Quyền lực Ông Địa dễ thương của người Miền Nam

Quyền lực Ông Địa dễ thương của người Miền Nam


Nguyễn Gia Việt

Khi nhắc tới những vị thần của người Miền Nam như Thành Hoàng, Ông Địa, Ông Táo chúng ta thấy rõ có một tính cách rất Nam Kỳ. Tức là nó không hẳn là Tàu hoặc kiểu Miền Bắc.
Đọc cuốn "Thần,người và Đất Việt" của ông Tạ Chí Địa Trường chúng ta cũng hiểu là ông cũng có ý như vậy.
Người Miền Nam lai người Minh Hương, có dính văn hóa Quảng Đông, Phước Kiến hay Tiều nên xài từ Hán Việt gọi các vị thần có khi là táo quân, thổ công, thổ địa. Song đừng nghĩ mấy ông đó nói tiếng Tàu.
Mấy ổng Nam Kỳ trăm phần trăm, đó là Ông Táo, Ông Địa
1/ Nam Kỳ Lục Tỉnh là vùng đất đặc biệt.
Người Miền Nam chánh gốc không thờ Quan Công trong nhà.
Đất Miền Nam từ Biên Hòa tới Gia Định trổ xuống Mỹ Tho, Vĩnh Long, Hà Tiên, Châu Đốc là một vùng đất riêng biệt.
        "Thất Sơn ai đắp mà cao
        Sông Tiền, sông Hậu ai đào mà sâu"
Người Miền Nam cúng mùng 10 là cúng Chú Thổ, đất đai và tri ơn người mở đất chứ không phải vía thần tài.
Nam Kỳ là đất mới, người mình phải mưu sanh và đụng chạm tùm lum hết, từ con cá sấu, con cọp, con muỗi, con rắn...
    “Tới đây xứ sở lạ lùng
    Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng ghê”
Dân Nam Kỳ tâm linh ở xứ mới, thờ bà Đen Tây Ninh, thờ bà Chúa Xứ Châu Đốc, ca ngợi bà Trắng (Mê Sor) mà có tên Mỹ Tho.
Dân Nam Kỳ nghiêng mình thờ ông tà của người Khmer, thờ thần bổn địa Hindu của Phù Nam, siêng như quán đi chùa,thích cúng đình.
Nhà người Nam Kỳ nào trước cửa cũng có cái bàn thiên (bàn thông thiên).
Có một cái tục rất riêng ở Nam Kỳ là kế bên những cây da, miếu đầu làng thường có một chổ để dân xóm làng đem những cái cà ràng bể ra để vào đó.
2/ Ông Táo Nam Kỳ khác Ông Táo người TQ, cũng khác "Ông Công,Ông Táo" của Miền Bắc.
Trong Hán tự chữ Táo (灶) có nghĩa là cái bếp, thuật ngữ 灶君 táo quân,táo thần 灶神, táo vương da 灶王爺 là của Tàu.
Xưa Việt tộc xài Hán tự làm quốc ngữ, nên có nhiều cái hơi mập mờ, từ Hán Việt tùm lum cũng dễ hiểu, nhưng đừng như vậy mà nói Việt là bản sao của Tàu nha, lầm chết.
Nhưng Miền Nam và Tàu lại có những truyền thuyết về Táo khác nhau hoàn toàn.
Nhiều người nói Táo Quân 灶君 trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc.
• Thổ Công: Coi bếp.
• Thổ Địa: Coi đất đai.
• Thổ Kỳ : Trông coi việc chợ búa.
Nhưng người Việt đã nói rằng đó là hai ông Táo và một bà Táo. Tức là đã xa rời ba khái niệm Thổ Công,Thổ Địa, Thổ Kỳ rồi.
Ông Táo Nam Kỳ còn đặc biệt hơn.
Dân Nam Kỳ kêu là Ông Táo chứ không có nói "Ông Công Ông Táo".
Dân Nam Kỳ hiểu rằng Ông Táo là cái cà ràng chụm lửa nấu cơm hàng ngày, tức là có ba cục gạch chụm lại, có ba cái mấu để bắt nồi cơm lên cà ràng mà nấu.
Nam Kỳ khác tục của người Tàu Chợ Lớn luôn, Tàu cho Ông Táo leo mía chầu Trời, Nam Kỳ đốt cò bay ngựa chạy, trong khi Bắc Kỳ thả cá chép.
3/ Dân Nam Kỳ thờ rất nhiều thần, và thờ trong những cái “miễu” nhỏ.
Cái miễu là chốn tâm linh của thần dân gian. Từ miễu ông tà, miễu cô hồn các đản tới miễu bà miễu cậu, đi đâu cũng gặp những nơi đó có nhang khói không lúc nào ngớt.
        "Cái miễu linh thiêng
        Có bốn cây cột kiền kiền
        Rui tre mè trắc
        Đôi đứa ta trúc trắc
        Cắt tóc thề nguyền
        Lời thề nước biếc non xanh
        Nhện giăng sóng dợn sao đành bỏ nhau"
Chắc ai cũng biết cái bắc Rạch Miễu và bây giờ là cầu Rạch Miễu nối Mỹ Tho qua Bến Tre.
Rạch Miễu là địa danh thuộc xứ Bến Tre, nhưng ít ai biết trước 1956 Rạch Miễu lúc đó là một vùng đất nằm trên cù lao An Hóa và thuộc làng Tân Thạnh, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho, sau mới cắt đất mé bên đó giao cho tỉnh Kiến Hòa tức Bến Tre nay.
Rạch Miễu xuất xứ từ một con rạch nhỏ đổ ra sông Tiền, trên bờ của vàm rạch này về hữu ngạn có một ngôi miễu nhỏ chẳng biết có từ khi nào, dân trong vùng gọi chết tên con rạch chảy qua là Rạch Miễu.
Mà lắm lúc dân trong vùng cũng gọi khúc sông Tiền là Rạch Miễu.
        "Qua sông Rạch Miễu có đò
        Mỗi ngày hai chuyến vô ra hoài hoài."
Thương quá những con người qua lợi khúc sông nà:
        “Bậu sang phà Rạch Miễu,qua lẽo đẽo theo sau
        Đôi bóng trăng trên đầu hường như áo cô dâu
        Áo bậu đỏ cánh kiến, da bậu vàng phù sa
        Mắt ngời xanh nước biển, tim bậu hồng lòng qua”
Tại làng Phú Nhuận tỉnh Gia Định hồi xưa có một con rạch nhỏ là một nhánh của kinh Nhiêu Lộc được gọi là mương Ông Tiêu. Hai nhánh rạch ôm lấy một cù lao sình lầy giữa kinh Nhiêu Lộc, trên cù lao có một cái miễu nhỏ thờ ngũ hành nên dân gọi cù lao là Miễu Nổi, mương Ông Tiêu được đặt tên là Rạch Miễu.
Sau này người ta quy hoạch làm khu Phan Xích Long, cái miễu chắc không còn, nhưng địa danh Miễu Nỗi bị biến Miếu Nổi thì vẫn còn nghe nhắc tới.
4/ Trong tâm linh Nam Kỳ có quyền lực của Ông Địa.
Bằng chứng là Ông Địa luôn ngồi giữa nhà nhìn ra cửa cái và bàn thời riêng nhỏ xíu cũng nằm ở giữa nhà.
Người Miền Nam chúng ta hay vái rằng: “Xin ông Tà, ông Địa hộ độ cho tôi tai qua nạn khỏi".
Cái gì cũng vái Ông Địa:
"Vái Ông Địa cho con hết nhức răng, hết đau bụng con sẽ cúng ông nải chuối"
"Ông Địa cho con bán mở hàng đặng ngày nay lời,con cúng ông ly cafe sữa"
"Con đi chợ chút xíu,Ông Địa giữ nhà dùm con"
Xe bánh mì, xe cafe bán dạo cũng thờ Ông Địa. Bán hàng rong ở mé đường cũng thờ Ông Địa.
Nói tới Ông Địa làm trộm nhớ chợ Ông Hoàng, Ông Địa. Chợ này nằm ở mé cái đường bên hông trường Nguyễn Thái Bình ở Tân Bình. Nhớ những năm 1990 khi ghé vô thì đường đá đỏ mịt mù san dã, gò mả đá ong dài dài, khu này dân cất nhà chồng lên nghĩa địa,nhị tì mà ở.
- Ông Địa Nam Kỳ không phải là Thổ Địa kiểu người Tàu.
Người Việt khi vào Nam khẩn hoang đã hòa nhập giữa người Khmer và người Tàu của nhóm Mạc Cửu, Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên.
Người Miền Nam đã tôn trọng Ông Tà của người Khmer và biến thành Ông Địa mà cái này lại trùng với "Thổ Địa" của người Tàu.
Ông Địa Miền Nam ngồi khoe ngực, khoe bụng,cầm quạt quấn khăn đầu rìu cười tươi kiểu của Đức Phật Di Lặc.
Ông Địa Miền Nam là một vị Phước Thần phù hộ độ trì người Miền Nam từ làm ruộng, làm vườn tới mua may bán đắc.
Vô nhà người Nam Kỳ nào cũng có bàn thờ Ông Địa nằm sát đất và ở vị trí trung tâm, thường nhìn ra cửa chánh cái nhà
Ông Địa người mập mạp, mặt hiền khô hịch hạp, da trắng nõn, mặc áo rất sexy khi để ngực trần, bụng phệ, đầu quấn khăn đầu rìu, tay cầm quạt và hay có con cọp đi theo.
Nam Kỳ là đất mới, thành ra như ông bà ta nói là phải kiêng. Ông Địa là Chú Thổ, là thần đất, ông Địa cũng là dạng ông tà của người Miên bổn xứ.
“Ông ngồi chễm chệ theo xe bán bánh mì, xe nước mía với ly cà phê sữa bên cạnh, một thời tay gắn điếu thuốc Ba con Năm anh-tẹc, hay quá tồi với điếu Đà Lạt không thèm nghĩ tới" (Tạ Chí Đại Trường).
5/ Ông Địa Miền Nam được cúng cá lóc nướng trui ngày mùng 10 tết là dạng tri ơn người mởi đất, cũng là cúng Chú Thổ Khmer, là một dạng thờ Ông Tà bổn địa, thờ chủ đất.
Tà xuất phát từ tiếng Khmer:Neak Tà.
Neak Tà là thần đá, thần núi, thần đất của tạo vật mà dân Khmer thờ phụng trong làng xóm,phum sóc.
Có Neak Tà Tức (thần nước), Neak Tà Phnom (thần núi), Neak Tà Sre (thần ruộng), Neak Tà Đan Pô (thần cây da).
Người Nam Kỳ vào sống chung kêu là "Ông Tà".
Ông Tà đã xuất hiện từ Bình Thuận rồi.
Dân gian cho rằng xứ Panduranga (Bình Thuận) có năm Ông Tà trấn giữ chung quanh,đó là 5 địa danh có chữ Tà gồm: Tà Cú, Tà Pao, Tà Don (Tà Đôn), Tà Mon, Tà Lễ.
Tại tỉnh Bình Thuận còn có Tà Ban, Tà Pứa.
Chúng ta chưa xác định được "Ngũ Tà" chính xác là cái nào,có người nói phía Bắc có Tà Don, phía Nam có Tà Cú, phía Đông có Tà Đặng, phía Tây có Tà Lài bên Đồng Nai, giữa có Tà Pao.
Tà Kóu (Tà Cú) là ngọn núi thiêng. Núi Tà Cú cách Phan Thiết 28 cây số về phía Nam, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, nổi tiếng vì có Linh Sơn Trường Thọ Tự, thường gọi là Chùa Núi hay Chùa Cú, được xây dựng vào khoảng năm 1870, đời vua Tự Đức.
Chữ Tà là người Chàm ảnh hưởng từ người Khmer
Trở lại chủ đề,Tà là gì?
Có những cái miễu Ông Tà ở trong xóm,gốc cây đa lớn, ở bìa rừng, ngoài ruộng.
Người Khmer rất sùng bái ông Tà, không ai dám nói lời xúc phạm, vô lễ; qua miếu phải dở nón, lột khăn cúi đầu xá.
Người Việt tới khai hoang, với lý lẽ “Có kiêng có lành”, họ thờ luôn Ông Tà của người Khmer.
Trong tín ngưỡng của người Việt và Hoa thì ông Địa ngồi giữa nhà, ông Tà ngồi ngoài ruộng, ngoài sân.
Có câu “Ông Địa giữ nhà, Ông Tà giữ ruộng”, cũng có câu “Thổ Địa quản nhà, Thổ Công quản đất". Tuy nhiên,người Miền Nam coi Thổ Công như Ông Tà và thờ trong nhà kêu là Ông Địa.
Chúng ta có núi – chùa Tà Pạ tại Tri Tôn An Giang. Rồi người Việt đặt tên cho núi Phnom Bokor - Sừng Bò là núi Tà Lơn.
Tà Lơn là núi thiêng trong tâm linh người Hậu Giang, hồi xưa thuộc lãnh thổ VN, sau khi Pháp qua cắt đưa về Cam Bốt, hiện nay thuộc tỉnh Kampot của Cambodia.
Hình như người Nam Kỳ "kiêng kị" chữ "Tà" vì nó linh thiêng, nên địa danh chữ Tà rất ít.
Đi ra ngoài Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận thì nhiều Tà lắm.
Tại tỉnh Bình Thuận có nhiều chữ Tà như đã liệt kê ra ở trên.
Chúng ta còn thấy vùng Tà Nung, Tà Năng ở Đà Lạt, Tà Hine là một xã thuộc huyện Đức Trọng. Tà Lài là một xã thuộc Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Tà Thiết ở Lộc Ninh Bình Phước. Đăk Nông, hồ Tà Đùng. Những địa danh này nằm trong đất của người, Chàm, Mạ, Stieng, Churu, K'ho.
Ngoài Quảng Trị, Sơn La, Yên Bái ta cũng thấy có Tà Lao, Tà Phình, Tà Xùa, Tà Chì Nhù của ngôn ngữ Vân Kiều, Thái.
Chữ “Tà” này cho ta thấy họ chịu ảnh hưởng văn hóa, ngôn ngữ Khmer.
Khu Bình Thuận, phạm vi của nó là đất xưa nằm địa giới vương quốc Panduranga của Chàm.
Tuy nhiên chữ “Tà” này là của người Khmer, chính là Chàm bị ảnh hưởng Khmer trong giai đoạn họ bị chiếm đóng và cai trị bởi người Khmer.
Tại Bình Định có nhiều tháp Chàm nhưng có kiến trúc giống Khmer ở Khương Mỹ, Hưng Thanh, Dương Long, Hoà Lai.
Lời kết:
Bàn thờ Ông Địa của người Miền Nam linh thiêng, tôn kính. Bàn thờ Ông Địa quanh năm luôn có đồ ăn cúng. Bàn thờ rực sáng vào ngày mùng 10, ngày cúng Chú Thổ, đất đai, tri ơn.
Cái hồn của Ông Địa là bổn địa Khmer, nhưng cái cốt tượng là Việt trăm phần trăm, Ông Địa cỡi cọp.
Ông Địa luôn cười để nói lên sự sung túc, trúng mùa, mưa thuận gió hòa, cơm no áo ấm, xứ sở trù phú, xóm lành an vui, gia chủ mần ăn thành công.
Đó cũng là mơ ước đất đai luôn che chở nuôi sống con người Lục Tỉnh.
Con cọp là quái thú dữ, nổi ám ảnh của người Nam Kỳ. Con cọp quanh quẩn Ông Địa thể hiện sự thuần hóa cọp, cũng là thần linh che chở con người trước thú dữ.
Người Nam Kỳ cũng hay thờ cọp trong đình làng, trước miễu trước chùa.
Thành ra cho Ông Địa và con cọp chung bức tượng là thờ luôn cả hai với mong muốn cảnh thanh bình hoan ca của người Nam Kỳ xưa.
Thường ngày người ta cúng Ông Địa nải chuối xiêm đen, và ổng cũng không đòi hỏi gì hơn, quanh năm chỉ cúng chuối và chuối mà không ngán.
Tại sao cúng chuối xiêm đen thì có thể giải thích là chuối có quanh năm trong vườn, rất tiện chưng lâu, mà Ông Địa rất hề hà, hịch hạp, dễ tánh, bình dân nên quanh năm ăn chuối mà cái bụng bự vẫn chà bá.
Ông Địa cười là có niềm vui, phe phẩy quạt là rót những gì mới mẻ cho gia chủ.
Ông Địa Nam Kỳ là vị thần rặc ròi Lục Tỉnh, khác hẳn so với ông Địa khác trong cả nước, cái đặc biệt của Nam Kỳ mà không ai có đặng.
Ngày xưa người Nam Kỳ chỉ thờ tượng Ông Địa, ông là phước thần, cũng là thần tài may mắn, cũng là vị thần nhìn ra cửa chánh coi nhà.
Những năm sau này nhiều người ảnh hưởng của người Hoa đã phối tự thêm Ông Thần Tài vào ngồi chung Ông Địa, cái này nói rõ là xưa không có.
Ai chơi tới bến, chơi banh chành là "chơi mát trời Ông Địa".

Nguyễn Gia Việt
Nguồn FB

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180