Trung Quốc đang trỗi dậy hay sắp suy tàn?

Trung Quốc đang trỗi dậy hay sắp suy tàn?
Tranh Không Lời - Biếm Họa BaBui
Nguyễn Quang Dy
Có lẽ đây là một câu hỏi cần thiết mà giới nghiên cứu và hoạch định chính sách đặt ra để giải đáp, vì cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung vẫn là yếu tố quan trọng nhất tác động tới quan hệ quốc tế và trật tự thế giới trong những thập kỷ tới của thế kỷ 21. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khó giải đáp nhưng lại dễ gây tranh cãi, vì trong một thế giới “hậu sự thật”, có nhiều tin vịt và quan niệm trái chiều, người ta rất dễ nhầm lẫn và khó nhất trí.
Dấu hiệu xuống dốc
Lâu nay, dường như mọi người đã quá quen với cụm từ “Trung Quốc đang trỗi dậy”, nên chắc khó quen với khái niệm “Trung Quốc sắp suy tàn”. Nhưng sự trỗi dậy hay suy tàn của các quốc gia là một quy luật khó tránh, nhất là đối với các nước lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, mà một số tác giả đã đề cập (The Rise and Fall of Great Powers, Paul Kennedy, Random House, 1987; The Rise and Fall of Nations, Ruchir Sharma, Norton, 2016).
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về sự suy giảm và tụt hậu của Mỹ, trong khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, đã vượt Nhật Bản về kinh tế (năm 2010), và đang cạnh tranh để vượt Mỹ vào năm 2049. Đó không chỉ là những cảnh báo nhằm vận động tăng ngân sách, mà còn là lo ngại thực sự rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ cả về kinh tế lẫn quốc phòng. Mối lo ngại đó càng tăng lên dưới thời Donald Trump, với vụ bạo động 6/1 làm người Mỹ bị sốc.
Trong nhiều thập kỷ (thập niên), Washington đã theo đuổi chính sách “tiếp cận xây dựng” (constructive engagement) một cách quá đà, giúp Trung Quốc trỗi dậy như quái vật Frankenstein (lời cố tổng thống Nixon). Người Mỹ đã ảo tưởng cho rằng nếu Trung Quốc phát triển và giàu có, sẽ trở nên “giống chúng ta”. Nhưng họ đã lầm. Đến thời Trump thì Mỹ mới tỉnh ngộ và điều chỉnh chiến lược, coi Trung Quốc là đối thủ. Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đua đường trường (The Hundred-Year Marathon, Michael Pillsbury, Mcmilan 2015).
Trong khi những cảnh báo về sự suy giảm về kinh tế và nền dân chủ làm cho người Mỹ lo ngại thì làm cho người Trung Quốc phấn khích và tin tưởng rằng cơ hội đã đến để họ từng bước lấn át và vượt Mỹ trong trật tự thế giới mới. Đó là sự cạnh tranh giữa hai siêu cường và hai hệ thống đối nghịch. Gần đây, cuộc chiến tranh Ukraine đã làm cho Nga có dấu hiệu sớm suy tàn, trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc có dấu hiệu đang xuống dốc.
Cách đây hơn hai thập kỷ (thập niên), Gordon Chang đã dự báo “Trung Quốc sắp sụp đổ” (The Coming Collapse of China, Gordon Chang, Random House, 2001). Đó là một cảnh báo rất sớm nhưng không chính xác vì sau 10 năm, thậm chí 20 năm, Trung Quốc vẫn chưa sụp đổ. Các học giả khác như Paul Krugman cảnh báo “kinh tế Trung Quốc đã chững lại” (China’s economy has hit its Great Wall, Paul Krugman, New York Times, July 20, 2013), trong khi David Shambaugh cảnh báo Trung Quốc bắt đầu “hồi kết” (endgame) và “sắp đổ vỡ”. (The Coming Chinese Crackup, David Shambaugh, Wall Street Journal, March 6, 2015).
Về kinh tế, vấn đề là liệu Tập Cận Bình có thể điều chỉnh chính sách để khôi phục tăng trưởng nay đang bị giảm sút đáng kể hay không. Về đối ngoại, lập trường của Trung Quốc không chỉ dựa trên sự tính toán về rủi ro và cơ hội chiến lược mà còn dựa vào lòng tin rằng các thế lực thay đổi lịch sử đang thúc đẩy đất nước tiến lên. Theo Kevin Rudd, Trung Quốc không phải là Liên Xô, vì họ là cường quốc kinh tế đứng thứ hai trên thế giới. Tuy Tập không phải là Stalin, nhưng chắc chắn ông cũng không phải Michail Gorbachev. (The World According to Xi Jinping, Kevin Rudd, Foreign Affairs, November/ December 2022).
Hồi chuông báo tử
Theo Robert Kaplan, các đế chế hình thành từ hỗn loạn và cũng suy tàn trong hỗn loạn. Không có cường quốc nào tồn tại mãi mãi. Các chế độ chuyên chế, bên ngoài có vẻ yên bình, nhưng bên trong thường đang mục nát. Mỗi khi xem xét tính dễ bị tổn thương của Nga, Mỹ, và Trung Quốc, ba cường quốc này mong manh hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Nga và Mỹ đều đã từng khởi xướng các cuộc chiến tự hủy diệt: Nga ở Ukraine, còn Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Nếu Trung Quốc chinh phục Đài Loan cũng sẽ dẫn đến tự hủy diệt.
Ngày nay, cả ba cường quốc đó đang đối mặt với một tương lai bất định, không thể loại trừ sự sụp đổ hoặc tan rã ở một mức độ nào đó. Nga là nước có nguy cơ cao nhất vì gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Theo Kevin Rudd (cựu thủ tướng Úc, chủ tịch Asia Society, nay là đại sứ Úc tại Mỹ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo đuổi các chính sách cực đoan và hà khắc nên đã từng bước “bóp chết con ngỗng đẻ trứng vàng”. (The Downside of Imperial Collapse, Robert Kaplan, Foreign Affairs, November 4, 2022).
Kaplan nêu ra ba kịch bản: Một là Nga suy yếu nghiêm trọng vì cuộc chiến sai lầm ở Ukraine, trong khi Trung Quốc thấy quá khó để đạt được sức mạnh kinh tế và công nghệ bền vững. Hai là một thế giới lưỡng cực thực sự, trong đó Trung Quốc duy trì động lực kinh tế ngay cả khi trở nên chuyên chế hơn. Ba là sự suy yếu dần dần của cả ba cường quốc. Tương tự như cuộc chiến ở Ukraine, một cuộc xung đột hải quân, trên không gian mạng, hay đấu tên lửa ở Đài Loan, Biển Đông, hoặc Biển Hoa Đông, tuy dễ bắt đầu nhưng khó kết thúc.
Vậy mục tiêu chiến lược của Mỹ là gì nếu xung đột quân sự như vậy thực sự sẽ xảy ra: phải chăng là chấm dứt sự cai trị của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. Chiến tranh, như Washington đã học được bài học ở Afghanistan và Iraq, “là một chiếc hộp Pandora”. Các đế chế có thể đột ngột sụp đổ, và khi điều đó xảy ra thì hỗn loạn và bất ổn sẽ kéo theo sau. Nay có lẽ đã quá muộn để Nga có thể tránh được số phận này, trong khi Trung Quốc có thể tránh được điều đó nếu họ khôn ngoan điều chỉnh chiến lược kịp thời, nhưng rất khó khăn.
Năm 2022, Trung Quốc tăng trưởng có 3%, báo hiệu “hồi kết” của thời kỳ hoàng kim kéo dài 30 năm của kinh tế nước này. Việc tái cấu trúc tập đoàn khiến Jack Ma chỉ còn 6% quyền biểu quyết tại Ant Group, dù trước đó nắm giữ 50%. Có thể so sánh vụ này với “sự sụp đổ không đổ máu” của Lâu đài Edo ở Nhật năm 1868, kết thúc chế độ Mạc phủ Tokugawa, và mở ra thời kỳ Minh Trị, khi Edo được đổi tên thành Tokyo. (Jack Ma Downfall Spells the End of China’s Golden Age, Katsuji Nakazawa, Nikkei, January 19, 2023).
Nhưng dưới bàn tay sắt của Tập Cận Bình, kỷ nguyên của những ông chủ các đại công ty tư nhân có thể ngẩng cao đầu đã chấm dứt. Những gì xảy ra với Ant Group rõ ràng là sự chuyển hướng khỏi con đường mà Trung Quốc đã theo đuổi từ khi chính sách mở cửa và cải cách được bắt đầu vào cuối những năm 1970. Khi thi hài của Giang Trạch Dân được đưa đến Bắc Kinh từ Thượng Hải là trung tâm kinh tế của đất nước, một bài hát tiễn biệt đã được cất lên như “hồi chuông báo tử” cho kỷ nguyên tự do kinh tế ở Trung Quốc.
Đối với Mỹ, nếu Nga là vấn đề ngắn hạn và cấp bách, thì Trung Quốc là thách thức dài hạn và nghiêm trọng hơn nhiều. Trung Quốc thường lấy trộm và lạm dụng tài sản trí tuệ của người khác. Sức mạnh quân sự thông thường và hạt nhân của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể. Họ đã quân sự hóa Biển Đông, ép buộc các nước láng giềng về kinh tế, gây xung đột biên giới với Ấn Độ, đàn áp dân chủ ở Hong Kong, và tiếp tục gây sức ép với Đài Loan. (The Dangerous Decade, Richard Haass, Foreign Affairs, September/October 2022).
Sau vài thập kỷ (thập niên) phát triển mạnh, kinh tế Trung Quốc bắt đầu chậm lại, pha loãng tính chính danh của chế độ. Chưa biết Đảng CSTQ sẽ làm thế nào để khôi phục đà tăng trưởng mạnh về kinh tế, nhưng chính sách đối ngoại hung hăng của Trung Quốc đã làm mất lòng các nước khu vực. Chắc chắn Trung Quốc sẽ đối mặt với một thập kỷ chuyển giao lãnh đạo khó khăn. Cũng như Putin, Tập đã thâu tóm quyền lực vào tay mình, làm cho việc chuyển giao lãnh đạo trở nên phức tạp, có lẽ sẽ dẫn đến tình trạng tranh giành quyền lực.
Thách thức lớn nhất
Theo các chuyên gia về Trung Quốc, thách thức lớn nhất đối với Tập trong thời gian tới không phải là từ bên ngoài, dù đó là cạnh tranh và đối đầu với Mỹ và đồng minh phương Tây hay các “ý tưởng dân chủ độc hại” của họ mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh báo. Thật nghịch lý, thách thức lớn nhất là làm sao chấp nhận được thành quả của mấy thập kỷ xây dựng “xã hội khá giả”: đó là “tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới”. (The Power of China’s Blank Sheets of Paper, Melinda Liu, Foreign Policy, December 3, 2022).
Theo các chuyên gia như Michael Beckley, Jude Blanchette, Hal Brands, Robert Kaplan, Susan Shirk, Fareed Zakaria, các vấn đề tiềm ẩn của Trung Quốc ngày càng nhiều, làm đất nước suy yếu và dễ đổ vỡ. Trung Quốc không phải người khổng lồ đang trỗi dậy như người ta mô tả, mà “đang đứng chơi vơi bên bờ vực” (teetering on the edge of a cliff). (China’s Dangerous Decline, Jonathan Tepperman, Foreign Affairs, December 19, 2022).
Nhưng đó không phải là tin tốt lành mà là tin xấu cho Trung Quốc và cho thế giới. Một Trung Quốc yếu kém, trì trệ và đang suy sụp, còn nguy hiểm hơn một Trung Quốc đang trỗi dậy. Đối phó với một Trung Quốc đang suy tàn có thể còn khó hơn là với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Vì vậy, nếu muốn thành công và tránh được các hệ lụy của tình trạng đó, thì Washington phải mau chóng điều chỉnh chính sách và các ưu tiên của mình.
Thời Trung Quốc tăng trưởng trên 10% đã qua rồi, năm nay dự kiến chỉ tăng 5,5% hoặc một nửa (như các chuyên gia dự báo). Giá trị đồng Nhân dân tệ thấp nhất trong 14 năm. Lãi suất doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp, đầu tư bất động sản đều thấp, trong khi thất nghiệp tăng 20%. Khoảng 4,4 triệu doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa. Dân số Trung Quốc đang già nhanh, nợ quá nhiều và thiếu nguyên liệu. Trung Quốc đang chảy máu chất xám khi các ông chủ công nghệ, các tỷ phú và giới trung lưu có chuyên môn đổ xô xuất ngoại.
Đại hội Đảng lần thứ 20 là lớp son phấn che đậy cái bánh đầy độc tố. Tập Cận Bình đã lợi dụng Đại hội Đảng để hạ nhục Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo tiền nhiệm cuối cùng do Đặng Tiểu Bình chọn. Tập cũng thay Thủ tưởng Lý Khắc Cường và bổ nhiệm những người trung thành với mình (hầu hết có gốc an ninh) vào Bộ Chính trị và Ban thường vụ. Lễ đăng quang hoành tráng đã bộc lộ những sai lầm mới của vị “Hoàng đế Xấu xí” (Bad Emperor).
Sẽ khó có cách mạng ở Trung Quốc vì bộ máy đàn áp rất hiệu quả, nhưng dễ có bất đồng trong giới cầm quyền. Một khi Tập đã bỏ qua lời khuyên của Đặng là “Giấu mình chờ thời” thì ông sẽ lựa chọn đối đầu. Điều đó có nghĩa Trung Quốc sẽ tăng cường lấn chiếm lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đe dọa Đài Loan, bắt nạt các nước bằng “ngoại giao Chiến lang”, và gần đây nhất là ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.
Các vấn đề đó càng gia tăng sẽ làm Tập Cận Bình bất ngờ. Trong thể chế độc tài, các quan chức cấp dưới sẽ bị trừng phạt nếu báo tin xấu cho cấp trên. Theo Susan Shirk (cựu phó trợ lý ngoại trưởng), “Không ai dám nói với Tập về những mặt dở và cái giá phải trả cho các vấn đề mà chính sách của ông đã gây ra”. Matt Pottinger (cựu phó chủ tịch Hội đồng An Ninh Quốc gia), cũng khẳng định “Chúng tôi xác nhận rằng dưới thời Trump, những thông điệp mà chúng tôi chuyển qua đường ngoại giao đã không đến tay Tập Cận Bình”.
Sau lễ đăng quang
Tại Đại hội Đảng, vào phút chót Tập Cận Bình đã bất ngờ loại bỏ các lãnh đạo không cùng phe cánh như Thủ tướng Lý Khắc Cường, phó Thủ tướng Uông Dương (tuy cả hai chưa đến tuổi 68), và Hồ Xuân Hoa, một ngôi sao đang lên được Hồ Cẩm Đào ủng hộ. Sáu ủy viên thường vụ BCT nhiệm kỳ mới (gồm Lý Cường, Triệu Lạc Tế, Vương Hỗ Ninh, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường, Lý Hy) đều đã từng làm dưới trướng của Tập hoặc là đồng hương. (Xi Jinping and the Paradox of Power, Minxin PeiForeign Affairs, November 21, 2022).
Tuy vậy, thành công về nhân sự của Tập Cận Bình có thể dẫn đến một thời kỳ bất ổn về chính trị do tranh chấp giữa những người trung thành với ông. Quyền lực của Tập không bảo đảm thắng lợi của các chính sách nhằm đạt được các mục tiêu liên quan đến đòi hỏi của dân chúng và cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Tuy Tập đã thâu tóm được quyền lực tối đa, nhưng ông vẫn cảm thấy bất an. Quyền lực đó có giới hạn trong việc phục hồi tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tự lực về công nghệ, và giải quyết những vấn đề bất cập về dân số.
Những thành công của Tập Cận Bình trong ngắn hạn có thể làm tổn hại cho ông và cho Đảng trong dài hạn. Một số yếu tố có thể làm cho việc Tập không chọn được người kế nhiệm trở nên rủi ro hơn. Việc thiếu lòng tin cá nhân trong số những người trung thành với ông có thể dẫn đến bất hòa và tranh chấp quyền lực. Xung đột lợi ích giữa các phe phái sẽ buộc Tập Cận Bình phải chọn phe, và điều này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Quyền lực của Tập Cận Bình còn sinh ra các vấn đề khác. Giống như các nhà độc tài, ông sẽ sớm nếm mùi “nghịch lý quyền lực” (paradox of power). Một biểu hiện của nghịch lý này là càng có nhiều quyền lực thì càng cảm thấy bất an. Trong chế độ chuyên chế, nhà độc tài giành quyền lực bằng cách tiêu diệt đối thủ, nên tất yếu sẽ tạo ra thêm kẻ thù. Các nhà độc tài không được hiến pháp bảo vệ. Họ để mất quyền lực vì gặp đối thủ mạnh hơn trong “trò chơi vương quyền”, chứ không thông qua các trình tự chính trị thông thường.
Vì vậy, quyền lực của Tập Cận Bình luôn giới hạn. Trong một nền chuyên chế, quyền lực đó thường ít khi vượt quá giới hạn của nhóm lãnh đạo hàng đầu. Quyền lực đó không giúp ích khi thực thi các chính sách đại đồng mà ông mong muốn, như “thịnh vượng chung” (common prosperity), tự lực về công nghệ (technological self-sufficiency) an ninh hơn về kinh tế (greater economic security), và tăng trưởng bền vững (sustained growth).
Theo Minxin Pei, nếu các rào cản của hiến pháp mất tác dụng thì nền dân chủ có thể dựa vào tự do báo chí, xã hội dân sự và đảng đối lập để đối phó với độc tài. Nhưng trong chế độ chuyên chế thì luật lệ quá yếu vì không có cơ chế đảm bảo thực thi hiến pháp nên các nhà độc tài dễ dàng thao túng thể chế, biến chúng thành bù nhìn. Hình nộm thể chế mà Đặng Tiểu Bình dựng lên vào thập niên 1980 là “ngôi nhà bằng giấy”. Nay Tập Cận Bình chỉ cần thổi một cái là nó sẽ sụp đổ. (Xi’s house of cards, Minxin Pei, ASPI, 11 October 2022).
Nhưng cũng cần hiểu rằng độc tôn về chính trị (political supremacy) có thể là lời nguyền được ẩn trong cái vỏ đặc ân (a curse disguised as blessing). Nó không giúp ích Tập lãnh đạo đảng và nhà nước trong thời kỳ trớ trêu này, mà quyền lực vô đối có thể dẫn đến huynh đệ tương tàn (internecine strife) và cản trở việc quản trị có hiệu quả. Vì vậy, thành công quyết định tại Đại hội Đảng 20 không đảm bảo cho thắng lợi trong tương lai.
Đánh giá lại Trung Quốc
Gần đây, sự thất bại trong chính sách Zero-Covid của Tập Cận Bình dẫn đến việc đánh giá lại sức mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiều người kỳ vọng GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2030, nhưng Trung Quốc dường như đã vươn lên đến tột đỉnh. Theo Joe Nye, đánh giá quá cao cũng như đánh giá quá thấp sức mạnh của Trung Quốc đều nguy hiểm như nhau. Đánh giá quá thấp tạo ra sự tự mãn, còn đánh giá quá cao sẽ làm người ta lo sợ. Vì vậy, phải rất cẩn trọng. (Peak China? Joseph Nye, Project Syndicate, January 7, 2023).
Ngay cả khi Trung Quốc vượt Mỹ về kinh tế, thì GDP cũng không phải là thước đo duy nhất của sức mạnh địa chính trị. Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ về quân sự và quyền lực mềm. Tuy Trung Quốc cố gắng tỏ ra hấp dẫn bằng “charm offensive”, nhưng họ không thể loại Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương. Liên minh Mỹ-Nhật ngày nay mạnh hơn so với thời kết thúc Chiến tranh Lạnh. Sẽ là một sai lầm nếu lãnh đạo Trung Quốc cho rằng một cuộc xung đột hải quân tại eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông sẽ giới hạn trong khu vực đó.
Đến nay, Mỹ vẫn có ít nhất năm lợi thế trong dài hạn. Một là về địa lý. Hai là về năng lượng. Ba là về tài chính. Bốn là về dân số. Năm là về công nghệ cao (sinh học, nano và thông tin). Đó là trọng tâm tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ này. Tất cả các yếu tố đó chứng tỏ Mỹ đang trong thế mạnh hơn. Nhưng nếu Mỹ không đối phó được với sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc tự mãn vì mình đã “đạt đến tột đỉnh” thì Mỹ cũng là bên chơi cờ kém.
Theo ông Lý Quang Diệu, Trung Quốc khó có thể vượt được Mỹ về “quyền lực toàn diện”, bởi Mỹ có thể thu hút và kết nối nhân tài của thế giới một cách đơn giản mà người Trung Quốc khó lòng làm được. Hiện nay, một vấn đề quan trọng cần theo dõi sẽ là tình trạng nhập cư. Người Mỹ có lý do để lạc quan về vị thế của họ hiện nay trên thế giới, nhưng nếu Mỹ từ bỏ các liên minh bên ngoài và sự cởi mở bên trong, thì cán cân có thể thay đổi.
Tuy người dân Trung Quốc bất bình về chính sách zero-Covid hà khắc, nhưng rõ ràng Bắc Kinh không biết biểu tình sẽ nổ ra, và thiếu chỉ đạo thống nhất, nên các địa phương phản ứng khác nhau. Chính quyền vẫn từ chối sử dụng vaccines của phương Tây có hiệu quả hơn. Có lẽ lãnh đạo Trung Quốc cho rằng họ có thể dựa vào lực lượng an ninh để trấn áp người biểu tình. (China’s zero-Covid mess, Minxin Pei, ASPI, December 8, 2022).
Vì vậy, Tập Cận Bình phải hành động nhanh để tránh hệ quả khó lường, ít nhất là bằng cách ra lệnh cho nhập ngay vaccine mRNA. Động thái đó không chỉ chứng tỏ bản lĩnh về chính trị mà còn là cách quản trị rủi ro hiệu quả, góp phần quan trọng để sửa chữa những sai lầm làm tổn thương hình ảnh và uy tín của Tập Cận Bình, trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống zero-Covid vào tháng trước làm rung chuyển chính quyền Bắc Kinh.
Nhiều học giả như Rush Doshi và Elizabeth Economy đã lập luận rằng Bắc Kinh có một chiến lược nhằm chia rẽ Mỹ với các đồng minh ở vùng Ấn độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm xói mòn khối đồng minh của Mỹ lại thiếu nhất quán và thiếu nghiêm túc, nên đã làm tăng cường chứ không làm suy yếu các đối tác của Mỹ ở khu vực. Nó đã tạo ra một liên minh mới do Mỹ cầm đầu để ngăn chặn Bắc Kinh. (China’s Indo-Pacific Folly, Andrew Taffer & David Wallsh, Foreign Affairs, January 31, 2023).
Đối sách của Mỹ
Theo các chuyên gia Mỹ, lúc này phải kiềm chế tham vọng của Tập Cận Bình bằng răn đe quân sự có phối hợp và kiểm soát chặt chẽ sự tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ, vốn và dữ liệu do Mỹ và đồng minh kiểm soát, chứ không đợi đến khi họ đã tiến hành bước cuối cùng như đánh chiếm Đài Loan, dẫn đến xung đột nước lớn. Cuộc chiến tại Ukraine luôn nhắc nhở chúng ta là răn đe tốt hơn so với “phục hồi”. (Xi Jinping in His Own Words, Matt Pottinger, Matthew Johnson, David Feith, Foreign Affairs, November 30, 2022).
Ngoại trưởng Anthony Blinken đã tóm tắt chính sách của Mỹ là: “Chúng ta không thể dựa vào Bắc Kinh để thay đổi kế hoạch của họ. Chúng ta sẽ thiết lập một môi trường chiến lược xung quanh Bắc Kinh để triển khai tầm nhìn về một hệ thống quốc tế cởi mở và hội nhập”. Theo Matt Pottinger, đây không hẳn là “kiềm chế” (Containment) mà là “hạn chế” (Constrainment). Không giống như kiềm chế, chính sách “hạn chế” tính đến thực tế hiện nay về sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế và tìm cách điều chỉnh để nó có lợi cho Washington.
Chính sách “hạn chế” phải làm thui chột lòng tin của Bắc Kinh là họ có thể đạt được các mục tiêu qua chiến chiến tranh và làm cho họ hết lạc quan rằng có thể từng bước xây dựng lợi thế kinh tế để áp đặt cho Mỹ và các đồng minh khác. Vì vậy, chính sách “hạn chế” là cách tốt nhất để ngăn chặn ý đồ của nhà độc tài Tập Cận Bình trong thập niên thứ hai mà ông ta cầm quyền với ý đồ gây sóng gió để thử thách Mỹ (stormy seas of a major test).
Gần đây, Mỹ đã hoãn chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Anthony Blinken, vì phát hiện khinh khí cầu của Trung Quốc bay vào Mỹ để do thám và bị bắn rơi. Vụ “khủng hoảng khinh khí cầu” đã làm tiêu tan hy vọng nối lại đối thoại Mỹ-Trung, sau những căng thẳng vừa qua do Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan. Quan hệ Mỹ-Trung vẫn căng thẳng, dù tân chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy có đi thăm Đài Loan hay không.
Vụ khinh khí cầu phản ánh mâu thuẫn Mỹ-Trung ngày càng tăng, làm cản trở những nỗ lực để tăng cường hiểu biết và góp phần thúc đẩy cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới. Vụ này chủ yếu do Trung Quốc, đã mau chóng leo thang thành khủng hoảng ngoại giao và có thể xung đột quân sự. Lo ngại thái quá và chính trị nội bộ của phía Mỹ, và sự quan liêu, thiếu minh bạch và mánh khóe ngoại giao của phí Trung Quốc là những thực tế đáng lo ngại.
Có thể đạt được điều đó bằng “đồng cảm chiến lược” (strategic empathy) từ hai phía, nhưng vụ khinh khí cầu đã nhanh chóng leo thang và đặt ra các câu hỏi nghiêm túc rằng liệu hai bên có thể hiểu nhau và nhìn nhận quan điểm của nhau không, và liệu chính trị nội bộ của họ có cho phép họ đủ điều kiện để làm điều đó hay không. (Chinese Spy Balloon Pops Prospects for US-China Rapprochement, Paul Heer, National Interest, February 13, 2023).
_____
Tham khảo:
1. The Rise and Fall of Great Powers, Paul Kennedy, Random House, 1987
2. China’s economy has hit its Great Wall, Paul Krugman, New York Times, July 20, 2013
3. The Coming Chinese Crackup, David Shambaugh, Wall Street Journal, March 6, 2015
4. The Hundred-Year Marathon, Michael Pillsbury, Mcmilan, 2015
5. The Rise and Fall of Nations, Ruchir Sharma, Norton, 2016
6. Xi’s house of cards, Minxin Pei, ASPI, 11 October 2022
7. The Dangerous Decade, Richard Haass, Foreign Affairs, September/October 2022
8. The Weakness of Xi Jinping, Cai Xia, Foreign Affairs, September/October 2022
9. The Downside of Imperial Collapse, Robert Kaplan, Foreign Affairs, November 4, 2022
10. Xi Jinping and the Paradox of Power, Minxin Pei, Foreign Affairs, November 21, 2022
11. Xi Jinping in His Own Words, Matt Pottinger, Matthew Johnson, David Feith, Foreign Affairs, November 30, 2022
12. The Power of China’s Blank Sheets of Paper, Melinda Liu, Foreign Policy, December 3, 2022
13. China’s zero-Covid mess, Minxin Pei, ASPI, 8 December 2022
14. China’s Dangerous Decline, Jonathan Tepperman, Foreign Affairs, December 19, 2022
15. The World According to Xi Jinping, Kevin Rudd, Foreign Affairs, November/December 2022
16. Peak China? Joseph Nye, Project Syndicate, January 7, 2023
17. Jack Ma Downfall Spells the End of China’s Golden Age, Katsuji Nakazawa, Nikkei Asia, January 19, 2023
18. China’s Indo-Pacific Folly, Andrew Taffer & David Wallsh, Foreign Affairs, January 31, 2023
19. Chinese Spy Balloon Pops Prospects for US-China Rapprochement, Paul Heer, National Interest, February 13, 2023
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209