Liên Hợp Quốc báo động về cách đối xử của Trung Quốc đối với 1 triệu trẻ em Tây Tạng

Liên Hợp Quốc báo động về cách đối xử của
Trung Quốc đối với 1 triệu trẻ em Tây Tạng

Xuân Lan

Một nhóm các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết hôm thứ Hai rằng họ đang rất quan ngại về chính sách “đồng hóa cưỡng bức” kéo dài nhiều năm của Trung Quốc đối với trẻ em Tây tạng khi ĐCSTQ gửi gần 1 triệu em đến các trường nội trú để giáo dục bắt buộc theo chương trình Hán hóa.

Ba chuyên gia về quyền của Liên Hợp Quốc cho hay, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đồng hóa người dân Tây Tạng “về mặt văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ” bằng cách đưa trẻ em vào một hệ thống trường học nội trú, nơi chúng không được học một cách thực chất về ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa của chính mình.

“Chúng tôi rất băn khoăn rằng trong những năm gần đây, hệ thống trường nội trú dành cho trẻ em Tây Tạng dường như hoạt động như một chương trình quy mô lớn bắt buộc nhằm đồng hóa người Tây Tạng vào nền văn hóa đa số của người Hán, trái với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế,” các báo cáo viên đặc biệt của Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc cho biết.

Theo phát hiện của họ, phần lớn trẻ em ở Khu tự trị Tây Tạng phía tây nam Trung Quốc được đưa vào các trường nội trú, so với mức trung bình toàn quốc là khoảng 20% học sinh ở các khu vực khác của đất nước. Điều này đạt được thông qua việc đóng cửa các trường học nông thôn ở những khu vực có người Tây Tạng sinh sống, buộc trẻ phải học ở những ngôi trường xa xôi.

Các chuyên gia cho biết trẻ em Tây Tạng được giáo dục trong một môi trường “xây dựng dựa trên nền văn hóa đa số của người Hán, với nội dung sách giáo khoa hầu như chỉ phản ánh kinh nghiệm sống của học sinh người Hán”. “Trẻ em dân tộc thiểu số Tây Tạng buộc phải hoàn thành chương trình giảng dạy ‘giáo dục bắt buộc’ bằng tiếng Quan thoại mà không được tiếp cận với việc học tập phù hợp với truyền thống hoặc văn hóa.”

“Kết quả là, trẻ em Tây Tạng đang mất đi khả năng tiếp thu ngôn ngữ mẹ đẻ và khả năng giao tiếp dễ dàng với cha mẹ và ông bà bằng tiếng Tây Tạng, điều này góp phần vào sự đồng hóa và xói mòn bản sắc của chúng,” họ nói.

Fernand de Varennes, Farida Shaheed và Alexandra Xanthaki, báo cáo viên đặc biệt lần lượt về các vấn đề thiểu số, giáo dục và quyền văn hóa, cho biết họ lo ngại rằng chính sách được thực thi “thông qua một loạt hành động đàn áp chống lại các tổ chức giáo dục, tôn giáo và ngôn ngữ Tây Tạng.”

Mao Ning, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã “bỏ qua sự thật” và “ủng hộ những lời dối trá và tin đồn nhằm bôi xấu và làm mất uy tín của Trung Quốc.”

Bà Mao phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ Tư rằng các chuyên gia nên “ngừng chính trị hóa và công cụ hóa các vấn đề nhân quyền, đồng thời ngừng phục vụ các mưu đồ chính trị của một số quốc gia nhằm đàn áp và kiềm chế Trung Quốc bằng cách lạm dụng nền tảng của Liên Hợp Quốc.”

Vào tháng 8 năm 2022, các quan chức Trung Quốc cũng phản ứng tương tự khi một chuyên gia của Liên Hợp Quốc kết luận người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại thông qua các chương trình đào tạo và làm việc bắt buộc của nhà nước.


Nguồn trithucvn.org

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025