ mua vịnh, mua di sản, mua quan chức. Cứ ngó những vụ Việt Á, bay giải cứu, AIC thì rõ, nếu không thể mua bằng tiền thì có thể mua bằng… rất nhiều tiền.
Dù vùng bảo vệ 1 hay bảo vệ 2 thì cũng phải bảo vệ nghiêm ngặt, đúng như khái niệm, tên gọi “bảo vệ”. Theo quy định của chính phủ, vịnh Hạ Long là vùng cốt lõi, bảo vệ 1; còn những chỗ bên ngoài, nhất là khu vực tiếp giáp, gọi là vùng đệm, bảo vệ 2. Chỗ biển đảo lô nhô thuộc phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả bị đổ đất đá làm cho nham nhở biến dạng chính là vùng đệm, bảo vệ 2.
Muốn thay đổi nó phải có ý kiến từ chính phủ, được duyệt từ cấp trung ương, chứ chính quyền tỉnh Quảng Ninh không có quyền. Nếu đám Quảng Ninh tự ý cho phép, là xé rào, làm bậy, cần bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí khởi tố, truy tố. Khi bị lôi ra trước công luận lại còn đòi sửa “luật”, sửa nghị định của chính phủ để cái sai được tồn tại bất hợp pháp. Nếu trung ương cho phép, chỉ đạo, bật đèn xanh, đồng ý vụ này, thì trung ương cũng có tội, còn khởi tố hay không thì tùy “”.
Di sản đặc biệt “biển đảo quê hương”, khu vực di tích danh thắng quốc gia mà từ trên xuống dưới coi như cái vũng trâu đằm, chỗ con rồng lộn chứ hạ long hạ liếc chi. Đừng có cãi. Nó phá sờ sờ ra đó hơn cả năm rồi chứ có phải dấm dúi trong buồng đâu mà không thấy. Phạt 125 triệu đồng có khác gì gãi ngứa một con thú hung dữ đang say ăn đất, có khác chi bật đèn xanh mở đường cho nó rằng chúng mày cứ làm đi, không sao đâu.
Khi nào chính phủ ra nghị quyết điều chỉnh (nói thẳng là thu hẹp lại) vùng đệm của di sản, được quốc hội thông qua, thì việc phá hoại, làm tổn thương di sản mới không bị trừng trị. Cứ kiểu “tiền trảm hậu tấu” hoặc chả thèm tấu thế này, chả mấy lúc vịnh Hạ Long sẽ co lại như miếng da lừa, thành cái ao làng, mỗi họ mỗi nhà lấn một tí, rồi mấy thứ “bằng cấp” do U nét bán cho sẽ thành giấy lộn. Tôi bảo thật. Di sản chả mấy chốc mà tan hoang. Ai cố cãi thì hãy coi lại mấy cái ảnh chụp ở khu 10B Quang Hanh, Cẩm Phả, giữa “biển trời bao la, đẹp như gấm hoa” thế, tự dưng quây lên những dãy nhà nghễu nghện như chọc vào mắt thì nó còn ra thể thống gì.
Vụ phá này, đừng lo nó phá môi trường bởi bây giờ với khoa học và công nghệ hiện đại người ta có rất nhiều cách vừa tồn tại vừa bảo vệ môi trường, mà nghiêm trọng nhất, khốn kiếp nhất là phá cảnh quan đang được cả nước gìn giữ, tự hào, bảo vệ.
Xứ ta có hơn 3.200 cây số bờ biển (chưa kể phần bao quanh các hòn đảo). Việc mở rộng lãnh thổ về phía biển theo tác động tự nhiên đã diễn ra từ bao đời, do trời chứ không phải con người. Những vùng cửa sông dễ thấy nhất. Phù sa từ thượng nguồn đã tạo biết bao vùng đất mới ven biển. Nhớ hồi học phổ thông có câu thơ “Cuồn cuộn ngang trời một dòng sông đỏ/ Phù sa phù sa ôi sức sống mênh mông” (lâu quá của ai quên mất rồi, hình như Thái Giang).
Làng tôi (ở huyện Kiến Thụy, đất Hải tần phòng thủ, gọi tắt là Hải Phòng) theo đường chim bay cách biển chưa tới chục cây số. Hồi còn bé, thập niên 50 – 60, tôi thường lần mò tới chỗ người nhớn đào giếng, trong đó có giếng nhà tôi đào năm 1965, thấy cứ sâu khoảng 6 – 7m móc lên tinh những vỏ sò vỏ hến. Thày tôi bảo, xa xưa chỗ quê mình là biển. Sách giáo khoa cũng dạy vậy. Bu tôi kể, hồi năm 1955 đất Phòng quê tôi bị trận bão biển lớn, sóng thần ập sâu vào đất liền mấy cây số, vỡ đê, nước ngập tới gần cầu Rào. Kể lại để biết rằng đất đã mở ra phía biển nhiều lắm.
Nói đâu xa, chỗ cống Rộc, đầm Vươn (nổi danh vụ cưỡng chế tháng 2.2012) ở Tiên Lãng hơn 2/3 thế kỷ trước chỉ là biển chứ đâu phải đất đai để gây bao hệ lụy phẫn nộ đau buồn. Năm 1969, bọn học trò lớp 8 chúng tôi kéo nhau từ huyện Kiến Thụy qua xã Vinh Quang quê Vươn giúp dân gặt cói, đồng cói bát ngát khi ấy bây giờ là chỗ trung tâm xã. Nghe kể bộ phim “Người về đồng cói” khá nổi tiếng có cô Thanh Loan xinh đẹp đóng, cũng trên thực địa xã này.
Không chỉ ông trời lấn biển mở đất mà chính người cũng liên tục ăn biển. Cách nay cũng chưa xa, gần nửa thế kỷ chứ bao nhiêu, những năm 80 trở về trước, người ta ít quan tâm tới đất ven biển. Từ Móng Cái Quảng Ninh lần theo bờ biển qua Hải Phòng, Nam Hà, Ninh Bình, Thanh Hóa vào tít tận Vĩnh Linh, rồi sau 1975 kéo tới tận Cà Mau, Rạch Giá, đất ven biển rất hoang sơ, chả mấy ai để ý, không bị những khu du lịch, rì sọt (resort), khách sạn chia năm xẻ bảy, xâm chiếm như sau này.
Ông bạn tôi bảo, đến ngay cả Hoàng Sa, Trường Sa còn không được vào bản đồ, vào sách giáo khoa thì mấy vùng rừng ngập mặn, nước lợ, cửa sông, bãi bồi, ai mà thèm để ý. Nhắc vậy để thấy rằng, con cháu rất có lỗi với tiền nhân, tổ tiên, những người khai sơn phá thạch, lấn biển mở mang và bảo vệ bờ cõi, như cụ Nguyễn Công Trứ chẳng hạn.
Năm 1974, đám sinh viên chúng tôi đi thực tế ở Thái Bình, tôi và anh Nguyễn Ngọc Xuân người Ninh Bình cán bộ đi học được phó về Tiền Hải huyện biển, trụ ngay xã Đông Minh sát biển. Hơn tháng trời, hai anh em lặn lội khắp vùng, cả ruộng lúa lẫn đồng cói. Tối về ở nhà ông cụ Tại đã 90 tuổi, da đỏ đắn, tiếng oang oang, nhà ven đê trông ngay ra bãi biển. Hầu như xã nào cũng có đền thờ cụ thượng Trứ, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, vị thành hoàng của mọi làng, người đứng đầu cuộc khẩn hoang lấn biển mở mang đất đai ruộng đồng cho xứ Tiền Hải này. Cứ gặp đền thờ cụ thượng là anh Xuân lại vào khấn vái thành kính lắm. Anh kể, không chỉ Tiền Hải, Thái Bình, mà ngay Kim Sơn, Ninh Bình quê anh cũng đội ơn cụ lắm lắm về cái công khai phá.
Giờ ngồi nhớ lại, lẩn mẩn nghĩ chỉ một mình cụ Nguyễn Công Trứ làm việc hiệu quả bằng cả cái bộ Tài nguyên Môi trường thời nay. Chả biết có phải nhờ thành kính với cụ thượng không mà anh Xuân sưu tầm được rất nhiều thơ ca dân gian, riêng cụ Tại đã góp cho khoảng một phần ba, về làm cái khóa luận khá tày tặn nộp thầy Chu Xuân Diên. Từ khi ra trường chia tay nhau tới giờ, cả đám không đứa nào bắt liên lạc được với cán bộ đi học Nguyễn Ngọc Xuân người Ninh Bình nữa. (Ai biết tung tích cụ Xuân học khoa Văn, Tổng hợp khóa 17, xin chỉ giùm, đa tạ).
Lấn biển mở mang đất nước, làm lợi cho dân, tạo thêm di sản, như cụ thượng Trứ gây dựng, thì ai dám ý kiến ý cò. Lại có người đem vụ Quang Hanh hôm rồi so với cuộc khai phá đảo Tuần Châu của đại gia Đào Hồng Tuyển, hoặc nước UAE bên Trung Đông xây hẳn thành phố hoành tráng giữa biển, ngầm ý người ta cũng “đổ đất lấn biển” đó, sao không nói đi.
Đành rằng vụ khai phá đảo Tuần Châu cũng chưa hẳn đúng với luật di sản, cả việc lấp biển làm đường nối ra đảo, nhưng thời ấy ý thức về di sản thiên nhiên, bảo vệ di sản đâu có sâu đậm như sau này. Tôi đồ rằng vào thời điểm hiện nay, nếu Tuần Châu vẫn còn hoang sơ, thì cũng như Hạ Long, Bái Tử Long thôi, sẽ không có chuyện đô thị hóa “Tuần Châu trong mắt ai” bằng xi măng, bê tông, làm vĩnh viễn mất vẻ đẹp thiên nhiên vô giá mà ông trời ban tặng. Trong cuộc sống xô bồ, kim tiền, dục vọng, ăn chơi, nhảy nhót, lấn át tất cả, thì người ta chưa thấy tiếc cái đã mất đâu.
Cả nước này, 63 tỉnh thành, giả dụ mỗi tỉnh đều có thứ di sản đặc biệt như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long thì thiên hạ sẽ kệ, mặc đám Quảng Ninh và trung ương muốn làm gì thì làm, có nung vôi hòn gà hòn vịt, bịt hang Đầu Gỗ, san phẳng Bái Tử Long để phân lô bán nền cũng kệ. Khổ nỗi, nó độc nhất vô nhị, chẳng riêng ở Việt Nam mà cả thế giới.
Cần nói thêm rằng, Hạ Long (vùng lõi di sản) rất đẹp, hữu tình, hiếm có, nhưng Bái Tử Long (vùng đệm, vùng bảo vệ 2) cũng chả kém cạnh, một chín một mười. Chẳng qua nó hơi xa tỉnh lỵ nên bị thờ ơ thôi. Không hiểu sao nhà chức việc lại chỉ làm hồ sơ di sản cho Hạ Long, mà lạnh nhạt với Bái Tử Long. Mà cả cái khu vực biển đảo nhấp nhô thiên hình vạn trạng chỗ 10B Quang Hanh, Cẩm Phả, đang bị xâm lấn trắng trợn, cũng bị buông lỏng vậy. Nhẽ ra, tất cả phải được coi là di sản lõi, vùng bảo vệ 1. Đứa nào phạm vào, chặt tay. Xây vài dãy nhà ở đó cùng lắm chỉ lợi cho đám xôi thịt kim tiền ăn xổi ở thì, chứ cảnh quan quý giá thì vĩnh viễn mất, có tội với con cháu mai sau.
Nhà nước chưa coi (hoặc không coi) toàn bộ khu vực danh lam thắng cảnh này là di sản cần được bảo vệ thì không có nghĩa đó cũng là quan điểm của dân. Làm ngơ vụ Quang Hanh hoặc tìm cách che đậy nó, chính quyền sẽ tự vẽ nên bộ mặt thật của mình.
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025