Họa Sĩ Chóe - “Cây biếm họa nổi tiếng của Việt Nam”


Họa Sĩ Chóe - “Cây biếm họa nổi tiếng của Việt Nam”

Nhân 80 năm sinh, 20 năm mất của Chóe (1943-2023):
Ông tên thật là Nguyễn Hải Chí, là một họa sĩ vẽ tranh biếm nổi tiếng với bút danh Chóe, ngoài ra ông còn có bút danh Trần Ai, Cap, Kit. Ông có vẻ ngoài như nhà văn E. Hemingway, được coi là “họa sĩ biếm số 1 của Việt Nam” với những tranh biếm đặc sắc phê phán những thói hư tật xấu của xã hội qua nhiều thời kỳ. Ông vẽ chủ yếu là tranh sơn dầu, giấy dó và tranh lụa. Ngoài vẽ, Chóe còn được biết đến như một nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ. Nguyễn Hải Chí sinh ngày 11-11-1943 tại Cái Tàu Thượng, Chợ Mới, An Giang. Sau đó gia đình ông chuyển về xã Vĩnh Tế dưới chân núi Sam, Châu Đốc. Do hoàn cảnh gia đình rất nghèo, ông phải nghỉ học từ năm lớp 2, đi làm kiếm sống từ năm 9 tuổi. Ông làm đủ nghề: đập đá, đốn củi, chăn bò mướn...


Năm 1960, bị cán bộ Cộng sản ép lên núi hoạt động du kích nên ông bỏ trốn về Mỹ Tho, xin làm việc tại một phòng vẽ quảng cáo và học vẽ tại đây. Năm 1964, ông đi quân dịch, lên tới trung sĩ, được chuyển về làm việc tại Bộ Tổng tham mưu QL VNCH. Lúc này ông bắt đầu làm thơ, viết truyện gửi đăng báo. Ông kể: “Tôi đến với nghệ thuật vì... mê gái. Năm 20 tuổi, tôi thầm yêu trộm nhớ một cô gái Sài Gòn. Cô ấy có cả một tá sĩ quan chế độ cũ săn đón, còn tôi chỉ là một anh chàng thất học, không mong gì lọt vào mắt xanh người đẹp... Tôi biết nàng là độc giả của một tờ báo, vậy là tôi liều mạng sáng tác truyện ngắn với hy vọng sẽ được đăng...”. Kết quả mỹ mãn cho chàng trai si tình: người con gái tên Nguyễn Thị Kim Loan đã trở thành vợ của ông. Ông bước thẳng vào nghề viết lách, lại còn đoạt giải nhất về truyện ngắn của báo Tiền Tuyến năm 1969.

Cuối năm 1969, ông chuyển qua vẽ hí họa cho tờ Diễn Đàn. Ông kể: “Trước đây tôi chỉ mày mò học của một thầy giáo làng, nhưng nể bạn cứ vẽ liều. Vẽ xong, chẳng biết ký bút danh gì, Viên Linh lại bảo: “Ông tên Chí, vậy thì ký là Choé!”. Tôi nghe cái tên này thấy cũng kêu, vậy là thành bút danh…”.

Từ tờ Diễn Đàn, ông còn vẽ cho tờ Báo Đen năm 1970, nhưng sự nghiệp vẽ tranh của Chóe vẫn chưa được độc giả lưu ý lắm. Thời đó, báo chí Sài Gòn đã có hai cây bút biếm nổi tiếng là Ngọc Dũng ký Tuýt và Đinh Hiển ký Hĩm. Phải đợi đến khi chuyển qua cộng tác với báo Sóng Thần của Chu Tử ông mới bắt đầu được biết tới qua những bức hí họa. Một số tranh của ông đã đụng đến vấn đề “nhạy cảm”; tội danh của Chóe là… “vẽ dị dạng nhân vật quan trọng trong chính phủ và nhân vật ở Mỹ”, do đó ông bị chính quyền VNCH bắt giam từ tháng 2 đến tháng 4-1975. Sự kiện 30-4-1975 diễn ra, ông thoát khỏi trại giam của An ninh Quân đội tại số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn.

Mấy tháng sau ông được nhận vào làm báo Lao Động Mới với nhiệm vụ trình bày tờ báo. Tháng 4-1976, ông bị bắt đi học tập cải tạo cùng với các văn nghệ sĩ miền Nam cho đến cuối năm 1985 tại các nhà giam Chí Hòa rồi trại cải tạo Gia Trung, Pleiku. Sau đó ông vượt biên nhưng bị bắt và phải trở lại tù thêm lần nữa.

Từ năm 1990, do không xác định được thời hạn tù, ông bị từ chối đơn xuất cảnh theo diện H.O. Ông ở lại VN hành nghề vẽ tranh bán cho khách nước ngoài. Ông cộng tác với phòng tranh Tự Do tại TP.HCM, để trưng bày và bán tranh lụa, giấy dó và tranh sơn dầu, ký tên Vân Bích. Ít lâu sau, ông được nhiều tờ báo trong nước đề nghị cộng tác trở lại. Tranh của ông tiếp tục xuất hiện trên nhiều tờ báo và tạo được phong cách riêng trong việc phê phán những thói hư tật xấu, những tiêu cực của xã hội.

Năm 1997, Chóe bị đột quỵ, dẫn đến bại liệt một thời gian. Trước đó ông cũng đã mắc phải bệnh tiểu đường. Từ năm 1998 tới 2001, ông có 2 lần sang Pháp điều trị nhưng không thuyên giảm. Từ năm 2001, ông bắt đầu đi đứng khó khăn, mù mắt trái, mờ mắt phải, từ đó không vẽ nữa mà chuyển qua làm thơ, viết nhạc.

Cuối năm 2002, ông được bạn bè giúp đỡ đưa sang Virginia, Hoa Kỳ chữa bệnh. Ngày 22-2-2003, ông đột ngột bị ngộp thở, 10 ngày sau đột quỵ và đứt mạch máu não. 3 giờ 50 phút sáng 12-3-2003, ông qua đời tại bệnh viện Fairfax, Virginia. Lễ tang được cử hành tại nhà thờ các thánh tử đạo Arlington, sau đó được đưa về VN an táng tại nghĩa trang nhà thờ Thánh Mẫu, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Ngoài rất nhiều tranh biếm đã được đăng trên các báo, còn những tuyển tập thu thập các tác phẩm của Chóe và các sự kiện khác:
- “Writers and Artists in Vietnamese Gulag” do nxb Century phát hành tại Hoa Kỳ, tháng 1-1990.
- “The World of Chóe (Thế giới của Chóe), do nhà báo Mỹ Barry Hilton đã thu thập một số tranh biếm họa của ông, do nhà xuất bản Glade Publications ấn hành tại Mỹ năm 1973.
- “Lai rai vẽ viết” - bút ký (nxb Lao Động, 1992).
- “Tử tội” - tuyển tập tranh hí họa, thơ, văn, nhạc (nxb Tiếng quê hương, Hoa Kỳ, 2001).
- “Nghề cười”, tuyển tập tranh, thơ, văn, nhạc (nxb Văn hóa Văn nghệ, 2013).
Một số ca khúc: Gió, Mưa, Bên vườn nhà em, Khi đến cuối đời, Vinh dự, Khi dứt cơn mưa,
Dù ta xa nhau, Ngả lưng trên đồi…
- Năm 1973, báo New York Times xếp Chóe vào tốp 8 họa sĩ biếm họa xuất sắc thế giới của thập niên 1970.
- Năm 1995, Chóe được mời triển lãm quốc tế với chủ đề “Phụ nữ nước tôi” tại một số thành phố ở Nhật Bản.
- Được báo L’Hebdo của Pháp xếp vào tốp 6 người Việt tiêu biểu từ năm 1975 đến 1995, với danh hiệu “Họa sĩ bướng bỉnh”.
- Năm 2004, 29 tranh chân dung các phụ nữ của ông được trưng bày ở Thủ đô Stockholm, nhân Ngày Việt Nam ở Thụy Điển.
Fb Nguyễn phú Yên

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025