Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành” (3)

Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành” (3)


Hồi Ký Đặng Hoàng Hà

Khi đến Sở Công An Thành Phố, tức Sở Cảnh Sát Đô Thành cũ, nằm trên đường Trần Hưng Đạo, chúng bắt bốn người chúng tôi ngồi xuống. Kêu tên từng người. Chúng đưa mỗi người giam một phòng khác nhau. Tôi được đưa vào phòng khá lớn. Chợt nhìn thấy Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn đã có trong đó, còn đang nằm ngủ. Tôi đá vào người cho Tấn tỉnh dậy. Vừa thấy tôi, Tấn vội nói:
– Đêm qua, sau khi ở nhà anh chị Từ-Nhã về, đến 12 giờ đêm thì chúng đến khám nhà và bị bắt. Tao tính phone qua nhà anh Từ để báo động nhưng chúng đã cắt điện thoại.

Tấn cho biết là anh Nguyễn Mạnh Côn, vợ chồng Đằng Giao Chu Vị Thủy, cùng đứa con mới sinh còn đỏ hỏn cũng bị bắt tối qua. Hình như đây là chiến dịch X10, bắt toàn bộ văn nghệ sỹ, trí thức.

Nói chuyện một lúc, đã đến giờ cơm trưa. Nhìn chung quanh, toàn là những tay tài phiệt chợ lớn như Trần Thành, Lý Sen, Hoàng Kim Qui… Trong số này tôi thấy có giáo sư Đinh Xuân Cầu, trông tướng tá rất tốt tướng. Ông là lãnh tụ của một tổ chức chống cộng. Các tay tài phiệt gọi ông là giáo sư có vẻ rất kính trọng. Trong này mọi người phải kín tiếng. Vì có thể có ăngten của công an trà trộn vào để nắm tình hình.

Đến 2 giờ chiều có người kêu tên tôi đi “làm việc”. Lần đầu tiên nghe từ “đi làm việc”, tôi nghĩ trong tù còn đi làm việc gì? Giáo sư Đinh Xuân Cầu giải thích “đi làm việc” tức là đi hỏi cung. Hỏi cung tôi là một tên chấp pháp trẻ. Hắn mời tôi hút thuốc nhưng tôi từ chối. Thực sự thì tôi chưa bao giờ hút thuốc, dù là thuốc lào, thuốc lá hay thuốc rê. Thoạt đầu hắn ta hỏi tôi có biết Trần Duy Ninh? Tôi gật đầu có biết.
– Anh quen anh Trần Duy Ninh trong trường hợp nào? Ở đâu? Ai giới thiệu?
– Trong một lần tình cờ ở khách sạn Hạnh Long, do Lý A Hếnh (Tôi không nói tên thật là Lý Văn Sấm) giới thiệu.
– Anh có biết nhiều về người này không ?
– Tôi chỉ gặp một lần rồi thôi. Hoàn toàn không biết gì về con người này.

Tên chấp pháp chỉ hỏi tôi đến đó rồi thôi. Và hắn ta ra lệnh nhốt tôi vào cachot số 4. Nghe nói cachot này đã giam Linh mục Trần Hữu Thanh. Ngài đã qua đời trong cachot này. Ở đây có tất cả 20 cachot. Mỗi dãy 10 phòng, 10 phòng kia đối diện nhau, ở giữa có đường đi để tiện việc công an vào gọi đi lấy cung hoặc phạm nhân đưa cơm cho tù biệt giam. Từ hôm sau trở đi, mỗi ngày hai buổi sớm chiều, họ đều gọi tôi lên hỏi cung, trong suốt hơn hai tháng. Họ đưa tôi đi chụp hình, phải nói là cả chục kiểu. Trước sau, phải trái, sau trước, ngang dọc. Không chừa một góc cạnh nào.

Mỗi lần hỏi cung, họ đều đi ba người. Một người chỉ chuyên hỏi, còn hai người kia ngồi ghi chép. Có lẽ họ không tin nhau hay sợ một người ghi thiếu sót? Khi bắt đầu hỏi cung chính thức, họ đã biết phần nào những hoạt động của tôi. Xin nói trước là không phải họ giỏi giang gì, mà bên cạnh tôi có nội gián cộng sản mà tôi không biết. Người đó chính là Trần Đại Hoàn Ngọc. Hoàn Ngọc thuộc gia đình tư sản miền Nam, anh em đều thành đạt, em ruột làm đến chức Phụ Tá Tổng Trưởng Kinh Tế dưới thời Nguyễn Đức Cường là Tổng Trưởng. Ngọc quen biết anh chị Từ, Nhã và tôi trước 30 Tháng Tư 1975 rất lâu, một người như vậy không thể ngờ được lại nằm trong Thành đoàn TP.HCM. Trước đây tôi từng nghe nói trường Đại Học Kiến Trúc Sài Gòn có nhiều sinh viên thiên tả và cộng sản nằm vùng nhưng tôi không nghĩ trong số này có Ngọc.


Do đó, tất cả những lần có Ngọc đi theo, gặp ai, ở đâu, bàn luận những chuyện gì, nhất nhất Ngọc đều báo cáo. Cộng sản đã nắm được những hoạt động tổng quát của tôi. Nhưng chúng chỉ biết thế. Còn những lần không có Ngọc thì chúng mù tịt, chẳng biết gì. Chẳng hạn như tôi gặp Nguyễn Ngọc Á ở nhà mục sư Phan Tần, đi lên Bình Dương để tìm chỗ đặt máy in tiền; hoặc tôi và Trần Duy Ninh đi Hố Nai để lấy Đài Phát Thanh Lưu Động, dù bất thành. Hoặc gặp riêng Hà Tường Cát nhờ tổ chức họp mặt các đại biểu toàn quốc ở Sài Gòn bàn chuyện khởi nghĩa. Bọn cộng sản hoàn toàn không biết. Nên trước sau chúng cũng chỉ hỏi chung quanh những gì mà Trần Đại Hoàn Ngọc đã báo cáo.

Trong suốt hai tháng đó, cứ vài ngày, chúng lại đổi ba người mới, có lẽ là nhiều cơ quan khác nhau, kể cả người ngoài Hà Nội. Tựu trung, họ chỉ xoáy vào hai việc:
– Ai ra lệnh đặt chất nổ phá Hồ Con Rùa?
– Mục đích phá Hồ Con Rùa là gì?

Tất cả mấy tháng lấy khẩu cung liên tục, họ đều đổ riệt cho tôi là người chủ mưu trong vụ cho nổ Hồ Con Rùa, mặc dù tôi đã giải thích cặn kẽ với họ, tôi chỉ được thông báo vào giờ phút chót. Tôi nghĩ với bọn cộng sản có lẽ họ sẽ đưa mình ra tòa và tuyên án tử hình hoặc tối thiểu cũng tù chung thân. Cũng có thể họ đem mình đi thủ tiêu, như đã từng thủ tiêu nhiều người quốc gia trước đây như Đức Huỳnh Phú Sổ, Đảng trưởng Đại Việt Trương Tử Anh, lý thuyết gia Lý Đông A, nhà văn Khái Hưng, học giả Phạm Quỳnh…

Một hôm, khoảng 10 giờ đêm, tôi đang ngủ thiu thiu, bỗng có tiếng khóa mở cachot, kêu tôi đi “làm việc”. Đây là lần đầu tiên gọi đi lấy khẩu cung ban đêm, vì khuya như vậy ai còn làm việc giờ này? Tôi nghĩ: “Hay họ dẫn mình đi thủ tiêu? Có thể lắm…”

Người quản giáo dẫn tôi vào một phòng còn để đèn sáng. Người đàn ông trạc ngoại tứ tuần tự giới thiệu là Tư Trà, trưởng phòng chấp pháp của Sở An Ninh Nội Chính.

Tư Trà lên tiếng:
– Anh tên Đặng Hoàng Hà?
– Vâng.
– Anh là nhà văn?
– Không, tôi chỉ là nhà báo, nhưng không chuyên nghiệp.
– Anh quen biết anh chị Trần Dạ Từ, Nhã Ca.
– Đó là anh chị mà tôi rất kính trọng.
– Anh có biết tại sao chị Nhã Ca viết tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế?
– Thời gian đó tôi ở trong nhà nên biết rất rõ. Tết năm đó chị Nhã Ca nhận được điện tín của gia đình từ Huế đánh vào cho biết là “Ba đau nặng, về gấp”. Trong khi đó anh Trần Dạ Từ bệnh rất nặng, nằm liệt giường, không thể cùng đi. Chị Nhã Ca đã mua vé về trước, dặn lại tôi là khi anh Từ khỏe thì mua vé về Huế ngay. Nhưng khi chị về đến Huế thì ba chị đã mất. Chị phải ở lại chịu tang. Đúng năm đó cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân xảy ra. Chị kẹt lại Huế hơn một tháng. Do chứng kiến những tang tóc của dân chúng Huế, khi về đến Sài Gòn, chị đã viết lại những điều tai nghe mắt thấy, như một chứng nhân của lịch sử.

Tư Trà nổi giận phản bác:
– Chị Nhã Ca hoàn toàn viết theo đơn đặt hàng. Chị viết cho thế giới thấy là cách mạng chỉ có biết chém giết, sắt máu. Cách mạng đã làm bao nhiêu việc tốt đẹp, sao không thấy chị ấy viết?
– Việc này ông phải hỏi chị. Hiện tại chị Nhã Ca cũng bị các ông bắt giam ở đây.

Đang nói chuyện đến đây thì có người vào nói nhỏ với Tư Trà gì đó. Ông ta thu xếp đứng dậy và bảo người quản giáo đưa tôi về cachot. Từ đó tôi cũng không gặp nhân vật Tư Trà này lần nào nữa.

Sau hơn hai tháng hỏi cung liên tục sáng, chiều hai buổi. Cuối cùng, một hôm tôi được gọi lên một văn phòng lớn, có salon tiếp khách, phòng có máy lạnh. Chắc là một người cấp cao của sở. Ông ta ôn tồn mời tôi ngồi ở salon, có người hầu rót nước, rồi nói:
– Tôi đã đọc hết hồ sơ của anh. Hôm nay tôi báo cho anh biết là hồ sơ của anh đã kết thúc. Chúng tôi đã chuyển hồ sơ của anh lên Viện Kiểm Soát Nhân Dân. Trên đó có truy tố anh ra tòa hay không là quyền của Viện.

Tôi được chuyển ra Tập Thể 2. Tại đây thời Chính Phủ VNCH, phòng này chỉ chứa tối đa 20 người. Vì đây là phòng tạm giam. Ngày xưa cảnh sát không được giữ phạm nhân quá 24 giờ. Nếu muốn giữ lâu hơn, phải được lệnh của Tòa Án cho phép.

Vào đến trong, tôi đã thấy nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, anh Trần Dạ Từ, ký giả Anh Quân, một số đạo diễn. Tôi thấy có cả dược sĩ Nguyễn Đạt Tôn. Những người nào mà dẫn Trần Đại Hoàn Ngọc đi theo, bọn công an đều biết và bắt đầy đủ. Trong cuộc trò chuyện với anh Từ, anh cho biết, nhẽ ra chị Nhã Ca không bị nhốt vào cachot, nhưng vì bọn chấp pháp ăn nói mất dạy quá, chúng nói, trong miền Nam theo họ chỉ có hai loại phụ nữ. Một là đánh đĩ bằng thể xác. Hai là đánh đĩ bằng tâm hồn. Chị là người đánh đĩ bằng tâm hồn. Nghe thấy nói thế chị giận quá đứng dậy nói:

- Tôi không biết Bác và Đảng của các anh ra sao nhưng riêng anh là một thằng khốn nạn mất dạy, vô giáo dục. Anh không xứng đáng nói chuyện với một người như tôi.

Nói xong, chị bước ra khỏi phòng và đi thẳng ra ngoài. Tên chấp pháp đứng dậy chạy theo kêu, Ơ, chị này đi đâu? Tôi còn đang làm việc với chị. Chị đi tiếp và không thèm quay lại. Vì lý do trên nên bọn chúng nhốt chị vào cachot.

Tối đó tôi nói chuyện với anh Nguyễn Mạnh Côn. Anh nói chúng hỏi anh rất nhiều về lúc học với Võ Nguyên Giáp và nhà văn Đặng Thái Mai, bố vợ của Võ Nguyên Giáp. Anh cũng tranh luận với chúng rất nhiều vấn đề văn học, chính trị… Anh Côn kể, “biết tôi là người thuộc loại tiên nâu nên họ đề nghị cho tôi được hút trong thời gian làm việc. Nhưng tôi đã cương quyết từ chối”.

Tôi anh Từ và anh Côn chỉ ở với nhau có một đêm. Hôm sau các anh đã được gọi tên để chuyển trại. Nghe nói là chuyển về số 4 Phan Đăng Lưu tức Đề Lao Gia Định cũ. Ở đây tôi nằm chung với nhóm vụ Nhà thờ Vinh Sơn, trong phòng tôi thấy có Trung tá Nguyễn Đình Hiệu, Thiếu tá Nguyễn Văn Tiếp, kỹ sư Trần Đình Nguyên… Một thời gian sau, chúng chuyển tôi qua khu Tập Thể 1, đối diện với Tập Thể 2. Tại đây tôi gặp Hà Tường Cát.

(CÒN TIẾP)

__________

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025