Nhận Định Thời Cuộc - Hoa Kỳ phải đối mặt với nguy cơ bị phá sản?

Nhận Định Thời Cuộc
Hoa Kỳ phải đối mặt với nguy cơ bị phá sản?

Kim Nguyễn

Ngân sách 5,5 ngàn tỷ USD cho tài khóa 2024 của Biden rất khó được Quốc Hội chấp nhận. Đa số các Dân Biểu đảng Cộng Hòa và một số Dân Biểu đảng Dân Chủ đã không đồng ý với sự chi tiêu quá đáng của Biden. Từ đầu năm nay Chủ Tịch Hạ Viện McCarthy đã cố gắng thảo luận với Biden về việc cắt giảm ngân sách nhưng đã không thành công vì Biden luôn tìm cách khước từ. Khi mức nợ trần không được gia tăng và ngân sách quốc gia không được thỏa thuận giữa Tổng Thống và Quốc Hội thì tình trạng vỡ nợ sẽ xảy ra.

Kinh tế của Hoa Kỳ đang phải đối mặt với suy thoái và nợ công của quốc gia đã tới mức kỷ lục 31,4 ngàn tỷ USD, thay vì phải cắt giảm chi tiêu thì Biden lại muốn tăng ngân sách lên hàng ngàn tỷ nữa. Kể từ ngày nhậm chức từ hơn 2 năm qua, Biden với sự hậu thẫu của đảng Dân Chủ đã gây nhiều thiệt hại cho Hoa Kỳ trong mọi lãnh vực. Về đối ngoại: Chính sách ngoại giao của Biden rõ ràng đã thất bại. Về đối nội thì cũng xảy ra nhiều vấn nạn, từ thảm họa biên giới tới lạm phát, thất nghiệp, . . .

Năm 2018, Hoa Kỳ đã đạt được độc lập về năng lượng nhưng Biden lại quyết định đảo ngược chính sách năng lượng thành công của Tổng Thống tiền nhiệm Donald Trump và chuyển sang năng lượng xanh. Ngay từ ngày đầu nhậm chức, Biden đã hủy bỏ giấy phép của đường ống dẫn dầu Keystone XL, khi đi vào hoạt động, đường ống này sẽ cung cấp 830.000 ngàn thùng dầu mỗi ngày. Quyết định sai lầm của Biden gây thiệt hại cho kinh tế của Hoa Kỳ tới 9,6 tỷ USD và khoảng 60.000 người bị thất nghiệp. Chính sách của Biden tự bản chất là nhằm phục vụ cho những đòi hỏi của phe cấp tiến cực tả.

Biden chi tiêu quá bừa bãi

Đầu năm 2021 Biden đã ban hành đạo luật chi thêm 1,9 ngàn tỷ USD cho quỹ cứu trợ đại dịch COVID 19 trong khi quỹ này còn dư 1,9 ngàn tỷ từ thời cựu TT Trump. Tới tháng Tám năm 2022, Biden lại ký thêm đạo luật Giảm Lạm Phát trị giá 740 tỷ USD. Mục đích của đạo luật này là chống lạm phát nhưng hơn 360 tỷ USD đã được chi cho việc chống biến đổi khí hậu, đồng thời đạo luật này cũng chi 80 tỷ USD cho IRS. Cả hai mục chi tiêu này không liên hệ gì tới việc chống lạm phát nhưng thực chất chỉ làm tăng thêm lạm phát. Và lạm phát đã tăng tới mức cao nhất trong nhiều thập niên, hàng hóa, thực phẩm, xăng nhớt đã tăng vọt khiến cho đời sống của người dân mỗi ngày thêm chật vật hơn.

Chính quyền Biden đã dành hơn 12 tỷ USD cho chương trình chống năng lượng để bảo vệ khí hậu nhưng chỉ chuốc lấy thất bại, và đẩy Hoa Kỳ vào tình trạng khan hiếm xăng dầu, phải tùy thuộc vào nguồn cung cấp của nước ngoài, điều này tác hại tới đời sống của người dân và an ninh quốc gia.

Đầu tháng Giêng năm nay Bộ Trưởng Bộ Tài Chánh Janet Yellen đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ thực sự hết tiền vào ngày 1 tháng Sáu sắp tới, và chính quyền sẽ không thể thanh toán tất cả các khoản chi tiêu. Chỉ còn đúng 9 ngày nữa để Tổng Thống và Chủ Tịch Hạ Viện thương lượng với nhau, hy vọng đạt được thỏa thuận tăng giới hạn mức nợ công cho chính phủ, nếu không đạt được thì thảm họa vỡ nợ sẽ xảy ra.

Trong một cuộc phỏng vấn trên Breitbart News vào sáng Thứ Hai ngày 22/5/2023, Dân Biểu Jason Smith (Cộng Hòa-Missouri) Chủ tịch Ủy Ban Tìm Kiếm Phương Tiện Tài Chánh cho biết “Năm ngoái Hoa Kỳ đã thu vào hơn 4,9 ngàn tỷ USD, nhưng Biden vẫn muốn tăng thuế để có thêm tiền. Vấn đề là ngân sách thiếu hụt vì chi tiêu bừa bãi chứ không phải vì không đủ tiền thu vào. Đảng Cộng Hòa đã đưa ra Dự luật “Giới Hạn, Tiết Kiệm và Tăng Trưởng” nhằm kiềm chế sự chi tiêu vô trách nhiệm của đảng Dân Chủ, nếu thực hiện điều này thì lạm phát sẽ kiểm soát được và kinh tế của Hoa Kỳ sẽ có cơ hội tăng trưởng.”

Cuối tháng Tư vừa qua, dự luật “Cắt Giảm, Tiết Kiệm và Phát Triển” đã được thông qua tại Hạ Viện. Đảng Cộng Hòa đề nghị sẽ tăng thêm 1,5 ngàn tỷ USD cho mức nợ công, và đòi hỏi Biden cắt giảm những mục chi tiêu không cần thiết. Chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy khẳng định rằng “Dự luật của chúng tôi sẽ tiết kiệm cho Hoa Kỳ khoảng 4,8 ngàn tỷ USD trong 10 năm tới. Nếu dự luật được thông qua và mức chi ở mức của năm 2022 thì kinh tế của Hoa Kỳ sẽ sớm phục hồi.”

Dự luật “Cắt Giảm, Tiết Kiệm và Phát Triển” đề cập tới việc đòi hỏi những người muốn được hưởng trợ cấp tài chánh và Food Stamp cần hội đủ điều kiện có lợi tức thấp và dưới 60 tuổi phải làm việc tối thiểu 20 giờ một tuần theo luật định đã được áp dụng trước đây, trước đại dịch COVID 19. Một số điểm chính của dự luật được hãng thông tấn Reuters ghi nhận như sau:

- Cắt giảm khoảng 9% những mục chi tiêu của chính phủ, trở lại mức chi tiêu của năm 2022. Phần lớn những cắt giảm nằm trong chương trình năng lượng xanh, không áp dụng cho các chương trình An Sinh Xã Hội và Medicare.

- Thu hồi khoảng 80 tỷ USD tiền còn lại của quỹ cứu trợ đại dịch COVID 19 mà Quốc Hội đã phê chuẩn cho 5,2 ngàn tỷ USD trước đây.

- Hủy bỏ việc miễn trả nợ khoảng 400 tỷ USD cho sinh viên. Chương trình này do Biden chủ trương vào cuối năm 2020, đảng Cộng Hòa phản đối vì cho rằng không công bằng đối với những người đã trả hết nợ.

- Cắt tài trợ 80 tỷ USD cho Sở Thuế Vụ mướn thêm nhân viên để tăng cường kiểm tra việc khai thuế của người dân.

- Cắt trợ cấp tiền mua xe điện dưới hình thức giảm thuế lợi tức và nhiều chương trình ưu đãi khác của ngành năng lượng xanh.

Các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa và một số nhà lập pháp đảng Dân Chủ đã nhận định rằng dự luật “Cắt Giảm, Tiết Kiệm và Phát Triển” là cần thiết và hợp lý. Trả lời phỏng vấn của CNBC, Dân Biểu Josh Gotheimer (Dân Chủ-New Jersey) nói “Tôi tin rằng nhiều đảng viên đảng Dân Chủ cũng sẽ ủng hộ việc cắt giảm chi tiêu và tăng giới hạn mức nợ công. Đây là một phần của dự luật nhằm giúp cho nền kinh tế được phát triển”.   Và TNS Manchin (Dân Chủ-West Virginia) cho biết “Mặc dù tôi không hoàn toàn đồng ý với các điều khoản của dự luật nhưng đây là dự luật duy nhất Quốc Hội có thể thông qua để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ và chúng ta không thể bỏ qua điều này. Vì lợi ích của quốc gia, tôi kêu gọi Tổng Thống hãy gạt chính trị đảng phái sang một bên để thương lượng cho một thỏa hiệp nhằm cứu đất nước Hoa Kỳ thoát khỏi thảm họa kinh tế có nguy cơ sắp xảy ra”.

Trong khi đó Biden vẫn một mực phản đối và còn khẳng định: “Không thể chấp nhận đề nghị của đảng Cộng Hòa”.   Thêm vào đó Biden còn nhấn mạnh rằng “Dự luật của đảng Cộng Hòa muốn cắt trợ cấp của cựu quân nhân.” Dân Biểu Mike Post (Cộng Hòa-Illinois) Chủ Tịch Ủy Ban Yểm Trợ Cựu Quân Nhân đã trả lời “Đảng Cộng Hòa không cắt giảm quyền lợi của cựu quân nhân. Dự luật cắt giảm chi tiêu và giới hạn nợ của đảng Cộng Hòa là để cứu tương lai của chúng ta, để bảo đảm quyền lợi của người dân nói chung và cựu quân nhân nói riêng. Biden đã nói sai về nội dung dự luật của chúng tôi.”

Hoa Kỳ phải đối mặt với nguy cơ bị phá sản

Biden đã có một cuộc họp với Chủ Tịch Hạ Viện McCarthy vào chiều hôm qua, Thứ Hai ngày 22/5/2023. Trong cuộc họp này Biden đã đề nghị hạn chế tài trợ cho một số chương trình, trong đó có Bộ Quốc Phòng, nhưng McCarthy đã từ chối và còn nhấn mạnh: “Cần tăng thêm tài trợ cho vấn đề quốc phòng và an ninh biên giới”.  Cuộc họp đã không đạt được kết quả gì, đôi bên hứa sẽ có những cuộc họp kế tiếp.

Một số chuyên gia cho rằng nếu không đạt được sự đồng thuận, Hoa Kỳ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ với nhiều hậu quả thảm khốc có thể xảy ra không những cho Hoa Kỳ mà còn cho toàn thế giới. Ngay cả trường hợp không bị nguy cơ vỡ nợ nhưng việc chạm mức nợ trần sẽ gây khó khăn cho chính phủ, và điểm tín dụng quốc gia sẽ bị hạ thấp, giới tiêu thụ sẽ mất niềm tin nơi chính phủ, điều này sẽ gây khủng hoảng cho thị trường tài chánh và đẩy kinh tế Hoa Kỳ vào suy thoái.

Các nhà kinh tế trong nhóm Moody’s Analytics dự đoán rằng cho dù tình trạng vỡ nợ chỉ xảy ra trong thời gian rất ngắn thì tỷ lệ thất nghiệp vẫn gia tăng, có thể lên tới 5% và khoảng 1,5 triệu người sẽ mất công ăn việc làm. Trái phiếu thường được coi là không có rủi ro vì được chính phủ bảo đảm, tuy nhiên nhà kinh tế thị trường Jonas Goltermann báo động rằng “Khi Bộ Tài Chánh không có khả năng trả nợ thì hậu quả sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán, và giá cổ phiếu sẽ giảm mạnh khoảng 1/5, tài sản của người dân sẽ mất đi khoảng 10 ngàn tỷ USD”.

Sáng Thứ Hai hôm qua, Bộ Trưởng Janet Yellen đã nói: “Nếu mức nợ công không được gia tăng, điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, sẽ gây khó khăn cho người dân, và quan trọng nhất là an ninh quốc gia bị đe dọa, vị trí lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ sẽ bị tổn hại. Hoa Kỳ chưa từng có trường hợp bị vỡ nợ, nếu xảy ra, Bộ tài chánh sẽ không có khả năng thanh toán các khoản chi tiêu, hậu quả là hàng triệu người cao niên sẽ không có trợ cấp an sinh xã hội, hàng triệu nhân viên chính phủ và quân nhân sẽ không được trả lương”. Bà Janet Yellen còn nhấn mạnh: “Vì lãi xuất của Hoa Kỳ luôn gắn liền với uy tín không có rủi ro nên việc vỡ nợ về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới các khoản đầu tư trong tương lai, điều này sẽ khiến cho kinh tế Hoa Kỳ sụp đổ và sẽ tạo ra làn sóng biến động kinh tế trên toàn thế giới”.

Những việc chi tiêu vô trách nhiệm của Biden sẽ tiếp tục tăng thêm nợ nần, không những cho người dân trong hiện tại mà còn kéo dài tới nhiều thế hệ mai sau nữa.

Kim Nguyễn
May 23, 2023
Nhận Định Thời Cuộc

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209