Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Phụ bản 6

 


PHỤ BẢN 6 - CÁCH VIẾT I VÀ Y TRONG SÁCH NÀY 

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH

Sau khi sách MTĐHTVNCH ra mắt lần đầu, một số độc giả muốn chúng tôi giải thích về cách viết I và Y trong cuốn sách. Để đáp ứng yêu cầu đó, chúng tôi xin trình bày vắn tắt như sau. 

Trên sách báo, thường thấy viết I sau các phụ âm B, D, Đ, G, N, R, S, X; sau H, L, M, T, V, có khi viết I, có khi viết Y. Thí dụ: Hí hoáy, ngựa hí, nhưng hy hữu, hy sinh; li ti, lí nhí, nhưng ly kỳ, lý trí, ly dị; lông mi, bánh mì, mí mắt, nhưng Mỹ Châu, mỹ nữ, mỹ vị; ti hí, tỉ mỉ, nhưng ty tiện, tỳ nữ, tỳ vị, tỷ thí và viết cả lẫn vỹ 

Có tài liệu giải thích viết như thế là theo nguyên tắc: Những từ thuần Nôm viết I, những từ Hán Việt viết Y. Nguyên tắc này vừa thêm phức tạp vừa không giải quyết được vấn đề. Nếu theo nguyên tắc này thì tại sao những từ Hán Việt sau đây lại viết kỳ dị, ly dị, lý trí, mỹ vị hay tỳ vị mà không viết kỳ dỵ, ly dỵ, lý trý, mỹ vỵ hay tỳ vỵ

Đó là tình trạng chính tả bất nhất và gây tranh cãi của hai chữ IY.

Trong ý hướng tiến tới việc thống nhất chính tả tiếng Việt, chúng tôi chủ trương viết I khi âm /I/ là nguyên âm hay là phần âm chính của âm tiết, không phân biệt từ đó là thuần Nôm hay Hán Việt. Thí dụ: Bí, di, gì, hỉ, kị, lí, mĩ, ni, rỉ, sĩ, tị, vì, xí… , nhưng ai đã viết tên riêng của mình cách nào, chúng tôi sẽ giữ nguyên. Thí dụ: Nguyễn Cao Kỳ, Lý Bửu Lâm, Lý Chánh Trung… 

Riêng trường hợp khi chữ I đứng một mình, chúng tôi theo ý nhiều nhà ngữ học, tạm thời chấp nhận cả hai cách viết I hoặc Y. Thí dụ: Âm ỉ, ầm ĩ, nhưng có thể viết y tế, y thị, ý kiến, ỷ lại. Xin nói thêm, chúng tôi viết UY chứ không viết UI những chữ phát ra âm /uy/. Thí dụ: Quy, quý, quýt…, chứ không viết qui, quí, quít…, nhưng ai đã viết tên riêng của mình cách nào, chúng tôi sẽ giữ nguyên. Thí dụ: Lý Quí Chung… 

Đó cũng là cách viết của một số vị có công trình nghiên cứu về Ngữ học Việt Nam, như Ts. Nguyễn Đình Hoà (Giáo sư Ngôn ngữ  và Văn minh Văn hoá VN tại VN và HK, Khoa trưởng Đh. Văn khoa Sài Gòn (1957), đồng sáng lập Viện Việt Học, 2000, HK), Bs. Trần Ngọc Ninh (Giáo sư Đh. Y khoa Sài Gòn, Đh. Vạn Hạnh, Tổng trưởng Văn hoá Xã hội đặc trách giáo dục VNCH (1967), nguyên Viện trưởng Viện Việt Học, HK), học giả Nguyễn Hiến Lê (#120 tác phẩm, Giải thưởng Văn chương Toàn quốc, 1966). 

Cách nay không lâu, Gs. Đoàn Xuân Kiên (Luân Đôn) cũng nêu lên quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Sau khi điểm qua các sách báo, các bộ từ điển và những cuộc tranh luận từ thế kỉ 17 tới nay, Gs. Đoàn Xuân Kiên đã đúc kết thành nguyên tắc 5 điểm về cách viết chính tả hai chữ IY như sau: 

 Viết Y trong những trường hợp sau đây: 

1) khi tổ âm // ở đầu một tiếng. Ví dụ: yên, yêu, yết. 

2) trong các tổ âm chúm môi /ui/ và /uiê/ (viết là uy, uyê, uya). 

 Ví dụ: uy, chuyện, khuya, nguy, tuy

3) ở sau âm ngắn của a (trong chính tả hiện nay cũng viết bằng đồ vị /a/ và âm ngắn của ơ (tức là đồ vị /â/). 
Ví dụ: cay, dày, đây, mây

Viết I trong những trường hợp sau đây: 

4) khi âm /i/ là nguyên âm, hay là phần âm chính của âm tiết. 
 Ví dụ: ỉ, bí, chim, hí, kìm, lì, lính, sĩ, tị, vì, vinh. 

5) Khi âm /i/ là âm cuối, đứng sau phần âm chính ở thể thường, để khép âm tiết. Ví dụ: ngùi, đói, người, củi, trai. 
(Đoàn Xuân Kiên. Nói Thêm Về Chữ I và Y Trong Chính Tả Tiếng Việt. Định Hướng 32, tr. 45, 46. Mùa Thu 2002, Hoa Kì). 

Chính tả hai chữ I Y thuộc phạm vi môn Ngữ học Việt Nam. Môn học nào cũng có những nguyên tắc riêng. Giá trị của một nguyên tắc ngữ học căn cứ vào mức độ chính xác, hợp lí và những lợi ích mà nó mang lại chứ không dựa trên bất cứ quan điểm chính trị hay tôn giáo nào cả. 

Trên thực tế, nhiều người chủ trương bảo lưu thói quen “đã viết (I và Y) như thế từ hồi học Mẫu giáo”. Có lẽ các nhà nghiên cứu Ngữ học cũng thông cảm phần nào với lối suy nghĩ của số đông này, song đã là nhà khoa học thì các vị ấy thường không bị lệ thuộc vào thói quen hay phong tục tập quán.

BẠCH DIỆN THƯ SINH 

 MẶT TRẬN ĐẠI HỌC 
THỜI VIỆT NAM CỘNG HOÀ 

Tác giả: Bạch Diện Thư Sinh 
Tủ sách Hoàng Sa xuất bản
In lần đầu tháng 12-2014 
Tái bản tháng 3-2016 
Kĩ thuật: Ngô Bảo Quốc 
USA 

Liên lạc: hoangsa4000@gmail.com

Bài liên quan:


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025