QH VN bầu tân Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng đã được Đảng chọn?

QH VN bầu tân Chủ tịch nước với
ông Võ Văn Thưởng đã được Đảng chọn?

Bùi Thư

Quốc hội (cs) Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường trong tuần này, để bổ nhiệm chức vị chủ tịch nước trong bối cảnh chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng "đỏ lửa", theo Reuters.
Đây được cho là cuộc họp mà các quan chức và nhà ngoại giao mong đợi và có nhiều đồn đoán rằng, ông Võ Văn Thưởng - 52 tuổi - hiện là thành viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị sẽ tiếp nhận vị trí mang tính nghi thức này.
Việc bổ nhiệm chức vụ chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng hay còn gọi là "đốt lò" ngày một mở rộng. Theo đó, hàng trăm quan chức bị ví như "củi" bỏ vào lò để điều tra, hàng loạt nhà chính trị hàng đầu bị miễn nhiệm, trong đó có hai phó thủ tướng.
Hãng tin Reuters nhận xét, ông Thưởng được coi là người thân tín với nhân vật quyền lực nhất Việt Nam - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm người đốt lò vĩ đại.
Chủ tịch nước ở Việt Nam là một trong tứ trụ của Việt Nam, bên cạnh vị trí tổng bí thư đảng cộng sản, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.
Phiên họp thường kỳ tiếp theo của quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng Năm.
Tuy nhiên, một quan chức Việt Nam cho biết, cuộc họp của quốc hội sẽ tuân theo quyết định của Đảng, dự kiến vào khoảng đầu tuần này, nhằm bầu ra tân chủ tịch nước, theo Reuters.
Ai quyết định vị trí tân chủ tịch nước?
Ở Việt Nam, người dân không được phép bầu trực tiếp nguyên thủ quốc gia của mình.
Điều 87 Hiến pháp quy định: “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội."
Tuy nhiên, đặc thù chính trị ở Việt Nam thì quyền lực nằm trọn trong tay Đảng Cộng sản, hiện có trên 5 triệu thành viên.
Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, ông Trần Quốc Thuận từng nói với BBC về quyền lực tuyệt đối của Đảng Cộng sản:
"Việc một đại biểu được ngồi ghế đó hay không, được bước chân vào Hội trường Ba Đình hay không, cũng là do Đảng quyết."
Như vậy, có thể hiểu, chiếc ghế tân Chủ tịch nước cũng chịu sự chi phối mạnh mẽ của Đảng Cộng sản, cụ thể là Bộ Chính trị.
Về vấn đề này, ngày 27/2, Giáo sư, nhà nghiên cứu Chính trị Việt Nam Carl Thayer phân tích với BBC:
"Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có thể được mô tả bằng thành ngữ Latinh 'primus inter pares’ nghĩa là 'Người đứng đầu đồng cấp'. Tổng Bí thư không thể áp đặt ý chí của mình lên Bộ Chính trị mà phải dẫn dắt và lôi kéo sự ủng hộ của đa số thành viên trong Bộ này.
"Trong trường hợp chọn một người để thay thế ông Phúc lên làm Chủ tịch nước, khả năng cao là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ vận động các thành viên của Bộ Chính trị trước khi đưa ra đề cử của mình. Các cuộc họp của Bộ Chính trị được giữ bí mật nên chúng ta không biết gì về quy trình đang diễn ra," ông Carl Thayer nhận định.
Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, "sân khấu trung tâm chính của việc đưa ra quyết định là Ban chấp hành Trung ương Đảng, cơ quan vốn phải phê duyệt thông qua các đề xuất của Bộ Chính trị."
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970
Giáo sư Carl Thayer lấy ví dụ hồi tháng 11/2020, Ban Chấp hành Trung ương sắp mãn nhiệm không ủng hộ sự đề cử của Tổng Bí thư đối với người kế nhiệm ông ta, là Trần Quốc Vượng. Ông Vượng sau đó đã bị gạt ra lề.
Theo đúng quy trình, Quốc hội cần phải chính thức bầu chủ tịch nước kế tiếp.
Tuy nhiên, nhà quan sát chính trị lâu năm Carl Thayer cũng cho rằng, đó là một kết quả hầu như đã có thể dự đoán trước vì Quốc hội được coi là cây cảnh, chỉ mang tính hình thức.
Thế nhưng, quan sát tỷ lệ phiếu bầu cũng cho chúng ta thấy mức độ tín nhiệm của ứng cử viên đó.
"Nhưng cần nhắc lại rằng ít nhất hai lần gần đây trong lịch sử, Quốc hội đã bác các đề cử do Bộ Chính trị phê chuẩn – trường hợp của ông Cao Sỹ Kiêm được đề cử làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và Lê Minh Hương làm Bộ trưởng Bộ Công an," ông Carl Thayer chỉ ra sự khác biệt.
Tuy nhiên, chức vụ chủ tịch nước này chỉ đảm nhiệm cương vị cho tới hết nhiệm kỳ, tức là tới tháng 5/2026.
Bước đệm cho vị trí Tổng Bí thư?
Sinh vào tháng 12/1970, ông Thưởng sẽ 56 tuổi vào thời điểm mà Đại hội Đảng 14 diễn ra vào đầu năm 2026. Nói cách khác, ông ta có một thập niên trước mắt để phát triển con đường quan lộ của mình.
Và trong Bộ Chính trị, chỉ có năm trong số 16 người vẫn dưới 65 tuổi tại Đại hội đảng tiếp theo.
Cho tới nay, trên truyền thông xã hội lẫn báo chí, ông Thưởng cũng không dính dáng gì tới án tham nhũng, với tư cách là đảng viên cộng sản. Ông Thường tham gia từ Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, rồi trở thành Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản TPHCM.
Ông cũng được coi là người cả đời đã làm công việc xây dựng Đảng, có nét giống với Giáo sư Chuyên ngành xây dựng Đảng - Nguyễn Phú Trọng.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng, rất có thể ông Thưởng được chọn làm chủ tịch nước mới để tích lũy kinh nghiệm về quan hệ quốc tế và phục vụ đủ thâm niên để các đồng chí trong đảng đánh giá ông là một lựa chọn khả dĩ cho chức vụ Tổng bí thư.
Ông Thayer cũng nhắc rằng ông Thưởng có xuất thân rất độc đáo:
"Dù ông ấy sinh ra ở tỉnh Hải Dương ở phía Bắc, nhưng có cha mẹ là người Nam tập kết ra miền Bắc sau Hiệp định Geneva 1954. Phần lớn thời gian sự nghiệp của ông Thưởng diễn ra ở TP HCM nhưng ông cũng có thời gian làm Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ngãi từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2014."
Xưa nay bao giờ Tổng Bí thư cũng phải là người ngoài Bắc, ông Thưởng được coi là trường hợp dung hòa giữa hai miền và nếu ông trở thành Tổng Bí thư trong tương lai và đây sẽ là một bước ngoặt trong chính trị Việt Nam.
Trung Quốc muốn ngăn mầm mống 'bài Trung'
Khi được hỏi về sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc bầu chọn các vị trí chủ chốt ở Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, Trung Quốc rõ ràng có thông điệp cho giới lãnh đạo cao nhất của Việt Nam về quan điểm của họ trong việc lựa chọn bộ máy lãnh đạo ở Việt Nam.
"Họ làm điều này thông qua hình thức trao đổi riêng của những nhà ngoại giao cấp cao tại Hà Nội và tại Bắc Kinh đối với người đồng cấp của họ.
"Sự can thiệp này nhằm vào những cá nhân bị coi là dung chứa quan điểm chống Trung Quốc, với hy vọng ngăn chặn họ trỗi dậy trong hệ thống chính trị của Việt Nam," ông Carl Thayer nhìn nhận.
Về ứng cử viên Võ Văn Thưởng, khi tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc hồi tháng 11/2022, nhiều nhà quan sát cho rằng ông Thưởng không được Trung Quốc coi trọng vì không gặp mặt trực tiếp người đồng cấp Thái Kỳ mà phải hội đàm trực tuyến.
Tuy nhiên, ông Carl Thayer lại cho rằng, nhiều khả năng là do sự cực kỳ nhạy cảm của Trung Quốc đối với COVID-19.
"Một nhà ngoại giao phương Tây am tường về chuyện này đã gửi email cho tôi sau chuyến thăm để đưa ra đánh giá của ông rằng, ông Võ Văn Thưởng là thành viên duy nhất của phái đoàn Việt Nam, bên cạnh Tổng Bí thư Trọng, được báo chí Trung Quốc đề cập nổi bật," ông Carl Thayer nói với BBC.
Bùi Thư 
Nguồn BBC
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180