Tuổi Thơ Đến Trễ Mười Năm

Tuổi Thơ Đến Trễ Mười Năm

Trần Trung Đạo

Hai tháng trước tôi gặp lại một người em, bạn học của em gái tôi, trên Facebook này. Bây giờ có thể đã là bà rồi nhưng nửa thế kỷ trước các em chỉ là những cô bé thích đọc Tuổi Hoa. Ngày đó cách nhau năm tuổi là xa lắm rồi nhưng em hay đến nhà chơi nên chúng tôi nhận ra nhau ngay.

Sau khi kết bạn, em nhắn trên ‘Facebook messenger’ nguyên văn như thế này: “Có lần em tới nhà thấy anh nằm trên giường cạnh má, nghe má dặn dò gì đó, cảnh âu yếm mẹ con thật cảm động”.

Nghe em nhắc chuyện xưa, tôi vừa xúc động và cũng vừa có chút mắc cở.

Năm đó tôi mười tám tuổi và học xong năm thứ nhất đại học. Nhưng em nói đúng. Chẳng qua vì tuổi thơ tôi đến trễ mười năm nên khi nằm cạnh má tâm hồn tôi là tâm hồn của đứa bé tám tuổi.

Tôi chơi với nhiều nhóm bạn. Những buổi hẹn café của chúng tôi không phải để nhắc đến một người đẹp vừa gặp trên hành lang Thư Viện Quốc Gia hay cô chủ quán café nào đó mà bàn những chuyện “đội đá vá trời”. Nhiều bạn gốc Quảng Nam nên có khi cũng cãi nhau sôi nổi. Tôi cũng tới nhà các bạn chơi và quen thân với gia đình họ, gặp cha mẹ họ nhưng không thấy bạn nào nằm “âu yếm mẹ con” như má và tôi.

Tôi thì khác. Đi đâu suốt ngày nhưng khi về nhà tôi thường để lại chuyện “đội đá vá trời” ngoài cổng. Tôi về với má như một đứa bé vừa tìm lại tuổi thơ mình sau nhiều năm thất lạc. Tôi sống như đứa bé tám tuổi thật sự, rất thánh thiện và rất hồn nhiên.

Các em tôi đều biết nhưng chẳng những không “ghen” mà còn thương tôi. Hôm nay các em tôi đều đọc đoản văn này và chắc sẽ mỉm cười nhớ lại ông anh mình ngày đó. Em gái tôi giải thích với bạn “Má thương ảnh hơn con ruột.” Thật ra, má thương các con giống nhau nhưng lưu tâm đến tôi nhiều hơn một chút vì không muốn tôi buồn. Tôi như chú nai tơ mang đầy thương tích đi lạc bên kia suối và được má dắt về nuôi.

Chiếc giường khá rộng của má bước vào phòng trong là thấy ngay. Sau này đi xa đến thăm những kỳ quan thế giới, tôi vẫn hay nghĩ về chiếc giường của má. Đó cũng là một kỳ quan. Chiếc giường là công viên, là điểm họp mặt hàng ngày của gia đình chúng tôi. Vì chẳng đi đâu xa nên chiếc giường cũng là một “National Park”, nơi chúng tôi tìm thấy mọi nét đẹp trên đời.

Ở đó, có dòng suối ngọt ngào như những suối nước ở công viên Yosemite. Ở đó, có dòng sông dài như sông Hằng tôi đã từng ngồi nhìn say đắm lúc mặt trời lên. Ở đó, có dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ tôi đã có dịp bay ngang. Ở đó có giọng Quảng Nam có thể lạ với nhiều người nhưng với chúng tôi vô cùng tha thiết. Ở đó, có mẹ là Phật nên mùi hoa Ưu Đàm trên núi Linh Thứu có lẽ cũng không thơm hơn mùi thơm thiêng liêng của người mẹ tôi được nằm bên cạnh.

Tôi có nhiều chuyện để kể nhưng chỉ kể cho người muốn lắng nghe và má lắng nghe. Má lắng nghe chuyện những ngày khủng khiếp của tôi ở Sơn Chà (Sơn Trà), chuyện tôi đi học tiếp ở Vĩnh Điện, chuyện những đêm mưa trên căn gác hẹp ở Thạc Gián Đà Nẵng, chuyện quét lá đa ở chùa Viên Giác Hội An. Tôi như dòng sông nhỏ trở về nguồn chảy róc rách cho má nghe chuyện thời xuôi ngược.

Lý do tôi gọi tuổi thơ đến trễ mười năm vì trong đó có năm năm cô đơn thời thơ ấu ở Duy Xuyên và năm năm sống tạm trong chùa.

Mẹ tôi mất sớm, cha tôi làm “gà trống nuôi con”. Tôi sống một mình với cha. Tới bây giờ tôi vẫn không hiểu, ngoài cha, tôi nhờ vào đâu hay nhờ vào ai khác để lớn lên trong căn nhà tranh chiều ngang bảy mét của cha con tôi.

Khi xuống Hội An tôi cũng để lại tuổi thơ bên ngoài cổng tam quan chùa Viên Giác. Năm năm trong chùa tôi không có tuổi thiếu niên. Công việc chính của tôi là đọc kinh, đọc sách, quét lá, đánh chuông khuya, lau bàn ghế, tưới hoa, làm đậu hủ mỗi tháng hai kỳ.

Nhiều người, bà con và bè bạn vẫn còn sống hôm nay nhưng ngoài cô ruột tôi ở Ngã Ba Huế đã qua đời, không ai biết hết về tôi. Nhưng tôi đã sống. Nhiều người nghĩ tôi có ý chí cao và vượt qua nghịch cảnh. Chưa hẳn thế. Như chiếc lá trôi trong dòng đời tôi nương theo Nhân Duyên để sống và sống lạc quan.

Hôm trước tôi bị cảm suốt hai tuần, bà xã hỏi, khi còn ở trong chùa nếu bịnh thì ai lo. “Không ai lo cả”, tôi trả lời vợ. Chiếc giường hẹp được đặt sát bên cửa sổ mưa lớn nước tạt vào. Chiếc mền mỏng không đủ ấm vào mùa đông. Chiếc chiếu rách viền. Bầy rệp đỏ gần gũi như những láng giềng thân thiết. Tiếng lá reo suốt những đêm thu nhắc tôi phải dậy sớm đi quét. Đó là không gian của tôi. Thế thôi. Dĩ nhiên tôi không ghét ai nhưng tôi cũng không thương ai quá đỗi đậm đà. Tôi đến không ai chờ và đi không ai tiễn. Trong chùa mỗi người có thế giới suy tư riêng và tôi cũng thế. Tôi sống như người khách ghé ngang qua cuộc đời và cuộc đời là quán trọ.

Khi về với má tôi thay đổi nhiều. Tôi sống rất vui. Má giúp tôi tìm lại mười năm tuổi thơ đến trễ của mình.

Happy Mother’s Day Má ơi.

Trần Trung Đạo
Nguồn FB

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209