Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành” (4)

Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành” (4)


Hồi Ký Đặng Hoàng Hà

Tôi nằm ở “An Ninh Nội Chính” (sau này là Sở Công An TP.HCM), rồi sau đó họ chuyển tôi về trại T20 số 4 Phan Đăng Lưu, khu C2 phòng 7. Tại đây tôi ở chung với anh Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh (cựu Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã, giáo sư Đại học Vạn Hạnh), ký giả Đoàn Kế Tường (sau này ra tù, Tường cộng tác với Huỳnh Bá Thành, Phó Giám Đốc Công An Thành Hồ, viết cho tờ Công An Thành Phố, ký tên Đoàn Thạch Hãn), ông Nguyễn Văn Trương, chủ nhà sách và nhà xuất bản Khai Trí…

Vừa vào trong phòng thì anh Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh kéo tôi đến bên anh chỉ chỗ nằm bên cạnh. Anh Trần Dạ Từ ở cạnh buồng tôi. Anh Nguyễn Mạnh Côn và chị Nhã Ca lúc đó ở Khu B. Đến đầu năm 1978 thì chúng tôi lưu lạc tứ tán. Họ chuyển tôi về khám Chí Hòa, Khu AH. Các anh Trần Dạ Từ và Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh bị chuyển đi lao động khổ sai ở trại Gia Trung, trên cao nguyên Trung phần.

Ở Khu AH một thời gian, trước khi đi lao động khổ sai, tôi bị chuyển về khu FG, tại đây tôi lại gặp anh Nguyễn Mạnh Côn. Trong chuyến đi lao cải kỳ này, ngoài anh Côn, còn có anh ruột tôi, Đặng Hải Sơn; nhà văn Duyên Anh Vũ Mộng Long; họa sĩ Đằng Giao Trần Duy Cát (nguyên Tổng Thư Ký nhật báo SỐNG của nhà văn Chu Tử, anh cũng là con rể của nhà văn này).


Ngày nọ, chúng tôi được chở bằng xe bít bùng, còng tay hai người làm một. Chuyến đi đó vào khoảng 100 người. Đến Trại Xuyên Mộc, Khu A, vào lúc xế chiều. Trại trưởng (thường gọi là Ban Giám Thị) lúc đó tên Bến. Hắn nói với chúng tôi tổng quát về “20 Điều nội qui, 38 Điều nếp sống văn hóa mới, và 4 Tiêu chuẩn cải tạo”. Sau khi đó, họ chuyển chúng tôi vào ở chung buồng với những anh em cải tạo khác, trong buồng đủ mọi thành phần sỹ quan, công chức cao cấp chế độ cũ như thẩm phán, chánh án, phó quận, phó tỉnh, các trưởng phó ty, sở…

Sáng hôm sau, toàn thể anh em chúng tôi tất cả gồm 82 người lại được lệnh lếch thếch chuyển trại vào Khu B vừa đang xây dựng. Từ Khu A vào Khu B tuy chỉ khoảng 2km nhưng không có đường, toàn phải đi bộ băng rừng rất vất vả. Khu này lúc đó Ban Giám Thị là Thượng úy công an tên Hiểu. Chúng chia (gọi là “biên chế”) tất cả chúng tôi thành ba đội, 12,13 và 14.

Duyên Anh ở đội 12 được cử làm đội trưởng. Tôi, anh Nguyễn Mạnh Côn, và anh Đặng Hải Sơn (anh Sơn nguyên là Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh Tuyên Đức kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Thanh Niên Tuyên Đức/Đà Lạt năm 1970-1971; năm 1974 về làm chuyên viên cho Bộ Trưởng Kinh Tế Nguyễn Đức Cường; chức vụ sau cùng năm 1975 là Giám Đốc Bộ Kinh Tế cho đến ngày đứt phim). Họ tống chúng tôi vào đội 14 do họa sỹ Đằng Giao Trần Duy Cát làm đội trưởng. Mỗi buồng ở đây chứa khoảng bốn hoặc năm đội, mỗi đội trên dưới 40 người. Trong buồng có hai tầng. Tôi, anh Côn và anh Sơn ngủ sát vách tầng dưới ở ngay cửa buồng bước vào.

Vậy là số phận của tôi và anh Nguyễn Mạnh Côn có lẽ do trời xếp đặt phải ở cạnh nhau. Hàng ngày hai buổi sáng, chiều chúng tôi phải đi “Lao động Vinh Quang”, thứ bảy phải “Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa”. Riêng anh Côn được trại đặc ân khỏi đi lao động vì tuổi già sức yếu. Chúng tôi nằm tầng dưới, Duyên Anh và Đằng Giao nằm tầng trên. Anh Côn ăn chung với hai anh em tôi, Duyên Anh và Đằng Giao là một cặp. Anh Côn ăn xong thường không rửa chén dù chỉ có một cái duy nhất, tôi đòi rửa cho anh thì anh không chịu, anh nói “Rửa làm gì cho mất công, để đó chiều ăn tiếp”.

Thời gian gần đến Tháng Tư 1979, tức gần đủ ba năm như bản án cải tạo mà chế độ cộng sản đã đọc cho chúng tôi nghe trước khi lên trại, những đêm đó, anh Côn thường tâm sự với tôi. Anh nói “Chúng ta phải làm gì khi đủ ba năm chứ? Không lẽ để họ giam mình suốt đời sao?”. Anh cũng chỉ tâm sự đến đó, không nói sẽ làm thế nào, lúc nào hành động?


Thế rồi việc gì đến phải đến. Sáng ngày 2 Tháng Tư 1979, khi tiếng kẻng vang lên để báo mọi người ra sân xếp hàng đi lao động như thường lệ, chúng tôi đang sắp đi thì bất ngờ anh Nguyễn Mạnh Côn cũng đòi đi theo ra xếp hàng. Nên nhớ trong trại đi lao động là cưỡng bách, muốn khai bệnh để nghỉ một ngày cũng rất khó, huống chi anh được trại cho miễn lao động là một đặc ân không ai có được.

Tôi, anh Sơn, anh Đằng Giao Trần Duy Cát nghĩ là anh Côn hôm nay muốn đi lao động để cho biết thế nào là “Lao Động Khổ Sai” chăng? Nên hết mực khuyên anh ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, ra hiện trường cuốc đất nắng nôi vất vả lắm. Nhưng anh nhất định không nghe. Anh cương quyết ra xếp hàng. Tuy gọi là xếp hàng nhưng tất cả mọi người đều phải ngồi theo đội. Khi nào cán bộ trực trại gọi đến đội nào thì đội đó đứng dậy, đội trưởng báo cáo tổng số người trong đội, bệnh mấy người, bao nhiêu người lao động, rồi mới xuất trại đi làm. Vì cùng đội nên hôm đó anh Nguyễn Mạnh Côn xếp hàng sau tôi, ngồi hàng cuối cùng của đội.

Trong khi toàn trại đã ngồi vào hàng đầy đủ, chờ cán bộ trực trại gọi từng đội để đi lao động, bỗng anh Nguyễn Mạnh Côn đứng lên giữa trại nói lớn: “Tôi Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn chế độ cũ, lãnh án ba năm tập trung cải tạo. Hôm nay ngày 2 Tháng Tư 1979 đã thụ án đủ ba năm, tôi yêu cầu Ban Giám Thị viết giấy ra trại trả tự do cho tôi, để tôi về với gia đình. Kể từ hôm nay tôi không còn là người tù. Tôi sẽ không ăn cơm của trại nữa”. Anh vừa nói xong, toàn thể hàng ngàn tù nhân và công an trại giam im phăng phắc, không một tiếng động. Bỗng tên công an quản chế, hai hàm răng rít lại, nói: “Anh Nguyễn Mạnh Côn ra gốc cây phía sau ngồi chờ”.

Sự việc xảy ra sáng hôm đó đã làm rúng động toàn trại, không những cho các tù nhân mà còn cho cả bọn công an trại giam, từ giám thị trại cho đến bọn công an tép riu. Lúc đầu chúng đối xử mềm mỏng, như là nhượng bộ những đòi hỏi của anh. Chúng yêu cầu anh đừng tuyệt thực, hãy ăn uống bình thường. Chúng cung cấp thịt cá cho anh ăn hàng ngày, trong khi chờ đợi gửi hồ sơ của anh về bộ để cứu xét thả, vì ở trại chỉ có quyền giữ, không có quyền thả.

Anh Nguyễn Mạnh Côn cương quyết không chịu, yêu cầu phải thả ngay tức thì, vì anh đã thụ án cải tạo ba năm tròn, không thể viện bất cứ lý do gì để giam anh. Chúng thấy mua chuộc cho ăn thịt cá (tù đến muối cũng không có mà ăn, đừng mơ đến cá thịt), chúng lên kế hoạch sắt máu. Lúc đầu anh còn ở trong phòng bên cạnh tôi, vẫn nói cười vui vẻ. Vài hôm sau, khi chúng tôi đi lao động về thì thấy anh không còn ở trong phòng. Chúng đã chuyển anh sang phòng khác. Phòng này cách phòng tôi không xa, mới làm xong chưa có người ở. Chúng nhốt anh một mình ở đó, công an canh gác ngày đêm không cho ai đến gần.

Chúng tôi mỗi lần đi lao động về có nhìn từ xa vào, nhưng không thấy gì nên không biết tình trạng của anh ra sao. Hỏi trật tự trại cũng không biết rõ, vì họ cũng không được đến gầ̀n. Vài hôm sau vào những buổi chiều khi đi lao động về, nghe tiếng anh kêu rống lên thảm thiết “Khát quá, khát quá”. Thì ra chúng không cho anh uống nước. Tiếng kêu rên của anh nghe rất rõ.

Sau một thời gian khoảng một tháng, không biết bọn trại giam dụ dỗ, uy hiếp bằng cách nào, chúng đã bắt anh phải khuất phục và hạ nhục anh bằng cách bắt anh ra đứng trước toàn trại, đọc bản kiểm điểm nhận lỗi. Hôm đó tôi thấy anh như người mất hồn, không còn chút sinh khí. Lúc đó có nhiều người cho anh như vậy là hèn hạ, không xứng danh bản lãnh của một kẻ sỹ. Khi đã làm nhục anh trước toàn thể tù nhân và công an trại giam xong, chúng đưa anh đến ở chung trong buồng giam hình sự, tức ở chung với bọn côn đồ, trộm cướp, hiếp dâm. Cho đến sáng ngày 1 Tháng Sáu 1979 thì chúng tôi nhận được tin anh qua đời.

Trước đây tôi đã đọc một số tác phẩm của anh Nguyễn Mạnh Côn, như Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử, Lạc Đường Vào Lịch Sử… Tôi rất thích loại truyện tiểu thuyết lịch sử này. Anh Nguyễn Mạnh Côn lại là nhân vật đi làm lịch sử giai đoạn đó. Một lần, anh Trần Dạ Từ đưa tôi tới nhà anh Côn vào lúc xế chiều. Nhà anh ở hẻm Phan Chu Trinh, gần ngã tư Phú Nhuận. Anh Từ giới thiệu sơ lược về tôi với anh Côn. Tôi bắt đầu trình bày với anh Côn về Dự Án Lập Ấp Kiểu Mẫu cho người sắc tộc Miền Bắc Di Cư, theo mô hình của Kibbutz Do Thái, có thay đổi chút ít cho phù hợp với tập quán của người sắc tộc.

Anh Côn hoạt động cách mạng từ hồi còn rất trẻ. Năm 1946 anh đã là Đại Biểu Quốc Hội trong chính phủ liên hiệp, một trong 70 ghế mà chính phủ Hồ Chí Minh dành cho các đảng phái quốc gia. Nhưng sau đó cái Quốc Hội đó thế nào thì ai cũng biết.

Phải nói cuộc gặp gỡ trò truyện hôm đó rất hữu ích cho tôi. Anh là người dày dạn kinh nghiệm. Thấy tôi nai tơ mới lò dò bước vào nghề hoạt động, anh nhắc nhở và chỉ bảo một cách tận tình. Thấy tôi là người trẻ, có tinh thần dấn thân cho đất nước, anh rất thích. Anh hẹn tôi sáng mai anh sẽ dẫn tôi và anh Từ vào gặp người bạn thân của anh đang là Phó Đổng Lý Văn Phòng Phủ Chủ Tịch, tên Đào Xuân Dung, đặc trách đất đai toàn quốc. Vào cổng phía đường Nguyễn Du. Anh khuyên chúng tôi nên đi thêm một người nữa thì tốt hơn.

Anh Từ quyết định rủ thêm giáo sư Phan Văn Phùng đang là Tổng Thư Ký CPS, viết tắt của “Chương Trình Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường”, trụ sở tại 69 Bis đường Gia Long, quận 1, Sài Gòn. Nhóm này hậu thân của Chương Trình Hè 1965. Hôm sau chúng tôi đến trước cổng đường Nguyễn Du đợi trước, vì anh đạp xe đạp lọc cọc đến sau. Anh không thích ai đón rước, ngay cả Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đưa xe đến tận nhà đón, anh cũng từ chối.

Đợi ở cổng một lúc thấy chưa được gặp, anh có vẻ bực mình. Anh yêu cầu viên cảnh sát gác cổng cho anh nói chuyện với ông Đào Xuân Dung. Thấy anh Côn là người ra vào thường xuyên Phủ Chủ Tịch nên viên cảnh sát gác cổng đồng ý cho anh nói chuyện trực tiếp với ông Đào Xuân Dung. Tôi nghe anh Côn nói lớn: “Sao, mày có chịu tiếp không? Tao đã đợi gần 10 phút rồi. Nếu bận thì tao đi về, chứ đợi thế này là không được.” Không biết trong trả lời thế nào, anh bỏ phone xuống nói với chúng tôi: “Từ trước đến giờ, nếu đợi quá năm phút là moi đi ngay.” Chừng ít phút sau thì cảnh sát gác cổng cho biết là mời chúng tôi vào, ông Đào Xuân Dung đang chờ ở văn phòng.

Anh Nguyễn Mạnh Côn qua đời vào sáng ngày 1 Tháng Sáu 1979. Hôm đó đúng là trời sầu đất thảm. Mưa to, gió lớn suốt ngày. Chúng tôi không phải đi lao động, ngồi trong buồng nhìn ra ngoài thấy quan tài của anh Côn trên xe cải tiến, do bốn người tù hình sự kéo ra chôn ngoài nghĩa địa của trại…

(CÒN TIẾP)









Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209