Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành” (2)

Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành” (2)


Hồi Ký Đặng Hoàng Hà

Một buổi sáng Tháng Sáu 1975, khi đi tới ngã ba Trương Tấn Bửu, Trương Minh Giảng, tôi thấy một đoàn người rất đông, mang cờ Vatican, vừa đi vừa hô khẩu hiệu. Hình như đi để cứu Đức Khâm Sứ Toà Thánh đang bị bọn cộng sản mang ngài ra vườn Tao Đàn hạch tội. Đoàn người vừa đi đến cầu Trương Minh Giảng thì tôi nghe thấy một loạt súng liên thanh nổ ròn.

Bọn cộng sản đã bắn đạn thật vào giáo dân xứ Bùi Phát đi biểu tình ôn hòa, không cầm bất cứ thứ gì trong tay. Tôi thấy mọi người la hét, chạy toán loạn về phía sau, hình như có người chết, vì bọn cộng sản bắn đạn thật chứ không phải bắn lựu đạn cay hay đạn cao su như chính phủ VNCH mỗi lần dẹp biểu tình. Nghe nói cha Xứ cầm đầu biểu tình đã bị cộng sản bắt. Đây là lần đầu tiên tôi thấy dân chúng Sài Gòn biểu tình sau 30 Tháng Tư 1975.

Thấy hôm đó tình hình không ổn, tôi trở về nhà và nói mọi điều trông thấy cho cả nhà nghe. Anh Từ nói.

– Cộng sản nó chẳng ngán cha, sư gì đâu. Chúng chơi đạn thật chứ không phải đạn cao su như chính quyền cũ.

Hình như sau đó bọn cộng sản trục xuất Đức Khâm Sứ Toà Thánh là Giám Mục Henri Lemaitre khỏi Việt Nam và chấm dứt mọi liên hệ với Vatican. Cộng sản là bọn vô thần, coi tôn giáo là thuốc độc.

Những ngày sau đó tôi ghé Ngã Ba Ông Tạ. Chú thím Đặng, chú thím Dương đã chuyển về đây. Tính gặp Kha, trước là Thiếu tá Hạm trưởng Hải Quân Việt Nam. Ngày 30 Tháng Tư 1975, tuy là hạm trưởng nhưng Kha không đi, vì còn kẹt vợ con, nên mở máy rồi xuống tàu về nhà. Tôi muốn gặp Kha để hỏi, nếu có dự định đi vượt biên thì cho biết, để chúng tôi đóng góp đi chung. Nhưng Kha cho biết là sẽ đi trình diện học tập một tháng theo lời kêu gọi trình diện của Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia Định lúc đó. Khi về sẽ bàn tính sau. Vì Kha nói đi một tháng thì cũng nhanh thôi. Nhưng một tháng của cộng sản rất dài…

Anh chị Từ Nhã có quen thân với chị Thanh là vợ của ông Thư Lâm Ấn Quán. Vợ chồng ông bà này là cộng sản nằm vùng. Nhưng sau khi cộng sản tiếp thu, họ mới toá hoả tam tinh khi biết tất cả không giống như những gì chúng tuyên truyền. Ông bà này là cơ sở kinh tài cho Việt Cộng nên tài sản kếch xù, có rất nhiều nhà cửa và villa trong nội thành. Biết trước sau gì cũng bị tịch thu, dù là hoạt động cho chúng, nên chị Thanh muốn bán hết nhà cửa, villa tống táng càng nhanh càng tốt. Chị cho biết, Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam sắp giải tán, sẽ sáp nhập vào miền Bắc. Không có chính phủ trung lập cho miền Nam ba năm như Bắc Việt đã hứa trước đây.

Chị khuyên vợ chồng anh chị Từ Nhã, nếu có đường đi ngoại quốc thì hãy dọt cho lẹ. Ngay cả chính chị cũng đang tìm cách chuồn qua Pháp. Trong khi chờ đợi, chị sẽ bán cho anh chị Từ Nhã căn phố hai tầng số nhà 142 đường Tự Do, nay đổi lại là Đồng Khởi, để làm nơi buôn bán tạm thời kiếm sống qua ngày vì đó là khu đất vàng, trung tâm thành phố. Tôi không biết hai bên bàn luận và giá cả ra sao nhưng sau đó căn phố đã chuyển giao cho anh chị Từ Nhã. Anh chị Từ tính sửa lại tầng trệt căn nhà thành nhiều quầy hàng, chuyên bán cho các du khách. Anh Từ nói mình tôi lên đó ngủ để trông coi nhà vì trên lầu không ai ở.

Cộng sản thường rêu rao là tranh đấu cho một nước Việt Nam Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc. Nhưng khi chúng chiếm được miền Nam Việt Nam, tất cả sự dối trá đã bị bóc trần. Toàn thể dân chúng miền Nam chẳng thấy độc lập tự do gì cả. Trái lại chỉ thấy độc tài, tàn bạo khát máu. Tất cả quân cán chính và dân chúng VNCH đều bị cho là thành phần có nợ máu với nhân dân.

Miền Nam Việt Nam không còn báo chí tư nhân. Mọi sự di chuyển đi bất cứ mọi nơi trong nước phải có giấy phép đi lại, do công an cấp. Mọi kinh doanh đều do nhà nước quản lý. Chấm dứt buôn bán tự do. Học đường là nơi tuyên truyền của chế độ. Học sinh phải tham gia Đoàn thanh niên cộng sản HCM. Sách báo chế độ cũ họ tịch thu, đốt sạch. Trong một tình trạng như thế, phải nói hầu hết dân chúng miền Nam bây giờ đã ngã ngửa. Thì ra Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc của cộng sản là như vậy. Người người đều trông mong có sự đổi đời. Người có nhiệt huyết thì mong có tổ chức phất cờ khởi nghĩa để tham gia. Người không muốn thì tìm đường vượt biên, để khỏi sống trong “Thiên Đường Cộng Sản”. Thời đó có câu: “Nếu cột đèn biết đi thì chúng cũng đi hết”.

Trong thời gian này, anh Trần Dạ Từ sửa căn nhà 142 đường Đồng Khởi (Tự Do cũ) để làm thương xá nhỏ. Anh dự định sau khi sửa xong, tôi sẽ lên ở trên đó để coi nhà vào ban đêm. Do đó, hàng ngày tôi thường ghé qua đây, nói chuyện một lát rồi mới đi làm các công việc khác. Thời gian này, một mặt lo làm ăn, mặt khác tôi vẫn theo dõi tình hình. Theo một vài nguồn tin không rõ xuất xứ cho biết, cộng sản sắp mở chiến dịch X10, nhắm vào giới văn nghệ sỹ, trí thức.

Ngày 31 Tháng Ba 1976, tôi có người bạn, anh Nông Văn Vinh ở Tùng Nghĩa xuống thăm. Anh Vinh trước đây là thư ký của quận Đức Trọng. Anh người sắc tộc Tày, rất thực thà, chất phác. Năm 1966, khi anh chị Trần Dạ Từ, Nhã Ca lên đọc thơ ở Viện Đại Học Đà Lạt, khi ghé về Tùng Nghĩa, chính anh Vinh là người sắp xếp để phái đoàn đi thăm các nông trại ở Tùng Nghĩa. Lúc đó ngoài anh chị Trần Dạ Từ, Nhã Ca còn có hai nhà thơ Tú Kếu Trần Đức Uyển và Nguyễn Nghiệp Nhượng.

Tối đó, anh Vinh ăn cơm với gia đình anh chị Từ, Nhã và chúng tôi. Cơm nước xong, tất cả chúng tôi đều giữ Vinh ngủ lại, rồi sáng hôm sau sẽ chở ra bến xe để về lại Tùng Nghĩa. Nhưng Vinh nhất định không chịu. Muốn ra thuê ghế bố ngủ qua đêm ở bến xe, để sáng hôm sau đi cho tiện, khỏi phiền chúng tôi phải dậy sớm để chở ra bến xe. Thấy Vinh cương quyết như vậy, mọi người cũng không giữ. Một mình tôi đưa Vinh đi. Nhưng thay vì ra bến xe, tôi đưa Vinh thẳng đến khách sạn Hạnh Long, Chợ Lớn. Nơi đây cũng rất gần bến xe Sài Gòn – Đà Lạt.

Tôi lấy một phòng cho Vinh. Sau khi để đồ đạc vào phòng, thấy còn sớm, lúc đó khoảng 9:30 tối. Nhìn sang bên kia đường, có nhiều hàng quán ban đêm bán trên vỉa hè, tôi rủ Vinh qua bên kia đường, ngồi vào quán chè sâm bổ lượng. Tôi kêu mỗi người một ly, vừa ăn vừa ngắm nhìn thành phố lúc về đêm. Ngồi ăn được một lúc, bỗng có ông Lý Văn Sấm đến bên tôi, ghé vào tai nói nhỏ:

– Anh Hà, tôi có chuyện quan trọng cần báo với anh.

Nghe ông nói thế. Tôi gật đầu nhưng không đi ngay, vì ly chè còn đang ăn dở, và tôi nghĩ “tối thế này thì chắc cũng chả có tin gì quan trọng”. Ông Sấm đợi tôi ăn xong ly chè rồi chúng tôi cùng đi lên khách sạn. Tối đó ông Sấm cũng thuê một phòng ở đây. Khi đến phòng riêng, ông Sấm báo cho tôi biết, “Tối nay đã cho người đi đặt bom ở Hồ Con Rùa”. Tôi giật mình.

– Tại sao lại đặt mìn phá Hồ Con Rùa vào lúc này?

– Giờ này quá trễ. Đã hơn 10 giờ đêm. Người của mình sai đi chắc đang sắp sửa cho nổ. Không có cách nào có thể hoãn được trong lúc này.

Tôi hỏi ông Sấm:

– Ai ra lệnh cho nổ Hồ Con Rùa tối nay? Với mục đích gì?

– Chính Anh Hai, tức Trần Duy Ninh, ra lệnh. Hình như theo yêu cầu của một tổ chức nào đó. Nếu thực hiện được, họ sẽ cung cấp các phương tiện cho hoạt động.

Sau khi nói chuyện xong, tôi về phòng Vinh để ngủ. Khoảng nửa đêm, trong lúc mơ màng, tôi nghe hình như có tiếng nổ lớn ở đâu đó. Nhưng tôi vẫn tiếp tục ngủ. Khoảng 2 giờ sáng, tôi thấy khách sạn rất ồn ào. Hình như có cuộc lục soát của công an. Lúc 2:30 sáng, công an gõ cửa phòng tôi.

Khi cửa mở ra, một toán công an xông vào yêu cầu chúng tôi đưa thẻ căn cước để chúng khám xét. Nhìn thẻ căn cước của tôi ngụ tại Sài Gòn, chúng liền hỏi:

– Anh ở Sài Gòn tại sao lại lên khách sạn ngủ?

– Tôi tiễn người bạn ngày mai về Đà Lạt. Nói chuyện khuya quá nên ngủ lại. Sáng sớm mai tôi lại về nhà. Phòng này của người bạn thuê, không phải tôi. Cuối cùng, chúng trả thẻ căn cước cho tôi và nói, Thôi, sáng mai anh phải về nhà. Không được ở khách sạn nữa.

Hôm sau, khi Vinh ra bến xe, tôi ghé về 142 Đồng Khởi, khoảng 8 giờ sáng ngày 1 Tháng Tư 1976. Tôi thấy anh Từ và một số người trong tổ hợp ván sàn của anh cũng đang ngồi đó thảo luận công việc. Vì đêm qua tôi bị khám xét, làm khó dễ đến gần sáng, nên tôi rất mệt, uể oải. Vừa ngồi xuống, bỗng nghe Trần Đại Hoàn Ngọc nhảy dựng lên nói:

– Sướng quá, sướng quá.

Tôi cũng chẳng hiểu Ngọc nhảy sướng về chuyện gì? Tôi hỏi:

– Có việc gì mà nhảy cỡn lên vậy.

– Anh không biết à? Hồ Con Rùa đã nổ tung hồi đêm qua rồi.

Buổi trưa ngày 1 Tháng Tư 1976, Ngọc đến chở tôi cùng đi lên Chợ Lớn, gặp những người tổ chức đánh bom Hồ Con Rùa tối qua để khoản đãi. Trưa ngày 2 Tháng Tư 1976, tôi, Ngọc và phía ông Lý Văn Sấm có ba người, tổng cộng năm người. Chúng tôi ăn ở một tiệm Tàu mãi trong đường Đồng Khánh, Chợ Lớn. Ngoài ông Sấm, thì hai người kia cũng là lần đầu tiên tôi gặp. Họ là những người sắc tộc Nùng, trước đây là biệt kích Lôi Hổ, từng nhảy toán ra miền Bắc.

Đến chiều tối, tôi ghé nhà chị Liên ở 452 Trương Minh Giảng, đối diện rạp chiếu bóng Minh Châu. Thấy tôi có vẻ, phờ phạc, mệt mỏi, chị Liên và cháu Hằng đều nói:

– Thấy cậu hình như không được khỏe? Thôi, tối nay ở lại đây, để cháu Hằng mở nước nóng cho cậu tắm.

Nghe chị nói thế, tôi đã tính ở lại. Nhưng bỗng sực nhớ, buổi sáng nay, trước khi đi, anh Trần Dạ Từ đã dặn:

– Đi đâu thì đi nhưng tối nay nhớ về, vì là đầy tháng cháu Long Nghi, con gái đầu lòng của anh Sơn. Anh đã đặt sẵn con heo sữa để mừng thôi nôi cho nó. Sở dĩ anh Từ phải dặn như vậy, vì lâu nay tôi ít khi ngủ ở nhà. Đã bốc phone lên tính gọi về nhà là không về tối nay. Nhưng nghĩ lại lời anh Từ đã dặn buổi sáng nên tôi lại bỏ phone xuống, chào chị Liên rồi đi về. Về đến nhà, tôi thấy khá đông người. Có ký giả Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn và các người em của Cao Sơn. Trong đó có một người là kỹ sư nông lâm súc. Mọi người ăn uống vui vẻ xong rồi giải tán, lúc ấy cũng khoảng hơn 10 giờ đêm.

Hình như có linh tính báo trước sắp có việc chẳng lành, tôi gọi cháu Na đứa con gái lớn của anh chị Từ, Nhã – năm đó cháu mới 14 tuổi – đến bảo:

– Đêm nay nếu có người đến kêu mở cổng, đòi kiểm tra hộ khẩu, cháu báo cho chú, trước khi ra mở cổng nhé.

Nói với cháu Na điều đó, vì nếu được báo trước tôi có thể tìm kế thoát thân để khỏi bị bắt. Nhưng tất cả là số phận. Đã là định mệnh thì không thể tránh. Đêm đó tôi trằn trọc khá lâu mới ngủ được. Đang ngủ, bỗng cháu Na hốt hoảng xông cửa vào nói lớn:

– Chú Hà mau ra ngoài để kiểm tra hộ khẩu.

Như vậy là mọi việc đã trễ. Công an đã vào đến trong nhà, có lẽ chúng đã bao vây chung quanh, không thể tẩu thoát được nữa.

Tôi vừa bước chân lên phòng khách, hàng loạt súng AK chĩa vào người tôi hô lớn:

– Giơ hai tay lên. Úp mặt vào tường.

Tôi bắt buộc phải thi hành mệnh lệnh của họ. Chúng đến còng hai tay tôi lại, rồi kêu tôi quay mặt trở ra.

Thấy anh Trần Dạ Từ và anh Sơn cũng bị còng tay, đứng mỗi người một góc. Vợ anh Sơn bồng cháu Long Nghi vừa đầy tháng, và mẹ chị Nhã Ca đứng ở phía cuối phòng. Chị Nhã Ca còn trong phòng ngủ, bước ra với thái độ giận dữ. Chị đóng cửa phòng thật mạnh để tỏ ý bất mãn. Sau khi bốn người chúng tôi đã có mặt ở phòng khách, một tên trong bọn chúng đọc án lệnh bắt giam bốn người với tội danh: TUYÊN TRUYỀN PHẢN ĐỘNG. Rồi bọn chúng dẫn chúng tôi ai về phòng nấy để khám xét. Thấy dưới gầm giường của tôi có nhiều sách về Binh Thư, Chiến Lược của Tổng Cục Quân Huấn Bộ Tổng tham mưu mà anh Từ thầu còn thừa, chúng hỏi:

– Anh làm gì mà có nhiều sách Binh Thư thế?

Chúng khám từ 3 giờ khuya cho đến 10 giờ sáng ngày 3 Tháng Tư 1976 mới hoàn tất. Tất cả sách báo trong nhà, chúng gom hết, chở trên bốn xe Peugeot đầy nhóc. Trong nhà anh Từ có cả một thư viện sách. Tất cả phần lớn là của các nhà văn ký tặng. Phần lớn anh đóng bìa cứng mạ vàng để làm kỷ niệm. Các tạp chí giá trị như Sáng Tạo, Nghệ Thuật, Văn, Bách Khoa… anh đều có đủ, từ số ra mắt cho đến số cuối cùng, đều đóng bìa cứng mạ vàng. Những tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung cũng không thiếu bộ nào.

Villa 155 Hoàng Hoa Thám, Gia Định nằm trong sâu, có hai cổng ra vào. Một đường nữa để vào villa là 61 Ngô Tùng Châu. Trong villa có sân rất lớn, chứa bốn xe hơi là chuyện nhỏ. Con anh chị Từ-Nhã lúc đấy còn rất nhỏ. Cháu lớn nhất là NaNa Lê Thị Sớm Mai mới 14 tuổi, HôNô Lê Phương Đông 10 tuổi, NiNa Lê Thị Hoà Bình 8 tuổi, LuLu Lê Thị Sông Văn 5 tuổi, TiNa Lê Thị Vành Khuyên 3 tuổi và cháu út Toe Lê Hưng Chấn gần 1 tuổi còn ẵm trên tay. Tất cả các cháu đều nhìn cha mẹ và các chú bị còng tay bắt đi với tất cả sự tức giận trên khuôn mặt. Nhưng đặc biệt không cháu nào khóc lóc sợ sệt. Chúng tôi mỗi người ngồi một xe, đi ra cổng 155 Hoàng Hoa Thám. Dân chúng lúc đó đang họp chợ. Họ không biết rằng chúng tôi đã bị bắt.

(CÒN TIẾP)

Đặng Hoàng Hà

Xem thêm:

- Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành” (1)

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025