Cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina: 1 năm nhìn lại

Cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina:
1 năm nhìn lại  (*)

Anniversary of the invasion - Biếm Họa BaBui


Tạ Linh 

Tròn 1 năm sau ngày Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội Nga xâm lược Ukraina, lực lượng của nước này vẫn đang bị mắc kẹt trong một cuộc chiến đẫm máu và hao tiền tốn của.

Nhiều thị trấn và thành phố của Ukraina bị tàn phá. Hàng chục nghìn thường dân và binh lính của cả hai bên bị thương vong, và hàng triệu người dân Ukraina đã rời khỏi đất nước đi lánh nạn.

Hôm nay, ngày 24/2/2023, cuộc chiến kỷ niệm tròn 1 năm. Hãy cùng nhìn lại các dấu mốc quan trọng của cuộc xung đột này.

Tháng 2/2022

Vào ngày 24/2, Tổng thống Putin phát động cái mà ông gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, ra lệnh cho hàng chục nghìn binh sĩ Nga tiến vào nước láng giềng Ukraina từ phía bắc, phía đông và phía nam. Với hy vọng giành được chiến thắng nhanh chóng, các lực lượng của Nga đã tiến thẳng về thủ đô Kyiv, nhưng cuối cùng buộc phải rút lui.

Các quốc gia láng giềng của Ukraina và Liên minh châu Âu đã phải mở cửa biên giới để cho hàng trăm nghìn người Ukraina đi sơ tán. Hàng người sơ tán tại các cửa khẩu biên giới kéo dài vài km, trong đó có cả những nam thanh niên trong độ tuổi buộc phải nhập ngũ không được rời khỏi đất nước.

Các quốc gia phương Tây áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Moscow để đáp trả cuộc xâm lược của Nga, chẳng hạn như ngừng giao dịch với Ngân hàng trung ương Nga, cấm đầu tư mới vào Nga, và đóng băng tài sản của các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp Nga.

Tháng 3/2022

Ít nhất 441 thường dân Ukraina thiệt mạng trong những ngày đầu của cuộc xâm lược. Các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc sau đó cho biết có một số vụ lính Nga giết hại dân thường Ukraina, nổi tiếng nhất là ở vùng ngoại ô Bucha, thủ đô Kyiv, có thể dẫn đến tội ác chiến tranh.

Sau khi gặp sự kháng cự quyết liệt từ lực lượng Ukraina, Nga buộc phải giảm quy mô mục tiêu chiến tranh. Nước này chuyển trọng tâm sang khu vực Donbas, nơi phe ly khai do Nga hậu thuẫn đã phát động cuộc nổi dậy vào năm 2014.

Cuộc xung đột Nga-Ukraina làm leo thang cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, và chính phủ Ukraina tuyên bố ngừng xuất khẩu một loạt mặt hàng nông sản. Giá lương thực thế giới lên mức cao kỷ lục vào tháng 3/2022.

Tháng 4/2022

Hàng chục người thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào một nhà ga tàu hỏa ở Kramatorsk. Trong nhà ga lúc đó rất nhiều phụ nữ, trẻ em và những người già.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy lên tiếng chỉ trích phía Nga, nói rằng: “Họ đang thiếu sức mạnh và lòng dũng cảm để đứng lên chống lại Ukraina trên chiến trường, họ đang tàn phá dân thường Ukraina một cách tàn nhẫn”.

Cuối tháng đó, Nga phải chịu một đòn đáp trả mạnh khi soái hạm của hạm đội Biển Đen, tàu Moskva, bị đánh chìm bởi thứ mà Ukraina tuyên bố là hỏa tiễn của họ.

Theo Liên Hợp Quốc, số người chạy trốn khỏi Ukraina đã vượt mốc 5 triệu người. Cơ quan tị nạn của LHQ cho biết cuộc xung đột đã gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở châu Âu trong thế kỷ này.

Tháng 5/2022

Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, sau khi Nga xâm lược Ukraina.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu rằng, dây là thời khắc lịch sử mà NATO phải nắm bắt.

Nga chiếm được thành phố cảng chiến lược Mariupol ở Biển Đen, sau cuộc bao vây kéo dài 3 tháng.

Tổng thống Zelenskyy có bài phát biểu đặc biệt tại buổi khai mạc cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos. Ông kêu gọi các quốc gia giúp thành lập một quỹ để xây dựng lại đất nước Ukraina.

Tháng 6/2022

Hỏa tiễn của Nga tấn công một trung tâm mua sắm đông đúc ở thành phố Kremenchuk, khiến ít nhất 16 người thiệt mạng. Một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc lên án vụ tấn công là “đáng trách”.

Ngân hàng Thế giới phê duyệt khoản tài trợ bổ sung trị giá 1,5 tỷ đô la để giúp trả lương cho người lao động trong khu vực công ở Ukraina, nâng tổng số tiền hỗ trợ đã cam kết của ngân hàng này lên hơn 4 tỷ đô la.

Liên minh châu Âu quyết định cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022. Đáp lại, Nga nói rằng quyết định đó có khả năng gây bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu, và gọi đó là một bước “tự hủy hoại” của EU.

Tháng 7/2022

Lực lượng của Nga chiếm được thành phố Lysychansk, hoàn thành cuộc chinh phục tỉnh Luhansk ở miền Đông Ukraina.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cho biết họ sẽ giảm một nửa nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1. Trước chiến tranh, châu Âu đã nhập khẩu hơn 40% lượng khí đốt từ Nga.

Nga và Ukraina đồng ý thỏa thuận mở lại các cảng ở Biển Đen của Ukraina vốn đã bị hải quân Nga phong tỏa. Bước đột phá này được kỳ vọng sẽ xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Tháng 8/2022

Lực lượng của Ukraina tiến hành một cuộc phản công ở phía nam xung quanh Kherson, cửa ngõ đất liền duy nhất vào bán đảo Crimea. Các đường tiếp tế, bãi chứa đạn dược và một căn cứ không quân của Nga ở Crimea đều trở thành mục tiêu.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng nguy cơ đối đầu hạt nhân đã quay trở lại sau nhiều thập kỷ. Ông gọi vụ pháo kích của Nga vào cơ sở Zaporizhzhia ở Ukraina là “hành động tự sát”.

Tháng 9/2022

Giá khí đốt ở châu Âu tăng tới 30% sau khi Nga cho biết một trong những đường ống cung cấp khí đốt chính của họ tới châu Âu sẽ bị đóng cửa vô thời hạn. Hãng khí đốt Gazprom ban đầu cho biết đường ống Nord Stream 1 đã bị đóng cửa để bảo trì tạm thời.

Ukraina phát động một cuộc phản công ở khu vực Kharkiv, phía đông bắc nước này, giành lại được một trung tâm đường sắt quan trọng chuyên cung cấp khí tài cho tiền tuyến của Nga.

Ông Putin ra lệnh tuyển quân dự bị với con số hàng trăm nghìn tân binh. Lệnh của ông đã khiến nhiều nam thanh niên Nga đang trong độ tuổi quân sự cố gắng vượt biên sang các nước láng giềng.

Putin nói các khu vực ở miền đông Ukraina do Nga chiếm được sẽ trở thành một phần của Nga sau các cuộc ‘trưng cầu dân ý’ ở các khu vực này.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres lên án hành động của Nga, nói rằng: “Bất kỳ quyết định nào tiến hành việc sáp nhập các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraina sẽ không có giá trị pháp lý”.

Tháng 10/2022

Một vụ nổ đã làm hư hại nặng cây cầu duy nhất nối Nga với bán đảo Crimea mà chính quyền Moscow đã chiếm giữ vào năm 2014. Vài ngày sau, Nga trả đũa Ukraina bằng cuộc tấn công hỏa tiễn đầu tiên vào thủ đô Kyiv sau nhiều tháng.

Trong những ngày tiếp theo, cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina trở thành mục tiêu của nhiều đợt tấn công hỏa tiễn tiếp theo của Nga.

Bộ trưởng năng lượng của Ukraina cho biết ít nhất một nửa công suất năng lượng nhiệt của nước này đã bị tổn hại.

Theo một báo cáo của UNICEF, thêm 4 triệu trẻ em đã rơi vào cảnh nghèo đói vì chiến tranh.

Tháng 11/2022

Nga ra lệnh cho lực lượng của mình bỏ Kherson, thủ phủ của khu vực duy nhất mà họ đã chiếm được cho đến nay. Vùng Kherson là một trong 4 vùng mà ông Putin từng nói sẽ là một phần của Nga mãi mãi.

EU tìm cách tăng cường hỗ trợ cho ngành năng lượng của Ukraina sau các cuộc tấn công “tàn ác và vô nhân đạo” khiến điện bị cắt trên diện rộng.

Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson đánh giá: “Việc Nga ném bom cơ sở hạ tầng của Ukraina rõ ràng là một chiến thuật làm tăng thêm đau khổ cho người dân”.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraina bị ngắt khỏi lưới điện sau vụ pháo kích của Nga làm hỏng đường dây điện cao thế. Hai ngày sau, nguồn điện bên ngoài mới được khôi phục cho nhà máy này. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết cần thiết lập một khu vực bảo vệ xung quanh nhà máy trước khi quá muộn.

Tháng 12/2022

Tổng thống Zelenskyy đến Mỹ chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ khi chiến tranh nổ ra. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông nói rằng viện trợ cho Ukraina là một khoản đầu tư vào nền dân chủ.

Vào ngày lễ Giáng sinh, ông Putin cho biết Nga sẵn sàng đàm phán về Ukraina. Tuy nhiên, chính quyền Kyiv nói rằng Moscow không nghiêm túc trong các cuộc đàm phán, và nói rằng họ sẽ không dừng lại cho đến khi tất cả binh sĩ Nga rút khỏi lãnh thổ của nước này.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết họ hy vọng lạm phát sẽ duy trì trên mức mục tiêu 2% trong 3 năm tới. Cuộc chiến ở Ukraina, cùng một số yếu tố khác, đã khiến lạm phát tại khu vực sử dụng đồng Euro tăng đột biến lên mức 10,6% trong tháng 10/2022.

Tháng 1/2023

Nga tăng cường tân binh, và lực lượng của nước này đã giành được chiến thắng đầu tiên trên chiến trường sau nhiều tháng, chiếm được thị trấn khai thác muối Soledar ở phía đông tỉnh Donetsk.

Quân Nga cũng tập trung sự chú ý vào thị trấn chiến lược Bakhmut, chìa khóa của vùng Donbas.

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cho biết chỉ số giá lương thực của thế giới đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022, tăng 14,3% so với năm 2021.

Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Tổng thống Zelenskyy nói rằng thế giới đã vượt qua chế độ phân biệt chủng tộc, đại dịch Covid, khủng hoảng tài chính, và giờ đây đang chống lại Nga. “Thế giới sẽ cần vượt qua một lần nữa.”

Tháng 2/2023

Tổng thống Zelenskyy nói rằng các cuộc tấn công của Nga ở phía đông và phía nam Ukraina là một phần trong chiến lược giành lợi thế trước khi Kiev nhận được xe tăng và các loại vũ khí hạng nặng khác từ các đồng minh phương Tây.

NATO cũng bắt đầu thảo luận về yêu cầu cung cấp chiến đấu cơ và hỏa tiễn tầm xa của Ukraina.

Các nước phương Tây đang xem xét áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nhân dịp tròn 1 năm chiến tranh. Các quan chức của Mỹ cho biết họ đang xem xét trừng phạt thêm các ngân hàng có liên kết với Nga.

Tạ Linh

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209