Bao giờ Việt Nam sẽ đứng vững trên đôi chân của mình ?

Bao giờ Việt Nam sẽ đứng vững trên đôi chân của mình ?
Dân làng ở Nhật Bản mang hàng đến cứu trợ cho khu vực Minami Sanriku,
nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 10.000 người mất tích
Nguyễn Thiếu Nhẫn
Dẫn nhập: Ngày 11-3 năm 2018, toàn dân Nhật ngưng mọi hoạt động và người dân mặc niệm 1 phút để tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa động đất sóng thần vào thời điểm cách đây 7 năm. Được biết, khi thiên tai xảy ra, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoai đã quyên góp một ngân khoản khoảng 1500 Mỹ kim gửi trợ giúp Văn Bút Nhật Bản; nhưng Trung Tâm Văn Bút Nhật Bản đã gửi lại Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại số tiền này với lý do: “Văn Bút Nhật có thể tự đứng vững bằng chính đôi chân của mình”. Xin đăng tải lại bài viết về “nhân họa Hiroshima” cách đây 70 năm và “thiên tai” cách đây 7 năm mà nước Nhật đã phải gánh chịu; nhưng dân tộc Nhật Bản vẫn đứng lên và bước tới!
Và, xin được hỏi: Bao giờ thì Việt Nam có thể tự đứng vững bằng đôi chân cùa chính mình?
Hay là sẽ phải rơi vào thảm họa ngàn năm Bắc thuộc?
***
1 – TỪ NHÂN HỌA HIROSHIMA:


Chiếc siêu pháo đài bay B.29 cất cánh trong bóng đêm với một phi hành đoàn chín người trong đó có hai chuyên viên đặc biệt. Bỏ lại quần đảo Mariana dưới cánh bay, đại tá Paul Tibbets hướng chiếc phi cơ về phía nước Nhật. Tờ mờ sáng, trên cao độ 4.000 bộ, đại tá Tibbets nhìn xuống đảo Iwo Jima, nơi mà một trận đánh dữ dội, đẫm máu đã xảy ra không lâu trước đó giữa Thủy quân Lục chiến Mỹ và lực lượng phòng thủ của Nhật. Ông thông báo cho căn cứ Không quân Mỹ ở Iwo Jima – đang theo dõi chuyến bay của ông một cách chăm chú: “Tôi đang tiến về hướng mục tiêu”, rồi nâng cao độ, hướng về Hiroshima.
Từ mấy tuần nay, phi hành đoàn đã phải thực tập ném bom mà không hề biết được nhiệm vụ sắp tới. Chỉ vài giờ trước đây, phi công kiêm trưởng phi hành đoàn, đại tá Tibbets mới loan báo tin cho họ: “Chúng ta sẽ thả xuống nước Nhật một trái bom không giống với bất cứ trái bom nào từ trước tới giờ. Nó có sức nổ tương đương với 20 ngàn tấn TNT; nó là một trái bom nguyên tử!
Bốn cánh quạt vẫn quay tít trong ánh sáng mờ mờ của buổi bình minh trên biển, đại tá Tibbets chăm chú theo dõi tin tức không trung từ các phi cơ bay trước báo về. Mây quang đãng, mục tiêu nhìn thấy rất rõ.
Mục tiêu là thành phố hải cảng và kỹ nghệ Hiroshima với 350 ngàn dân. Chiếc pháo đài bay B.29 mới được sơn lên cái tên mới: Enola Gay. Màu xám bạc của nó lấp lóa trong ánh mặt trời buổi sớm. Đại tá Tibbets ra lệnh cho phi hành đoàn: “Sắp đến mục tiêu, tất cả đeo kính an toàn. Chuẩn bị ném bom!”.
Khi chiếc Enola Gay đã ở ngay trên trung tâm thành phố, lúc 8 giờ 15 phút 15 giây ngày 6-8-1945, chuyên viên thả bom nhấn nút, khoảng chứa bom mở ra, một quả bom khổng lồ rơi xuống với cây dù lớn xoè ra phía trên !
Không đầy một phút nữa, bom sẽ nổ. Phải nhanh chóng thoát khỏi vùng nổ. Đại tá Tibbets chúi mũi chiếc Enola Gay xuống để tăng tốc độ. Bốn mươi ba giây sau đó, một vùng sáng chói gấp hàng chục lần mặt trời bùng lên. Tiếp theo đó, chiếc pháo đài bay rung chuyển dữ dội như một món đồ chơi trong cơn bão. Đại tá Tibbets cố gắng giữ vững đường bay. Khi những cơn chấn động đã giảm bớt cường độ, ông mới quay đầu nhìn lại: Thành phố Hiroshima đã chìm dưới một đám mây hình nấm, màu tím đen đang mỗi lúc mỗi bốc cao. Có ai ở trong phi hành đoàn đã thốt lên bằng một giọng run rẩy xúc động: “Chúng ta vừa làm chuyện gì vậy?” Không có ai lên tiếng trả lời. Mọi người mặt mày xám ngắt trong cơn bàng hoàng cực độ.
Chúng ta vừa làm chuyện gì vậy?
Đó không phải chỉ là câu hỏi của một nhân viên phi hành đoàn chiếc Enola Gay. Mà nó là câu hỏi của hầu hết mọi người trên khắp các lục địa.
Đó không phải là quả bom nguyên tử đầu tiên đã nổ. Trước đó đã có những trái bom thí nghiệm. Nhưng nó là quả bom nguyên tử đầu tiên được sử dụng vào mục đích tấn công, và không phải là quả cuối cùng. Kể từ buổi sáng hôm đó, nhân loại đã bắt đầu đem vào cuộc sống của mình một nỗi lo âu mới.
- Năm chục ngàn người đã chết ngay tức khắc trong ánh chớp kinh hoàng lúc 8 giờ 16 phút ngày 6-8-1945. Hàng trăm ngàn người bị thương, nhiều chục ngàn người khác chết trong những ngày sau đó.
Chúng ta đã làm chuyện gì vậy?
Câu hỏi này đã đeo đuổi nhiều người trong một thời gian dài. Những phi hành đoàn của hai chuyến bay thả bom xuống Hiroshima (Quảng Đảo) và Nagasaki (Trường Kỳ) đã bị ám ảnh bởi câu hỏi đó nhiều hơn ai hết. Mặc dù họ không phải là những người quyết định, họ chỉ là những kẻ thừa hành. Họ là những quân nhân trong thời chiến, và họ phải triệt để tuân hành mệnh lệnh cấp trên, vả lại, họ không hề có một ý niệm chính xác về mức tàn phá của hai quả bom, nhưng họ vẫn có những nỗi ám ảnh.
Những nỗi ám ảnh đã đeo đuổi họ sau khi họ biết họ đã thi hành sứ mạng, và đem lại hậu quả ra sao. Một vài người trong số họ đã bị ám ảnh đến nỗi gần như điên loạn. Đa số đều bị khủng hoảng tinh thần, mặc dù ai nấy đều biết rõ họ không phải là người quyết định gây nên tai họa. Tai họa đó có cần thiết phải xảy ra không?
Câu hỏi đó không chỉ ray rứt các nhân viên phi hành đoàn của hai chuyến bay định mệnh. Nó còn là câu hỏi ray rứt nhiều người; đã gây nên những cuộc tranh luận rộng lớn. Người ta đã tính toán hơn thiệt về những thiệt hại nhân mạng, tài sản... mà đôi bên sẽ phải gánh chịu để kết thúc cuộc chiến Thái Bình Dương nếu hai quả bom không được đem ra sử dụng.
Những cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ. Phe nào cũng có những biện minh, không ai chịu ai.
Nhưng có một điều rất rõ ràng: nỗi ám ảnh trong tâm tư của nhiều người trước tai họa này là có thật.
***
Hàng chục triệu người đã chết đi thời Stalin lãnh đạo Liên Bang Xô Viết. Có ai bị ám ảnh về việc đó không? Câu trả lời là: Có!
Hàng chục triệu người Trung Quốc đã chết trong cuộc “Cách mạng đại nhảy vọt” (Great leaf forward) và cuộc “Cách mạng văn hóa vô sản”. Có ai bị ám ảnh về việc đó không? Câu trả lời là: Có!
Người ta đã nhắc, đang nhắc đến các chuyện ấy. Có nên tha thứ cho những người đã gây ra các chuyện ấy hay không?
Cuộc “Cải Cách Ruộng Đất” trong thập niên 50 ở miền Bắc Việt Nam, mà thực chất chỉ là một cuộc tiêu diệt tàn bạo một thành phần dân tộc đã làm bao nhiêu người chết, bao nhiêu gia đình ly tán, bao nhiêu người sống sót vật vờ!
Những người Cộng Sản Việt Nam, tác giả của những chuyện đó ngoài chuyện “sửa sai” ngay sau đó vì phản ứng bất lợi của quần chúng; trong tâm tư họ có những nỗi ám ảnh nào không?
Sau bao nhiêu năm, chúng ta chỉ nghe phía nạn nhân lên tiếng, đã nghe những người ngoài cuộc lên tiếng. Nhưng chúng ta chưa nghe những tác giả của cuộc chém giết này lên tiếng.
Hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức, cán bộ, thành phần đảng phái của Miền Nam đã phải nhận những tháng năm tù đày phi lý, vô nhân đạo sau tháng 4 năm 1975. Ai chịu trách nhiệm về chuyện này?
Câu trả lời sẽ là: Cộng Sản Việt Nam! Đúng, nhưng cụ thể hơn nữa: những ai đã quyết định những việc này? Ai đề ra chính sách đó?
Nếu chúng ta là Stalin, Mao Trạch Đông hoặc Hồ Chí Minh đến trước Đức Phật và chúng ta hỏi Ngài:
- Thưa Đức Phật, với bao nhiêu tội ác mà Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh... đã gây ra, Ngài có sẵn lòng tha thứ cho họ hay không?
Chúng ta sẽ rất dễ dàng thống nhất với nhau câu trả lời của Đức Phật: Nên tha thứ ! (1)
Nhưng đó có thể không phải là câu trả lời của tất cả những người Việt Nam, mặc dù rất nhiều người Việt Nam là Phật.
Chúng ta không rõ là đến giờ này, trong số những nhân viên của hai phi hành đoàn của hai chuyến bay tử thần tháng 8 năm 1945 có ai còn sống sót hay không. Nhưng chúng ta biết chắc chắn một điều là sẽ không có bao nhiêu người trong số những nạn nhân Hiroshima và Nagasaki còn căm thù và oán trách họ. Người ta biết họ chỉ là những kẻ thừa hành.
Những ai đã phải trải qua lao tù Cộng sản, có thể đến giờ này sẽ tha thứ cho những vệ binh, quản giáo trong các “Trại Cải Tạo”. Họ chỉ là những kẻ thừa hành. Nhưng còn những tay chóp bu đã nghĩ ra “Chính sách Cải Tạo”, và trên nữa “Chủ nghĩa Cộng sản”, liệu chúng ta có đủ lòng từ bi để tha thứ hoàn toàn? Liệu trong tâm tư những tay Cộng sản chóp bu của Hà Nội có nỗi ám ảnh nào không về những tội ác mà họ trực tiếp gây ra bao nhiêu năm nay cho đất nước? Và sẽ có bao nhiêu con người trong chúng ta sẽ rộng lòng như Đức Phật ?!
2- ĐẾN THIÊN TAI FUKUSHIMA:


Một số nhà khoa học cho biết Fukushima còn tồi tệ hơn vụ tai nạn Chernobyl năm 1986, với mức xếp hạng tối đa là cấp 7 trên thang trượt của các thảm họa hạt nhân. (AP)
Sau 66 năm bị trừng phạt bằng 2 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki vì đã cùng 2 nước Đức và Ý gây ra cuộc Đệ nhị Thế chiến, nước Nhật vẫn hiên ngang đứng lên và bước tới. Và đã trở thành một trong những cường quốc về kinh tế.
Tháng 3 năm 2011, nước Nhật bị một trận thiên tai khủng khiếp, vừa động đất vừa sóng thần (tsunami) lại thêm hiểm họa phóng xạ từ các nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi. Số tử vong lên tới vài chục ngàn người, hàng trăm ngàn người trở thành vô gia cư... Nhưng, từ trong đau thương hoạn nạn người ta thấy dân trí và nhân cách của người dân Nhật sừng sững vươn lên. Xin mời độc giả đọc câu chuyện cảm động sau đây do ông Hà Minh Thành, một người Nhật gốc Việt hiện làm cảnh sát ở Nhật, kể lại như sau:


“Hiện tôi đang được tăng cường công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima. Chỗ tôi làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khoảng 25 km. Gọi là lên đây hỗ trợ giữ an ninh chứ mấy ngày nay chỉ đi nhặt xác người mà thôi. Dân địa phương họ tự thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp, ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm. Người chết nhiều quá, tụi tui chỉ lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao cho người đem thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát tăng phái còn khóc nhưng bây giờ không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa.
Hôm qua không còn chỗ mà để thiêu nữa đó anh. Khủng khiếp. Ký giả của Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin. Khi đi ngang qua 1 ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất, chắc cũng vài chục triệu yên, nhưng mà không ai thèm nhặt, đã phải thốt lên: “50 năm nữa, kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, những vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ”.
Người Trung Quốc 50 năm nữa không bằng họ, còn người Việt mình bao nhiêu năm nữa mới có dân trí như vậy? Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn, nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất, đã khiến một người lớn như tôi từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn về bài học làm người.
Câu chuyện là tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến 1 đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người nó chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn, nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em nó chắc cũng chạy không kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”. Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi tại sao con không ăn mà đem bỏ vào đó. Nó trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.
Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy 1 thằng có ăn có học từng có bằng Tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
Lên đây rồi bây giờ tôi mới thấy thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi đó là “Nhân sinh nhất mộng, bất luận kiến tâm. Tâm vô sở cầu thị Phật”. Cái hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó 1 lời cám ơn. Còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư không so đo dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình. Những công án thiền của Bích Nham Lục, Vô môn quan hoàn toàn vô nghĩa so với hành động của một đứa bé 9 tuổi...”

(Hết trích).
***
Sau “nhân họa” bởi hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, nước Nhật đã đứng lên và bước tới. Họ đã dám “say no” với Hoa Kỳ. Và đã trở thành một trong những cường quốc về kinh tế.
Thiên tai mới đây lại gây cảnh điêu tàn cho nước Nhật. Nhưng, tôi, cũng tin như ông Hà Minh Thành đã tin – nước Nhật là “một dân tộc vĩ đại chắc chắn sẽ sớm hồi sinh vì đã có những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi thiếu niên”.
Với trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như thế, tôi tin rằng có rất nhiều người tin rằng, rồi ra nước Nhật sẽ sớm hồi sinh từ điêu tàn gây ra bởi trận thiên tai khủng khiếp vừa mới xảy ra.
Cũng như cách đây 70 năm, nước Nhật và dân tộc Nhật đã đứng lên và ngẩng cao đầu bước tới, sau thảm họa kinh hoàng gây ra bởi 2 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki.
Xin chia buồn và cầu nguyện cho FUKUSHIMA Daiichi!
San Jose 3 - 2015
--------
Ý kiến độc giả :

(1) Đức Phật làm sao có thể tha thứ cho tội lỗi của kẻ ác đã sát hại người thân của gia đình người khác ? Ngài chỉ có thể tha thứ cho ai đó giết hại cha mẹ vợ con của Ngài, nhưng Ngài sẽ không dám xâm phạm lên tình cảm và quyền phán xét của các nạn nhân. Ngài chỉ có thể tha thứ cho kẻ tội phạn nếu ngài là ông thần Diêm Vương có trọng trách phán xét và trừng phạt kẻ ác.
Ngài biết rõ quyền hạn của Ngài nên đã dạy chúng sinh rằng "Hãy tự cứu lấy mình" vì tội của ai thì kẻ đó phải tự lập công chuộc tội chứ chẳng có ai khác tha tội cho họ được . 
Kim Hoa BB
 
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209