Từ câu chuyện do ông Chu Đình Xương kể lại

Từ câu chuyện do ông Chu Đình Xương kể lại
  
Huỳnh Hậu

Ông Hồ Chí Minh, mãi cho tới ngày nay, vẫn là người gây nhiều tranh cãi về bản chất con người thực của ông.

Sau năm 1975, tôi học tiếp mấy năm cuối trung học và có dịp biết thêm về ông HCM, dĩ nhiên qua cái lối diễn giải của tuyên truyền, tôn sùng lãnh tụ. May mắn là tôi không bị nhồi sọ từ nhỏ, nên nghe rồi để đó, không nhắm mắt nhắm mũi mà tin.
Khi sống ở hải ngoại, đọc được nhiều tài liệu về HCM, tôi mới thực sự hiểu ông Hồ Chí Minh thuộc hạng người nào.

Vì hiểu ông ta, nên tôi thật lấy làm lạ, tại sao những người có tri thức, học vấn cao , có học hàm tiến sĩ, giáo sư, như GS Chu Hảo, GS Mạc Văn Trang v.v. , cho tới giờ phút này, vẫn đặt niềm tin trọn vẹn vào nhân vật Hồ Chí Minh ?

Ngay như người bạn của tôi, anh M.A Nguyễn Anh Tuấn, một đạo diễn khá trẻ, có điều kiện tiếp cận thông tin và đầu óc rộng mở hơn so với các vị Chu Hảo, Mạc Văn Trang, nhưng vẫn trích dẫn lời "Hồ Chủ Tịch" trong các bài viết của mình. Khi gặp phản ứng chỉ trích của tôi, anh bạn này cho rằng "Quơ đũa cả nắm là việc dễ dàng, còn tìm tới sự thật thì rất nhiêu khê, không hề đơn giản ".

Điều anh NAT nói không sai, nhưng cũng tùy trường hợp. Với hình tượng HCM, thì chỉ có những kẻ bị nhồi sọ từ lúc còn ấu thơ mới một lòng tin tưởng, chứ những kẻ thường hay đặt dấu hỏi ( ? ) về những mâu thuẩn trong xã hội CS, thì sẽ nhanh chóng nhìn ra chân diện mục của một tên bán nước trong vỏ bọc của một người yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc.

Tôi từng viết nhiều về quá trình mà HCM tìm đến CNCS (Mấy thằng bưng bô hay hót sảng rằng CNCS tìm đến bác của chúng ), nhận sự huấn luyện của QTCS, làm tay sai cho chúng để bành trướng ảnh hưởng của CS tại Đông Dương. Vì vậy, trong bài này, tôi không lặp lại nữa, quá nhàm !

Ảnh từ trái sang: Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chu Đình Xương, Giám đốc Ty Liêm phóng (CA) Bắc Bộ; Tổng Bí thư Trường Chinh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp năm 1946. (Có nhiều báo của ta nhầm ông Chu Đình Xương là ông Trần Duy Hưng, có báo lại nhầm là Trung tướng Nguyễn Bình)

Tôi chỉ muốn cùng bạn lượt qua một vài câu chuyện mà GS Chu Hảo ghi lại theo lời kể của thân phụ mình là ông Chu Đình Xương, một cận thần ngành an ninh của HCM thời 1945, 1946.

Mời bạn đọc đoạn này :

" Ba nhớ là khi các đồng chí lãnh đạo báo cáo là đã cử đoàn công tác vào Huế để tước ấn kiếm và buộc Bảo Đại thoái vị thì Bác Hồ tỏ ra không bằng lòng:
- “Sao các chú dại thế? Thế giới người ta đang nhìn mình “đỏ loè”, còn một chút “vàng vàng” thì các chú lại bôi cho “đỏ” nốt!”.
Điều này rất nhất quán với chủ trương của Bác là đi theo đường lối dân tộc chủ nghĩa." ( Hết trích )

Thưa các bạn,

Một mình tôi, Huỳnh Hậu, nhìn ông Hồ thì có thể SAI vì CHỦ QUAN , nhưng cả THẾ GIỚI NGƯỜI TA ĐANG NHÌN thì làm sao sai được!

Các bạn đọc đoạn văn này xong thì có cảm tưởng gì ? Riêng tôi thì nghe trong đó giọng của một tên đầu sỏ mafia, đang chê trách lề lối làm việc của đàn em "Sao chúng mày ngu quá ? Phải biết che giấu thân phận thật sự của mình, ai lại vạch lưng ra cho người ngoài nhìn như thế chứ ? ".

Thế nhưng lời của một tên tướng cướp, vào lỗ tai của "thiếu nhi" Chu Hảo thì lại là NHẤT QUÁN VỚI CHỦ TRƯƠNG CỦA BÁC LÀ ĐI THEO ĐƯỜNG LỐI DÂN TỘC CHỦ NGHĨA !

Còn đoạn này nữa :

" Mấy tháng sau, trong Tạm ước mồng 6 tháng 3 năm 1946 mà Bác ký với Pháp, cũng có một Điều khoản “Công nhận nước Việt Nam độc lập nằm trong khối Liên hiệp Pháp”. Và sau đó Bác cũng đã mời Bảo Đại tham gia Chính phủ liên hiệp. Trước sau Bác vẫn cố chứng tỏ như một nhà yêu nước dân tộc chủ nghĩa, đúng như “cái tội tầy đình” mà Stalin và các đồng chí của mình đã gán cho vào cuối những năm 30. " ( Hết trích )

Cái tạm ước mà ông Chu Đình Xương nói ở đây còn được gọi là Hiệp Định Sơ Bộ . Trong tài liệu lịch sử cũng như tài liệu tuyên truyền của đảng CSVN, lũ bưng bô ca ngợi hiệp định này như một sáng tạo, một cái nhìn chiến lược của " bác ". Thực chất của nó là cái gì ?

Vào tháng 3 năm 1946, lực lượng Việt Minh của HCM còn quá yếu kém về nhân lực, về tài chánh, về quân sự v.v. HCM và Võ Nguyên Giáp biết rõ như thế và không dám đem cái lực lượng ĐỘI TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN với mấy cây súng mút cờ tông , tầm vông , giáo mác v.v. để đối đầu với Pháp. Vì thế HCM ký hiệp định sơ bộ, cho phép Pháp đặt chân trở lại miền bắc. Mục tiêu thứ nhất mà HCM nhắm đến là bảo toàn lực lượng Việt Minh, tránh va chạm trực tiếp với Pháp , thứ hai là HCM muốn lợi dụng Pháp để tiêu diệt những đảng phái cách mạng VN không cộng sản như VNQDĐ, VNCMĐMH , ĐVDCĐ v.v. mà vụ án Phố Ôn Như Hầu là một điển hình của sự hợp tác PHÁP + VIỆT MINH, nhằm tiêu diệt những thành phần cốt cán của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Ông Chu Đình Xương còn kể "Bác đã mời Bảo Đại tham gia chính phủ liên hiệp " để chứng minh HCM là một nhà yêu nước dân tộc chủ nghĩa !

Tôi không rõ ông Chu Đình Xương thực sự bị HCM che mắt nên không thấy được bụng dạ của con cáo già, hay ông Xương cũng biết nhưng lại cố tình lừa gạt thằng con trai Chu Hảo của mình ? Nào chỉ có Bảo Đại được HCM mời vô CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP làm chức Cố Vấn ! Mà Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Bùi Bằng Đoàn v.v. cũng đều được HCM mời vô chính phủ và nắm một số chức vụ.

Mục đích của HCM là gì ? Như được diễn tả ở đoạn văn phía trên, HCM muốn cho quốc dân và thế giới nhìn vô chính phủ của mình và thấy nó vàng vàng chứ không đỏ lòm. Nhưng sau đó thì sao ? Nguyễn Tường Tam làm Bộ Trưởng Ngoại Giao được thời gian ngắn là thất kinh hồn vía, tìm đường trốn vô nam; những nhân vật khác cũng từ từ bị cho ra rìa khi HCM củng cố được lực lượng của mình.

Nhưng những phù phép của HCM chỉ lừa gạt được mấy cái đầu đất trong nước , chứ HCM làm sao mà lừa gạt được ông tình báo Mỹ ! Con cáo Hồ Chí Minh vào năm 1946 , đã nhiều lần viết thư cho Tổng Thống Mỹ Harry S. Truman, nhưng TT Truman chưa bao giờ hồi âm . Vì sao ? Vì Mỹ biết rõ HCM là tên tay sai của cộng sản quốc tế , chứ có phải là nhà yêu nước dân tộc chủ nghĩa gì đâu ?

Huỳnh Hậu
.................


CHA TÔI KỂ CHUYỆN BÁC HỒ 

Tác giả Chu Hảo 

(Tư liệu: Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5) - Chu Hảo)

Những ngày cuối cùng nằm trong bệnh viện Việt - Xô trước lúc mất, cha tôi - ông Chu Đình Xương (người đeo kính sau Bác Hồ trong ảnh), nguyên Giám đốc Ty Liêm phóng (Công an) Bắc Bộ - đã kể cho tôi nghe những mẩu chuyện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.

Tôi được biết những chuyện này ông đã kể lại trong Hồi ký của mình do NXB Công an tổ chức thực hiện (ghi âm và gỡ băng) vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Tiếc rằng sau đó mấy năm ông bảo với tôi là NXB Công an thông báo đã “làm thất lạc” bản thảo. Ông bảo tiếc công sức một chút, chứ cũng không phàn nàn gì lắm.

Dưới đây tôi xin giới thiệu với bạn đọc những ghi chép riêng tư mà tôi đã lưu giữ từ khi cha tôi qua đời vào tháng 5 năm 1985. Mấy chục năm đã trôi qua, chưa bao giờ tôi có ý định công bố, mà chỉ kể lại cho những người thân trong gia đình và bè bạn. Nay, tự nhiên thấy trong lòng thôi thúc, muốn được chia sẻ với mọi người...

Tôi không nghi ngờ gì về tính chân thực của các sự kiện mà ba tôi nhớ lại. Nhưng xin các bạn hãy coi đây chỉ là mẩu chuyện bên lề, đọc để hiểu thêm Con Người Hồ Chí Minh, chứ không phải là các sự kiện lịch sử đã được kiểm chứng.

(Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ )
----------------

1. Bác Hồ về đến Hà Nội cuối tháng 8 năm 1945 và ở tại số nhà 48 Hàng Ngang, nơi vài ngày sau Bác viết “Tuyên ngôn độc lập”. Lúc ấy ba có nhiệm vụ tổ chức bảo vệ vòng trong cho Bác với tư cách Giám đốc Công an Bắc Bộ, nên có điều kiện gần gũi Bác. Ngay trong mấy ngày đầu Bác đã làm việc với Thường vụ Trung ương Đảng về các công việc cần làm ngay trước ngày mồng 2 tháng 9.

Ba nhớ là khi các đồng chí lãnh đạo báo cáo là đã cử đoàn công tác vào Huế để tước ấn kiếm và buộc Bảo Đại thoái vị thì Bác Hồ tỏ ra không bằng lòng:

- “Sao các chú dại thế? Thế giới người ta đang nhìn mình “đỏ loè”, còn một chút “vàng vàng” thì các chú lại bôi cho “đỏ” nốt!”.

Điều này rất nhất quán với chủ trương của Bác là đi theo đường lối dân tộc chủ nghĩa.

Mấy tháng sau, trong Tạm ước mồng 6 tháng 3 năm 1946 mà Bác ký với Pháp, cũng có một Điều khoản “Công nhận nước Việt Nam độc lập nằm trong khối Liên hiệp Pháp”. Và sau đó Bác cũng đã mời Bảo Đại tham gia Chính phủ liên hiệp. Trước sau Bác vẫn cố chứng tỏ như một nhà yêu nước dân tộc chủ nghĩa, đúng như “cái tội tầy đình” mà Stalin và các đồng chí của mình đã gán cho vào cuối những năm 30.

2. Sau ngày 2 tháng 9, Bác về làm việc ở Bắc Bộ phủ. Hàng ngày ba phải đến sớm để kiểm tra an ninh chỗ làm việc của Bác. Một hôm trong khi ba đang rút một điếu thuốc từ hộp thuốc của Bác mở sẵn mà anh em cần vụ thường vẫn đặt trên bàn, thì bất thình lình Bác từ cửa bên bước vào phòng... Người ba như điện giật, nhưng vẫn cười ỏn ẻn: - “Bác cho em xin một điếu!”.

Bác liền bảo:
- “Chú cứ vẽ!... ngày nào chú chả lấy của tôi một điếu!”.

Rồi sai ba đi làm việc khác, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra... Chết thật, thì ra “Ông Cụ” biết tất, nhưng cho qua... Có lẽ vì hồi ấy quan hệ trên dưới còn thân tình lắm và ba cũng mới hơn 30 mươi tuổi thôi, chắc Bác coi là còn trẻ con...

3. Hồi ấy cánh bác Lê Giản và ba cuối tuần hay rủ nhau đi ăn thịt chó. Có lần đã tập trung đông đủ cả thì lại thiếu bác Lê Giản còn bận việc gì đấy bên văn phòng của Bác. Mấy lần điện thoại réo, bác Lê cứ thì thầm “Sắp xong, sắp xong, ra ngay đây... “. Bẵng đi ít lâu, một hôm Bác đến nhà bác Lê ăn cơm tối, cánh “thịt chó” có mặt đông đủ cả. Bác bế chị con út bác Lê vào lòng và nựng:
- “Lớn lên cháu đừng làm Chủ tịch nước nhá! Làm chức to thế khi cỗ bàn rôm rả như ăn thịt chó người ta chẳng rủ mình đâu!”.

Thì ra “Ông Cụ” lại biết tuốt. Cả hội vừa toát mồ hôi, vừa cười vui vẻ... Bác luôn hóm thế đấy!

4. Khi Pháp bắt đầu gây hấn ở Nam Bộ, một hôm Bác bảo ba mang bức điện tín của Trung ương cục miền Nam gửi ra xin chủ trương “đánh hay không đánh” sang cho bác Văn thảo điện trả lời. Khi bác Văn đến chỗ Bác để thông qua bản dự thảo, ba nghe nội dung thấy thật là hào hùng, thật là khí thế..., như kiểu “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” mà mãi đến ngày 19 tháng 12 Bác Hồ mới đọc ấy. Nghe xong Bác ôn tồn bảo:
- “Chú Văn này, ta ở cách xa anh em hàng ngàn cây số. Qua một bức điện ngắn thế làm sao ta biết rõ tình hình thế nào mà quyết được. Viết thế này tức là ra lệnh cho người ta phải đánh à? Chú viết lại đi, đại ý là để cho các đồng chí trong đó căn cứ vào tình hình cụ thể mà quyết định “đánh” hay chưa “đánh” đều đúng ý của TW cả!”.

Không biết sau đó bác Văn viết thế nào, nhưng sự chỉ đạo của Bác Hồ là như thế đấy!

5. Có hôm các vị chỉ huy quân sự, tướng Lê Quảng Ba, Chu Văn Tấn, Bằng Giang... ở chiến khu về thăm Bác ở Bắc Bộ phủ. Các vị ấy hùng dũng bước vào phòng làm việc của Bác. Cốp! cốp! cốp!..., tiếng gót giầy nện vang trên sàn gạch hoa nghe thật là oai, và tiến đến trước mặt Bác chào theo kiểu quân sự rất chi là chuyên nghiệp... Bác không ngửng đầu lên mà chăm chăm nhìn xuống chân các vị, thản nhiên hỏi:
- “Ngoài kia mưa à ?”.
- “Dạ không ạ!”.
- “Sao các chú đi ghệt trông ghê quá !”.

Thế là mọi người cười xoà, hết cả vẻ trịnh trọng mà vốn Bác vẫn không ưa...

6. Khoảng đầu năm 1946, một phái bộ của chính phủ Hoa Kỳ sang tìm hiểu tình hình Việt Nam, gồm hai người, lâu rồi nên ba không còn nhớ tên và chức danh của họ. Họ cập bến Hải Phòng và mang theo một chiếc xe hơi bốn chỗ của hãng Ford để đi lại. Bác Hồ giao cho ba trách nhiệm chăm sóc đoàn khách này chu đáo nhất có thể. Vì họ sẽ ở hàng tháng nên ba đã tìm cho họ một biệt thự của một gia đình người Pháp mới bỏ đi, bây giờ là số nhà 30 Hoàng Diệu mà bác Văn đang ở. Khi ấy là ngôi nhà hai tầng trên một khuôn viên xinh xắn. Ba cho tân trang lại và sắm đồ đạc sang trọng, mỗi tầng đặt một chiếc radio hãng Phillipe.

Một ngày kia, họ báo cho Sở Liêm phóng biết là xe hơi của họ đã bị mất trộm ở gần Nhà hát Lớn và đề nghị Công an Việt Minh (CAVM) can thiệp. Hăng máu lên, ba bảo anh em trả lời là CAVM sẽ tìm trả lại cho họ sau 24 tiếng đồng hồ! Nói xong rồi mới lo... và suy đoán là chỉ có dân anh chị gốc Hà thành mới dám liều thế, bèn cho trinh sát đi phao tin: “Vì danh dự quốc gia, anh em nào trót lấy chiếc xe của phái bộ Mỹ hãy đem trả lại chỗ cũ, chính quyền Cách mạng sẽ đền bù bằng vàng ngang giá trị”. Đồng thời lại đi quyên vàng ở nhà mấy bà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện... Quả nhiên ngay hôm ấy phía ta đã trao trả xe cho khách Mỹ với sự hãnh diện, còn họ thì phục CAVM sát đất. Có lẽ cũng vì được đối xử chu đáo thế nên khi rời Hà Nội, phái bộ Mỹ đã tặng cho Giám đốc CAVM chiếc xe hơi ấy và một khẩu súng ngắn hãng Browning. Đó chính là khẩu súng màu bạc mà ba đã cho con bắn thử dưới hầm đá trong khuôn viên Ty Liêm phóng đấy..

Mấy hôm sau ba hỏi Bác:
- “Họ là ai mà Bác bắt chúng em chăm bẵm ghê thế? ”.

Bác bảo:
- “À, họ sang để xem ta theo đường lối cộng sản hay dân tộc đấy. Tôi muốn ta chiều chuộng họ để lấy cảm tình. Nhưng như thế mà chuyến này về họ vẫn báo cáo cấp trên của họ ta là cộng sản thì chính phủ Mỹ sẽ không hợp tác, ủng hộ ta đâu!”.

Kết quả thế nào thì con biết rồi đấy!

(Chu Đình Xương)

------------------------


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025