Diễn Đàn Trái Chiều - Bài 307: Nhìn Lại Lịch Sử: Vai Trò Của Mỹ
Diễn Đàn Trái Chiều
Chủ Trương Vũ Linh
Bài 307: Nhìn Lại Lịch Sử: Vai Trò Của Mỹ
Chủ Trương Vũ Linh
Nỗi ám ảnh và sợ hãi suốt 48 năm - Biếm Họa BaBui |
Tuần này, ta bàn qua vai trò của Mỹ trong lịch sử cận đại VN. Dù muốn hay không, lịch sử nước ta trong thế kỷ 20 có thể nói đã hoàn toàn bị chi phối bởi các chinh sách của nước Mỹ. Phải nói 'các' chính sách, vì thực tế chính trị Mỹ là cái gì bất định nhất, thay đổi như chong chóng vì thể chế chính trị Mỹ hoàn toàn tùy thuộc các cuộc bầu cử lãnh đạo. Chính trị Mỹ thay đổi mỗi khi có thay đổi lãnh đạo từ đảng DC qua CH hay ngược lại, mỗi 4 năm hay nhiều lắm 8 năm. Ngoài ra chính trị Mỹ cũng thay đổi ngay trong nhiệm kỳ của một TT, tùy theo nhu cầu tranh cử.
Hiểu như vậy, ta xem lại Mỹ đã làm những gì tại xứ ta.Trước hết, một điều phải hiểu cho rõ. Trái với những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của CS, đặc biệt là trong thời gian gọi là 'chiến tranh lạnh', ngay từ những TT lập quốc như Washington Madison, Jefferson,... nước Mỹ chưa bao giờ và không bao giờ là một đế quốc, hiểu theo nghĩa muốn đi xâm chiếm một nước khác, để khai thác các nguồn lợi như khoáng sản, lao động,..., vì Mỹ có dư thừa tất cả những thứ đó. Hay đi tìm chiếm một vị thế chiến lược trên phương diện địa chính trị, vì Mỹ không có nhu cầu đi chiếm xứ nào khác trong khi việc phòng thủ chính nước Mỹ đã có Thái Bình Dương và Đại Tây Dương giúp. Canada và Mễ Tây Cơ không phải là kẻ thù, càng không xứng tay là đối thủ đủ sức mạnh quân sự đe dọa Mỹ.
Nước Mỹ 'thích' can thiệp vào chuyện thiên hạ, chuyện thế giới, chỉ vì lý tưởng muốn cứu giúp thế giới, muốn phổ biến chế độ tự do dân chủ theo mô thức Mỹ. Bằng chứng rõ rệt nhất là việc Mỹ tham chiến trong hai trận thế chiến vĩ đại nhất lịch sử nhân loại, tốn tiền, súng đạn và xương máu nhiều nhất, vậy chứ sau chiến thắng, Mỹ đã không có thêm được một tấc đất nào của bất cứ xứ nào được Mỹ giúp, từ Âu Châu đến Á Châu. Trái lại, còn mất thuộc địa Phi Luật Tân.
Những thay đổi chính sách theo chu kỳ bầu cử vừa nêu trên, chỉ là những thay đổi về chiến lược, chiến thuật, không phải thay đổi trong mục tiêu đế quốc cuối cùng.
Trong các cuộc thảo luận giữa Mỹ và các cường quốc Âu Châu trước khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, ưu tiên hàng đầu của TT Roosevelt luôn luôn là đòi hỏi các đồng minh, nhất là Anh và Pháp, phải trao trả độc lập cho tất các xứ thuộc địa Phi Châu và Á Châu. Anh là đồng minh gần nhất, đã không sớm thì muộn trả độc lập lại cho các xứ thuộc địa Phi Châu và Á Châu (Ấn Độ, Miến Điện, Mã Lai) mà không cần đổ máu bao nhiêu. Hòa Lan cũng trả độc lập lại cho Indonesia mà không có chiến tranh du kích đẫm máu gì.
Pháp ngoan cố chống lại ý kiến trao trả độc lập, nhất là cho hai thuộc địa quan trọng nhất là Algeria và Việt Nam. Trong trường hợp VN, ngay sau thế chiến, tướng De Gaulle nhất quyết phục hồi uy quyền đô hộ của Pháp. Thậm chí, khi đối diện với mối đe dọa của khối Xô Viết, TT Truman muốn thành lập một liên minh quân sự Âu Châu chống Xô Viết (NATO sau này), De Gaulle đã bắt chẹt, buộc TT Truman phải giúp Pháp phục hồi quyền lực tại VN, giúp Pháp đánh Việt Minh thì De Gaulle mới chấp nhận cho Pháp là một đại cường cột trụ của Âu Châu, tham gia NATO. Đó chính là nguyên nhân Truman đành phải bỏ chính sách của Roosevelt, giúp Pháp trở lại Đông Dương, phục hồi lại quyền đô hộ VN để bảo vệ cả Âu Châu chống Liên Xô. Nhưng Mỹ cũng chỉ giúp Pháp trong một giới hạn nào thôi. TT Eisenhower thẳng thắn từ chối không thả bom nguyên tử chiến lược để cứu Pháp trong trận Điện Biên Phủ.
Sau khi Pháp thất bại, thua VM tại Điện Biên Phủ, tháo chạy, chấp nhận nhượng một nửa nước VN cho CS, Mỹ quyết định thực sự săn tay áo vào giúp miền Nam VN. Dĩ nhiên, nhìn xa, cũng có phần bảo vệ quyền lợi của Mỹ vì khi đó, thuyết domino vẫn còn được nhiều người tin tưởng. Theo thuyết domino này, nếu CS Tầu cộng chiếm được miền Nam VN qua tay sai CSBV, sẽ chiếm được toàn thể Đông Dương, chiếm được Đông Dương và cả Đông Nam Á, luôn tới Úc Châu và Tân Tây Lan, hay ngang qua cả Ấn Độ, sẽ đều bị con rồng đỏ Tầu cộng đe dọa nếu chưa chiếm.
- Thời Đệ Nhất Cộng Hòa
Như bài DĐTC số 305 về Đệ Nhất Cộng Hòa đã bàn qua, miền Nam VN mà thủ tướng Ngô Đình Diệm nhận được là một bãi rác vĩ đại, mà nếu không có Mỹ vào giúp, đã là mồi ngon cho Hồ và Mao trong vòng vài tháng, ngay trong những năm 1954-55, chứ chẳng thể nào tồn tại tới cả 20 năm sau, mãi tới 1975.
Lịch sử sẽ ghi nhận công lao vĩ đại của TT Eisenhower đối với VN, đã giúp Nam VN chẳng những đứng dậy từ đống rác Pháp để lại, mà còn biến thành một xứ tương đối vững mạnh, mà chính thủ tướng Lý Quang Diệu của Tân Gia Ba còn muốn lấy làm gương. Hơn một triệu dân miền bắc di cư vào Nam đã không thể nào sống được nếu không có tiền Mỹ đổ vào cứu trợ. Thủ tướng Diệm cũng không thể nào có phương tiện tài chánh và quân sự để dẹp loạn Bình Xuyên, Hòa Hảo, sứ quân đảng phái để xây dựng nên một quân đội quốc gia vững mạnh. Kinh tế miền Nam VN nếu không có Mỹ giúp, cũng không thể mang lại đủ thực phẩm nuôi sống dân miền Nam chứ đừng nói tới chuyện giúp Nam VN xuất cảng gạo ra Đông Nam Á.
- Thời Đệ Nhị Cộng Hòa
Công bằng mà nói, sau đảo chánh lật đổ TT Diệm, thì các tướng tá miền Nam không còn ai đủ khả năng lãnh đạo, đủ uy tín để duy trì kỷ luật chính trị nữa, và chính trường Nam VN biến thành một thứ 'loạn sứ quân tân thời' khi các tướng chẳng ai phục ai, đưa đến tình trạng một thiểu số tuy rất nhỏ nhưng tham vọng cá nhân cực lớn, quậy tung trời miền Nam, bất cần biết hậu quả, mà chỉ cần dựa trên số binh lính hay bom đạn dưới quyền mình, lấy đó làm thang leo lên đỉnh quyền lực cá nhân. Những tướng tư lệnh quân đoàn như Nguyễn Khánh, tư lệnh binh chủng như Nguyễn Cao Kỳ,... khả năng giới hạn, tinh thần trách nhiệm còn giới hạn hơn nữa, nhưng lại có cái tôi lớn hơn vũ trụ trong khi coi quyền lợi đất nước, kể cả cuộc chiến sống còn chống xâm lăng CSBV như chuyện bất cần biết của xứ Congo xa lắc xa lơ, tranh dành quyền hành, đảo chính, chỉnh lý rồi thay đổi nhân sự, vây cánh như tư lệnh quân đoàn, sư đoàn, binh chủng, cả tỉnh trưởng, quận trưởng như cơm bữa, gây rối loạn, bất nhất, bất ổn hoàn toàn trong cuộc chiến chống cộng.
Trong tình trạng hỗn loạn với những người chỉ biết tham vọng cá nhân nắm quyền, không rảnh để ý tới cuộc chiến, trong khi những người thật tâm lo cho đất nước thì lại không có quyền gì, thẳng thừng mà nói, nếu Mỹ không nhẩy vào can thiệp trực tiếp và nhanh chóng, thì chuyện cờ máu bay trên Dinh Độc Lập chỉ là vấn đề ngày giờ. Do đó, việc Mỹ can thiệp, tung cả nửa triệu lính vào cứu miền Nam đã trở thành nhu cầu cần thiết, cấp bách hơn xa những ưu tư về chính nghĩa dân tộc và chính danh của TT Diệm.
NHỮNG CÔNG LỚN MÀ DÂN VIỆT KHÔNG BAO GIỜ QUÊN ĐƯỢC
Chung cuộc, Mỹ trực tiếp tham chiến đã giúp miền Nam VN thọ được thêm 20 năm. Về dài hạn, hai chục năm đó đã giúp miền Nam đào tạo nguyên một thế hệ người quốc gia và con cháu họ, cung cấp cho VN một gia sản văn hóa lớn, mà đáng tiếc thay đang đóng góp cho Mỹ, Âu Châu và Úc Châu, như tướng Lương Xuân Việt, khoa học gia Võ Đình Tuấn và Dương Nguyệt Ánh, và biết bao nhân tài khác, chứ không phải đóng góp cho VN ta, khác xa với thành quả của CSBV, đào tạo nên vài thế hệ tham nhũng, thối nát, vô văn hóa, chỉ giỏi đánh nhau, giết nhau. Thành quả tai hại đó lại còn được VC chuyển vào Nam sau chiến thắng 75 của chúng, kéo theo ít nhất một thế hệ VN khác vào vòng u mê CS.
Mỹ thất bại, không cứu được miền Nam VN, chỉ mua được thời gian 20 năm cho miền Nam. Nhưng khoảng thời gian đó đã giúp cứu toàn thể vùng Đông Nam Á gồm có Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba, và nhất là Nam Dương [Mỹ tung quân vào Nam VN đã giúp các tướng Indonesia hiểu quyết tâm chống cộng của Mỹ, mạnh dạn lật đổ TT thân cộng Soekarno, giết cả trăm ngàn đảng viên CS Indo, triệt tiêu vĩnh viễn đảng CS Indo] tự củng cố để biến thành những quốc gia cường thịnh, những cọp con, rồng con, tự do dân chủ nhất, vĩnh viễn không bị CS đe dọa. Đi xa hơn nữa, Úc và Tân Tây Lan cũng đã an toàn vĩnh viễn. Nói cách khác, chiến tranh VN đã cứu Đông Nam Á khỏi xụp đổ như... các con bài domino.
Có một điểm phải viết cho rõ cũng như hiểu cho rõ: những sai lầm hay thất bại, những bàn tay lông lá tính toán lợi hại cho Mỹ, cho nước ta, tất cả là những việc làm của cấp lãnh đạo Mỹ mà bất cứ người dân Việt nào cũng bực mình. Nhưng không một người Việt nào có thể quên ơn của cả triệu thanh niên Mỹ đã chiến đấu bảo vệ chúng ta, trong đó trên dưới 50.000 đã bỏ mạng, hơn 300.000 bị thương, không ít đã mất chân, mất tay vĩnh viễn. Không ít quân nhân Mỹ đã hy sinh mạng sống để cứu các chiến hữu Việt trên các mặt trận. Không ít phi công Mỹ đã can đảm bay vào vòng lửa đạn để cứu các đơn vị QLVNCH, thả bom trên đầu VC hay đáp trực thăng tải thương hay bốc lính Cộng Hòa, cả ngàn phi công Mỹ đã bị tra tấn trong tù Hỏa Lò, trong đó có phi công John McCain. Những hy sinh can trường và vĩ đại của lính Cộng Hòa và lính Mỹ, bao nhiêu tượng đài cũng không đủ, và với những người khai thác việc xây tượng đài cho danh vọng hay túi tiền cá nhân, hãy để lương tâm chính họ tra vấn họ.
Một điểm son nữa của người Mỹ mà không một người dân tị nạn nào có thể quên được, nhất là khối dân tị nạn đầu tiên, qua Mỹ giữa năm 75, ngay sau ngày mất nước. Hàng trăm ngàn người Mỹ và cả ngàn hội đoàn thiện nguyện, tổ chức tôn giáo Mỹ, đã mở rộng vòng tay đón nhận, giúp đỡ bằng đủ cách những dân tị nạn Việt tới Mỹ. Từ ủng hộ tinh thần tới giúp đỡ vật chất, tặng quần áo, đồ đạc, đồ gia dụng, bàn ghế tủ giường, giúp dạy tiếng Anh, giúp tìm việc làm, giúp hội nhập vào đời sống và văn hóa Mỹ. Phải nhìn nhận người dân Mỹ, bất kể theo DC hay CH, chống cộng hay không, luôn luôn là những 'nhà giàu về lòng nhân đạo'. Bất cần biết những khác biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, quan điểm chính trị, giàu nghèo, học vấn,... hăng hái nhận bảo trợ dân tị nạn Việt, mang từ các trại tị nạn về nhà sống chung. Trong đảng DC, nếu đã có một Joe Biden khăng khăng không cho dân tị nạn một xu để tái định cư, thì cũng đã có một Ted Kennedy làm gương, nhận một cô bé Việt làm con nuôi rồi đi cổ võ các đồng chí DC cấp ngân sách cứu trợ dân Việt tị nạn.
- Lấn quyền
Về vai trò của Mỹ, những tài liệu được công khai hóa sau này xác nhận người Mỹ lúc nào cũng vẫn là người Mỹ, cao ngạo, trịch thượng, coi thiên hạ như ruồi, không tin tưởng ai ngoài chính mình, kể cả các đồng minh. Khi người Mỹ làm gì, thì họ luôn luôn phải là người cầm đầu, người lấy quyết định, tự tay làm, từ Đệ Nhị Thế Chiến bên Âu Châu với tướng Mỹ Eisenhower, tới chiến trường Á Châu với tướng Mỹ MacArthur đánh Nhật và sau đó đánh Bắc Hàn. Ngay bây giờ, tư lệnh NATO lúc nào cũng phải là tướng Mỹ. Cũng như tổng giám đốc Ngân Hàng Thế Giới cũng bắt buộc phải là người Mỹ do TT Mỹ chỉ định. Tại VN cũng không khác. Người Mỹ khi đó nhận định cuộc chiến tại VN không tiến triển tốt đẹp vì tướng Mỹ chưa nắm thực quyền chỉ huy và vì lính Mỹ chưa tham chiến. Trong cái nhìn của Mỹ, tướng tá và lính VN khi đó vẫn còn là tướng tá và lính do Pháp huấn luyện, không thể 'giỏi' bằng tướng tá và lính Mỹ, hay do Mỹ huấn luyện.
Do đó, trước những bế tắc của cuộc chiến chống CSBV, người Mỹ chỉ biết có một giải pháp: phải có lính Mỹ tham chiến dưới sự chỉ huy của tướng Mỹ. Khi đó, sẽ thắng dễ hơn trở bàn tay. Trong mục đích chiến thắng chứ không phải vì mưu đồ đế quốc như VC tuyên truyền vớ vẩn. TT Diệm là người chống lại ý kiến đó, vì biết rõ lính Mỹ vào VN sẽ chỉ khiến miền Nam mất chính nghĩa và cuộc chiến chống xâm lăng CSBV mất chính danh, trở thành khó khăn gấp bội. Với người Mỹ, chiếm lòng dân không quan trọng. Mỹ đã thắng Đức, Nhật, Bắc Hàn và Trung Cộng mà chẳng cần hỏi ý kiến quần chúng Đức, Nhật, Hàn hay Tầu. Bom và súng đạn, hỏa lực mạnh, computer tối tân, đó mới là những yếu tố quyết định chiến thắng. Cả trăm ngàn lính Mỹ đến đánh VC thì sẽ chẳng ai cần Ấp Chiến Lược hay Khu Trù Mật gì nữa, chỉ cần computer tối tân nhất. Bộ trưởng Quốc Phòng McNamara và các phụ tá cao cấp nhất, chẳng một ai có kinh nghiệm quân sự, chỉ là những siêu chuyên gia ngồi sáng chế ra đủ loại kịch bản chống cộng trên computer. Dùng computer để suy diễn ra những chiến lược, sách lược, chiến thuật của đám nón tai bèo dép râu thì... không thua mới là lạ.
Trong cái cao ngạo, tự tin đó, người Mỹ đã biến cuộc chiến thành cuộc chiến của Mỹ, để bảo vệ quyền lợi của Mỹ, bằng quan và lính Mỹ, phương tiện súng đạn Mỹ, chiến lược, chiến thuật Mỹ, và tiền Mỹ. Dân Việt, lãnh đạo Việt, tướng tá Việt và lính Việt, tất cả đều được coi như những thứ... ngoại vi. Ngay cả mấy chục năm sau khi chiến tranh chấm dứt, bộ trưởng McNamara viết hồi ký về chiến tranh, với sách dầy tới hơn 500 trang, nhưng chưa tới vài chục trang nói về lãnh đạo VN, quân lực VN, dân VN. Cái mỉa mai vĩ đại, thô bạo nhất là khi TT Nixon thay đổi chiến lược, gọi là thi hành chính sách 'Việt Nam hóa chiến tranh' -Vietnamization. Làm như thể bắt đầu từ khi đó mới là chiến tranh của người Việt trên đất Việt, chứ trước đó, chỉ là chiến tranh của Mỹ, người Việt chúng ta chỉ là khách bàng quang ngồi ghế bố bên lề đường xem diễn tuồng vậy. Hà Nội nghe tin 'Vietnamization' mau mắn khui sâm banh ăn mừng vì bất ngờ được tặng món quà chính trị vô giá.
Người Mỹ, từ các TT Kennedy và Johnson tới các anh lính quèn tham chiến tại VN, thật sự đã không thấy hay không hiểu sự khác biệt vô cùng quan trọng giữa cuộc chiến tại VN với các cuộc chiến 'cổ điển' khác như đệ nhất thế chiến, đệ nhị thế chiến, hay chiến tranh Cao Ly, là những cuộc chiến thật sự được định đoạt bằng hỏa lực quân sự. Cuộc chiến tại VN KHÔNG phải là một cuộc đọ sức về hỏa lực, về số lượng bom đạn, về computer tối tân hay không, mà là đọ sức về ý chí, về kiên nhẫn, và nhất là về chính danh, tức là lòng dân, hậu thuẫn của mấy ông bà dân quê cả đời chưa nhìn thấy computer bao giờ. TT Diệm là người Việt nên hiểu rõ hơn xa người Mỹ, hiểu rõ để tướng Mỹ chỉ huy và lính Mỹ đánh, thì cuộc chiến chống CS sẽ thất bại vì mất chính nghĩa, chỉ khiến người dân Việt nhớ lại cuộc chiến chống thực dân Pháp. Đáng tiếc là ông Diệm và cả nước VN dù sao cũng chỉ là tiểu quốc, lệ thuộc vào phương tiện tài chánh và quân sự của Mỹ nên không có tiếng nói đáng để Mỹ quan tâm.
Sau khi TT Diệm bị lật đổ, thì người Mỹ can thiệp công khai, trắng trợn và toàn diện, vô giới hạn. Có tin ngay trong Tòa Đại Sứ Mỹ, có điện thoại 'đỏ' đặc biệt để Tòa Đại Sứ nói chuyện riêng và trực tiếp với Hà Nội hay Mặt Trận Giải Phóng, mà chính phủ VNCH không ngăn cản được. Qua đường giây điện thoại đặc biệt này, Mỹ đã nhiều lần trao đổi tù binh VC với lính Mỹ bị VC bắt. Có tin có lần tướng Nguyễn Ngọc Loan nhận được lệnh phải chở một tù cao cấp của VC đi An Lộc để trao đổi lấy về vài lính Mỹ, tướng Loan đã 'làm càn', đá tên VC ra khỏi trực thăng đang bay trên cao, rồi báo cáo tên VC tự tử.
Hiển nhiên, ý muốn nắm quyền chủ động tuyệt đối vì tính tự tin -chứ không phải vì ý đồ đế quốc như VC ra rả tuyên truyền- chính là lý do quan trọng nhất Mỹ muốn thay đổi lãnh đạo tại miền Nam VN. Khủng hoảng Phật giáo giúp có lý do chính đáng để biện minh cho nhu cầu thay đổi nhân sự lãnh đạo. Trong khi các tướng lãnh VN muốn đảo chánh đều đã được huấn luyện cách đánh nhau bằng hỏa lực mạnh, tất nhiên sẽ dễ chấp nhận sách lược đổ quân Mỹ, đánh ào ạt hơn.
- Đảo chánh 1963
Về cuộc đáo chánh, thật sự đã không có sự tham dự của Mỹ trong việc chuẩn bị, ra kế hoạch và thi hành. Các tướng đảo chánh chỉ muốn biết nếu ông Diệm bị lật đổ thì Mỹ có còn tiếp tục hậu thuẫn VNCH trong cuộc chiến chống CSBV hay không thôi. Khi được biết Mỹ sẽ vẫn ủng hộ VNCH chống xâm lăng của CSBV, thì cuộc đảo chánh chỉ còn là vấn đề ngày giờ, do chính các tướng lãnh VN ra kế hoạch và thi hành. Thực tế lịch sử, Mỹ không 'đẻ' ra cuộc đảo chánh, nhưng nếu Mỹ không 'bật đèn xanh', nếu Mỹ cảnh cáo các tướng là Mỹ KHÔNG tiếp tục ủng hộ VNCH chống xâm lăng của CSBV nếu TT Diệm bị lật đổ, thì cuộc đảo chánh đã không xẩy ra, và lịch sử VN đã đi vào con đường khác mà chẳng ai đoán được đã như thế nào.
Món tiền nhỏ mà anh Lucien Conein của Xịa trao cho tướng Trần Văn Đôn hiển nhiên mang ý nghĩa Mỹ ủng hộ đảo chánh, chứ không phải là chuyện mua chuộc các tướng như vài người đã tố giác một cách rất ấu trĩ. Vài chục ngàn đô không mua được một ông úy nào chứ đừng nói tới mấy chục ông tướng đang mang cả cơ nghiệp và tánh mạng của cả gia đình ra đánh cuộc vào đảo chánh.
Tại sao Mỹ không cương quyết ủng hộ TT Diệm mà chấp nhận đảo chánh? Như diễn đàn này đã viết qua, TT Diệm trở thành một bối rối cho Mỹ khiến Mỹ bị mang tiếng với thế giới là tiếp tay bao che, nuôi dưỡng một chế độ độc tài đàn áp tôn giáo. Các đồng minh Anh, Pháp, Đức công khai chống việc Mỹ hậu thuẫn cho TT Diệm. TT Diệm cũng bị chống đối từ dân Mỹ bị truyền thông thiên tả đầu độc bởi những công kích tàn bạo nhất chống ông Diệm. Đó là chưa nói tới chuyện đã bàn ở trên, là đảo chánh sẽ giúp chính phủ Mỹ muốn có quyền quyết định lớn hơn trong cuộc chiến, muốn có quyền mang lính Mỹ vào Nam VN tham chiến trực tiếp sau khi thấy TT Diệm đã không thành công diệt được cộng quân trong 4 năm đầu, từ 1960 tới 1963.
Mỹ có muốn giết ông Diệm không? Câu trả lời hiển nhiên là không. TT Kennedy không 'ra lệnh' cũng không biết trước ý định giết. Nhưng hiển nhiên không kém là TT Kennedy cũng hiểu rất rõ tính mạng của ông Diệm và ông Nhu khó bảo toàn. Như người Mỹ thường nói "chiên trứng thì phải đập vỏ thôi". Và TT Kennedy chấp nhận 'rủi ro' lớn này tuy vẫn hy vọng ông Diệm sẽ không bị giết. Việc ông bực mình -không có chuyện TT Kennedy 'khóc' vớ vẩn- khi nghe tin ông Diệm bị giết và chỉ trích các tướng đảo chánh chỉ là đóng tuồng bán cái rẻ tiền.
- TT Kennedy muốn rút khỏi Nam VN?
Sau khi miền Nam mất vào tay CSBV, khối ủng hộ TT Kennedy chống việc TT Johnson leo thang can thiệp mạnh vào miền Nam VN, biện bạch là TT Kennedy trước khi bị ám sát đã thực sự có kế hoạch rút ra khỏi Nam VN, không muốn can dự quá xa, chết lính Mỹ. Thật ra, đây là ngụy biện láo để tìm cách bảo vệ Kennedy, đổ lỗi thảm bại tại Nam VN lên đầu TT Johnson. Nếu TT Kennedy thật sự có ý định không muốn can dự mà rút Mỹ ra khỏi Nam VN thì tại sao lại nhúng tay vào cuộc đảo chánh mang lại cái chết cho anh em ông Diệm? TT Kennedy biết trước và hậu thuẫn cuộc đảo chánh tất nhiên vì muốn can dự sâu hơn chứ không phải muốn rút ra.
- Chê bai QLVNCH
Người Mỹ trách người Việt miền Nam không lo bảo vệ đất nước, không chịu 'đánh nhau', đưa đến thất bại chung cho cả miền Nam VN và Mỹ. Câu hỏi mà không ai nêu lên là tại sao cùng là người Việt cả, mà lính CSBV thì được Mỹ ca tụng ngất trời, trong khi lính CH thì bị Mỹ chê hết nước? Nếu quả thực tướng tá và lính tráng Cộng Hòa quá tệ như Mỹ chê, thì trách nhiệm của Mỹ ở đâu khi chính Mỹ chịu trách nhiệm huấn luyện QLVNCH? Thậm chí những tướng có thời nắm quyền, quậy phá lung tung như Nguyễn Khánh hay Nguyễn Cao Kỳ chính là những con cờ đã được Mỹ đưa ra để lãnh đạo, như vậy trách nhiệm của Mỹ ở đâu? Mỹ chọn tướng lãnh đạo rồi chê họ dốt? Mỹ huấn luyện lính rồi chê lính nhát?
Thật ra, chê bai trong QLVNCH, tướng dốt và lính hèn hiển nhiên không đúng vì thiếu một yếu tố quan trọng khác. Đó là vai trò các cố vấn quân sự Mỹ. Tất cả các đơn vị chiến đấu của quân đội VNCH, có khi kể cả những cấp nhỏ như trung đoàn hay tiểu đoàn, đều có cố vấn Mỹ. Họ đóng vai trò cố vấn về chiến thuật, nhưng quan trọng hơn xa, họ là những người có thực quyền điều khiển trận đánh qua việc gọi hỗ trợ của không quân và pháo binh Mỹ. Một cách thực tế, sĩ quan chỉ huy VN không nghe lời cố vấn Mỹ thì sẽ khó được yểm trợ bằng hỏa lực của không quân và pháo binh Mỹ. Từ đó, lý luận giản dị nhất là đổ lỗi những thất bại lên đầu quân lực VN, lên tướng tá và lính cộng hòa chỉ là đổ thừa sảng và hèn.
Sau khi Mỹ đổ cả nửa triệu lính vào Nam VN, nắm trọn quyền điều hành cuộc chiến, mà vẫn không thắng được VC, việc xỉa tay đổ thừa cho 'tướng dốt, lính hèn' của miền Nam nghe thật khôi hài. Nhưng cũng dễ hiểu. Chứ chẳng lẽ lại nói tướng Mỹ dốt, lính Mỹ hèn sao?
Một chuyện đáng ghi nhận nữa: sau chiến tranh, các thống kê cho thấy Mỹ đã tốn cả 168 tỷ đô, hay hơn 1.000 tỷ tính theo thời giá tiền đô năm 2023, cho chiến tranh VN. Trên thực tế, theo thống kê chính thức, 85% số tiền này vẫn nằm trong túi Mỹ, qua 1) tiền lương lính và công chức Mỹ làm việc liên quan đến cuộc chiến, 2) tiền giấy tờ, hành chánh, văn phòng, cơ sở Mỹ, và 3) trị giá những vũ khí, quân dụng cũ từ thời đệ nhị thế chiến, nằm trong nhà kho, được 'viện trợ' (thải) cho VNCH, để Mỹ có dịp tân trang súng ống, máy bay, xe tăng, tàu chiến,... cho quân lực Mỹ. Trong ít nhất 5-6 năm đầu của cuộc chiến, lính VNCH vẫn chỉ được viện trợ súng Garand, máy bay DC-3 và xe Jeep và GMC từ thời thế chiến II hay thời chiến tranh Triều Tiên, lôi từ các nhà kho ra, chùi rửa lại. Khi Mỹ trực tiếp tham gia chiến sự thì những chi phí của quân lực Mỹ tại Nam VN (có thể nói 80%-85% tổng chi phí, với QLVNCH được có thể 10%-15%) được kể như chi phí chiến tranh VN.
- 'Mất nước' năm 75
Trở lại câu hỏi tại sao miền Nam thất bại quá nhanh chóng, trong vỏn vẹn có 55 ngày, tuần rồi, ta đã bàn qua các nguyên nhân xa gần về phía VNCH. Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là chính sách của Mỹ trong việc tiếp sức quân sự cho miền Nam VN. Một cách cụ thể nhất, việc mất Miền Nam vào tay CSBV chính là 'công lớn' của hai ông Mỹ.
- Một ông đã cột tay, trói chân quân đội VNCH, trói gô lại đem dâng cho Hà Nội. Đó chính là thượng nghị sĩ DC Joe Biden, khi ông cùng các đồng chí DC tìm mọi cách cắt hết viện trợ súng đạn, dầu xăng không cho QLVNCH có phương tiện đánh nhau với CSBV, ngay từ khi Biden mới vào thượng viện, đầu năm 1973. Đầu năm 75, VNCH cầu cứu khẩn cấp 700 triệu bị Joe Biden và thượng viện bác; sau đó xin ít hơn, 300 triệu cũng vẫn bị Joe Biden và thượng viện bác. Cái vô lý là những số tiền trên nằm trong ngân sách viện trợ quân sự đã được phê chuẩn, VNCH chỉ xin tháo khoán sớm cũng bị Biden và các đồng chí DC chặn lại để giúp CSBV thắng cho nhanh, để Mỹ thoát cái nợ VN sớm, bất cần biết số phận của quân đội đồng minh VNCH cũng như số phận mấy chục triệu dân miền Nam.
Một con vẹt già nịnh Biden để cổ võ cho dân Việt tị nạn hậu thuẫn Biden chống Trump, biện giải Biden chỉ có hai tội: già và cà lăm -so với Trump có cả vạn tội như nói láo, hãm hiếp phụ nữ, trốn thuế,...- . Thật ra, nhận tội như vậy thiếu sót những tội quan trọng nhất của Biden đối với cộng đồng Việt tị nạn chúng ta, để tôi bổ túc thêm:
Một người muốn CSBV thắng, một người chấp nhận VNCH thua, ông nào hại VNCH và giúp CSBV nhiều hơn? Hiển nhiên là cho dù Kissinger cho VC giữ lại 200.000 lính trong khi miền Nam ta với đầy đủ súng đạn thì VNCH vẫn không thể thua dễ dàng, nhưng nếu không có súng đạn vì Biden đã chặn lại thì CSBV chỉ để lại 200 tên lính thì cuối cùng cũng vẫn thắng. Lý luận đó giúp ta nhìn thấy rõ ngay tội của Joe Biden không thể tha thứ được, và những người Việt tị nạn mà ủng hộ Biden chỉ là những người vô ý thức nhất.
Nếu có thể tóm lược một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất chính sách chung của Mỹ trong chiến tranh VN, thì ta có thể nói:
- Với VC thì người Mỹ khinh địch, đánh giá sai khả năng và ý chí chiến đấu; cũng không hiểu hậu thuẫn của Liên Xô và Trung Cộng với CSBV dẻo dai hơn hậu thuẫn của Mỹ đối với VNCH; Kissinger sai lầm hoàn toàn khi hy vọng đi đêm với Liên Xô và TC có thể cắt cuống rốn của CSBV;
- Với VNCH I thì người Mỹ có thái độ 'gia trưởng' muốn dành quyền chỉ huy hết mà không lường được tinh thần yêu nước của TT Diệm;
- Với VNCH II thì người Mỹ không nhìn nhận sự hiện diện của một chính quyền, một quân lực VN luôn, mà điều đáng buồn là cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều thấy rõ nhưng không làm gì khác được, vì quá cần Mỹ trong cuộc chiến chống xâm lăng của CSBV, được hỗ trợ mạnh của cả Liên Xô lẫn Trung Cộng. Một mình VNCH không có cách nào đánh thắng Hà Nội hợp sức với Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh được, nên khi Mỹ 'tháo chạy', thì kết cuộc của cuộc chiến chỉ còn là vấn đề ngày giờ, thời gian của cái gọi là 'decent interval', khoảng cách đỡ mất mặt cho Mỹ. Đó là sự thật lịch sử đáng buồn cho nước ta.
-------------------------
Trả lời góp ý của một độc giả về bài 306: NHÌN LẠI LỊCH SỬ: ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA.
Dưới đây là góp ý của độc giả 'Muoithanh' công kích VL (nguyên văn chữ IN LỚN và nghiêng; VL trả lời, chữ thẳng, màu xanh):
QUA BÀI VIẾT NHÌN LẠI LỊCH SỬ : ĐỆ NHỊ VNCH CỦA TÁC GIẢ VŨ LINH , TÔI CÓ VÀI Ý KIẾN ĐÓNG GÓP NHƯ SAU :
1- VŨ LINH CHO LÀ VC & VNCH VIẾT LẠI LỊCH SỬ BÔI LỌ THẬM TỆ CÁC TƯỜNG ĐẢO CHÁNH TT DIỆM, LÀ LÀM TAY SAI MỸ , SAU KHI NHẬN 3 TRIỆU TIỀN VN ,QUA TAY TÊN TÌNH BÁO HẠNG THẤP CỦA MỸ LÀ TRUNG TÁ LUCIEN CONEIN , VÀ HỌ KHÔNG DÁM NHÌN SỰ THẬT LÀ HÀNG NGÀN PHỤ NỮ TAY ĐẦY MÁU. KÉO KẺM GAI XUỐNG ĐƯỜNG, CÙNG SINH VIÊN HỌC SINH HUẾ - SÀI GÒN BÃI KHOÁ TUYỆT THỰC, VÀI CHỤC SƯ SẢI TỰ THIÊU CHỐNG TT DIỆM, HỌ CŨNG QUÊN CẢNH NGỜI DÂN TUNG HÔ TẶNG QUÂN ĐẢO CHÁNH, VL KẾT LUẬN LÀ HỌ KHÔNG PHẢI VC NẰM VÙNG, HAY VC THAO TÚNG ... ( GIỐNG BÁO ND QUÁ).
- XIN HỎI VL, TÊN TRUNG TÁ CIA VỚI TÚI TIỀN 3 TRIỆU VN ĐỒNG, VỚI CÂY MAGNUM NGỒI CHỦ TRÌ NHÓM TƯỚNG LÃNH LÀM CUỘC ĐẢO CHÁNH, VẬY HỌ KHÔNG LÀ TAY SAI CỦA MỸ THÌ LÀ GÌ ? CHO DÙ SỐ TIỀN ĐÓ PHÁT CHO LÍNH HAY CHO AI ĐI NỮA CŨNG NHỤC QUÁ CHỨ .
Tôi KHÔNG biết chuyện Conein "với cây Magnum ngồi chủ trì nhóm tướng lãnh làm đảo chánh". Ông có tài liệu hay hình ảnh gì chứng minh chính xác, xin vui lòng chia sẻ để mọi người cùng biết?
Ngoài ra, tôi KHÔNG bao giờ đọc báo ND nên không biết báo này viết gì.
- MỘT SỐ HIẾU KỲ TẶNG HOA CHO LÍNH ĐẢO CHÁNH, VL CHO LÀ DÂN VN CHỐNG TT DIỆM ? BAO NHIÊU % CHỐNG, BAO NHIÊU % ŨNG HỘ? PHẢI CÓ DỮ LIỆU CHỨ. NGÀY 30 THÁNG TƯ 75 MỘT SỐ DÂN ĐÓN CHÀO VC . VẬY TOÀN DAN MN VÙNG DẬY SAO ?
Tôi KHÔNG biết trong những ngày 1-2-3 /11/1963 ông ở đâu, mà không thấy được dân ủng hộ đảo chánh.
Tôi cũng không có dữ liệu nào về lòng dân vẫn ủng hộ TT Diệm: Bao nhiêu % chống, bao nhiêu % ủng hộ. Ông viết "Phải có dữ liệu chứ", vậy chắc ông có dữ liệu cụ thể, xin vui lòng chia sẻ cho mọi người biết, nếu tôi sai, tôi sẽ nhận lỗi.
- SV HS KHÔNG BỊ VC THAO TÚNG ? VẬY HUỲNH TẤN MẪM, LÊ VĂN NUÔI , HUỲNH HIẾU ĐĂNG, TRẦN VÁNG SAO, TRỊNH CÔNG SƠN, HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG, NGUYỄN ĐẮC XUÂN ... LÀ AI ?
Một chục tên sinh viên VC KHÔNG phải là tất cả SV, HS miền Nam VN. Như tôi đã viết, nếu ông cho tất cả HS, SV miền Nam đều là VC hay bị VC thao túng, thì không còn gì để bàn nữa. Ông cho rằng mấy chục triệu dân miền Nam, HS, SV, tất cả mấy chục ông tướng, tất tần tật đều là VC hay bị VC thao túng hết cũng được. Giải thích rất dễ hiểu và rất tiện. Cả nước đã là VC rồi thì đám đá, chống cộng gì nữa?
- THÍCH TRÍ QUANG TỔ CHÚC ĐỐT THÍCH QUÃNG ĐƯC, CHỐNG ĐỆ NHẤT CH XONG BÀN THỜ XUỐNG ĐƯỜNG CHÔNG ĐỆ NHỊ CH LUÔN, VC KHÔNG THAO TÚNG THÌ AI DỰNG CHUYỆN TT DIỆM ĐÀN ÁP PG ĐÂY ?
Tôi KHÔNG biết TTQuang "tổ chức đốt TQĐức". Nếu ông có bằng chứng cụ thể, xin cứ đưa ra cho tôi học hỏi thêm.
2-VL CHO RẰNG SAU 1-11-63 TÌNH HÌNH ỖN ĐỊNH ?. VẬY NGUYỄN KHÁNH - NGUYỄN CHÁNH THI CHỈNH LÝ , ĐÃO CHÁNH TRIỀN MIÊN , DƯƠNG VĂN MINH RA LỆNH PHÁ BỎ ẤP CHIẾN LƯỢC , VC TRỞ LẠI ĐÁNH PHÁ KHẮP NƠI , ÔN ĐỊNH CHỖ NÀO ? CHO NHÃY ĐẦM THẢ GIÀN Ư ?
"VL cho rằng sau 1-11-63 tình hình ổn định"? Nếu ông muốn phản bác nghiêm chỉnh, thì ông cần lương thiện hơn. Tôi đã viết "Những ngày từ sau cái chết của TT Diệm tới lúc đó [khi ông Thiệu tuyên thệ nhậm chức], là khoảng thời gian chuyển tiếp, được coi như một trong những ngày đen tối, khó khăn, hỗn loạn nhất của lịch sử cận đại VN".
- VL HỎI MẤY CHỤC TƯỚNG LÃNH VÌ MẤY NGÀN ĐÔ MÀ PHÃN TT , THÌ QĐ ẤY RA SAO ? RÔI THUỘC HẠ , CẤP TÁ CẤP UÝ CÓ HƠN GÌ ? NÓI NHƯ VẬY CHỨNG TỎ VL CHẢ HIỂU GÌ ĐỜI LÍNH CẢ , TƯỚNG LÃNH MỚI THAM QUYỀN CỐ VỊ - THAM NHŨNG- BUÔN LÂU - QUẾ TƯỚNG CÔNG - HẬN THÙ LÃNH ĐẠO LÀM ĐÃO CHÁNH, TRONG KHI BINH SĨ - HSQ - CẤP TÁ- CẤP UÝ, ĐA SỐ TÀI NĂNG MỘT LÒNG PHỤC VỤ ĐẤT MƯỚC CHỨ RA SAO ?.KHÔNG ĐƯỢC ĐỘNG ĐẾN BỌN TƯỚNG PHÃN LOẠN CỦA VL CHĂNG ?
Thế thì quân đội VNCH quái lạ nhất thế giới rồi: tướng thì toàn là "tham quyền cố vị, tham nhũng, phản loạn", nhưng đặc biệt lại có biệt tài thu nhận, đào tạo, huấn luyện, chỉ huy, bổ nhiệm và thăng thưởng "binh sĩ, hsq, cấp tá, cấp úy đa số tài năng, phục vụ đất nước...".
VL CÒN RẤT NHỀU HỚ HÊN , MONG RẰNG LÃNH VỰC KHÔNG CHUYÊN MÔN THÌ KHÔNG NÊN XÍA VÀO, THIẾU CHI SÁCH BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG CỦA LIÊN THÀNH, HỒ SƠ MẬT DINH ĐL, KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠY CỦA NGUYỄN TIẾN HƯNG ... RẤT TIẾC !
Một lần nữa, muốn phản bác nghiêm chỉnh ông nên lương thiện hơn, hay đọc kỹ những gì tôi viết hơn: "Cũng phải nói ngay là đây chỉ là những nhận định của một cá nhân VL về một vài diễn biến lớn, không phải là chuyện 'viết sử', ...; đúng hay sai, chỉ là quan điểm cá nhân". Xin hỏi ông Muoithanh, tôi có quyền có quan điểm cá nhân hay không, bất kể đúng hay sai? Hay là chỉ có quyền 'xiá vào' nếu hợp ý với ông? Hay nếu đúng ý với các ông Liên Thành, Nguyễn Tiến Hưng?
DĐTC Vũ Linh
Nhận xét
Đăng nhận xét