Đọc Và Suy Ngẫm - Di sản Và Thành Quả Của Nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà

Đọc Và Suy Ngẫm
Di sản Và Thành Quả Của Nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà

Phương Nguyễn
Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà được thành lập sau cuộc trưng cầu dân ý truất phế vua Bảo Đại năm 1955 và ông Ngô Đình Diệm là người thay thế Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo nền đệ nhất cộng hoà được diễn ra như sau.
Sau khi truất phế vua Bảo Đại, trên cương vị Quốc Trưởng, ngài tổ chức bầu quốc hội lập hiến soạn thảo Hiến Pháp cho Quốc Gia Việt Nam và chính phủ ban hành hiến pháp đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hòa, người đứng đầu Việt Nam Cộng Hoà là Tổng thống Ngô Đình Diệm, lãnh đạo miền nam tự do chống cộng sản độc tài miền bắc.
Quốc Hội Lập Hiến chính thức ban hành Hiến pháp ngày 26/10/1956 và ngày đó mặc nhiên được xem như là ngày quốc khánh của nền đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà.
Chính phủ đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà được sự hậu thuẫn của các nước tự do phương Tây và Hoa Kỳ. Nền Đệ Nhất Cộng Hoà đã thành công trong việc thống nhất, sáp nhập các lực lượng vũ trang của giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo vào quân đội chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, giải tán lực lượng vũ trang Bình Xuyên của bảy Viễn và thu hồi đặc khu Saigon, Chợ Lớn vốn bị người Hoa thu tóm.
Ngược dòng thời gian, trở về những ngày đầu thành lập nền đệ nhất cộng hoà, theo lịch sử chính thống và các chứng nhân lịch sử kể lại rằng:
- Đệ nhất cộng hoà khởi đầu khó khăn, với hậu quả của 9 năm Nam Bộ kháng chiến chống Pháp, khiến cho trên một phần ba đất trồng trọt đã bị bỏ hoang, cỏ dại lan tràn. Phần lớn hệ thống kênh rạch bị khô cạn và sình lầy. Hệ thống bơm nước, thoát nước cũng bị hư hại, sản xuất lúa gạo của Miền Nam giảm đi đáng kể.
- Các phương tiện giao thông như đường bộ, đường sắt, cầu cống và các cơ sở công kỹ nghệ như đường trắng, rượu bia, sợi bông cho ngành dệt vãi đều bị hư hại, nên vào năm 1955, nền đệ nhất cộng hoà non trẻ ra đời phải đối diện với bao nhiêu khó khăn, gian khổ chờ đợi trước mắt.
Cụ thể như ngân sách trống rỗng... kỹ sư, chuyên viên trong mọi lãnh vực hết sức hiếm hoi vì Pháp đã rút đi hầu hết, để lại một lỗ hổng lớn cho cả nền kinh tế lẫn hành chánh và giáo dục, y tế của Việt Nam Cộng Hoà non trẻ.
Chính phủ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà dưới sự lãnh đạo tài ba của tổng thống Ngô Đình Diệm được đồng minh Hoa kỳ hết lòng yểm trợ vật chất, kỹ thuật và Việt Nam Cộng Hoà có đôi ngũ chuyên viên tài năng, giàu lòng yêu nước nên đã gặt hái được nhiều kết quả vượt bậc có thể nói là ngoài mong đợi của người dân miền nam Việt Nam.
Nhiều người dân sống trong thời gian ấy, chắc còn nhớ cảnh thanh bình của các em học sinh mặc áo sơ mi trắng, quần xanh. Các nữ sinh với những chiếc áo dài trắng tha thướt đẹp như thiên thần cắp sách đến trường...Cha mẹ, anh em lo làm ăn, hầu hết người dân đủ ăn đủ mặc, xã hội trật tự, nề nếp kỷ cương, sống có nhân cách đạo đức. Phải công nhận rằng đây là thời gian đẹp nhất của Việt Nam Cộng Hòa.
Di sản và thành quả của chính thể đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà để lại, là ước mơ của các nước Đông Á, Đông Nam Á thời đó, chúng ta thấy có:
1- Định cư cho một triệu dân miền Bắc vào Nam lánh nạn cộng sản và thành tích này của tổng thống Diệm được tổng thống Kennedy ghi nhận như sau:
“Thưa Tổng thống,
Thành tích mà Ngài đã đạt được để đem lại niềm hy vọng mới, nơi cư trú và sự an ninh cho gần một triệu người lánh nạn cộng sản từ Miền Bắc đã nổi bật như một trong những nỗ lực đáng được tán dương nhất, và được điều hành tốt đẹp nhất trong thời hiện đại."
2- Tái thiết và phát triển nông nghiệp bằng cách ban bố luật về quyền sở hữu đất đai cho người dân, cùng việc chi ngân sách, cắt cử cán bộ nông nghiệp sửa chữa lại hệ thống thủy lợi, vét nạo kênh rạch và cung cấp phương tiện sản xuất cho nông dân để đưa 1/3 đất bỏ hoang do chiến tranh trở lại canh tác.
3- Chính sách cải cách điền địa đạt hiệu quả qua các biện pháp hỗ trợ pháp lý cho nông dân được yên tâm khi đi thuê đất canh tác. Với luật định là điền chủ phải ký hợp đồng với tá điền về điều kiện thuê đất như tiền thuê đất, thời hạn thuê, triển hạn khế ước, giảm thuế đất trong trường hợp mất mùa.
4- Chính sách phát triển công kỹ nghệ do Miền Nam bị cắt đứt tiếp liệu về than và khoáng sản từ Miền Bắc nên chính phủ từng bước thực hiện khai thác tài nguyên ở ba dự án chính là mỏ than Nông Sơn, thủy điện Đa Nhim và phốt phát tại Hoàng Sa - Trường Sa.
5- Khuyến khích người Hoa nhập quốc tịch Việt Nam để ngăn chặn viễn cảnh thao túng kinh tế, cùng lúc thực hiện chính sách cởi mở, ưu đãi đối với các nhà đầu tư ngoại quốc bảo đảm, cam kết không tịch thu hay quốc hữu hóa tài sản của người ngoại quốc. Cũng như ưu đãi về thuế má và cho phép chuyển tiền lời về nước.
6- Tái thiết mạng lưới giao thông đường quốc lộ, liên tỉnh lộ, hương lộ, đường thủy và đường hàng không đã bị hư hại trong thời chiến. Xây dựng hạ tầng cơ sở mở rộng hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và các tuyến hàng không phục vụ phát triển kinh tế và xã hội.
7- Thành lập Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam để phát hành đồng tiền Việt Nam và thực hiện các nghiệp vụ của một ngân hàng trung ương tân tiến. Song song đó là thiết lập hệ thống ngân hàng thương mại để thay thế cho Banque de L'Indochine và các ngân hàng thương mại của Pháp ở Sài Gòn là một thành quả lớn của đệ Nhất Cộng Hoà.
8- Về giáo dục và đào tạo, chính phủ đã thiết lập chính sách giáo dục miễn phí trên nền tảng triết lý nhân bản, dân tộc và khai phóng. Với nền tảng triết lý giáo dục này đã giúp cho 2 nền đệ nhất, đệ nhị cộng hoà để lại nhiều công trình nghiên cứu triết học, khoa học và các sáng tác nghệ thuật văn học, âm nhạc vô cùng phong phú so với văn học, âm nhạc minh họa phục vụ tuyên truyền của miền Bắc Việt Nam.
Song song với triết lý giáo dục nhân bản, dân tộc, khai phóng đặt mục tiêu đào tạo “học sinh là người tổ quốc mong họ mai sau” phụng sự xã hội, bảo vệ Việt Nam Cộng Hoà, chống lại sự xâm lăng của cộng sản Bắc Việt. Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính phủ của ông, còn đưa ra những quốc sách xây dựng, phát triển kinh tế, kiến thiết đất nước mang dấu ấn Việt Nam Cộng Hoà như y tế miễn phí, giáo dục miễn phí, mở mang phi trường Tân Sơn Nhất, xây dựng xa lộ Sài gòn – Biên Hoà, thiết lập nhà máy xi măng Hà Tiên và một dự án mang tầm vóc quốc tế, là Nguyên Tử Lực Cuộc phụng sự hoà bình. (Lò phản ứng hạt nhân năm 1958.)
Để kết thúc bài viết về Di Sản Và Thành Quả Nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà chưa đầy đủ, chúng ta cùng đọc lại những kỷ niệm êm đềm của thời thanh bình xa xưa ấy qua trích đoạn dưới đây:
“Thời đó, bạn có thể tự do đi bất cứ nơi nào tuỳ thích như từ Cà Mau ra tới tận Đông Hà.
Mờ sáng lên xe buýt ra Vũng Tầu tắm biển hay buổi chiều đến ga xe lửa gần chợ Bến Thành mua vé đi Đà Lạt.
Chỉ trong chốc lát, con tầu bắt đầu phun khói, còi tầu rít lên trước khi khởi hành. Khi mặt trời ló dạng thì tầu chạy ngang bờ biển cát trắng Phan Rang, rẽ trái rồi i ạch leo tuyến đường sắt có móc để trèo dốc lên Đà Lạt.
Cái thú vui khi rời ga Đà Lạt là ga đẹp nhất Đông Nam Á để mau tới "Café Tùng" hay "Phở Bằng" thưởng thức một ly cà phê sữa nóng thì khó có thể diễn tả được.”
Ôi, biết bao giờ trở lại ngày xưa...

Phương Nguyễn
3/11/2023

Nhận xét

Bài được quan tâm