Ý nghĩa sâu sắc của những con đường xung quanh Dinh Độc Lập
Khi đăng bộ với tư cách một quốc gia tại Liên hiệp quốc, một quốc gia phải xác định 5 trụ cột cơ bản như sau:
1) Bộ quốc hiệu-quốc kỳ-quốc ca-quốc huy;
2) Lãnh thổ (Giáp giới với các quốc gia lân cận);
4) Văn hóa (Bản sắc) và lịch sử; và
5) Ngôn ngữ (sử dụng chính thức).
Vì lẽ ấy, xung quanh Dinh Độc Lập, trái tim của thủ đô quốc gia Việt Nam Cộng hòa và thành phố Sài Gòn, đã châu tuần các con đường phản chiếu các tinh thần trụ cột ấy.
Dinh Độc Lập cùng với đường Công Lý (Nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và đường Thống Nhất (Nay là đường Lê Duẫn) đã khẳng định 3 mục tiêu quan trọng của chính thể: Độc Lập – Công Lý – Thống Nhất.
Bên trái Dinh Độc Lập là đường Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc được xem là đại diện cho văn hóa Việt Nam.
Bên phải Dinh Độc Lập là đường Hồng Thập Tự (Nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai).
Hồng Thập Tự (Nay được gọi là Chữ Thập Đỏ). Là tên gọi Hán-Việt của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế: (ICRC - International Committee of the Red) được thành lập năm 1863. Đây là tổ chức nhân đạo lâu đời nhất, lớn nhất trên thế giới hoạt động với mục đích bảo vệ sự sống và sức khỏe con người, giúp đỡ những người bị thương trong các cuộc xung đột vũ trang, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giai cấp hay quan điểm chính trị.
Hai con đường này phản chiếu tinh thần hòa hợp văn hóa dân tộc và các giá trị phổ quát của nhân loại của quốc gia Việt Nam Cộng hòa.
Sau Dinh Độc Lập là con đường Huyền Trân Công Chúa, con đường mang tên của một người phụ nữ đã có công rất lớn trong sự nghiệp Nam tiến thuở ban đầu, để từ đó lãnh thổ phương Nam của Tổ quốc đã được mở rộng cho đến mũi Cà Mau.
Trước Dinh Độc Lập là hai con đường: Đường Hàn Thuyên (Bên phải) và đường Alexandre de Rhodes (Bên trái) chạy song song với con đường chính, đường Thống Nhất.
Đấy là những con đường văn tự của Sài Gòn, với hai đai diện tiêu biểu: Một chữ Nôm và một chữ Quốc ngữ.
Đường Hàn Thuyên thời Pháp thuộc, khoảng 1871 có tên là đường Hồng Kông. Đến ngày 24-2-1897 nó đổi là đường Amiral Page. Từ ngày 22-3-1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đường Hàn Thuyên, và tên gọi đó được giữ lại cho đến nay.
Hàn Thuyên (1229-?) có tên thật là Nguyễn Thuyên. Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định rõ quê gốc của ông, song nhiều người cho rằng ông người làng Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (Nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Ông đỗ Tiến sĩ năm 1247 và làm quan tới chức Thượng thư Bộ Hình dưới thời Trần Nhân Tông.
Ông là người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm, nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn luật. Ông được xem là người phát triển và phổ biến chữ Nôm của Việt Nam. Song song với chữ Hán, chữ Nôm trở thành một phương tiện quan trong trong đời sống trước tác của tầng lớp trí thức, biểu thị cho lòng yêu văn hóa, tiếng Việt và tinh thần duy trì phẩm tính Việt trong suốt chiều dài lịch sử của quốc gia Việt Nam trong giới trí thức dân tộc.
Còn về đường Alexandre de Rhodes, thực ra, thời Pháp thuộc, từ ngày 2-6-1871, đường này có tên là Rue de Paracels (Đường Hoàng Sa). Đến ngày 16-10-1871 đổi lại là đường Colombert.
Từ ngày 22-3-1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đường Alexandre de Rhodes. Đến ngày 4-4-1985 chính quyền mới lại đổi tên là đường Thái Văn Lung. Tuy nhiên, may mắn thay, đến nay Alexandre de Rhodes đã lấy lại tên cho con đường này.
Alexandre de Rhodes (1591-1660) là một nhà truyền giáo Dòng Tên và một nhà ngôn ngữ học người Pháp. Ông đã góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá Công giáo tại Việt Nam và hình thành chữ Quốc ngữ. Dù ông thừa hưởng những kết quả nghiên cứu và thực hành tiếng Việt của nhiều giáo sĩ trước ông để hệ thống hóa và xây dựng bộ chữ Quốc ngữ tương đối hoàn chỉnh cho người Việt Nam, song với hai tác phẩm ông biên soạn là Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt–Bồ–La), và Catechismus (Phép giảng tám ngày) bằng chữ Quốc ngữ lần đầu được xuất bản tại Roma vào năm 1651 đã khiến người Việt nhiều thế hệ xem ông là người có công lớn nhất trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, một bộ chữ viết hiện được sử dụng chính thức tại Việt Nam.
Việc đặt tên đường có ý nghĩa rất quan trọng, vì để lưu giữ những giá trị truyền thống, gợi nhắc di sản tổ tiên để thế hệ sau tri ân, tiếp bước học tập và hành động.
Tiếc là, hình như những người nắm giữ quyền lực trong chính quyền mới đã không có những nhận thức sơ học yếu lược như vậy để rồi sau 1975, họ bỏ, thay, hoặc đặt tên đường một cách tùy tiện (?!)...
Tuệ Lãng
Nguồn FB
Nhận xét
Đăng nhận xét