Ngoại trưởng Đức kêu gọi thành lập ‘tòa án quốc tế đặc biệt’ truy tố nhà lãnh đạo Nga
Ngoại trưởng Đức kêu gọi thành lập
‘tòa án quốc tế đặc biệt’ truy tố nhà lãnh đạo Nga
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock vừa thăm Hà Lan và có bài phát biểu tại Học viện Luật Quốc tế ở La Hay, kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để truy tố nhà lãnh đạo Nga.
Theo báo cáo tổng hợp của các phương tiện truyền thông, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Baerbock cho biết trong một bài phát biểu tại Học viện Luật Quốc tế La Hay vào ngày 5/2: “Chúng tôi đang ở đây và phải gửi một thông điệp rõ ràng tới nhà lãnh đạo Nga rằng, chiến tranh xâm lược sẽ phải chịu sự trừng phạt”. Bà kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để truy tố các nhà lãnh đạo Nga về việc Nga xâm lược Ukraina.
Mặc dù Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại La Hay, Hà Lan, đã cử người đến Ukraina vào năm ngoái để điều tra các tội ác chiến tranh liên quan đến việc Nga xâm lược Ukraina, nhưng Tòa án Hình sự Quốc tế chỉ có thể giải quyết các vụ án mà cả hai nguyên đơn và bị đơn là thành viên của tòa án, hoặc các vụ án do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) đưa ra.
Bà Baerbock nói rằng chính phủ Ukraina lo ngại rằng vì Nga và UkrainA không phải là thành viên nên Tòa án Hình sự Quốc tế không có thẩm quyền đối với các tội ác chiến tranh xảy ra ở Ukraina, do đó không thể truy tố Nga về bất kỳ tội ác chiến tranh nào có thể xảy ra.
Bà nói rằng Đức ủng hộ Ukraina và hy vọng thành lập một tòa án đặc biệt đối với hành vi xâm lược của Nga, đồng thời ủng hộ việc cập nhật “Quy ước Rome”, chỉ cần quốc gia bị xâm lược là bên ký kết, thì Tòa án Hình sự Quốc tế có thể xét xử các vụ án liên quan .
Báo cáo cho biết, cùng ngày Bộ trưởng Ngoại giao Đức có bài phát biểu tại Học viện Luật Quốc tế La Hay, Tổng chưởng lý Đức Peter Frank nói với giới truyền thông Đức “Welt am Sonntag” rằng, văn phòng của ông đã thu thập được “Hàng trăm” bằng chứng cho thấy quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraina, đồng thời kêu gọi quốc tế cùng nỗ lực đưa thủ phạm ra trước công lý.
Văn phòng Tổng chưởng lý đã bắt đầu cuộc điều tra về cuộc chiến Nga-Ukraina vào tháng 3 năm 2022 và thu thập thông tin cũng như bằng chứng. “Chúng tôi hiện đang tập trung vào vụ giết người hàng loạt ở thị trấn Bucha và các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraina”, ông Frank nói.
Ông Frank chỉ ra rằng hầu hết các bằng chứng đến từ các cuộc phỏng vấn với những người tị nạn Ukraina và mục tiêu bây giờ là “chuẩn bị cho các phiên tòa có thể xảy ra trong tương lai – cho dù ở Đức, hay với các đối tác nước ngoài của chúng tôi, hoặc tại các tòa án quốc tế”.
Ông Frank cho rằng, theo quan điểm của ông, việc sử dụng Tòa án Hình sự Quốc tế hay các tòa án đặc biệt, cuối cùng vẫn phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế.
Vào tháng 3 năm 2022, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thành lập một Ủy ban Điều tra độc lập về Ukraina để điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền và vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở Ukraina, đồng thời lưu giữ bằng chứng cho “các thủ tục pháp lý trong tương lai.”
Ukraina, Liên minh châu Âu (EU) và Hà Lan đã công khai ủng hộ việc thành lập tòa án đặc biệt.
Phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào ngày 30 tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Ukraina – Volodymyr Zelenskyy cũng đã kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để trừng phạt Nga vì xâm lược Ukraina.
Nhận xét
Đăng nhận xét