Hà Nội: Dù mất nước nhưng hóa đơn tiền nước cao gấp sáu lần bình thường

Hà Nội: Dù mất nước nhưng hóa đơn
tiền nước cao gấp sáu lần bình thường


Lê Thiệt

Vụ mất nước tại Khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) tiếp tục xảy ra chuyện, mà lần này là chuyện… lạ: Tuy mất nước gần nửa tháng Mười, nhưng đầu Tháng Mười Một vừa qua, cư dân nơi này nhận hóa đơn nước cao gấp sáu lần so với những tháng không mất nước (?!)

Đã thế, họ còn nhận được câu trả lời vô trách nhiệm của các “cụ” lãnh đạo, có trách nhiệm cung cấp nước cho họ.

Cư dân Thanh Hà cho biết, dù tình trạng mất nước đã được giải quyết một phần, nhưng họ vẫn không dám dùng bình thường, mà chỉ sử dụng vòi bơm vào mục đích giặt quần áo, xả nhà vệ sinh chứ không dám dùng nấu ăn hay tắm rửa, vì sợ bị ô nhiễm.


Điều lạ mà rất nhiều cư dân ở đây gặp phải là dù tiết kiệm nước tới đâu chăng nữa, cái đồng hồ nước nhà họ không những không chịu chạy chậm, mà còn chạy nhanh hơn bình thường.

Anh Thái Văn Hiếu (29 tuổi, ở toà nhà HH03B thuộc Khu đô thị Thanh Hà) cho biết, gia đình anh chuyển về đây từ năm 2021 đến bây giờ đã hơn hai năm. Khi về đây, hàng tháng hết bao nhiêu tiền nước sinh hoạt anh Hiếu đều đóng bấy nhiêu chứ không kiểm tra lại.

Tuy nhiên, trong Tháng Mười, căn hộ của anh có nhiều ngày bị cắt nước, khi được cấp nước lại, do lo ngại ô nhiễm, gia đình anh Hiếu cũng hạn chế sử dụng nguồn nước tòa nhà, vẫn đi mua nước đóng bình để nấu nướng, ăn uống. Vậy mà mới đây, anh ngỡ ngàng nhận hóa đơn báo tiền nước nhà anh phải đóng trong Tháng Mười 2023 là 1,892,900 đồng, tăng gấp sáu lần so với tháng trước.

Theo anh Hiếu, gia đình anh có năm thành viên, bốn người lớn và một trẻ em; Tháng Mười vợ con về quê do mất nước, cả nhà chỉ còn hai người lớn đi làm tối mới về. Trung bình hàng tháng, gia đình anh sử dụng nước sinh hoạt khoảng hơn hai trăm nghìn đồng, có lúc lên, có lúc xuống nhưng không đáng kể.

Tuy nhiên, khi kiểm tra lại, anh Hiếu mới giật mình vì bị ăn gian trắng trợn. Anh cho biết từ hóa đơn Tháng Bảy, tiền nước tăng lên đến hơn 300 nghìn đồng và duy trì đến Tháng Chín. Đặc biệt, vào Tháng Mười, gia đình anh và rất nhiều cư dân ở đây phải chịu cảnh mất nước hơn 10 ngày nhưng số tiền phải đóng lên đến gần 2 triệu đồng.


Để kiểm chứng việc đường nước của gia đình có bị rò rỉ hay không, anh Hiếu đã khoá tổng ba van chính, song khi ra ngoài kiểm tra đồng hồ đo vẫn tiếp tục quay dù nước không sử dụng. Nó giống như đang bị ăn cắp nước!

“Rất vô lý!” anh Hiếu tức giận nói. Do đó, anh và nhiều gia đình ở Khu đô thị Thanh Hà đã có kiến nghị lên ban quản lý toà nhà cũng như đơn vị cung cấp nước sạch, nhưng chưa có câu trả lời thoả đáng.


Công tơ nước có hạn sử dụng đến Tháng Mười năm 2023 nhưng đến Tháng Mười Một vẫn chưa có nhân viên của đơn vị cung cấp nước đến kiểm tra, thay thế. Cư dân Khu đô thị Thanh Hà nghi ngờ họ bị “ăn cắp” nước nên hóa đơn mới cao gấp sáu lần bình thường – Ảnh: VTC

Ngoài ra, bản thân anh Hiếu cũng đã phản ánh với nhân viên đo nước. Sau đó, do anh Hiếu ý kiến, đơn vị cung cấp nước cho kĩ thuật viên xuống kiểm tra nhưng phải kí vào biên bản phí kiểm định và một số phí khác hết khoảng 500 trăm nghìn đồng.

“Trong trường hợp, kiểm định đồng hồ đúng thì mình phải trả tiền, nếu không trả tiền sẽ bị cắt nước. Còn trường hợp đồng hồ sai, thì đơn vị cung cấp nước và người dân sẽ thương lượng để chi trả chi phí phát sinh”, anh Hiếu chia sẻ.

Cũng chung hoàn cảnh với nhà anh Hiếu, gia đình anh Nguyễn Văn Huy (35 tuổi, ở toà HH03A, Khu đô thị Thanh Hà) cho biết, khoảng ba tháng trở lại đây tiền nước nhà anh tăng cao. Đặc biệt Tháng Mười này, gia đình anh cũng như hầu hết các hộ khác trong khu bị mất nước hoặc thiếu nước, khi có nước lại cũng dùng hạn chế, vậy mà tiền nước lại tăng gần gấp đôi các tháng trước đó (Tháng Chín là hơn 187.450 đồng, Tháng Mười là 388.700 đồng)

Gia đình anh Huy có hai cháu nhỏ. Cả ngày, hai cháu đi học còn vợ chồng anh lại đi làm, chỉ tối mới có mặt ở nhà để sử dụng nước sinh hoạt nhưng tiền nước lại tăng chóng mặt.

Anh Huy còn cho biết, công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà rất vô trách nhiệm khi không thay thế đồng hồ nước theo thời hạn ghi trên đồng hồ nhằm bảo đảm đồng hồ chạy đúng số lượng nước khách hàng tiêu thụ, khiến anh và nhiều gia đình cho rằng họ đang bị “móc túi” trắng trợn.

“Vậy mà từ khi ký hợp đồng giữa cư dân, Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà chưa bao giờ kiểm tra. Trên đồng hồ đo có chỉ số hết hạn vào Tháng Mười 2023 nhưng đã đến Tháng Mười Một vẫn không thấy nhân viên của đơn vị cung cấp nước xuống kiểm định, thay mới.”, anh Huy nói.


Trả lời về vấn đề này, ông Dương Đình Trình, Phó giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà cho biết, ông vẫn chưa nắm được vấn đề tiền nước sinh hoạt tăng bất thường trong Tháng Mười.

Tuy nhiên, ông Trình cho rằng: “Không có nước thì không nghiễm nhiên đồng hồ nước quay. Nói là thiếu nước nhưng người dân vẫn dùng nước tích trữ”.

Theo ông Trình, khi tháo nước tích trữ cho người dân dùng thì đồng hồ quay. Chỉ có điều nó không có nước liên tục trên vòi. Nước về sản lượng ít dẫn đến thiếu, phải phân phối trải đều, không phải chết hẳn.

Giải thích lòng vòng một hồi, ông Trình né trả lời chuyện tại sao người dân dùng ít nước hơn bình thường nhưng lại nhận hóa đơn cao gấp hai đến gấp sáu lần.

Nhiều người dân bất bình nói, trách nhiệm của công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà là phải giải trình đầy đủ và đúng đắn nguyên nhân khối lượng nước tăng vọt bất thường. Nếu đây là hành vi ăn cắp, lãnh đạo công ty phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025