Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành” (5)

Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành” (5)


Hồi Ký Đặng Hoàng Hà

Trong thời gian này, chúng đưa cán bộ giáo dục ra chỗ lao động của chúng tôi, để thăm dò và động viên chúng tôi hãy tin tưởng vào chính sách khoan hồng của đảng và chính phủ. Đừng nên hành động như anh Nguyễn Mạnh Côn. Những người thuộc hồ sơ VỤ ÁN VĂN NGHỆ SĨ CHẾ ĐỘ CŨ trong trại chỉ có năm người, ngoài anh Côn còn có: Duyên Anh, họa sĩ Đằng Giao, anh Đặng Hải Sơn, và tôi, Đặng Hoàng Hà. Chúng tôi từng người đều được hỏi và khuyên không nên tranh đấu theo kiểu anh Nguyễn Mạnh Côn.

Thời gian này, anh Sơn và tôi bàn nhau chuyện trốn trại. Chúng tôi đã từng đọc tiểu thuyết trứ danh của Henri Charrière – Papillon – được dịch là Người Tù Khổ Sai. Trong cái chết, phải tìm ra sự sống. Nhưng muốn trốn trại, chúng tôi cần nhiều việc phải làm. Như phải bí mật thăm dò đường đi nước bước của các nông trường gần đó. Vì nếu trốn trại đi lọt vào nông trường sẽ bị họ bắt giao cho trại ngay. Ngoài ra, chúng tôi phải điều nghiên chạy sao để có thể đến những chỗ có nước. Nếu không sẽ chết khát. Chúng tôi cũng phải báo cho gia đình, trong những lần thăm nuôi, biết ý định đó, để gửi cho chúng tôi những thứ cần thiết, như may cho mỗi người hai bộ bà ba đen, tay dài, kim chỉ, một số tiền mặt giấu kín trong cây xà bông dài.

Một ngày cuối năm 1979, chúng yêu cầu bọn tôi mang tất cả đồ dùng cá nhân ra tập họp ở giữa sân. Cán bộ quản chế đã biên chế lại toàn thể tù nhân. Tôi và anh Sơn theo biên chế mới đã ở khác buồng, khác đội. Việc trốn trại cùng nhau trở nên khó khăn. Chúng tôi đã chôn tiền ở ngoài khu rừng, có đánh dấu.

Đầu năm 1980, các tù nhân sĩ quan tập trung ở “trại vườn đào” và tù “quân phạm” – tức những bộ đội Việt Cộng ở Campuchia can tội trộm cướp, hiếp dâm. Khu B lúc này đã làm xong 10 buồng. Mỗi buồng chứa trên 200 tù nhân. Khu B lúc này đã có trên 2.000 người. Ngoài Khu A nhiều hơn, có lẽ trên 3.000 người. Như vậy trại tù Xuyên Mộc có khoảng 5.000 tù nhân.

Tết năm 1980, trại không tổ chức văn nghệ cho tù nhân như năm trước. Năm nay họ tổ chức đá banh. Khu A và Khu B, mỗi khu đều lập một đội bóng tròn. Trong thời gian tập luyện, anh Sơn và tôi bàn với anh Minh, nên nhân dịp Tết đi đá banh, chúng không canh phòng kỹ, chúng ta nên nhân cơ hội này cùng nhau trốn. Anh Minh đồng ý ngay. Chúng tôi còn bàn là sau khi trốn, sẽ lần đường đi vượt biên qua ngã Campuchia để đến Thái Lan xin tỵ nạn. Không về nhà, vì chắc chắn chúng sẽ đợi sẵn ở đó. Gần đến Tết, chúng tôi lại có thêm một bạn đồng hành nữa là Dương Đức Dũng, ký giả nhật báo Trắng Đen, là sĩ quan tuỳ viên của Tướng Nguyễn Khoa Nam.

Tất cả kế hoạch đã chuẩn bị đầy đủ, chỉ đợi ngày giờ thuận lợi là thi hành. Thời gian đá banh, chúng tôi đã luyện tập, chạy nhảy, ăn uống đầy đủ để lấy sức. Thời cơ đến. Ngày mồng 2 Tết năm 1980, đội banh được lệnh ra Khu A đá tranh giải. Chúng tôi đi phía sau cùng và chuẩn bị khi đến chỗ vắng thích hợp là bỏ chạy vào rừng. Nhưng đi suốt, từ Khu A cho đến Khu B, chúng tôi thấy, chúng rải công an vũ trang, đi dọc theo chúng tôi hai bên đường. Biết không thể trốn được, anh Sơn láy mắt, bỏ kế hoạch…

Chúng tôi đã ở tù được năm năm. Thời gian càng lâu thì sức lực càng kém. Khi đi lao động, cuốc đất, phá rừng, gặp bất cứ con vật gì, miễn là nó nhúc nhích là chúng tôi bỏ vào miệng nuốt tất, từ rắn, rít, bò cạp, chuột rừng, cóc nhái, mối chúa… Gặp bất cứ thứ rau rừng nào có thể ăn được là chúng tôi hái vội bỏ vào lon guigoz. Chúng tôi gọi đó là “cải thiện riêng”. Vài tháng sau, trong một lần gặp riêng, anh Sơn bàn với tôi là nếu đợi Tết sang năm thì dài quá, mà chưa chắc sang năm chúng lại tuyển đội đá banh. Cho nên anh tính, từ nay trở đi, nếu ai có cơ hội thuận tiện có thể trốn được thì cứ thực hiện, không cần phải đợi cùng trốn.

Ngày 20 Tháng Tám 1980, ngày định mệnh đến. Trưa hôm đó, anh Sơn mang bó rau muống, đứng sát hàng rào, vẫy tay. Tôi buồng bên này, đi tới hàng rào phân chia buồng, lấy bó rau muống anh Sơn đưa cho tôi. Trong khi đưa rau, anh ghé sát tôi nói nhỏ:

– Chiều nay anh sẽ trốn trại. Anh không biết có thoát hay không nhưng anh dứt khoát trốn. Anh báo cho chú biết để đối phó với mọi tình thế. Chú có cơ hội thì hãy thực hiện sau đó.

Chiều hôm đó, các đội đã về trại đã gần đủ. Trong trại, mọi người đang lên lò để nấu ăn cho buổi tối. Bỗng có ba phát súng nổ chát chúa. Đó tiếng súng của bảo vệ báo động có người trốn trại. Trong này mọi người còn đang ngơ ngác, không biết ai, và đội nào có người trốn trại chiều nay? Tôi đã biết ngay là anh Sơn. Tôi đang nấu ăn thì trật tự vào báo, cán bộ quản chế muốn gặp. Lên đến nơi tôi gặp Đệ và Cần, là hai cán bộ quản chế của Khu B. Hai người nói với tôi:

– Anh biết anh của anh là anh Sơn chiều nay đã trốn trại. Điều này rất ảnh hưởng đến việc học tập cải tạo của anh. Tôi chắc là trước khi đi, anh Sơn thế nào cũng báo cho anh. Chúng tôi đang tính phạt còng tay chân anh vô thời hạn. Nhưng Ban Giám Thị đã quyết định không làm như vậy. Chúng tôi mong anh hợp tác với trại. Viết thơ về gia đình khuyên anh Sơn ra trình diện. Chúng tôi sẽ khoan hồng và chỉ học tập thời gian nữa là sẽ được thả.

Nghe bọn cộng sản thả mồi, tôi phủ nhận hoàn toàn không biết gì về việc anh mình trốn trại. Vì tôi và anh Sơn khác buồng, khác đội. Tôi đồng ý sẽ viết thư về gia đình, khuyên anh Sơn ra đầu thú để được khoan hồng như ban giám thị trại hứa hẹn. Hai tuần sau, vợ anh Sơn lên thăm nuôi tôi. Lẽ ra trại cắt thăm gặp nhưng phút chót, họ quyết định cho tôi gặp lần cuối, trước khi cắt thăm nuôi vĩnh viễn. Trong khi gặp mặt, chúng tôi đóng kịch như không hề biết đến việc anh Sơn trốn trại.

Hai tháng sau ngày anh Sơn trốn trại, trong một ngày thăm nuôi thứ bảy, Minh Suyễn có vợ lên thăm nuôi. Gia đình Minh Suyễn ở đường Tự Do, Sài Gòn, nên mỗi lần đi thăm nuôi thường đi chung cùng vợ anh Sơn, vì thế nên hai người có quen biết nhau. Từ thông tin của vợ, Minh Suyễn báo lại cho tôi biết, anh Sơn đã vượt biên đến Mã Lai. BBC đã phỏng vấn và phát trên đài. Tuy nhiên, sau đó, điều tra kỹ lại thì đó là tin giả. Anh Sơn vẫn còn trốn ở trong nước…

Đến năm 1981, trại biên chế lại toàn bộ. Tôi lại về buồng khác đội khác. Trong đội mới này, tôi nằm cạnh ông Nguyễn Dần, can tội vượt biên. Mỗi tối khi lao động về, ông đều cầm cuốn Anh văn để học. Trại cấm mọi sách vở nhưng không biết tại sao ông giấu được quyển sách này. Một buổi tối, ông gạ tôi:

– Anh ruột anh là anh Sơn đã trốn trại thành công. Anh ở đây bị cắt thăm nuôi vĩnh viễn làm sao sống được. Anh nên nối gót của anh Sơn.

Chúng tôi bàn chuyện cùng nhau trốn trại. Cả hai nhận xét là vào mùa thu hoạch bắp là thời gian thuận tiện nhất. Vì cây bắp lúc đó cao quá đầu người, khi đã vào trong sẽ không ai thấy ai. Rất dễ cho việc tẩu thoát. Đồng ý như vậy. Chúng tôi chuẩn bị những thứ cần thiết. Đùng một cái, tôi bỗng nhiên bị bệnh đường ruột. Suốt gần một tháng, không thể ăn được, chỉ uống nước cháo, nếu có hạt gạo nào còn trong nước cháo là ruột đau quặn, không thể chịu nổi. Anh em trong buồng quyên góp hơn trăm viên thuốc trụ sinh cho tôi uống.

Ông Dần giục tôi tập luyện thể lực để chuẩn bị trốn, vì thời điểm đã tới. Ông cho biết, bên ngoài gia đình ông đã chuẩn bị ghe thuyền đầy đủ, khi ra đến nơi là đi ngay. Dù rất muốn nhưng vì sức khoẻ còn yếu quá, tôi đề nghị lui lại nửa tháng. Ông Dần đồng ý. Nhưng bệnh đến như núi sập, bệnh đi như nhả tơ. Dù đã lùi lại 15 ngày nhưng sức khoẻ tôi vẫn còn rất yếu. Cuối cùng, ông Dần đi một mình.

Sáng sớm hôm sau thì được tin là sự trốn trại của ông không thành công. Vài hôm sau tìm hiểu thì được biết ông Nguyễn Dần đã đi suốt đêm, băng rừng đến được thị trấn Bàu Lâm, cách trại Xuyên Mộc khoảng 30km. Ông Dần đã khinh xuất, thay vì tiếp tục băng rừng đi đến thị xã Long Khánh, cách Bàu Lâm khoảng 40km nữa, có lẽ ông đã thoát nạn. Nhưng ông lại ghé bến xe Bàu Lâm – Long Khánh, tính đi xe đò ra Long Khánh, và ông bị toán công an trại phục kích và bắt tại đó. Thay vì dẫn ông về trại, chúng đưa ông vào bìa rừng gần đó, bắn ông chết, rồi chở xác ông về…

Đầu năm 1983, có những người thăm nuôi, gửi báo Tuổi Trẻ vào. Tôi đọc trong báo thấy có tiểu thuyết mang tên VỤ ÁN HỒ CON RÙA của tác giả Huỳnh Bá Thành. Thoạt đầu tôi không nghĩ họ viết về mình. Nhưng sau nhiều tuần liên tiếp, tôi biết là họ đang viết về tôi. Cho đến giữa năm 1983, tác phẩm VỤ ÁN HỒ CON RÙA được in thành sách. Trong trại lúc đó cũng có người được thân nhân gửi vào. Họ chuyền tay nhau đọc, và sau cùng tôi cũng được đọc cuốn sách đó.

Huỳnh Bá Thành trước 1975 làm cho nhật báo Điện Tín của nghị sĩ Hồng Sơn Đông, dưới bút hiệu Họa sĩ Ớt, chuyên vẽ hí họa. Sau 30 Tháng Tư 1975, mọi người mới biết Ớt là cộng sản nằm vùng, trong cụm Điệp báo A10 của cộng sản. Sau này Huỳnh Bá Thành làm Tổng biên tập báo Công An TP, cấp bực đại tá, phó giám đốc Công an Thành Hồ. Trong tác phẩm này, Huỳnh Bá Thành dựng đứng những nhân vật tưởng tượng gán vào tôi, như bác sĩ Trà Mi, Hoa Khôi trường nữ Trung Học Đồng Khánh Huế, và sau nay là hoa khôi Trường Y Khoa.

Vì tôi “bị gài mỹ nhân kế” nên tiết lộ những bí mật của tổ chức cho Trà Mi, trong khi Trà Mi lại là người của tình báo cộng sản. Những chuyện dựng đứng không hề có như vậy, họ cũng viết được. Nếu chỉ thuần túy là tiểu thuyết trinh thám thì không ai nói gì nhưng tác giả lại nói đây là sự thực 100/100.

Sau này nhà văn Duyên Anh qua Pháp viết hồi ký Nhà Tù có đề cập đến tác phẩm Vụ Án Hồ Con Rùa. Anh viết:

“Trong Vụ Án Hồ Con Rùa, bỏ qua thứ văn chương hạng bét, và thứ kiến thức giầy dép của Huỳnh Bá Thành, cộng sản khẳng định chúng tôi là tay sai của CIA gài lại. Căn nhà số 104 đường Công Lý (sau này đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa) của vợ chồng Đằng Giao là trụ sở lui tới họp bàn của chúng tôi. Bút hiệu của chúng tôi được nhai nhái hơi hơi giống nhau. Đằng Giao là Đỗ Gia. Chu Vị Thủy là Chu Nữ. Vợ chồng Nhã Ca, Trần Dạ Từ là Lê Dạ, Tú Dung, Nguyễn Mạnh Côn là Nguyễn Côn. Tôi là Vũ Long…

Cộng sản đề cao Hoàng Hà Đặng (tên thật là Đặng Hoàng Hà) như một lãnh tụ ghê gớm, ngang cơ với Hồ Chí Minh thuở còn hoạt động bí mật. Thật ra Đặng Hoàng Hà chỉ là anh phóng viên tài tử, con người hiền lành, chưa từng biết đến tình báo là cái gì. Đưa chúng tôi lên mây, trao mìn vào tay chúng tôi, cho chúng tôi thảo luận chiến lược với các cố vấn Mỹ trước 1975, rồi khi tóm được chúng tôi thì mô tả chúng tôi là những thằng “ăn mày”, những thằng “đói thuốc phiện thất thểu” vào tù đền tội, và “xưng em” với công an ngọt xớt…

Sau khi cuốn Vụ Án Hồ Con Rùa phát hành được hai năm, năm 1984, Vụ Án Hồ Con Rùa được dựng thành phim. Thương Tín đóng vai Hoàng Hà Đặng và Thúy Lan, giảng viên trường Âm Nhạc Sài Gòn đóng vai bác sĩ Trà Mi. Sở dĩ tôi biết rõ như vậy vì người nhà đến thăm nuôi các anh em tù chính tri, gửi báo Tuổi Trẻ vào. Trong tờ Tuổi Trẻ viết rất chi tiết các vai diễn. Tôi thấy hình cô Thúy Lan, phải nói cô ta rất đẹp. Tôi không hiểu một trí thức, xinh đẹp, có tài âm nhạc như cô lại chịu nhận lời đóng một vai tưởng tượng, không hề có thật như vậy.

Trong hồi ký Một người mất ngày tháng xuất bản ở Mỹ năm 1989, chị Nhã Ca cũng có đề cập đến cuốn phim, và chị cho biết người được chỉ định đóng vai của chị đã đến quán cà phê 142 Đồng Khởi, Q.1 Sài Gòn, nhìn cách đi đứng của chị để bắt chước. Chị biết nhưng lờ đi…

(CÒN TIẾP)

Đặng Hoàng Hà

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209