Mỹ bắn hạ khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc
Mỹ bắn hạ khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc
Khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc dạt ra biển sau khi bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, South Carolina, Mỹ, ngày 04/02/2023. |
Máy bay chiến đấu quân đội Mỹ đã bắn hạ một khí cầu tình nghi là khí cầu do thám của Trung Quốc khi nó dạt ra tới ngoài khơi bờ biển của bang South Carolina vào ngày thứ Bảy, khép lại những diễn biến kịch tính vốn đã thu hút sự chú ý về mối quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Chúng tôi đã hạ nó thành công và tôi muốn khen ngợi các phi công của chúng ta đã làm điều đó,” Tổng thống Joe Biden nói.
Ông Biden cho biết ông đã ra lệnh bắn hạ khí cầu này vào ngày thứ Tư, nhưng Lầu Năm Góc khuyến nghị đợi cho đến khi việc này có thể thực hiện được ngoài biển rộng.
Vài máy bay chiến đấu và máy bay tiếp liệu đã tham gia vào nhiệm vụ này, nhưng chỉ một chiếc - máy bay chiến đấu F-22 - khai hỏa, bắn một tên lửa AIM-9X duy nhất, một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ cho biết. Khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ khoảng sáu hải lý, quan chức này nói.
Vụ bắn hạ xảy ra ngay sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh dừng các chuyến bay đến và đi từ ba sân bay ở South Carolina - Wilmington, Myrtle Beach và Charleston - do điều mà họ nói vào thời điểm đó là một “nỗ lực an ninh quốc gia” không được tiết lộ. Các chuyến bay đã tái tục vào chiều ngày thứ Bảy.
Khí cầu lần đầu tiên đi vào vùng nhận dạng của Mỹ vào ngày 28 tháng 1, vào không phận Canada ba ngày sau đó và sau đó quay trở lại không phận Mỹ vào ngày 31 tháng 1, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Các quan chức Mỹ trước đó đã tiết lộ cho công chúng biết sự hiện diện của khí cầu bên trên nước Mỹ vào ngày thứ Năm.
Washington gọi đây là “sự vi phạm rõ ràng” chủ quyền của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin loan báo vụ bắn hạ trước tiên, nói rằng khí cầu đang được Trung Quốc sử dụng “trong nỗ lực do thám các địa điểm chiến lược ở lục địa của Mỹ.”
Một nhiếp ảnh gia của Reuters chứng kiến vụ bắn hạ cho biết một luồng hơi trắng phát ra từ một chiếc máy bay phản lực, va vào khí cầu nhưng không có vụ nổ nào. Sau đó nó bắt đầu rơi xuống, nhiếp ảnh gia cho biết.
Quân đội Mỹ không ngay lập tức thu hồi những thứ mà khí cầu chở theo, các quan chức Mỹ cho biết.
Một nhiếp ảnh gia của Reuters ở khu vực Myrtle Beach có thể nhìn thấy khí cầu bay trên đầu, với hai máy bay phản lực quân sự của Mỹ bay bên cạnh nó.
Trung Quốc nói họ lấy làm tiếc về một "tàu bay" được sử dụng cho mục đích khí tượng dân sự và các mục đích khoa học khác đã đi lạc vào không phận Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày thứ Bảy nói việc "tàu bay" bay qua Mỹ là một tai nạn bất khả kháng, đồng thời cáo buộc các chính trị gia và truyền thông Mỹ lợi dụng tình hình này để làm mất uy tín của Bắc Kinh.
Khí cầu bị nghi là khí cầu do thám của Trung Quốc đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này vốn dự kiến bắt đầu vào ngày thứ Sáu.
Việc hoãn chuyến đi của ông Blinken, đã được ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí vào tháng 11, là cú giáng mạnh đối với những người coi đây là cơ hội để ổn định mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa hai nước, theo nhận định của Reuters.
Trung Quốc mong muốn có một mối quan hệ ổn định với Mỹ để họ có thể tập trung vào nền kinh tế của mình, vốn đang điêu đứng vì chính sách zero-COVID hiện đã bị bãi bỏ và bị các nhà đầu tư nước ngoài bỏ qua khi họ lo ngại về điều mà họ coi là nhà nước quay trở lại can thiệp vào thị trường.
Lầu Năm Góc ngày thứ Sáu rói rằng một khí cầu khác của Trung Quốc đã được quan sát thấy ở Mỹ Latin, nhưng không nói chính xác địa điểm.
Tin Reuters - Nguồn VOA
Nhận xét
Đăng nhận xét