Hồ sơ đen về những kẻ bội phản chính trị (Phần kết)

Hồ sơ đen về những kẻ bội phản chính trị (Phần kết)

Ca sĩ Joan Baez, một nhân vật phản chiến nỏi tiếng viết thư cho chính quyền CSVN yêu cầu tôn trọng nhân quyền 4 năm sau ngày đợt sóng thuyền nhân bỏ nước ra đi trốn chế độ cộng sản. Ảnh: Lisa Pacino.
Nguyễn Văn Lục

(Tiếp theo phần 1)

Với tư cách người cầm bút, tôi có bổn phận trình bày lại một giai đoạn đã qua. Và đã có một thời như thế. Một thời mà ngay những kẻ trong cuộc cũng tự cảm thấy có điều gì mà chính họ phải tự xét mình và tự sám hối.

Hồ sơ đen về những kẻ bội phản chính trị -Trahison politique – trong nhóm trí thức thành phần thứ ba

Ông Huỳnh Văn Lang, một sinh viên du học lớp thế hệ 1945-1955 đã nhận xét về thế hệ sinh viên du học của ông như sau:

“Phải nói ngay là số người ra đi rồi còn về làm được cái gì thì thật ra quá ít ỏi… Xã hội Việt Nam đầu tư vào sinh viên Việt Nam trong thập niên 1945-1955 kể như hoàn toàn thua lỗ. Một tỉ dụ cụ thể: chiếc tầu Champollion của tôi đi đã chở theo 240 sinh viên mà sau đó 5, 6 năm, khi về nước, tôi chỉ gặp ba sinh viên học hành thành đạt và đã về làm việc ở quê nhà trong đó có anh Ngô Trọng Anh, Nguyễn Quang Lệ, Hoàng Anh Tuấn và không biết có ai khác nữa không. Thật là một mất mát quá lớn cho Quốc gia […] Nhưng dù sao đi nữa tỉ lệ người ra đi và trở về có thể phỏng định không quá 10% mà trong số 10% này còn phải kể là hết phân nửa chỉ trở về với một cái bằng nhảy đầm hay thợ rửa hình là cùng.”(10)

Ông Huỳnh Văn Lang còn nhận xét thêm là Pháp có ý viện trợ kỹ thuật và y tế cho Việt Nam vào năm 1961 là 12 bác sĩ đủ các ngành.

“Trong khi đó, ở trong nước gom tất cả các bác sĩ tốt nghiệp y khoa Hà Nội và Sài gòn và cả từ các trường y khoa bên Paris và Montpellier bên Pháp về thì chỉ gom được 158 ông. Trong khi đó chỉ trong vùng Métropolitain Paris đã có đến trên 260 bác sĩ người Việt đang hành nghề, có nhiều bác sĩ chuyên môn. Thế thì ai viện trợ cho ai?”

Một nhận xét cuối cùng của ông Huỳnh Văn Lang:

“Ngoài những sinh viên làm chính trị, một số lớn sinh viên Việt Nam con ông cháu cha đi qua Pháp là để trốn lính và chơi bời hơn là học hành. Lúc bấy giờ xã hội Pháp còn nghèo nàn quá, các cô gái Pháp lại rất dễ dãi với sinh viên Việt Nam, vì sinh viên Việt Nam rất hào phóng, đồng bạc Việt Nam ăn những 17 quan, những bao gạo trắng ba, bốn ký và nhất là những gói tiêu đen một hai ký là những món hàng thị trường Pháp đang đòi hỏi thật mạnh mà nhiều sinh viên Việt Nam sanh ra chuyên môn chợ đen hàng hóa, không kém gì chợ đen đồng quan Pháp.”(11)

Hoạt cảnh mà ông Huỳnh Văn Lang mô tả về giới sinh viên du học dưới thời Bảo Đại có phần bát nháo không phản ảnh thực trạng giới sinh viên thế hệ 1960. Nhiều sinh vên thế hệ 1950 được gửi sang Pháp là loại con ông cháu cha nên đã không học được.

Nhưng nó cũng hé lộ cho thấy một góc tối về một số sinh viên do những hoàn cảnh riêng đã không đáp ứng được đòi hỏi chung của trình độ đại học ở nước ngoài. Cộng thêm những trở ngại về ngôn ngữ, cuộc sống cô độc thiếu sự nâng đỡ và chia xẻ khi gặp những khó khăn.

Bản thân người viết có biết một trường hợp một nữ sinh viên con nhà có một vị thế ưu đãi trong xã hội được gia đình gửi đi du học. Có thể là vì gặp những khó khăn trong việc học, cô đã sống cuộc sống ngoài khuôn khổ, rồi cặp với một sinh viên ngoại quốc và tụt sâu xuống một bực nữa, cô trở thành gái điếm đứng đường. Số phận kết thúc một cách bi thảm là cô đã bị bọn du đãng giết và vứt ra đường như xác vô thừa nhận!

Việc một số sinh viên trở thành thiên tả, xoay ra hoạt động chính trị có phần do những lý do chẳng có gì là chính trị cả.

40 sinh viên theo chương trình Colombo đến Canada đáng lẽ phải về nước làm việc sau thời hạn bốn năm thì hầu như đều tìm cách trốn ở lại.

Năm 1957, Tổng thống Ngô Đình Diệm có yêu cầu ông Huỳnh Văn Lang đi một vòng thế giới tìm hiểu xem sinh hoạt, đời sống của sinh viên đi du học. Khi về ông Lang bá cáo với ông Diệm một kết quả thật phũ phàng là hầu hết sa vào chuyện đàn bà con gái. Đa số sống bất hợp pháp nên cũng lấy vợ đầm để hợp thực hóa. Ngay cả làm hôn thú với các cô gái ăn sương ở tiệm Rickshaw ( 力車, Lực Xa, Xe Kéo) ở phố Tầu Montréal nếu cần để được ở lại chính thức.

Cũng do tình trạng hôn nhân tạm bợ đó mà nhiều cặp đã đổ vỡ, nhất là từ năm 1975 có nhiều cô gái trẻ đẹp tỵ nạn mới tới!

Cũng cần nói thẳng là nữ sinh viên Việt Nam không muốn lấy mấy anh sinh viên thân cộng này.

Phần Tổng thống Diệm, sau đó đã cho thiết lập một quán cơm Việt Nam đầu tiên cho sinh viên Việt Nam tại Paris. Rất tiếc những ngươi có trách nhiệm quản lý quán cơm đã tham lam đến cuối cùng phải đóng cửa.

Những gì ông Huỳnh Văn Lang nhận xét là một thực tế nan giải.

Đã thế ở lại là trốn lính, là bất hợp pháp nên tìm cách biện minh cho việc ở lại mang một ý nghĩa chính đáng, cao cả. Không muốn về, vì sợ chết rồi đổ cho đó là cuộc chiến phi nghĩa trong một xã hội tham nhũng!

Thế là trở thành kẻ phản chiến, thành phần thứ ba tạo cho họ một cái căn cước của những người sinh viên trí thức có chính nghĩa, có lý tưởng.

Thật ra bản chất thực sự của họ là hèn nhát, ích kỷ, ham sống sợ chết, phản bội lại miền Nam!

Ở đây, chúng tôi cũng không muốn nói tới các trường hợp các sinh viên ở Pháp, ở Mỹ như Cao Huy Thuần, Thái Thị Kim Lan (Munich, Đức), Nguyễn Ngọc Giao, Trương Hồng Quang, Vũ Quang Việt, Trần Hữu Dũng, Trần Văn Thọ (Nhật). Đây là loại sinh viên đã thành công, có bằng cấp và do những hoàn cảnh ngoài sự thẩm đoán của người ngoài cuộc đã trở thành những kẻ thiên tả, rồi lực lượng thứ ba.

Nói chung họ chỉ tả theo sách vở. Họ chỉ là lý thuyết gia sách vở không vượt ra khỏi khuôn khổ trường ốc. Họ cũng muốn đóng góp đôi chút gì, cũng viết cho Đảng đọc. Đảng không đọc, Đảng vứt sọt rác. Người có chút chữ nghĩa như tôi, đọc họ thấy nó thối um lên vì là chuyện trên trời dưới biển. Tôi nói thật. Sắp tới đây, họ tổ chức Hội Thảo ở Munich. Bà Thái Kim Lan sẽ thuyết trình về đề tài: 40 năm sau – Nhìn lại Văn hóa Việt trong viễn tượng Khai Sáng. Văn hóa, giáo dục Việt Nam hiện bây giờ là một cái bãi rác, đi qua mùi hôi thối xông lên nghẹt mũi. Vậy mà có một chị từng được nhà nước vinh danh trong số 17 Việt Kiều có đủ can đảm bàn về giáo dục trong mối tương quan với chủ thuyết Khai Sáng.

Viết, thuyết trình đề tài như thế chẳng khác gì chửi cha giáo dục và văn hóa của người cộng sản.

Trong tài liệu của tác giả Gendron, cuốn The Vietcong Front in Quebec (Mặt trận Việt Cộng ở Québec) trong lời mở đầu, họ đánh giá rất thấp tổ chức Việt kiều yêu nước – như một thứ băng đảng – một thứ bên lề như một số đảng phái tả phái đủ loại ở Canada với một tập hồ sơ buôn bán, chuyển tiền có bằng cớ do những người lãnh đạo có đầu óc cộng sản thuộc loại bất trị(12).

Trong nhiều năm nay, ít lắm là 10 năm trở lại đây, nhiều người trong bọn họ đã chọn lựa thái độ ẩn náu, im lặng vì biết việc mình làm là bất nghĩa, bất nhân theo cộng sản. Tuy nhiên chỉ còn một vài người trong số họ vẫn muốn xuất đầu lộ diện vì quyền lợi vật chất của họ có liên quan đến cộng sản bên nhà.

Đó là trường hợp như Quách Tinh Văn chẳng hạn. Đó cũng là lý do để tác giả Lê Quốc Trinh viết bài Yêu nước hay yêu tiền? Theo ông Lê Quốc Trinh trong số 22 người đại diện ký tên dưới Lá thư ngỏ gửi Ngài Andrew Scheer và các dân biểu không đồng ý với dự luật S-219, 30 tháng tư, Ngày Hành Trình Tìm Tự Do, người đi thu thập chữ ký phản đối tại Montréal là Quách Tinh Văn, từng là thành viên lãnh đạo nòng cốt của hội Việt kiều yêu nước. Quách Tinh Văn cũng từng là Phó Giám đốc Vietimex Inc., Phó Giám đốc Laser Express Inc., Phó Giám đốc Vinamedic Inc. chuyển hàng về Việt Nam.

Sau 1975, phần đông bọn họ lần lượt đã tìm đường trở về Việt Nam để xem tình thế, để kiếm một địa vị, để về giúp giảng dạy. Và cũng không thiếu kẻ quay trở về với áo mũ xênh xang, lợi dụng và tham lam nhiều thứ.

Tôi đã biết có những kẻ về thu mua tranh ảnh với gía vài chục đô la một bức tranh của những họa sĩ nổi tiếng đem sang đây để trục lời. Mua một bán gấp trăm, gấp ngàn lần hơn. Mua đồ cổ chất đầy nhà, nạo vét cái gì còn có thể nạo vét được của triều đình nhà Nguyễn của các gia đình thuộc Hoàng tộc nay phải bán tống bán táng lấy tiền đong gạo.

Rồi còn về mua nhà, mua cửa, mua đất đai, mua một lời mười. Có nhà ở những khu quan trọng nhất, sang nhất Sài gòn như một tiểu Cali giữa Sài gòn!

Không ai quên được, mỗi người di tản phải ra đi là đã bị trấn lột đến không còn gì nữa. Mất nhà hay “hiến” nhà, gom góp tiền bạc đổi ra vàng để mua vé đi tìm tự do, mua bãi với hàng trăm ngàn nỗi hiểm nguy.

Sang đến đất tự do, tiếng Tây, tiến u nhiều người chưa rành đã cắm đầu cắm cổ đi làm – làm bất cứ nghề gì – lương tối thiểu từ 3 đồng đến 3 đô la rưỡi một giờ. Mỗi tháng trừ thuế còn được vài trăm bạc đã lo tích lũy để gửi các thùng quà 50 đô la cho đến 350 đô la về cho gia đình ở Việt Nam.

Bọn Việt kiều yêu nước đã như những kẻ không tim, không óc, không có tình nghĩa đồng bào một lần nữa chúng trấn lột người di tản.

Tất cả bà con, anh em, vợ con những người di tản còn kẹt lại ở Việt Nam trở thành con tin của bọn tay sai cộng sản. Người di tản không còn con đường nào khác phải gửi tiền về Việt Nam nuôi béo bọn cộng sản. Kiều hối từ một vài tỉ lên đến mười mấy tỉ một năm.

Chúng ta thù ghét cộng sản chỉ muốn chúng bị xóa sổ. Nhưng thật mâu thuẫn, chúng ta đang tiếp máu, nuôi béo chúng. Cạnh cái tổ chức Việt kiều yêu nước làm tay sai trực tiếp cho cộng sản, nhiều chủ tiệm thuốc Tây của người Việt di tản ở Canada và cả bên Mỹ cũng làm giàu hốt bạc cũng vô tình làm trung gian gửi tiền cho bọn chúng.

Tôi có cần phải kể tên các hiệu thuốc Tây tại đây và bên Mỹ ra không nhỉ? Một số chủ tiệm thuốc tây người Việt ngay khi còn miền Nam cũng đã từng buôn lậu thuốc tây cho Việt Cộng. Họ là những người chỉ cần biết có tiền. Họ ăn nên làm ra nên các buổi gây quỹ, chống cộng phần đóng góp của họ có thể hậu hỹ hơn người khác!

Nghĩ mà chua chát.

Nếu nhìn lại miền Nam sau 1975 thì quả thực các công ty làm ăn buôn bán của đám Việt kiều yêu nước tại Montréal đã tiếp máu cho chính quyền cộng sản vì cộng sản đã rơi vào tình trạng cạn kiệt ngoại tệ.

Không có nguồn ngoại tệ chảy về duy nhất tập trung tại Canada thì không biết số phận Việt Nam thập niên 1980 trở đi sẽ ra sao? Sụp đổ chăng?

Tình trạng kiệt quệ của Việt Nam từ 1965-1985

Chúng ta cần ghi nhận rằng kể từ 1965 đến 1975, khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam, chế độ cộng sản Hà Nội đã vận hành bởi một chế độ kinh tế thời chiến.

Các chỉ số văn hóa xã hội kinh tế như mức sống, trình độ học vấn, nạn mù chữ, trình độ học hết tiểu học, trung học, lợi tức đầu người năm, tuổi thọ trung bình, tổng số y sĩ phần trăm so với dân số, bao nhiêu đầu sách xuất bản đều là những thống kê vô nghĩa không cần xét tới. Mọi chuyện liên quan đến đời sống, đến phát triển kinh tế đến cải tiến xã hội đều tạm thời được xếp lại.

Nói chi những thống kê về mức tăng trưởng năm, mức đầu tư, mức lạm phát, mức sản xuất nông nghiệp, sản xuất kỹ nghệ. Mức nhập khẩu, xuất khẩu.

Không ai bận tâm tới những con số ấy. Đất nước chìm đắm trong sự trì trệ, lạc hậu và không phát triển.

Mệnh lệnh quyết liệt, vắn gọn cho mọi người là tất cả cho tiền tuyến.

Hậu phương chẳng những cung cấp người cho chiến trường mà người dân còn phải hy sinh từ miếng ăn, miếng mặc nuôi quân đội. Sản xuất hầu như ngưng trệ.

Vì thế, khẩu phần ăn của người dân bị cắt đi một cách thảm bại. Gạo không đủ nuôi dân vì nông dân phải bỏ ruộng nương, bỏ sản xuất xung phong ra chiến trường.

Khẩu phần ăn nay giảm xuống còn ¼ là gạo với ¾ là sắn hay khoai lang.

Sinh hoạt kinh tế nay giản lược vào thứ kinh tế mua chui, bán chui để có thêm phẩm chất cho khẩu phần. Vì không đủ thực phẩm cung cấp nên giá chợ đen cao gấp 6 lần giá chính thức.

Vì thế trong dân chúng có những câu vè chế diễu như sau:

“Đại cán biển thủ, trung cán chợ đen, tiểu cán cửa hậu.”

Hay những câu đại loại:

“Cán lớn ăn xoay, cán nhỡ truyền tay, cán nhỏ chực ngay cửa hậu”(13)

Bọn này trở thành giai cấp trung lưu thành thị sống bám vào một thứ kinh tế tiểu ngạch như một cái bình thông đáy. Của cải tiêu dùng giao lưu từ chỗ giá thấp chuyền đến chỗ giá cao kiếm lời theo đúng nguyên tắc nước ở hai bình thông đáy.

Đã thế, ngay sau 1975, viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam bị chấm dứt ngay. Khi có xung đột hai bên, nhiều cơ sở kinh doanh, nhiều công trình xây dựng bị Trung Quốc bỏ dở, rút người về.

Các ngân khoản vay mượn Liên Xô cho nhu cầu chiến tranh bị cắt giảm hơn một nửa. Đồng thời Liên Xô cũng yêu cầu Việt Nam trả những món nợ trong thời chiến.

Thay vì trả nợ, Việt Nam đã xuất cảng lao động mỗi năm 20.000 nhân công xuất cảng sang Liên Xô để trừ nợ.

Việc thống nhất Nam Bắc năm 1975 nhất thời đã trở thành một món bổng lộc trời cho.

Miền Nam với vốn liếng, kho hàng dự trữ, vật tư, tiền đô la vàng bạc, của cải đồ dùng ít lắm cũng nuôi cả hai miền được một hai năm trước khi nạn đói xảy ra.

Hàng hóa trong Nam ùn ùn được chuyên trở ra Bắc như tủ lạnh, tivi, quạt máy, xe gắn máy, Radio, cát sét, nồi cơm điện và đồ gia dụng.

Cả một thị trường tiêu thụ mới mọc lên ở miền Bắc.

Những chiếc quạt máy, xe đạp trong Nam đã loại ra khỏi thị trường các quạt máy của Tầu với giá rẻ.

Thời đó thì ai ai cũng có thể mua một chiếc xe đạp giá rẻ (60 đồng so với 400 đồng trước dây) mà không cần đăng ký chờ đợi. Rồi thị trường thuốc tây, vải may mặc trong Nam ùn ùn ra Bắc đổi lại xăng dầu từ Bắc đổ vào Nam.

Tuy nhiên chỉ không bao lâu sau thì nguồn hàng hóa ngay cả trong Nam cũng cạn kiệt. Nguồn ngoại tệ trong nước trở thành rỗng tuếch.

Chính quyền vội mang 16 tấn vàng còn để lại trong ngân hàng Quốc gia sang Liên Xô để đổi lấy một số ngoại tệ.

Sự bóc lột vơ vét của cải trong miền Nam từ việc đánh tư sản, đổi tiền, xuất khẩu người cũng chẳng khác bao nhiêu như câu chuyện cách đây 85 năm. Năm 1930, nhiều nông dân miền Bắc được thực dân Pháp mướn sang tân đảo Nouvelle-Caledonie làm phu thợ mỏ, giao kèo 5 năm với đồng lương chết đói. Hết hạn 5 năm bị cưỡng ép ở lại đến dần dần trở thành dân bản xứ.

Vậy mà bọn cộng sản cũng móc nối được và từ năm 1960, kiều bào có bao nhiêu tiền dành dụm trong bao nhiêu năm trời với mồ hôi nước mắt cũng bị khuyến dụ gửi tiền về cho ‘Bác Hồ’. Số tiền mỗi lần không nhiều – vài trăm ngàn Francs. Nhưng lại rất lớn so với đồng lương thợ mỏ. Kiều bào còn ngu dại nghe lời khuyến dụ bảo nhau gom tiền mua xe hơi Peugeot 403 từ Pháp gửi về Hà Nội biếu bác Hồ.

Bản chất cộng sản là thế đấy! Giàu họ bóc lột theo giàu, nghèo họ bóc lột theo nghèo.

Một cửa hàng gạo tại Sài Gòn cuối thập niên 1970. Nguồn: http://static.talkvietnam.com/


Việc trình bày tóm lược tình trạng kiệt quệ kinh tế của Việt Nam sau 1975 cho thấy nguồn ngoại tệ chảy về từ nước ngoài từ Mỹ, Canada, Pháp đã giúp Việt Nam thoát cảnh kiệt quệ ngoại tệ. Người ta được biết năm 1981, Việt Nam còn tạm đóng cửa tòa đại sứ Canada vì không có đủ tiền trang trải chi phí.

Chắc hẳn công đóng góp của Việt Kiều hải ngoại trước 1975 và sau 1975 là không nhỏ.

Trước 1975 là một hỗ trợ chính trị cho công cuộc giải phóng miền Nam.

Sau 1975 đến 1990 là phong trào hỗ trợ kinh tế, cứu đói cho chính quyền cộng sản trong nước.

Trước 1975, những việc họ làm thời tuổi trẻ nay nhìn lại đã có ý nghĩa của một vấn đề lịch sử! Họ trở thành thứ tay sai cho cộng sản Bắc Việt. Đó cũng là trường hợp tiêu biểu của cựu sinh viên Ngô Vĩnh Long. Ngô Vĩnh Long từng hãnh diện với thành tích là đã tổ chức được một nhóm sinh viên Việt Nam đột nhập và chiếm giữ tòa Lãnh sự của chính quyền Sài Gòn, tại New York trong lúc các nhân viên chính quyền Sài Gòn ra ngoài ăn trưa. Việc đột nhập này vào ngày 10.2.1972 và sau đó đưa ra những lời tuyên bố với thế giới về những đòi hỏi của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam là ai? Họ đòi hỏi gì? Hay chỉ là chính bọn họ, vỏn vẹn chưa tới mười người(14)? Sau này, trả lời phỏng vấn của đài BBC vào ngày 28.9.2013, ông Ngô Vĩnh Long nhận xét một cách chua chát: Đảng đang làm mất thời gian của nhân dân và và các giới trong xã hội.

Có lẽ đây là đóng góp có ý nghĩa nhất của ông. Và đã có bao nhiêu sinh viên ở Mỹ, ở Pháp, ở Canada hành động một cách ‘hồ đồ’ như ông?

Chẳng những thế việc họ làm thời sinh viên nếu nhìn ở góc độ con người rõ ràng là một việc bội phản lại miền Nam Việt Nam. Nhiều người trong bọn họ ‘phản chiến’ chống chiến tranh mà thực chất họ trốn lính, muốn an thân. Điều này phơi bầy tính chất ngụy tín, phỉnh gạt của họ như trong bài báo của John G. Rogers, do Trà Mi dịch đăng trên DCVOnline.net(15).

Theo thiển ý của tôi, nội dung bài báo của 45 năm về trước đã bóc trần sự thật, lột mặt nạ những kẻ vênh váo nhân danh lý tưởng mà thực sự chỉ là những kẻ đứng ngoài cuộc chiến! Những việc biểu tình, tranh đấu, những lời tuyên bố như của cựu sinh viên du học Lương Châu Phước nói:

“Chúng tôi lảm thế nào đó phải xây dựng được một cuộc sống tốt hơn cho người Việt Nam. Cuộc sống ở Sài Gòn nay đã trở thành điên cuồng. Nào là Cadillacs, Chryslers, tivi, máy rửa bát, nhưng ở nông thôn thì chẳng có gì hết ngoài tàn phá và những điều bất hạnh.”(16)

Trong khi đó, bản thân Lương Châu Phước thì visa đã hết hạn từ năm 1968. Phước ở lì Canada. Chính quyền Canada đã đưa ra tòa, nhưng rồi cũng không có quyết định trục xuất Phước về Việt Nam. Cũng vậy Lê Phúc tuyên bố,

“Tôi không bao giờ có thể cho phép bản thân mình tham dự vào cuộc chiến tranh phá hoại hay làm bất cứ điều gì liên hệ với chính quyền Sài Gòn tham nhũng!”

Trong khi đó, bản thân Lê Phúc là một công chức đào nhiệm trốn từ Mỹ qua Canada. Nguồn Washington Post, 14-6-1970.

Sau 1975, do hoàn cảnh Việt Nam bị Mỹ cấm vận. Mọi giao thương, liên lạc đều bị cấm cửa. Nhóm Việt Kiều yêu nước ở Canada đương nhiên có lợi thế, có đất làm ăn – một thứ làm giàu bất chính dựa trên mồ hôi và sức lao động của những người mới định cư ở nước ngoài.

Họ đã chẳng có chút lòng giúp đỡ những đồng bào mới tới mà còn thừa dịp bóc lột từng đồng xu của họ. Lo giúp đồng bào mới tới như hướng dẫn, thông dịch, làm thủ tục giấy tờ, lo hướng dẫn tìm công việc làm đều do các sinh viên quốc gia tình nguyện đứng ra làm.

Bọn sinh viên Việt kiều yêu nước đứng ngoài. Bọn họ còn tuyên bố, các boat people đều là những thành phần người tỵ nạn kinh tế chứ không phải chính trị. Nay họ rất sung sướng gửi tiền về giúp bà con bên nhà một cách tự ý.

“The Committee purported to prove the validity of its viewpoint with a catalogue of statistics, dates and quotations indicating that Viet Nam shares the world–wide concern for its emigrants and has cooperated with the United Nations to resolve this problem from the outset and that most of those who leave Viet Nam do so because of severe economic conditions.”(17)

Thật đúng là những kẻ bất nhân.

Nguồn ngoại tệ hầu như chỉ có đường chuyển vận duy nhất nằm trong tay chính quyền cộng sản. Việc chuyển những số tiền lớn từ bên nảy gửi về Việt Nam đã bị Thượng viện Quốc Hội Mỹ mở cuộc điều tra về hoạt động bất hợp pháp chuyển tiền về việt Nam.

Số tiền được nêu ra là 140 triệu đô la mỗi năm. McPhail cho rằng phần lớn số tiền 140 triệu đô la là tiền của cộng đồng tỵ nạn cộng sản tại Bắc Mỹ(18).

Phần suy nghĩ của tôi thì có thể số tiền đó còn lớn hơn nhiều.

Họ đã có một thời như thế! Thời đảo điên và lừa lọc của cộng sản!

Họ tưởng là họ có lý tưởng, có chính nghĩa. Nói cho đẹp thế thôi, cùng lắm họ chỉ là những kẻ ảo tưởng có thời đi buôn mộng. Le marchand de rêve. Nhưng nhiều phần, nói cho rốt ráo, họ chỉ là những kẻ thời cơ, chụp giựt, không có căn bản đạo làm người ở đời, có trước có sau và có cội nguồn!

Cuối cùng họ trở thành những kẻ lưu lạc, kẻ vô thừa nhận từ hai phía.

Vào thập niên 1950-1960, đã có một lớp sinh viên thuộc thế hệ thứ nhất như ông Huỳnh Văn Lang sang học ở Đại Học Laval, Québec. Theo Hồi ký của ông, ông đã bỏ trốn từ Pháp sang học ở Đại học Laval năm 1951 và ông là người Việt Nam duy nhất ở đây. Ông đã học về ngành kinh tế trong ba năm từ 1951-1954.

Có những sinh viên khác như Phạm Nam Trường lại có học bổng của Nam Phương Hoàng hậu năm 1952.

Nữ sinh viên năm 1957 còn có chị Đỗ Thị Soi là một trong ba nữ sinh viên đầu tiên đang theo học ở Montréal.

Thời kỳ 1951, Việt Nam đã gia nhập Plan Colombo. Kế hoạch Colombo mà biểu hiệu là: Planning. Prosperity. Together.

Và từ đó mỗi năm sinh viên Việt Nam được gửi sang Canada, tỉnh bang Québec, học ở đại học Laval. Tôi có nói chuyện với một cựu sinh viên đại học Laval, nay đã lấy vợ đầm cho hay, thời đó sinh viên lo học và không có vấn đề chính trị, chính em gì cả.

Nhưng mốc điểm thay đổi sinh hoạt chính trị của sinh viên du học là khi có đợt 40 sinh viên Nam Nữ từ Sài Gòn sang Canada du học theo Plan Colombo niên học 1964.

Sau chương trình 4 năm, 1964-1968, đáng lẽ họ phải về nước làm việc. Nhưng phần lớn đã chọn ở lại. Sự chọn ở lại này có thể có nhiều nguyên do: Nguyên do chính yếu là gia cảnh là đã lập gia đình với người ngoại quốc. Thứ đến là do hoàn cảnh chiến tranh. Nguyên do này cũng được ông Huỳnh Văn Lang, một cựu sinh viên của đại học Laval nhìn nhận khi ông có dịp đi một vòng các nước để kêu gọi sinh viên về nước làm việc theo lời kêu gọi của ông Ngô Đình Diệm.

Tôi đặt giả thiết sự thành lập Hội Việt kiều yêu nước là do 4 người được nêu tên tuổi, hình ảnh và trả lời phỏng vấn trong bài Đứng ngoài cuộc chiến? trên DCVOnline.net?

Tháng tư, 1970, Liên hiệp người Việt ở Canada ‘Union Générale des Vietnamiens au Canada’ (Union des Vietnamiens au Canada) Canada được thành lập. Trong đó phần lớn thành viên có xu hướng ngả theo cộng sản. Hay ít ra chịu ảnh hưởng sự tuyên truyền của cộng sản(19).

Cuối cùng thì cuộc đấu đá nhau giữa các thành viên đã được triệu tập ngay tại Hà Nội. Những tiết lộ qua một cuộn băng đã công bố ở DCVOnline.net cho thấy nhóm cựu sinh viên Việt Kiều yêu nước chỉ là thứ tay sai cho Hà Nội.

Họ tỏ ra hèn nhát, khúm núm sợ hãi và kiểm điểm thú tội.

Tôi chăm chú, tập trung để đọc những lời nói của bảy thành viên Việt kiều yêu nước thưa bẩm, khum núm với đại diện chính quyền cộng sản. Họ cón tự kiểm thảo, nhận khuyết điểm trước những ông chủ của họ. Họ còn xin sỏ như trường hợp Lương Châu Phước mong giữ lại chức vụ Tổng Biên tập tờ báo.

Những thành viên hoặc đã về Hà Nội dự phiên họp theo lệnh của cộng sản hay có liên hệ trực tiếp gồm có 3 phụ nữ và 14 đàn ông như sau:

Thái Thị Khánh Hạnh, Lê Thị Thanh, Oanh, Lê Tiền Phong (chết), Nguyễn Văn Nhã, Trần Tuấn Dũng, Lương Châu Phước, Võ Quang Tu, Quách Tinh Văn, Hoàng Hải Học, Huỳnh Hữu Tuệ, Nguyễn Văn Hương, Phan Kim Điểm, Lê Hữu Phùng, Lưu Liên, Hoàng Bích Sơn và Bùi Đức Lập(20). Hoàng Bích Sơn và Bùi Đức Lập đại diện cho chính quyền Hà Nội.

Tuy nhiên chính thức chỉ có 7 người có mặt lên tiếng trong cuốn băng ấy.

Cuối năm 1989, hai công ty Vinamedic Inc. và Q.T.K. Express Inc cũng đồng loạt đóng cửa.

Riêng Laser Express Inc. tiếp tục hoạt động đến năm 1999, rồi tái hoạt động năm 2004, thêm được hai năm và đóng cửa lần cuối năm 2006.

Việc tiết lộ cuốn băng này hẳn làm cho nhiều thành viên của Hội Việt kiều yêu nước cảm thấy khó xử. Ít lắm thì đối với bảy người có tên tuổi, có tiếng nói trong cuộc tranh cãi này tại Hà Nội.

Nội dung cuộc tranh chấp này gay go hơn, kéo dài trong nhiều năm chỉ vì bổng lộc chia không đều. Kẻ có ăn, kẻ không được gì. Bổng lộc thu tóm vào tay một vài người như Nguyễn Văn Nhã và vợ, Quách Tinh Văn, v.v.

Sau khi hết cấm vận, khi liên lạc giữa Hoa Kỳ và Hà Nội được bình thường hóa, tôi nghĩ rằng, Hà Nội đã đến lúc không cần đến bọn trung gian ở Canada nữa.

Hội tan rã và mạnh ai người đó kiếm sống.

Viết về giai đoạn này và những thành viên Hội Việt kiều này hầu hết đều chọn lựa thái độ quy ẩn.

Tôi không biết nên chọn lựa thái độ nào thích hợp nhất: Hoặc tội nghiệp cho họ hay khinh thường họ. Họ có ăn học, phần lớn có công ăn việc làm nơi xứ người, hà cớ gì phải rui rúi kéo nhau về Hà Nội nhờ phân xử, rồi khúm núm sợ hãi.

Thật sự, không cách nào tôi hiểu được họ.

Với tư cách người cầm bút, tôi có bổn phận trình bày lại một giai đoạn đã qua. Và đã có một thời như thế. Một thời mà ngay những kẻ trong cuộc cũng tự cảm thấy có điều gì mà chính họ phải tự xét mình và tự sám hối.

Lời sám hối dù muộn màng vẫn được mọi người trông đợi.

Cũng xin đưa ra đây một vụ giết người xảy ra vào 21 tháng 11, năm 1972 giữa 3 sinh viên trong Hội Viêt kiều Đoàn kết tại Canada. Tờ The Montreal Gazette đã đưa tin, Trà Mi lược dịch mà không có lời bình luận(21).

Vụ thứ hai như một cảnh báo đồng bào người Việt sinh sống ở Montréa cho thấy bàn tay cộng sản luôn luôn thọc vào nội bộ cộng đồng để phủ dụ, tuyên truyền, phá rối hù dọa, v.v.

“Bộ ngoại giao Canada công bố ra lệnh trục xuất Hồ Xuân Đích, đệ nhị tham vụ của Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam trong vòng 72 giờ phải rời khỏi Canada. Lý do: đã có những hành vi can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của cộng đồng người Việt Nam tại Canada nhằm làm áp lực, gây ảnh hưởng về ý thức hệ và lòng trung thành của cư dân gốc Việt tại Canda. Cảnh sát Liên bang Canada cho biết Hồ Xuân Đích đã đe dọa người Việt tại Canada sẽ trả thù thân nhân của họ còn sinh sống tại Việt Nam.”(22)

Báo Ottawa Journal, 30 tháng 3, 1979, trang 5

Ngay sau vụ Hồ Xuân Đích bị trục xuất, HĐKVKTC lập tức mở cuộc họp báo biện hộ. Phó chủ tịch HĐKVKTC Lương Châu Phước, nói, “không có gì đáng trách trong việc tha thiết kêu gọi đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng Việt”. Thêm nữa, Lê Hữu Phùng và Nguyễn Văn Hương cũng đã gởi thư cho chính phủ Canada “mô tả một cách tốt đẹp vai trò của Đại sứ quán Việt Nam trong việc thúc đẩy tình đoàn kết và tình hữu nghị giữa cộng đồng của chúng tôi và người dân Canada” và yêu cầu chính phủ Canada “thể hiện thiện chí hơn trong mối quan hệ với Việt Nam”(23).

Nhìn lại bối cảnh sinh hoạt chính trị trong 40 năm ở Montreal qua không khỏi có những suy nghĩ.

  • Người Việt Nam hiện nay sinh sống làm ăn và đã hội nhập tốt đẹp nơi xứ người. Ngay từ 1975 thì đã có tổ chức, hội đoàn nọ kia đủ loại. Cũng đã có chủ tịch cộng đồng được bầu bán và hoạt động cả 40 năm nay. Vậy mà chúng ta vẫn chưa có một cơ sở cho riêng cộng đồng, vẫn phải thuê mướn và lúc nào cũng ở trong tình trang cheo leo về tài chánh.
  • Trong khi đó, Hội Việt Kiều yêu nước leo teo chưa tới trăm người đã ngay từ thập niên 1970 đã có một cơ ngơi rộng lớn khang trang để sinh hoạt, buôn bán và cũng là nơi đã mở ra nhiều cuộc hội thảo quốc tế cho các hội đoàn bạn.
  • Cộng đồng người Việt cũng có một tờ báo Quốc Gia chính thức, nhưng báo đã không đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng cùa thành viên cộng đồng. Báo in ra không biết được bao nhiêu số, có bao nhiêu người đọc và hiện nay sự sống còn không biết nữa. Lỗi tại ai?
  • Càng ngày sinh hoạt cộng đồng càng mang tính hình thức, tổ chức một vài lễ lạc và ít có những sinh hoạt ngang tầm với một con số người Việt mỗi ngày mỗi lớn mạnh, mỗi ngày mỗi trẻ trung hóa. Ai cũng cảm thức được sự thiếu hụt một sự kế thừa vốn làm nên sức phát triển của cộng đồng. Bốn mươi năm rồi vẫn từng ấy khuôn mặt, từng ấy não trạng vừa cứng nhắc, vừa thiếu nhạy bén, vừa tụt hậu. Ấy là sự đố kỵ chia rẽ, phân cách vốn làm nên căn tính người Việt.
  • Trong suốt những năm thông qua tờ báo Quốc Gia từ lúc nó có mặt, tôi không biết có lần nào, trường hợp nào, tác giả nào lên tiếng tố cáo một lần tổ chức Việt kiều yêu nước và những công việc họ làm tại ngay Montreal này không? Tố cáo nhau thì có, có rất nhiều và không thiếu người là nạn nhân bị truy chụp của tờ báo Quốc Gia? Có cần tôi đưa ra bằng cớ không?
  • Rất may là cái tổ chức Việt kiều, vì tranh dành quyền lợi, vì chia chác không đều đã chia ra hai phe đấm đá nhau không cách nào hòa giải được đã giúp cộng đồng người Việt Nam tạm thời bớt được một kẻ thù? Nhưng tương lai thì sao?
  • Mới đây nhất cả những người quốc gia chống Cộng được coi là “có uy tín và thẩm quyền nhất” lên tiếng chống đối đạo luật Hành Trình tìm Tự do trước và sau khi được Quốc Hội Canada phê chuẩn. Nhưng cạnh đó, Nhóm Việt Kiều yêu nước mà đại diện tiêu biểu là Quách Tinh Văn cũng đệ đơn phản đối đạo luật trên. Chưa kể chính quyền cộng sản đã gửi những công hàm ngoại giao chính thức của chính quyền Hà Nội phản đối công khai tinh thần đạo luật cũng như danh xưng của đạo luật. Điều này làm cho chúng tôi phải có thái độ ứng xử thế nào cho thỏa đáng? Đặc biệt là những người quốc gia lên tiếng phản đối cũng chỉ nhắm đích danh vào Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải hoặc nhắm vào đả kích lẫn nhau và không đụng chạm gì đến nhóm Việt kiều yêu nước cũng như chính quyền cộng sản(24). Khi cộng sản cũng chống đạo luật ấy và người quốc gia cũng chống thì sự thật phải được hiểu thế nào?

Trước khi chấm dứt bài này, tôi xin thú thực là tôi có cảm thức là đã làm xong một nhiệm vụ của một người quốc gia chống cộng sản.

Việc tôi nêu ra những khuyết điểm của cộng đồng thì ai cũng đều biết như vậy. Đáng lẽ những người lãnh đạo có trách nhiệm thì phải có trách nhiệm sửa đổi. Nhưng xem ra chẳng những họ sẽ chẳng thay đổi gì mà còn có thể oán hận những người lên tiếng!

Thế thì làm sao khá được? Và sau này rất có thể sự tồn tại của cộng đồng chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi!

Nguyễn Văn Lục

——————————–

(10) Ký ức Huỳnh Văn Lang, nxb Trình Bày, 2011, trang 363
(11) Ibid., trang 362
(12) Gilbert Gendron, B.A, The Viet cong Front in Quebec, C-FAR, 1987, trang 3
(13) Philippe Pépin, Parcours d’une nation, Hành trình một dân tộc, bản dịch của Nguyễn Khánh Long (đã quá vãng), các trang 130-135
(14) Ngô Vĩnh Long còn khoe đóng góp 300 bài viết. Chẳng hiểu có bài viết nào được chính quyền cộng sản dùng hay không?
(15) John G. Rogers, Canada – New Sanctuary for the South Vietnamese” Parade, June 14, 1970. Trà Mi dịch, DCVOnline.net, ngày 1/5/2015.
(16) John G. Rogers, Ibid., DCVOnline.net, ngày 1/5/2015
(17) Gilbert Gendron, Ibid., trang 37
(18) Trần Giao Thủy, Vixileaks, phần I, ngày 6-6-2015
(19) Họ chủ trương tập họp mọi người Viêt Nam ở Canada trong những hoạt động chung.

  • Hợp tác với tất cả những phong trào hòa bình cho Việt Nam, nhất là các phong trào tranh đấu cho hòa bình ở hải ngoại, dân chủ, thịnh vượng và trung lập.
    Thực tế, họ đã hợp tác với phong trào phản chiến Bắc Mỹ được Edward Martin Sloan thành lập năm 1969. Edward Martin Sloan có nhiều quan hệ quốc tế rộng rãi theo nhà báo Nick Auf Der Maur. Theo Maur, Martin Sloan có quan hệ Hội đồng Hòa Bình thế giới ở Helsinki.
  • Nhóm Liên Hiệp người Việt yêu nước ở Canada còn tham dự vào các sinh hoạt tả phái như các nhóm Old Left- Parti Communist, Ligue des Jeunesses Communistes, Vietnam Moratory Committee, The New Left, ngay cả The Troskytes Workers’ Socialist League dưới sự tài trợ tờ Combat.
  • Năm 1971, nhóm Việt kiều yêu nước chuẩn bị đón tiếp 5 thành viên của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nhưng bị chính quyền Canada từ chối cho nhập cảnh. Sloan đã viết thư phản đối chính quyền Canada. Trong dịp này, nhóm Việt kiều yêu nước tổ chức mừng vụ Tết Mậu Thân đồng thời cho chiếu phim Chiến thắng Điện Biên Phủ sản xuất tại Hà Nội.
  • Ba năm sau, nhóm Việt kiều yêu nước lại tổ chức đón tiếp một “phái đoàn chính phủ Cách Mạng lâm thời miền Nam”. Một lần nữa Visa của họ bị từ chối. Một lần nữa Sloan rồi SUCO, Oxfam-Quebec, Amnesty international, the CEQ, CSN và FTQvv… đã cùng hiệp đồng lên tiếng phản đối chính quyền Canada.
  • Tháng hai, 1975, để phản đối chính sách đối xử với tù nhân chính trị ở miền Nam, luật sư Georges Le Bel với sự bảo trợ của nhà báo Nick Auf Der Maur, giám mục Guy Bélanger, thượng nghị sĩ Therese Casgrain và một loạt những tổ chức vừa nêu trên dưới danh hiệu Union des Vietnamiens au Canada.
  • Tháng 7, 1977, đại sứ cộng sản của Việt Nam, Trần Tuấn Anh đến phi trường Mirabel . Có khoảng 50 thành viên Việt kiều yêu nước ra đón tiếp, do một ủy ban tổ chức do Vinh Quy cầm đầu.
  • Ngoài ra, hội Việt kiều yêu nước còn tham gia vào nhiểu những sinh hoạt Quốc tế như tham gia vào việc đoàn kết với dân tộc Uruguay năm 1978. Với đảng xã hội Chí Lợi, năm 1982, ủng hộ chính nghĩa Liban-Palestine.
  • Trụ sở của hội Việt Kiều yêu nước, số 1450 đường Beaudry thường được dùng để tổ chức những buổi hội thảo này.

(20) Trần Giao Thủy, Ibid., DCVOnline.net, 6 tháng 6, 2015.
(21) Trà Mi, Chuyện chém bay đầu trong nhóm sinh viên thân cộng tại Montreal, DCVOnline 21/6/2015
(22) Lê Quốc Trinh, Yêu nước hay yêu tiền của, DCVOnline, 30 tháng tư 2015. Chú thích của DCVOnline trích từ Gilbert Gendron, Ibid, trang 61. 
(23) Gilbert Gendron, Ibid., trang 33-34
(24) Đọc thêm Trần Giao Thủy, Về Dự luật “Ngày Hành trình tìm Tự do” tại Canada, DCVOnline, February 15, 2015.

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209