Lần Găp Mặt Đầu Tiên Sau Thời Gian Dài Xa Cách

Lần Găp Mặt Đầu Tiên Sau Thời Gian Dài Xa Cách
Huỳnh Thị Tố Nga

Người viết vừa có chuyến đi Gia Lai thăm anh Huỳnh Minh Tâm ở trại giam Gia Trung. Sau 15 giờ xe chạy liên tục thì khoảng 8h30 phút sáng tôi có mặt tại cổng vào các phân trại. Vì chỉ có một em công an ngồi làm thủ tục thăm nuôi cho những người thân của tù nhân các phân trại nên thời gian chờ hơi lâu, đến 10h20 phút sáng cùng ngày, xe trại giam mới đưa chúng tôi đến phân trại số 5, nơi anh Tâm bị giam. Cùng đi với tôi có em Trúc Đào, vợ của tù nhân Nguyễn Đoàn Quang Viên, cũng ở cùng đội 10 với anh Tâm.
Sau khi đợi khoảng 10 phút thì tôi gặp anh Tâm. Hai anh em nhìn nhau qua 2 lớp lưới mỏng. Còn vài chục ngày nữa là tròn 4 năm kể từ khi chúng tôi nhìn thấy nhau lần cuối trên tòa. Tôi nhớ lại phiên tòa hôm ấy, 28/11/2019 (xem bài viết "Chị Tố Nga" bên dưới), khi nói lời cuối cùng, hai anh em đã nói lời cám ơn gửi đến "các vị" thẩm phán, đại diện viện kiểm sát, thư ký tòa và các anh em an ninh tham dự phiên tòa, các vị đã đối xử "tình cảm" với hai anh em tôi trong quá trình điều tra ("tình cảm" với hai anh em đi đôi với khủng bố người gia đình tôi ở bên ngoài), tôi cám ơn các vị hôm nay đã mở ra phiên tòa này, xử án chúng tôi, để cho người dân thấy được rằng, bởi vì có những phiên tòa như thế này mà người đấu tranh chúng tôi phải đi tù chỉ vì yêu nước, để cho người dân thấy được đất nước đã và đang có những người đang đấu tranh như vậy. Cả phiên tòa hôm ấy yên lặng, sau đó họ không cho tôi nói nữa, mà tôi cũng không cần thiết phải nói thêm, bao nhiêu đó đã quá đủ.
Hôm nay, nhìn thấy anh, anh vẫn ốm như xưa, tóc bạc hơn, anh có vẻ hốc hác nhưng thấy tôi thì rất vui. Sau khi hỏi thăm sức khỏe lẫn nhau thì chúng tôi hỏi về những ngày tháng mới đi đến trại thi hành án. Anh nói, ngày đưa anh đi trại, anh hỏi công an đưa anh đi đâu thì họ nói đưa anh đi trại Xuyên Mộc, nhưng thực tế lại là đi Gia Trung, an ủi lớn nhất của anh là khi đưa anh đi, họ lại đi đúng con đường về nhà mẹ tôi và anh ở Đồng Nai, khi đến cầu vượt Thủ Biên, cầu này cách nhà anh và mẹ tôi chỉ có 500 m, thì xe lên cầu đi qua Bình Dương, đó là lần cuối cùng anh cảm thấy ấm áp nhất, dù biết là phải đi lâu lắm mới về.
Tôi mới biết được anh mới mổ khối u ở cằm cách đây gần 2 tháng, lần trước gọi điện về cho tôi, anh không đề cập việc này, nay vết mổ đã ổn nhưng vì có chuyên môn y khoa nên tôi thấy lo lắng, đáng lẽ những bệnh liên quan đến khối u hoặc hạch, sau khi mổ xong, phải lấy khối u hoặc hạch đó làm xét nghiệm sinh thiết giải phẫu bệnh thì mới biết u đó là lành tính hay ác tính, nếu là lành tính thì điều trị cho vết mổ lành lặn là được, còn nếu ác tính (ung thư) thì phải điều trị tiếp tục. Đằng này mổ xong thì họ xem như kết thúc, mẫu bệnh phẩm đã không còn, bây giờ chỉ biết cầu mong đó là u lành tính mà thôi. Theo như mô tả của anh, khối u bằng đầu ngón tay út, với chuyên môn y khoa, kích thước đó là khá lớn.
Tôi hỏi thăm anh về chế độ sinh hoạt trong trại giam, anh nói, đã 3 kỳ lễ qua (lễ 30/4 và 2/9) anh và 3 anh em nữa trong đội không nhận phần ăn ngày lễ, anh nói với họ rằng, anh không công nhận đó là ngày lễ của quốc gia nên không tham gia bất cứ việc gì liên quan kể cả việc nhận phần ăn, họ bắt buộc phải nhận nhưng các anh em nhất quyết không nhận nên họ lập biên bản các anh.
Chế độ ăn trong trại giam rất nghèo dinh dưỡng, một tuần 7 ngày, thì 5 ngày chỉ phát cơm và canh rau, 1 ngày có cá và 1 ngày có thịt, nhưng nói chung, dù có thịt cá thì cũng ăn không được vì đồ ăn trong tù nấu qua quít, không thể ăn nổi (điều này thì tôi và các bạn đã từng ở tù có thể xác nhận). Vậy nên phần cơm hàng ngày, anh chỉ nhận cơm mà thôi.
Nhân đây, một trong rất nhiều lần, trực tiếp khi làm việc với công an, cũng như gián tiếp qua bài viết, một lần nữa, tôi kêu gọi và yêu cầu nhà nước CHXHCNVN hãy cải thiện chế độ dinh dưỡng cho tù nhân, những tù nhân án xã hội, họ lao động cực nhọc nhưng thức ăn do trại phát họ không thể ăn nổi, hoặc cố gắng ăn thì cũng không có dinh dưỡng, chỉ chủ yếu là tinh bột từ cơm, thiếu đạm, thiếu vitamin và khoáng chất trầm trọng, như vậy làm sao họ có thể duy trì cuộc sống lâu dài trong tù? Đi tù là để "học tập và cải tạo" theo như chính sách quý vị đề ra nhưng thực tế, tù nhân không được học tập để cải tạo được bao nhiêu mà chỉ cắm đầu vào lao động để kiếm tiền cho nhà nước mà không có chế độ dinh dưỡng cơ bản thì quý vị nên xem lại chính sách của mình, đừng bóc lột tù nhân khắc nghiệt như vậy.
Phòng anh Tâm bị gắn camera theo dõi, anh vẫn đấu tranh cho vấn đề này, tạm thời anh lấy giấy bịt camera lại, nếu họ gỡ ra, anh tiếp tục đấu tranh, bản thân tôi, cũng sẽ đấu tranh cho anh về vấn đề này, gắn camera trong phòng sinh hoạt cá nhân là xâm phạm quyền con người trầm trọng, cho dù là người đó đang chấp hành án tù.
Hiện nay, căn tin trại giam đang làm khó dễ việc bán thức ăn cho các anh em trong đội, anh Tâm và các anh em đang lên tiếng phản đối. Tôi hỏi các bạn, thức ăn trại phát cho tù nhân, họ ăn không được phải bỏ tiền túi gia đình gửi ra mua để ăn, mà giá thức ăn trong tù bán rất đắt so với bên ngoài, đó đã là sự thua thiệt mà tù nhân đã chấp nhận rồi, các bạn còn bóp chẹt việc bán thức ăn cho các anh em để cảnh cáo thì việc các bạn làm cộng đồng sẽ đánh giá thế nào. Các bạn nên bỏ những trò vặt vãnh này đi.
Anh hỏi thăm những người trong gia đình, ngày 2/9 vừa qua là sinh nhật con trai anh, anh nhớ mà không chúc mừng con được nên nhờ tôi chuyển lời dùm. Tôi chuyển lời hỏi thăm của các anh chị em trong cộng đồng gửi đến anh, anh rất vui. Anh hỏi thăm anh Trần Bang và các anh chị em khác, tôi nói cho anh nghe về việc anh Trần Bang bị xử y án, anh nói rất thương và quý anh Bang cũng như các anh chị em khác đang bị tù đày, nhờ tôi chuyển lời hỏi thăm của anh đến gia đình các anh chị em, cũng như chuyển lời cám ơn đến các anh chị em cộng đồng mạng đã quý mến anh.
Thời gian nói chuyện với nhau chỉ được khoảng 30 phút thì đã trưa nên phải kết thúc, tôi không biết các anh công an nhận quà thăm nuôi có phải là quản giáo đội anh hay không vì tôi quên hỏi, nhưng thấy các anh cũng nhiệt tình và niềm nở, không làm khó dễ trong việc nhận quà tôi gửi cho anh Tâm.
Trước khi tôi về, hai anh em chỉ nắm tay nhau qua ô gửi quà. Tôi lặp lại lần nữa với anh, anh hãy vững tâm, các anh chị em ngoài cộng đồng rất quý mến và ủng hộ anh. Anh không nói gì, chỉ gật đầu và cười, như nói với tôi, rằng anh vẫn luôn vững tâm như từ trước đến giờ, chưa bao giờ thay đổi.
Một điểm cộng cho chuyến đi lần này ở trại Gia Trung là khuôn viên khu cổng trại giam, trồng rất nhiều thông, chắc cũng lâu năm, vì thân cây cũng to, vườn thông rất đẹp, đây là một điểm tích cực cần được nhân rộng trong khi tỉnh Bình Thuận đang muốn phá 600 hecta rừng nguyên sinh để làm hồ thủy lợi đang là sự kiện nóng trong những ngày vừa qua.

MỘT TRƯỜNG HỢP CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM



Cũng nhân bài viết này, người viết xin đề cập đến gia đình một người tù nhân khác, cùng đội với anh Tâm.
Trước khi tôi đi thăm anh Tâm, một người bạn trong fb nhờ tôi cho em Trúc Đào, vợ anh Nguyễn Đoàn Quang Viên đi cùng tôi để thăm chồng em, vì em có con nhỏ và không biết đường đi nước bước thế nào.
Sau khi chúng tôi đi chung, tôi tìm hiểu thì biết rằng anh Viên bị bắt vì điều 109, án tù 14 năm, mới thụ án 2 năm, khi anh bị bắt thì con gái lớn mới hai tuổi, con trai còn trong bụng mẹ, hiện nay con gái được 4 tuổi, con trai 1.5 tuổi. Nhìn 2 đứa bé đẹp như tranh vẽ mà xót xa.
Em Đào ở nhờ nhà người quen để giữ nhà, em đi bán vé số hàng ngày để kiếm sống, vừa nuôi hai con nhỏ, vừa phải lo nuôi chồng trong tù. Anh Viên thì bị lao, hiện không ở chung trong đội tù chính trị mà ở riêng khu cách ly dành cho người bệnh. Anh Tâm cũng nói với tôi, anh Viên là người hiền lành. Vì đi thăm chung, nên tôi cũng gặp qua anh Viên khi anh ra thăm em Đào. Anh biết tôi, mừng rỡ và bắt tay tôi, chào tôi khi tôi về.
Hai đứa trẻ gào khóc đòi ba khi chúng tôi ra về, nhìn 2 đứa trẻ, mới gặp ba mà đã nhận ra máu mủ và gào khóc như vậy, thì chúng ta mới hiểu, tình máu mủ thiêng liêng như thế nào.
Em Đào còn trẻ, xinh đẹp nhưng một nách 2 con và chồng em còn đến 12 năm trong tù, nếu một mai, anh Viên có vấn đề gì... hoặc là anh có thể ra khỏi tù, thì em cũng không còn xuân sắc.
Chị dâu tôi cũng vậy, tôi và chị bằng tuổi nhau, một người trực tiếp đi tù, một người ở ngoài một nách 2 con, nuôi chồng trong tù, anh Tâm đi 9 năm ròng rã, khi anh về, chị cũng không còn xuân thì. Rồi bao nhiêu người phụ nữ khác cũng như vậy.
Người nữ đi tù thì khổ rồi, người nam đi tù, vợ con họ cũng khổ không kém, đó là bi kịch của chúng ta, của đất nước này, khi mà nhà tù vẫn còn mở cửa để nhốt các tù nhân chính trị.
Sep 7, 2023


Chị Tố Nga


Phạm Minh Vũ
Trong phiên toà Xử kín chóng vánh sáng nay, Toà Án Tỉnh Đồng Nai đem 2 nhà hoạt động là Bác sỹ Huỳnh Thị Tố Nga và Huỳnh Minh Tâm ra xét xử về tội “làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam".
Kết thúc phiên toà Anh Tâm bị tuyên án 09 năm tù giam. Bác sỹ Tố Nga bị 05 năm tù giam.
Bác Sỹ Tố Nga là Facebooker có tên Selena Zen hay Diệu Hằng, mới 36 tuổi. Chị là bác sĩ phòng xét nghiệm, khoa giải phẩu bệnh, tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Sài gòn. Chị bị bắt ngày 28-1 đầu năm nay, những bài viết của Chị mang đầy tính nhân văn của một xã hội dân chủ tiến bộ và sâu sắc.
Chị Nga hay đưa ra các phản biện mang tính đóng góp xây dựng hướng tới một xã hội công bằng, bài viết đầy tính khoa học và Logic. Chị Nga hay lên tiếng bảo vệ chủ quyền, chống Trung cộng, Chị lo lắng hiểm họa trung cộng xâm lược VN một ngày không xa (điều này ngày càng rõ nét hơn), nhất là lên án các dự luật Đặc khu, luật An ninh mạng năm ngoái, phân tích thấu tình đạt lý.
Một nhân sĩ trí thức như thế lại bắt bỏ tù thì một chế độ quá lưu manh, một người mẹ đơn thân có con nhỏ mà bị cầm tù cả 5 năm thì chế độ này quá bất nhân, vô đạo đức.

Phạm Minh Vũ

Nhận xét

Bài được quan tâm