Hai chiếc thòng lọng của Tập Cận Bình

Hai chiếc thòng lọng của Tập Cận Bình
Nguyễn Phú Trọng được Tập Cận Bình trao tặng Huân chương Hữu Nghị của Trung Quốc tại Đại lễ đường ở Bắc Kinh ngày 31 Tháng Mười 2022 (ảnh: Zhai Jianlan/Xinhua via Getty Images)


Tùng Phong

Chiếc thòng lọng cho nước Nga

Nguyên thủ năm nước Trung Á là Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon và Tổng thống Shavkat Mirziyoyev của Uzbekistan lần lượt có các chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 16 đến ngày 20 Tháng Năm 2023, dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á diễn ra ở thành phố Tây An. Sự kiện được giới chính trị quốc tế đánh giá là quan trọng trong bối cảnh địa chính trị hiện thời, khi thế lực đế quốc Nga đang suy yếu nhanh chóng và tiến đến bờ vực sụp đổ. Trung Quốc đã đón nhận cơ hội vàng ngàn năm có một để thay thế Nga trở thành người “kết nối giữa hai đại lục Á – Âu”.

Địa điểm tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á” cũng là một thông điệp đáng quan tâm. Tây An, tỉnh lỵ thuộc Thiểm Tây là một trong tứ đại cố đô của Trung Hoa với 3,100 năm lịch sử, trải qua 13 triều đại, bắt đầu từ thời nhà Chu. Tràng An, một cái tên khác, có lẽ được biết đến nhiều hơn tên gọi hiện thời bởi hàng ngàn bộ phim, tác phẩm, thi ca đề cập tới địa danh này từ cổ tới kim, là điểm kết thúc phía Đông của “con đường tơ lụa” huyền thoại, cũng là niềm cảm hứng cho những dự án đầy tham vọng “một vành đai, một con đường” dưới thời đại cai trị của Tập Cận Bình.


Tập Cận Bình trong buổi tiếp giới lãnh đạo Trung Á tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Tây An ngày 18 Tháng Năm 2023 (ảnh: Huang Jingwen/Xinhua via Getty Images)

Năm quốc gia Trung Á là từng là những nước cộng hòa thành viên của Liên bang Xô Viết cũ, được trao trả độc lập khi “đế quốc Đỏ” hùng mạnh sụp đổ năm 1991. Cũng như Ukraine, họ cũng đều có những ân oán không ít với chế độ Moscow. Tuy vậy, nước Nga vẫn thừa hưởng những di sản quyền lực và sức mạnh quân sự còn lại, đủ để duy trì ảnh hưởng mong manh của mình ở vùng đất Trung Á mênh mông. Ở chừng mực nào đó, Trung Quốc hay bất cứ các quốc gia nào khác trong khu vực vẫn còn đôi phần e dè khi muốn mở rộng ảnh hưởng tới những vùng đất được coi là “sâu sau” của Moscow, dù ảnh hưởng về kinh tế vượt trội so với Nga.


Chủ nghĩa sắc tộc mạnh mẽ và nguồn tài nguyên khổng lồ dường như vô tận về chromium, chì, kẽm, mangan (manganese), đồng, than đá, sắt, vàng, uranium và dầu khí… đã đem đến cho những nước Trung Á này một vị thế tương đối khi đứng trước Nga và Trung Quốc. Họ là những đối tác mà cả Nga và Trung Quốc đều ve vãn, đặc biệt là Kazakhstan – quốc gia sở hữu vị trí “heartland” trong sơ đồ của nhà địa lý học Halford John Mackinder (1861-1947), lớn mạnh nhất trong năm nước Trung Á. Thực ra, dù bị đối xử tệ bạc trong quá khứ nhưng các nước Trung Á này vẫn hoài niệm về một giai đoạn tương đối yên ổn thời Soviet. Đáng tiếc, Putin cùng sự thất bại thảm hại của đội quân lớn thứ hai thế giới của ông ta tại Ukraine đã chấm dứt những ảo vọng cuối cùng về sức mạnh Nga.

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á diễn ra tại Tây An sẽ khởi đầu một kỷ nguyên mới cho tham vọng thống trị của Tập Cận Bình ở vùng đất heartland này. Những lợi ích kinh tế to lớn đang ràng buộc giữa các chế độ chuyên chế độc tài ở Trung Á với Bắc kinh là nền tảng thuận lợi cho kế hoạch của Tập Cận Bình.

Cùng thời gian này, “Hoàng đế Tập” và những cận thần trong Bộ Chính trị Trung Quốc có lẽ đang nhấm rượu Mao Đài khi Nga chấp nhận mở cửa cảng Vladivostok cho Trung Quốc sau 163 năm chiếm đóng. Cảng biển này và diện tích rộng 350,000 dặm vuông ngoài rìa cương thổ Mãn Thanh từng thuộc về Trung Quốc, bị Nga cưỡng đoạt trong giai đoạn “Bách niên quốc sỉ”. Để đổi lại, Putin sẽ nhận được một lượng quân nhu, khí tài, vũ khí để duy trì cuộc chiến tuyệt vọng trên chiến trường Ukraine. Điều đó đồng nghĩa với việc Nga sẽ đánh mất vĩnh viễn vùng Viễn Đông và cảng biển chiến lược bên bờ Thái Bình Dương về tay người bạn vàng “núi liền núi, sông liền sông”.
Putin muối mặt nhân nhượng Trung Quốc để đổi lấy sự ủng hộ khi bị cô lập bởi chiến dịch quân sự xâm lược Ukraine (ảnh: Greg Baker-Pool/Getty Images)

Putin, kẻ luôn ám ảnh với sứ mệnh phục hưng đế quốc Đại Nga, bị thôi thúc bởi những câu chuyện mà “quân sư quạt mo” Alexander Dugin (được xem là “triết học chính trị nổi tiếng nhất Nga đương thời) nhồi nhét cho ông ta cùng giấc mơ vĩ cuồng, đã tạo dựng ra một lịch sử đầy hoang tưởng về những “thế lực thù địch”… và ám thị mình như hiện thân của những Sa hoàng vĩ đại. Tuy nhiên, Putin lại quên phần lịch sử đẫm máu nhất, dài nhất mà nước Nga nếm trải không phải với phát xít Đức hay Napoleon mà là với người bạn châu Á to lớn, Trung Quốc. Ông ta có thể đã quên nhưng Tập Cận Bình thì không.

Giấc mơ Đại Nga nhưng kết cục của cuộc hành trình này có lẽ đã nhìn thấy ở… Ukraine. Nước Nga sẽ rất lâu nữa mới có thể gượng dậy sau vết thương chí tử, bị cô lập, phải bồi thường chiến phí và trả giá cho những tội ác gây ra trong chiến tranh, bị xé nát bởi con rồng Trung Hoa cũng như các thế lực quốc tế cơ hội khác.


Rất có thể sẽ không có phép màu tái sinh như từng xảy ra trong lịch sử oai hùng và nhiều lần bi thương của đế quốc Nga. Trong một thời đại mà ý niệm về quốc gia, dân tộc đã nhạt nhòa, những vinh quang của quá khứ đã tàn lụi và một nước Nga hậu cộng sản mục ruỗng từ lâu bởi tham nhũng và quyền lực băng đảng, một chế độ bị nhân dân căm ghét sẽ sụp đổ nhanh như lâu đài cát khi thủy triều lên.

Những diễn biến suốt 15 tháng qua kể từ cuộc chiến của Putin, mối quan hệ của Nga với “đối tác chiến lược không giới hạn” Trung Quốc có thể được mô tả bằng một câu trong điển tích cũ có từ thời Xuân Thu “Bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ rình sau lưng”. Tấm huy chương Hữu Nghị cao quí bằng vàng ròng mà Tập Cận Bình đeo lên cổ “người bạn tốt nhất” Vladimir Putin, giờ đây, chỉ có Sa hoàng Nga mới thấy nó nặng đến mức khiến ông ta phải cúi đầu, quỳ gối. Nó cũng là chiếc dây thòng lọng dành cho nước Nga hôm nay.

Chiếc thòng lọng dành cho Việt Nam

Trung Quốc có một lịch sử dài cùng kho tàng kinh nghiệm phong phú các đối sách ngoại giao với những quốc gia lân bang mà họ gọi với cái tên đầy miệt thị, “phiên”. Từ thời cổ đại cho tới nay, chính sách đó có thể đúc rút trong một đoạn văn mô tả về thuật “ngũ bả” của một đại thần cố vấn với một hoàng đế như sau:

“Ban cho họ quần áo sặc sỡ và xe ngựa để làm mù mắt họ. Ban cho họ đồ ăn ngon để miệng họ câm. Ban cho họ âm nhạc và phụ nữ đẹp để tai họ điếc. Ban cho họ những tòa nhà uy nghi, các kho thóc và nô lệ làm dạ dày họ no nê… Và đối với những ai đến xin hàng, Hoàng đế ban ơn cho họ và mời họ dự tiệc tiếp đãi của triều đình. Tại đó, Hoàng đế phải đích thân mời họ rượu ngon, đồ ăn hấp dẫn để làm tâm trí họ lú lẫn. Đây là những gì có thể gọi là “năm mồi nhử”.

Ngày nay, “ngũ bả” vẫn đắc dụng và được các học trò của Tôn Tử ưa chuộng. Nó đặc biệt hiệu quả với các “phiên” như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myamar… Bên cạnh đó, những ràng buộc mang yếu tố lịch sử và ý thức hệ còn rơi rớt lại ở lớp cán bộ cũ kỹ nhưng vẫn còn nắm chặt quyền lực như Nguyễn Phú Trọng và Hun Sen… đủ để Bắc Kinh làm chủ thế cuộc ở sân sau của mình một cách nhàn nhã và tự tin.

Lãnh đạo CSVN kể từ Hội nghị Thành Đô đã luôn thể hiện sự qui phục hoàn toàn trước “thiên triều” Bắc Kinh. Những cá nhân đơn lẻ như (cựu) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ở một giai đoạn ngắn ngủi, khi giương lên ngọn cờ dân túy “không đánh đổi chủ quyền quốc gia, lấy hữu nghị viển vông”, đã bị vùi dập ngay lập tức. Hay như Trần Đại Quang, người có những động thái ngầm tìm kiếm sự ủng hộ nhiều hơn từ Hoa Kỳ, đã nhận một kết cục không thể tồi tệ hơn ở giữa nhiệm kỳ chủ tịch nước. Cái chết bởi “virus lạ” của ông Quang có thể được xem là một đòn khủng bố man rợ đối với tất thảy những kẻ nào “tự diễn biến”, đi ngược lại “tình hữu nghị” hai nước Việt-Trung.

Dưới trào ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư với chủ trương “Có ai chọn được láng giềng đâu, dù thế nào cũng phải ăn đời ở kiếp” và “Nếu ngoài biển Đông có đụng độ thì chúng ta có ngồi đây mà tiến hành đại hội đảng được không?”, giới lãnh đạo Việt Nam đã lấy “4 Tốt và 16 chữ vàng” làm kinh nhật tụng.

Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp Tập Cận Bình tại Hà Nội ngày 5 Tháng Mười Một 2015 (ảnh: Xinhua/Li Tao via Getty Images)

Hà Nội lần lượt lui bước năm lần trước những đòi hỏi ngày một quá đáng của Bắc Kinh về chủ quyền biển Đông. Việt Nam đã đơn phương hủy các hợp tác liên doanh dầu khí với Tây Ban Nha, chấp nhận những khoản đền bù hàng trăm triệu Mỹ kim cho đối tác và giờ là các liên doanh với Exxon Mobile ở Cá Voi Xanh. Việc liên doanh với Nga, Singapore… cũng lần lượt bị Trung Quốc gia tăng sức ép, buộc phải thoái lui khỏi khu vực thềm lục địa Việt Nam. Trước những “đóng góp to lớn” cho tình hữu nghị Việt-Trung của ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một cái huy chương Hữu nghị bằng vàng to và nặng không kém chiếc trao tặng cho Putin đã được đích thân Chủ tịch Tập trao cho ngài Tổng nhân chuyến đi chầu thiên tử ngay sau khi Đại hội đảng Trung quốc vừa kết thúc cuối Tháng Mười 2022.


Xin nói thêm về giàn khoan dầu khí của Vietsopetro, liên doanh giữa Nga và PetroVietnam. Đây là di sản của tình hữu nghĩa Việt Nam – Liên Xô còn lại. Những giếng dầu và giàn khoan của liên doanh Vietsovpetro là nền tảng đầu tiên cho ngành dầu khí Việt Nam sau 1975, đem về hàng trăm tỷ Mỹ kim trong nhiều thập niên qua. Chúng không những là nguồn kinh tài, ngoại tệ quan trọng, một trong những trụ cột cho ngân sách quốc gia, mà còn là “nồi cơm” của Bộ Chính trị CSVN. Nó cũng có ý nghĩa như là những cột mốc chủ quyền đối với lợi ích của Việt Nam. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi.

Mới vài ngày trước, hai tàu tuần duyên và 11 tàu đánh cá hộ tống một tàu gọi là nghiên cứu của Trung Quốc đã vào lô 04-03 của Vietsovpetro. Chưa bao giờ tàu hải cảnh, dân quân biển và khảo sát của Trung Quốc vào sâu và đến gần các giàn khoan dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như lần này. Có lúc, đoàn tàu Trung Quốc chỉ cách bờ 10-20 hải lý. Lần vào sâu nhất trước đó vào năm 1994 là 60 hải lý. Tàu Trung Quốc ngang nhiên phát loa thông báo đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc khi xuất hiện những chiếc tàu kiểm ngư lẻ loi của Việt Nam xuất hiện từ xa.

Trung tuần Tháng Năm 2023, Tôn Lập Kiên, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng nói: “Việt Nam không có quyền phản đối lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông”. Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm của Trung Quốc trong năm nay bắt đầu vào ngày 1 Tháng Năm và dự kiến kết thúc ngày 16 Tháng Tám ở vùng biển phía Bắc, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Đáp lại, giới chức CSVN vẫn kiên định một kịch bản “quan ngại và phản đối” như bao năm qua. Trong khi đó, hàng ngàn tàu cá Việt Nam đang nằm bờ vì giá dầu tăng và lệnh cấm biển của Trung Quốc! Đời sống ngư dân Việt Nam tiếp tục thê thảm.

Ngoài những diễn biến trên, có lẽ cần nhắc đến một tai nạn máy bay “không rõ nguyên nhân” của chiếc trực thăng Bell 505 hiệu VN 8650 vào ngày 6 Tháng Tư 2023 khi đang chở du khách tham quan vịnh Hạ Long. Có vẻ như là một tai nạn không liên quan đến tình hình biển đảo, chủ quyền và quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là một sự kiện bất thường.

Bởi vì, chiếc VN 8650 thuộc về Bộ Quốc phòng, do Binh đoàn 18 quản lý. Việt Nam mới nhận được hai chiếc Bell 505 từ Hoa Kỳ vào Tháng Sáu 2019. Phi công là một đại tá không quân có nhiều kinh nghiệm. Chiếc máy bay còn mới, được bảo dưỡng đầy đủ và thời tiết khi bay rất tốt, không có giông bão. Chiếc hộp đen được tìm thấy nhưng truyền thông sau đó thông báo rằng đã bị “rút mất thẻ nhớ” – một lý do mà chỉ có thể xuất phát từ những cái “lưỡi gỗ” của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ai cũng biết hộp đen là một cấu trúc đặc biệt của máy bay, gần như không thể bị phá hủy và việc truy cập thông tin bên trong phải cần các nghiệp vụ chuyên nghiệp chứ không giống như một chiếc điện thoại bình thường để có thể dễ dàng “rút thẻ nhớ”.

Điều này gợi nhớ đến hai chiếc Su30MK2 và Casa212 bị rơi tan xác trên vùng biển Việt Nam ngày 14 Tháng Sáu 2016. Không bao giờ nguyên nhân của những “tai nạn” này được công bố. Một đặc điểm chung của tất cả vụ máy bay quân sự bị rơi ở Việt Nam là… không rõ nguyên nhân, không tìm thấy hộp đen hay hộp đen bị “lấy mất thẻ nhớ” như với chiếc Bell 505 vừa rồi.

Nguồn tin riêng từ lực lượng phòng không không quân cho biết thực tế số giờ bay của phi công chiến đấu Việt Nam rất ít; máy bay cũ và không được bảo trì đầy đủ, thiếu phụ tùng thay thế cho hầu hết tất cả máy bay chiến đấu. Và từ lâu, tất cả chuyến bay diễn tập trên biển đã bị cắt bỏ mà chỉ bay trên không phận đất liền. Như vậy, chủ quyền bầu trời trên biển Đông của Việt Nam còn hay mất?

Trong bối cảnh tàu chiến, tàu khảo sát Trung Quốc tự do vào sát bờ biển Việt Nam, sát quân cảng Cam Ranh, sát các giàn khoan và bắc loa khẳng định chủ quyền biển thì tất cả các lực lượng hải, không quân, biên phòng, cảnh sát biển Việt Nam im hơi lặng tiếng. Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội… tất cả đều im lặng trước những hành động xâm phạm, thách thức ngang ngược chủ quyền quốc gia của Trung quốc.

Trong khi đó, thành phần lãnh đạo chóp bu lại đang hớn hở tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ. “Lò” vẫn đốt, “củi” vẫn cháy, dân chúng vẫn hò reo ủng hộ cụ Tổng “đốt lò”. Một trạng thái tê liệt về chính trị đang hiện hữu từ thượng tầng quyền lực đến đời sống xã hội. Thế nhưng, chỉ một biểu tượng lá cờ vàng ba sọc đỏ trên tấm huy hiệu kỷ niệm của Úc châu cũng đủ để ngài Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Bộ Ngoại giao giãy nảy như đỉa phải vôi.

Để nhận xét và so sánh về tình thế an ninh và chủ quyền Việt Nam hiện nay, có lẽ không có một ví dụ nào chính xác hơn là nước Áo trước Đệ nhị Thế chiến. Việt Nam trong con mắt của Tập Cận Bình giờ đây cũng giống như nước Áo trong con mắt Hitler, là “không gian sinh tồn” của chủng tộc Hoa Hạ. Con đường dễ dàng nhất để Trung Quốc thoát khỏi thế cùm kẹp của “chuỗi đảo thứ nhất” mà Hoa Kỳ và đồng minh trong khu vực là Nhật, Hàn, Đài Loan, Úc Châu liên thủ chính là thông qua Việt Nam, chứ không phải một cuộc chiến đầy rủi ro thất bại với Đài Loan.

Thống trị, áp đặt chủ quyền lên toàn bộ lãnh hải và biển đảo Việt Nam là cách dễ nhất và không chịu rủi ro đáng kể nào. Bởi lẽ giới chức CSVN, cũng như ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự cúi đầu trước “thiên triều” từ lâu. Và có lẽ, trong một tương lai không xa, người dân Việt Nam sẽ sớm biết tình hữu nghị mến thương của Chủ tịch Tập cũng giống như Hitler dành cho Ba Lan, Áo năm nào. Khi đó, người ta mới nhớ đến chiếc thòng lọng bằng vàng của ngài Nguyễn Phú Trọng đã đeo lên cổ Việt Nam.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025