Thị Nghè trong dòng lịch sử Sài Gòn Gia Định

Thị Nghè trong dòng lịch sử Sài Gòn Gia Định

Nguyễn Gia Việt

Ở Sài Gòn Gia Định, khi nói về Thị Nghè thì ta thấy là còn cái cầu Thị Nghè, khu Thị Nghè và chợ Thị Nghè, có thể kể thêm nhà thờ Thị Nghè.

Nói về lịch sử thì khu Thị Nghè là khu rất rộng khi nó kéo dài từ cầu Phan Thanh Giản tới cầu Sài Gòn, Văn Thánh, Hàng Sanh, Nguyễn Hữu Cảnh, nhà thờ Thị Nghè. Có bài hát rằng: “…nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè, nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do..."

1. Thị Nghè là ai?

- Nghè là gì?
Dân gian có câu "Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng".Nghe "đỗ" chớ không phải đậu là biết đây là câu của Miền Bắc.

Từ điển Việt - Bồ - La của (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, Roma, 1651) của cha Đắc Lộ định nghĩa nghè là “chức vụ của các bậc văn nhân”. Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội, 1931) và Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị (Sài Gòn, 1958) đều định nghĩa nghè là “phòng làm việc trong điện các của nhà vua. Đời Lê chỉ những người đỗ tiến sĩ mới được vào làm việc trong các, cho nên mới gọi tiến sĩ là ông nghè. Đến triều Nguyễn, những người được vào trong các, dù không đỗ tiến sĩ cũng gọi là nghè”.

Nghè là ông Tiến Sĩ .Vậy Thị Nghè là bà Tiến Sĩ.

Miền Nam ít địa danh có chữ nghè. Nói về "ông nghè" thì ta thấy lịch sử Miền Nam còn có một ông Trương Gia Mô (1866 - 1929) dầu không đậu gì hết nhưng dân gian kêu là Nghè Mô mà hồi năm 1910 ông Nghè Mô lấy uy tín của mình viết thơ giới thiệu cho ông Hồ Chí Minh khi đó là Nguyễn Tất Thành được tá túc với công ty Liên Thành và trường Dục Thanh.

Đêm 2 tháng 11 (âm lịch) năm Kỷ Tỵ (1929), ông Nghè Mô từ chóp Pháo Đài trên đỉnh núi Sam (Châu Đốc) nhào xuống tự tử. Ngày nay ở Châu Đốc có trường Trương Gia Mô.

2. Thị Nghè bắt đầu từ một cây cầu bắc qua con rạch Bình Trị mà tên Khmer là Prêk Kompong Lu.

Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định Thành Thông Chí như sau:
“Sông Bình Trị, tục gọi là sông Bà Nghè ở địa phận tổng Bình Trị, về phía Bắc Trấn, từ sông Tân Bình quanh sau trấn lỵ đến cầu Ngang, ngược dòng lên tây độ bốn dặm rưỡi đến cầu Cao Miên (tức cầu Bông hiện nay), chảy về tây bắc độ hai dặm đến chợ Bà Chiểu, chảy về nam độ bốn dặm đến Phú Nhuận, sáu dặm rưỡi nữa đến cầu Huệ là cùng nguyên. Nơi đây có nhiều ao vũng…”.

- Bà Nghè bắt cầu là ai?

Trịnh Hoài Đức viết về bà Nghè như sau:
" Chồng là thư ký mỗ nên người đương thời gọi là bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, cho bắc cầu ngang qua rạch để tiện việc đi lại nên gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè…”

Có hai giả thuyết về "Thị Nghè" và người bắc cầu Thị Nghè.

- Bà Nghè là vợ ông Nghè, tên thật của bà là Nguyễn Thị Khánh, con gái lớn của quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân. Chồng bà làm thơ ký dinh Điều Khiển Sài Gòn.

- Bà Nghè là vợ của chánh thống Cai cơ Chánh thống Vân Trường hầu Nguyễn Cửu Vân.

Lật gia phả tướng Nguyễn Cửu Vân thì ông có 3 con. Thứ nhứt là con trưởng Nguyễn Cửu Triêm, giữ chức Trấn Biên doanh lưu thủ. Thứ hai là Nguyễn Cửu Đàm. Thứ ba là bà Nguyễn Thị Khánh mà dân gian quen gọi là Bà Nghè.

Như vậy giả thuyết bà Khánh là thiệt nhứt.

Nhưng chồng bà Nguyễn Thị Khánh là thơ ký dinh điều khiển thì sao dân gian lại kêu là "ông nghè" khi ông không phải tiến sĩ?

Những khoa thi Chánh Đồ ở Đàng Trong không phải là kỳ thi Hội để lấy học vị Tiến sĩ.

Ở khoa thi này người đậu cao nhứt (thủ khoa) có học vị là Hương cống được bổ làm quan phủ, quan huyện, người đậu Sinh đồ được bổ làm quan Huấn đạo.

Khoa Chánh đồ của kỳ thi Thu vi Hội thí dưới thời chúa Nguyễn tương tự như thi Hương.

Lấy một thí dụ dễ hiểu hơn cho Miền Nam chúng ta.

Tới năm 1790,chúa Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định,vị thế ổn định mới xây thành Bát Quái làm nơi đóng Kinh Đô của mình, đó là Gia Định kinh.

Chúa Nguyễn Ánh bắt đầu nghĩ tới tổ chức thi cử ,tổ chức đơn giản vì thời chiến,chủ yếu kiếm hiền tài biết chữ nghĩa phục vụ cho bộ máy chúa Nguyễn.

Chúa Nguyễn Ánh đã tổ chức 2 khoa thi năm Tân Hợi 1791 và Bính Thìn 1796 tại Gia Định lấy hiền tài, đó là thi Hương.

Năm đầu tiên Tân Hợi 1791 đậu hạng ưu có Ngô Tòng Châu và Nguyễn Hoài Quỳnh đều là dân Gò Công.

Khoa thi Bính Thìn 1796 đậu thủ khoa là một người Gò Công nữa là ông Phạm Đăng Hưng, ông Hưng chính là con trai Phạm Đăng Long ở giồng Sơn Qui.

Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng đậu thủ khoa tam trường Gia Định và có học vị chỉ là Cử Nhân chứ không phải Tiến Sĩ.

Ông Trương Minh Thành (cha tướng Trương Minh Giảng) thi đậu đồng thủ khoa khoa thi năm Tân Hợi 1791 ở Gia Định cũng là Cử Nhân.

Người đậu 3 kỳ thi Hương là Cử Nhân, Sinh đồ là Tú tài.

Qua thời Nguyễn thi hương cũng là Cử Nhân và Tú Tài. Thí dụ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (1830-1875) dân làng Tịnh Hà,Chợ Gạo,là con của ông hương cả Nguyễn Hữu Lý, tục gọi ông Cả Cầm.Kỳ thi hương năm 1852 Nguyễn Hữu Huân thi đậu thủ khoa tại kỳ thi hương Gia Định.

Nói như vậy để khẳng định cái "Ông Nghè" thơ ký là danh của dân gian tự gọi cho một trí thức nào đó thời xưa. Ông chồng bà Nguyễn Thị Khánh không phải là Tiến Sĩ vì thời chúa Nguyễn không có lấy Tiến Sĩ.

Cũng như ông Trương Gia Mô có thi cử gì đâu mà dân cũng kêu là Nghè Mô.

3. Đọc được hai câu trong bài “Gia Định phú”

        “Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải
        Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai”

Chợt nhớ luôn hai câu ca dao xưa:

        “Coi cọp,xuống Thị Nghè
        Ăn ve, lên Ông Tố.”

Người xưa cũng khéo chọn, đưa hai địa danh đất Nam Kỳ xưa là Thị Nghè và Giồng Ông Tố vô chung ,có ông là có bà.

Rạch Bà Nghè xưa nước trắng trong như tờ giấy quyến quấn thuốc rê,lại có chữ “cọp” ở đây nghĩa là gì?

Thị Nghè xưa rày không nghe nói có cọp về quấy phá.Cọp ở Sài Gòn nổi danh cọp Tân Kiểng,Chợ Quán, Bà Điểm (dữ như cọp Vườn Trầu).

Coi cọp tức là dòm cọp,”coi cọp xuống Thị Nghè” là vô Sở Thú coi cọp. Nên nhớ từ chợ Thị Nghè có cái cầu bê tông rất đẹp bắt qua Sở Thú xây năm 1927.

Giồng Ông Tố là vùng đất gò cao ở Biên Hòa,sau thuộc Thủ Đức. Ở đây có nhiều ve và cây dâu gia um tùm mà người Xiêm gọi là chàm rai.

Giồng Ông Tố thời Nguyễn thuộc Bình Trưng thôn , tổng An Thủy Thượng, H.Bình An, Phủ Phước Long tỉnh Biên Hòa.

Sau Giồng Ông Tố thuộc thôn Bình Trưng, tổng An Bình Thủ Đức tỉnh Gia Định, nay là quận 2.

Cũng nên nhắc tới vùng đất tên Gò Công tại các thôn Phước Chánh, Nghĩ Chánh, Mỹ An của huyện Long Thành tình Biên Hòa,nay là Long Thạnh Mỹ quận 9, đất Khổng Tước nầy nằm giữa hai con rạch Gò Công-Trau Trảu.

4. Thị Nghè thời cận đại và hiện tại

Tới 1925 Thị Nghè được coi là ngoại ô của Sài Gòn,đất nầy thuộc làng Thạnh Mỹ Tây,làng rất sung túc trù mật vì kế đó có hãng Ba Son (Hải quân công xưởng), thợ thuyền đều sống trong làng nên bán buôn rất phát đạt.

Làng nằm dọc theo kinh Thị Nghè ra tới vàm sông Sài Gòn, cách thành Sài Gòn một cây cầu tên Thị Nghè.

Rạch Thị Nghè có tên Khmer là Prêk Kompong Lu, tên Việt trước đó là sông Bình Trị, Pháp gọi là rạch Arroyo de l’Avalanche.

Đất làng Thạnh Mỹ Tây khá rộng,kéo dài từ vàm Thị Nghè qua tới Cầu Sơn, trổ qua Hàng Sanh,Văn Thánh tới mé cầu Sài Gòn bây giờ.

Kế bên cầu Thị Nghè có chợ Thị Nghè, phía bên kia rạch Thị Nghè là Sở Thú ,kế đó là giáo xứ Thị Nghè có ngôi giáo đường rất đẹp ,xế đối diện nhà thờ Thị Nghè là nhà dưỡng lão Thị Nghè rất bề thế.

Tới năm 1975 Thị Nghè sầm uất khúc chợ nhưng chạy dài lên qua Hàng Sanh là mịt mù đồng ruộng ,nước còn lên xuống.

Ngay mũi tàu đường Nguyễn Văn Lạc và Hùng Vương là nhà việc của làng Thạnh Mỹ Tây.

Xã Thạnh Mỹ Tây thuộc đất tỉnh Gia Định.Sau năm 1975 lấy đất hai xã Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây hợp lại làm quận Bình Thạnh ,tên Gia Định từ đó bị xóa sổ.

Nhà thờ Thị Nghè là một giáo xứ cổ có từ 1790. Trước 1975 hai bên trong sân nhà thờ Thị Nghè có trường Trường Trung học Phước An mà sau 1975 bị "mượn" thành Trường Tiểu học Phù Đổng.

Kể về cái dưỡng lão Thị Nghè cho biết.

Viện Dưỡng Lão Thị Nghè của các soeurs Dòng Thánh Phaolô rộng 70.500 m2 ra đời năm 1876 địa chỉ trước 1975 là 93 Đường Hùng Vương - Thị Nghè - Gia Định nuôi người già,trẻ em và người bịnh.

Sau 1975 thì Viện Dưỡng Lão Thị Nghè bị đổi chủ. Đầu năm 1983 các soeurs bị yêu cầu ra khỏi nơi ở trong Viện Dưỡng Lão.

Viện Dưỡng Lão Thị Nghè bị đổi thành Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè và chỉ để phục vụ cho "người có công với cách mạng" và "người già thuộc diện thu phí"...

Nguyễn Gia Việt
Nguồn FB

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180