Giai thoại về nhạc phẩm Làng Tôi của Chung Quân

Giai thoại về nhạc phẩm Làng Tôi của Chung Quân

Phan Văn Thanh
        Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
        Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam …
        Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
        Bóng tre ru bên mấy hàng cau đồng quê mơ màng!
Năm ấy, đoàn hát Kim Chung lần đầu tiên có kế hoạch thực hiện bộ phim nhựa có tiếng nói (âm thanh). Để cho bộ phim thêm phần hấp dẫn, trang trọng và gây ấn tượng với công chúng trong buổi chiếu ra mắt, toàn bộ êkíp điều hành, bầu sô, đạo diễn … đồng ý việc tổ chức một cuộc thi sáng tác bài hát làm nền cho phim với giải thưởng lớn cho tác phẩm được chọn. Đây cũng là bộ phim nhựa có âm thanh đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam vào thời ấy. (1952)
Cuộc thi được tổ chức rộng rãi trong công chúng, không phân biệt tuổi tác, chuyên nghiệp hay nghiệp dư…đã có nhiều nhạc sĩ tên tuổi cùng một số những người mới thành danh trong làng ca nhạc giải trí thời đó tham gia. Đề tài sáng tác là quê hương và con người Việt Nam.
Sau nhiều lần chọn lựa rất công bằng và vô tư, ban giám khảo đã mất khá nhiều thời gian bàn bạc, nhận xét rồi cân nhắc để đưa ra một sự chọn lựa chính xác, dù biết đó là một quyết định rất khó khăn. Cuối cùng, Ban tổ chức đã công bố, tác phẩm được chọn để trao giải là bài hát “Làng Tôi” của một tác giả vô danh tiểu tốt, cái tên nghe chừng như rất xa lạ trong làng ca nhạc Việt thời ấy đó chính là nhạc sĩ Chung Quân.
Bản nhạc Làng Tôi được chọn vì nó mang hơi thở của một vùng quê yên bình, lời lẽ cũng mộc mạc, dung dị thấm đẫm tình cảm của người dân Việt Nam, cho dù năm đó tác giả bài Làng Quê mới chỉ vừa 16 tuổi. Nhạc phẩm Làng Quê và cái tên Chung Quân ra đời từ dạo ấy. Nhờ giai điệu du dương, thắm thiết tình người tình quê của Làng Tôi cứ mãi bay xa mà cái tên nhạc sĩ Chung Quân trở nên nổi tiếng và đi vào lòng người.
Nhiều nhạc sĩ tên tuổi và giới văn nghệ thời đó có hơi ngỡ ngàng, nhưng mọi người đều công nhận bản nhạc “Làng Tôi” xứng đáng được nhận giải thưởng vinh dự đó.
        Quê tôi chìm chân trời mờ sương
        Quê tôi là bao nguồn yêu thương
        Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
        Là bao vấn vương tâm hồn … người bốn phương.
Bản Làng tôi đã giành được giải của công ty điện ảnh, đoàn cải lương Kim Chung ở Hà Nội để làm bản nhạc nền cho phim Kiếp Hoa.
Hành trình về phương Nam
Thế rồi, thế sự đổi thay theo mệnh nước nổi trôi. Năm 1954, Chung Quân cùng gia đình di cư vào Nam, định cư ở vùng Khánh Hội. Nhờ đã từng học sư phạm chuyên ngành về nhạc và danh tiếng của Làng Tôi, Chung Quân được Bộ Quốc gia Giáo dục của Đệ Nhất Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và Nguyễn Trãi. Thời gian giảng dạy ở trường Nguyễn Trãi, Chung Quân là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc… Cũng khoảng thời gian 1955 – 1956, ông có soạn bản hợp xướng Sông Bến Hải, theo một vài ý kiến thì đó là một trường ca có giá trị nghệ thuật, viết về cuộc di cư năm 1954, nhưng về sau không thấy phổ biến rộng rãi.
Trường Nguyễn Trãi năm ấy có cậu học trò nghèo nên buổi trưa thường không về nhà mà nghỉ lại ở trường cùng bữa ăn trưa là gói xôi mà mẹ cậu đã mua cho cậu đem theo từ sáng sớm. Thay vì nghỉ trưa, cậu học trò lại tha thẩn trong trường để rồi lắng nghe được câu chuyện tranh cãi giữa hai người thầy.
Trong một căn phòng, tiếng của vị giáo sư Hà Đạo Hạnh (cử nhân toán) đang ầm ĩ nói với nhạc sĩ Chung Quân
– Trình độ học vấn của anh chỉ đáng là học trò của tôi thôi. Việc anh được dạy chung với những giáo sư như chúng tôi là một vinh dự cho anh, anh có biết điều đó không?
– Nhưng thưa giáo sư, nếu hỏi công chúng có biết nhạc sĩ Chung Quân là ai không? Thì chắc chắn nhiều người biết đó là tác giả của bản nhạc Làng Tôi. Còn như hỏi họ, có biết giáo sư Hà Đạo Hạnh là ai không? Tôi tin người ta không mấy người biết.
Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn, và cậu học trò cố áp sát tai để chờ nghe tiếp xem Giáo sư Hà Đạo hạnh trả lời ra sao, bỗng từ phía sau, một bàn tay lạnh lùng của thầy giám thị véo vào tai cậu học trò kéo đi chỗ khác! Và vì thế mà câu chuyện đành dở dang ở đây.
Rồi thời gian trôi qua, tưởng mọi chuyện đã rơi vào quên lãng. Nhưng không, nhạc sĩ Chung Quân đã không chịu bỏ qua dễ dàng như vậy, ông nhất định phải đòi lại món nợ danh dự này. Không công danh thà nát với cỏ cây.
Nhạc sĩ Chung Quân sau đó đã quyết chí tiếp tục con đường kinh sử, ông ghi danh theo học và hoàn thành tú tài toàn phần, sau đó, ông lại tiếp tục việc học để đạt cho kỳ được mảnh bằng Đại học. Cuối cùng, ông đã tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Anh quốc.
        Đã mang tiếng đứng trong trời đất
        Phải có danh gì với núi sông
Nhớ lại câu chuyện ngày xưa, nhạc sĩ Chung Quân sao chép tất cả văn bằng mà mình có được gửi về cho giáo sư Hà Đạo Hạnh kèm theo lời nhắc nhở rất nhẹ nhàng lịch sự.
Thưa giáo sư Hà Đạo Hạnh, tất cả những gì mà giáo sư làm được thì Chung Quân tôi cũng đã làm được. Còn những gì Chung Quân tôi làm được thì giáo sư đã không làm được.
Viết tới đây tôi bỗng nhớ tới bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ có đoạn như sau:
        Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh
        Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
        Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
        Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
        Chí những toan xẻ núi lấp sông
        Làm lên tiếng phi thường đâu đấy tỏ …
Nhạc sĩ Chung Quân đã đòi lại món nợ danh dự năm xưa một cách sòng phẳng bằng ý chí và lòng kiến nhẫn của chính ông. Rất lịch sự, tế nhị mà cũng rất quân tử. Không ồn ào, không gióng trống khua chiêng làm người khác phải ngượng ngùng, mất thể diện. Quả thật, chẳng ai biết trước được chuyện gì xảy ra trong cuộc đời.
Cậu học trò nghe lén câu chuyện ngày xưa sau này cũng theo cái nghề “gõ đầu trẻ”. Ông dạy Trung học đệ nhị cấp (cấp 3) ở miệt dưới tận tỉnh Bạc Liêu. Ngoài công việc dạy học, ông còn làm thêm nghề tay trái là viết báo, viết văn với bút hiệu Thái Phương. Sau biến cố 1975, ông nghỉ dạy và chuyển hẳn sang viết báo. Hiện nay, độc giả biết nhiều đến ông với bút danh nhà văn Đoàn Dự.
Đã có lần, nhà văn Đoàn Dự gặp lại thầy cũ là giáo sư Hà Đạo Hạnh và ông có hỏi vị giáo sư:
– Thưa Thầy, sao ngày đó thầy lại nặng lời với Nhạc sĩ Chung Quân thế ạ!
– Hồi ấy tôi có hơi nóng nảy nên đã quá lời.
Mọi chuyện rồi cũng qua đi, người xưa giờ cũng đã trở về cùng cát bụi, nhưng câu chuyện thì sẽ còn mãi như một bài học, một tấm gương về cách đối nhân xử thế của người xưa vậy.



Phan Văn Thanh
Nguồn FB


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025